Sunday, June 16, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiChính sách của phương Tây về Ukraine 'thất bại hoàn toàn'

Chính sách của phương Tây về Ukraine ‘thất bại hoàn toàn’

Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto nói Mỹ và đồng minh EU đang thực thi “chính sách thất bại”, đưa ra những tuyên bố “điên rồ” về việc gửi quân tới Ukraine.

Phát biểu tại Tổ chức Hòa bình Sasakawa ở Tokyo trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto giải thích quan điểm bất đồng của Budapest về chủ đề xung đột Nga – Ukraine. Ông Szijjarto cho biết, chiến lược Ukraine do Mỹ và EU phát triển đã “thất bại hoàn toàn” .

“Trong cuộc thảo luận về gói trừng phạt đầu tiên, hơn hai năm trước, tôi đã đặt ra câu hỏi về mục đích của các biện pháp này. Và câu trả lời là buộc Nga phải quỳ gối về mặt kinh tế, sớm kết thúc chiến sự”, ông Szijjarto nói.

“Nga có quỳ gối không? Không. Xung đột có kết thúc không? Chắc chắn không. Thay vào đó, các lệnh trừng phạt đã gây tổn hại cho nền kinh tế EU”, ông Szijjarto nói, chỉ ra rằng nhiều quốc gia tự hào về việc loại bỏ dầu khí của Nga nhưng cuối cùng lại mua chúng từ bên thứ ba như Ấn Độ với giá cao hơn.

“Chúng tôi đang thảo luận về gói trừng phạt thứ 14. Biện pháp trừng phạt trước đó đã thất bại”, Ngoại trưởng Szijjarto cho hay. Ông nói quan điểm của Budapest có thể mâu thuẫn với hầu hết EU, nhưng phù hợp với phần lớn các nước trên thế giới.

Nhà ngoại giao Hungary phản đối “những tuyên bố điên rồ” của các chính trị gia hàng đầu EU về việc gửi quân NATO tới Ukraine, lưu ý rằng những cuộc thảo luận như vậy đang trở nên “ngày càng nguy hiểm” và làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga.

“Quân đội Hungary sẽ không tham gia vào việc này, Không một đồng euro nào của những người nộp thuế Hungary được phân bổ cho việc đó”, ông Szijjarto tuyên bố.

Hungary gia nhập NATO vào năm 1999 và EU vào năm 2003. Tuy nhiên, Thủ tướng Viktor Orban không đồng tình với chính sách của EU và Mỹ về việc trang bị vũ khí cho Ukraine, thay vào đó kêu gọi chấm dứt xung đột với Nga bằng hoà đàm. Hungary đã không gửi bất kỳ vũ khí nào đến Kiev, cũng như không cho phép sử dụng lãnh thổ của nước này để vận chuyển vũ khí cho Ukraine bất chấp áp lực rất lớn từ Brussels và Washington.

RELATED ARTICLES

Tin mới