Wednesday, June 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiBOTEN - ván cờ “đổi đất lấy hạ tầng giao thông” của...

BOTEN – ván cờ “đổi đất lấy hạ tầng giao thông” của Lào

Từ mẫu hình thành công của các nước khác, như Trung Quốc – Hàn Quốc, Lào đang theo đuổi việc xây dựng các đặc khu kinh tế với mong muốn đưa nền kinh tế quốc gia lên một tầm cao mới. Để hiện thực hóa, Lào tìm kiếm sự đầu tư từ Trung Quốc, bất chấp những cảnh báo rơi vào bẫy nợ. Với việc chính quyền Bắc Kinh thúc đẩy các dự án đặc khu của Lào như một phần trong sáng kiến Vành đai và Con đường, đặc khu kinh tế Boten trên biên giới của Lào – Trung là một minh chứng tiêu biểu nhất cho việc dùng đất đổi lấy vốn của quốc gia này.

Boten, cửa ngõ biên giới giữa Lào và Trung Quốc

Đi theo tuyến đường sắt Trung Quốc – Lào về phía Nam, băng qua những cánh rừng. Điểm dừng chân đầu tiên của bạn sẽ là cửa khẩu Boten thuộc địa phận của tỉnh Luông Nậm Thà. Đây là một trong hai cửa khẩu chính của biên giới Trung – Lào, đồng thời cũng là một trong những điểm nhập cảnh chính của hàng hóa từ Trung Quốc đến Đông Nam Á. Sau thời gian đóng cửa do dịch bệnh, cửa khẩu này đã mở cửa trở lại vào ngày 8/11/2023. Chỉ ba ngày sau đó đã có hơn 1.270 người đi qua cửa khẩu Boten, bao gồm hơn 420 người đi từ Trung Quốc sang Lào và 850 người từ Lào sang Trung Quốc.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng trước và trong suốt những năm 1980, nơi đây vốn chỉ là một ngôi làng nhỏ bé ở biên giới ít được chú ý. Thời thế thay đổi từ khi đất nước Triệu Voi mở cửa kinh tế vào năm 1986 và nhen nhóm lại quan hệ ngoại giao với Trung Quốc bắt đầu từ năm 1989.

Năm 1991, Ủy ban biên giới Lào – Trung được thành lập để tăng cường thương mại và đầu tư của Trung Quốc tại Lào. Đến năm 1995, chính quyền tỉnh Luông Nậm Thà đã xây dựng một khu thương mại nhỏ tại đây để khuyến khích việc buôn bán với các thương nhân Đại lục, khởi đầu cho nhiều hoạt động tái định cư và mở rộng quy mô xây dựng đầu tiên ở vùng biên giới Trung – Lào.

Năm 2003, Boten được chính quyền Lào chỉ định trở thành đặc khu kinh tế đầu tiên của đất nước và đóng vai trò đầu tàu thu hút dòng vốn đầu tư của nước ngoài, cụ thể là thu hút các công ty Trung Quốc vào thuê đất để xây dựng nhà xưởng và phát triển các ngành công nghiệp. Kết quả là từ đầu những năm 2000, cộng đồng địa phương của Lào ở Boten là những người chủ yếu sinh sống bằng nghề làm nông, đã được di dời đi nơi khác. Đó cũng là lý do mặc dù là một phần của Lào, nhưng hầu hết cư dân ở đây đều nói tiếng Quan Thoại như tiếng mẹ đẻ và sử dụng đồng tiền chính là đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc.

Từ thiên đường cờ bạc cho đến thị trấn bỏ hoang

Mặc dù đã trở thành đặc khu kinh tế của Lào từ năm 2003, nhưng trong suốt 4 năm đầu, nơi đây vẫn là một tiền đồn thương mại nhỏ. Cho đến khi có sự xuất hiện của Tập đoàn Giải trí và Du lịch Phúc Hưng, một công ty đầu tư và phát triển của Hồng Kông, được nhận quyền để thuê cả khu kinh tế này trong vòng 30 năm. Ngay sau đó, họ đã biến Boten từ một thị trấn biên giới hẻo lánh trở thành một thiên đường cờ bạc với các khách sạn, sòng bạc, quán bar và tiệm massage mọc lên như nấm. Những cánh đồng lúa rộng lớn ban đầu được thay thế bằng những tòa nhà cao tầng được xây dựng kiên cố.

Vì cờ bạc được coi là bất hợp pháp ở các nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan và Myanmar, nên đặc khu của Lào nhanh chóng trở thành thiên đường cho hoạt động này. Vào thời kỳ đỉnh cao từ năm 2010-2011, nhờ chính sách miễn thị thực khi nhập cảnh vào Lào, khu vực này đã thu hút hàng nghìn khách du lịch và người đánh bạc đến cùng một lúc. Nó cũng trở thành một lựa chọn hàng đầu của người dân ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. cho kỳ nghỉ cuối tuần, nơi giúp họ có được những trải nghiệm thú vị trong một thế giới hoang dã và tự do.

Nhưng đi đôi sự phát triển nhanh chóng này là hoạt động tội phạm leo thang trong khu vực. Các chủ sòng bạc thường xuyên bắt giữ trái phép, đánh đập, thậm chí tước đi mạng sống khi con nợ không có khả năng chi trả.

Vào năm 2011, Lào đã thắt chặt kiểm soát biên giới cũng như cắt nguồn cung cấp điện cho Boten. Thị trấn biên giới đang phát triển bùng nổ bỗng chốc rơi vào im lặng; các sòng bài cũng bốc hơi gần như chỉ sau một đêm. Đặc khu Boten lại một lần nữa trở nên hoang vắng, như một “thị trấn ma” khi mà phần lớn người dân đã rời khỏi khu vực này.

Sự hồi sinh của Boten

Hiện nay, với việc là một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của ông Tập Cận Bình, thiên đường sòng bạc một thời đang dần trỗi dậy trở lại khi nó nhận được hàng tỷ đô la đầu tư vào cơ sở hạ tầng đến từ Trung Quốc.

Boten trở thành huyết mạch của tuyến đường sắt Lào – Trung

Tuyến đường này được khởi công xây dựng vào năm 2016 hoàn thành vào năm 2021, trong thời điểm dịch bệnh đang diễn ra căng thẳng. Nó có chiều dài toàn tuyến là 1035 km, nối thành phố Côn Minh của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, với thủ đô Viêng Chăn của Lào. Riêng phần trên lãnh thổ của Lào chỉ có chiều dài là 422 km, nối thủ đô nước này đến đặc khu kinh tế Boten.

Vào tháng 2/2023, chính quyền Bắc Kinh đã đưa vào hoạt động tuyến đường sắt khứ hồi đầu tiên dài 1.830 km, kết nối ba nước là Trung Quốc, Lào và Thái Lan.

Tàu chở hàng sẽ khởi hành từ thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, đi qua Lào, đến điểm cuối là Thái Lan và ngược lại. Với hình thức vận chuyển này, thời gian rút ngắn được một ngày và chi phí giảm hơn 20%. Từ tháng 6/2023, mỗi ngày có một chuyến khứ hồi từ Trung Quốc đến Thái Lan thông qua Lào và có thể trong thời gian tới, tuyến đường sắt này sẽ còn được kết nối với nhiều khu vực khác.

Truyền thông Trung Quốc nhấn mạnh rằng, dự án này đã biến Lào từ một nước không giáp biển trở thành một trong những mắt xích kết nối vận tải quan trọng trên đất liền, mở rộng khả năng xuất khẩu sang nhiều quốc gia trong khu vực. Bên cạnh đó, sau một thời gian đóng cửa biên giới vì Covid-19, tuyến đường sắt này còn giúp tăng mạnh lượng du khách từ Trung Quốc sang Lào, góp phần phục hồi ngành du lịch và kinh tế “Đất nước Triệu Voi”.

Tuy nhiên, bên cạnh viễn cảnh tươi sáng, đã có nhiều ý kiến lo ngại về lợi ích thật sự của tuyến đường này, cũng như nhiều hệ lụy lâu dài mà nó mang lại. Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã từng cảnh báo rằng dự án có thể đe dọa đến khả năng trả nợ của Lào khi giá trị công trình này tương đương với khoảng 1/3 GDP của quốc gia. Ngoài ra, những thỏa thuận phức tạp cũng khiến cho nhiều người hoài nghi. Bởi vì thực chất, trong 6 tỷ đô la tiền đầu tư thì chỉ có khoảng 40% là vốn do chính phủ hai nước góp, còn 60% còn lại là vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc. Riêng Chính phủ Lào góp 730 triệu đô la, trong đó trích 250 triệu đô la từ ngân sách nhà nước, 480 triệu đô la còn lại cũng được vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc với lãi suất 2,3%, kỳ hạn 35 năm.

Bên cạnh đó, dự án này còn được ký kết theo dạng hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao, hay còn gọi là BOT. Theo thỏa thuận, nhà đầu tư sẽ khai thác tuyến đường sắt Trung – Lào trong vòng 50 năm, sau đó sẽ được bàn giao lại cho Chính phủ Lào. Vì vậy, tuyến đường sắt có thể sẽ không mang lại lợi ích lâu dài cho xứ sở Triệu Voi do nước này phải liên tục trả nợ và lãi cho Trung Quốc, tới 50 năm sau. Khi đó không rõ nó có còn khai thác được nữa hay không, hay phải bỏ thêm hàng tỷ đô la để sửa chữa.

Nhưng các lãnh đạo của Lào cho rằng, đây là cách duy nhất để đưa đất nước thoát khỏi những hạn chế kinh tế do địa lý áp đặt. Họ muốn so sánh với Singapore, quốc gia đã thoát nghèo nhờ tận dụng vị trí chiến lược như một trung tâm vận chuyển giữa châu Á và phương Tây. Tương tự như vậy, nếu tuyến đường sắt này mang lại hiệu quả như kỳ vọng thì nó sẽ thay đổi cuộc chơi cho nền kinh tế, giúp thúc đẩy thương mại, du lịch và đầu tư nước ngoài.

Ngân hàng Thế giới cũng ước tính rằng, nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch đường sắt Lào – Trung có thể tăng mức thu nhập trong nước lên hơn 20%. Lào cũng khẳng định, nếu không làm những dự án khổng lồ này thì đất nước sẽ không phải vay nợ, nhưng cuộc sống của người dân cũng sẽ mãi nghèo nàn, nền kinh tế cũng ngày càng tụt hậu.

Bên cạnh tuyến đường sắt Lào – Trung, Boten cũng có tên trong một dự án quan trọng khác, đó là dự án đường cao tốc Viêng Chăn – Boten, hay còn gọi là đường cao tốc Lào – Trung. Quá trình xây dựng tuyến đường này sẽ được triển khai thành bốn dự án thành phần, với tổng chiều dài lên tới 440 km, bao gồm đoạn nối thủ đô Viêng Chăn với Vang Vieng; đoạn thứ hai nối Vang Vieng với Luang Prabang; đoạn thứ ba nối Luang Prabang với Oudomxay; và đoạn cuối cùng được kết nối với Boten.

Trong đó, tuyến Viêng Chăn – Vang Vieng có chiều dài khoảng 113 km, đã được khởi công vào năm 2018 và hoàn thành vào tháng 12/2020, sớm hơn so với dự kiến 1 năm, trong khi các giai đoạn tiếp theo vẫn đang được lên kế hoạch triển khai theo hình thức cuốn chiếu. Đây cũng là tuyến đường cao tốc đầu tiên của Lào đã được đưa vào sử dụng. Nó đã giúp rút ngắn thời gian đi từ Viêng Chăn tới Vang Vieng từ 4 giờ xuống còn 1,5 giờ. Tốc độ trên đường cao tốc được ấn định là 120 km/h trên địa hình bằng phẳng và 80 km/h khi đi qua khu vực núi non hiểm trở. Trên toàn tuyến có hơn 30 cây cầu và một đường hầm đôi dài gần 900 m xuyên qua núi.

Đường cao tốc này cũng do Tập đoàn Xây dựng Kỹ thuật Vân Nam của Trung Quốc xây dựng, với tổng chi phí ước tính lên tới 1,2 tỷ đô la. Trong đó, có 95% nguồn vốn là của tập đoàn này, còn lại 5% là của Chính phủ Lào. Đổi lại, Tập đoàn Xây dựng Vân Nam sẽ nắm quyền thu phí cầu đường trong vòng 50 năm, và sau đó sẽ bàn giao lại cho Đất nước Triệu Voi. Như vậy, với vị trí chiến lược trên các tuyến liên kết giao thông hiện đại, Đặc khu Boten đã giành được sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các công ty lớn đến từ Trung Quốc.

Đặc khu Boten có bước chuyển mình nhờ 10 tỷ đô la của Trung Quốc

Vì là điểm đến đầu tiên ở Lào mà hành khách Trung Quốc muốn đặt chân đến bằng tuyến đường sắt mới, nên Boten đột nhiên trở thành một đề xuất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Đây cũng là điểm nóng mới của hành lang kinh tế Trung Quốc và Đông Dương trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai và Con đường, đồng thời là trung tâm mới cho sự hợp tác cùng có lợi giữa Trung Quốc và Lào, sau đó là Thái Lan.

Năm 2016, Tập đoàn Công nghiệp Hải Thành thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc đã giành được quyền xây dựng và phát triển Đặc khu kinh tế Boten trong 99 năm với tham vọng sẽ phát triển Boten trở thành một trung tâm quốc tế theo khuôn mẫu của Hồng Kông và Singapore. Khu vực này có diện tích khoảng 16,4 km2 đã được hứa hẹn là sẽ trở thành một trung tâm hậu cần thương mại, du lịch và là một khu công nghiệp hiện đại hàng đầu tại Lào. Tính đến thời điểm hiện tại, đây là dự án phát triển cơ sở hạ tầng lớn nhất quốc gia này về mặt vốn đầu tư với tổng trị giá lên tới 10 tỷ đô la.

Việc xây dựng đã được bắt đầu vào tháng 12/2016, dự kiến Đặc khu này sẽ được hoàn thành trong vòng 10-15 năm tới. Dù nơi đây vẫn đang tập trung và phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng nó đã thu hút được 369 công ty đầu tư, trong đó có 360 công ty của Trung Quốc. Dự kiến khi đi vào hoạt động, Đặc khu kinh tế Boten sẽ trở thành một trong những đầu tàu thu hút đầu tư cũng như là Trung tâm Phát triển kinh tế lớn nhất cả nước. Đây cũng là khu vực duy nhất ở Lào mà các nhà đầu tư nước ngoài được chính phủ cho phép tự do duy trì quyền sở hữu 100% doanh nghiệp của họ. Đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng đã được sử dụng khắp nơi trên thị trấn, bên cạnh đồng nội tệ của Lào. Thậm chí, họ còn lên kế hoạch cho phép công dân Trung Quốc có thể tự do ra vào Đặc khu kinh tế Boten chỉ bằng thẻ căn cước công dân. Chính phủ Lào còn ban hành các chính sách ưu đãi trong khu vực như xóa bỏ thuế vật liệu xây dựng và hàng nhập khẩu, ưu đãi thuế nhiều năm, đất giá rẻ và cấp quốc tịch Lào cho những ai đầu tư trên 10 triệu đô la.

Tại thời điểm nghiên cứu từ năm 2017-2020, giá trung bình của các căn hộ tại đây là 700 đô la/m2, tương đương 17 triệu Việt Nam đồng. Ngoài các nhà đầu tư tiềm năng đến từ tỉnh Vân Nam, thì nhiều cá nhân và gia đình ở Liêu Ninh cũng đã đến Boten để tìm mua nhà nghỉ dưỡng do họ thích gần gũi với thiên nhiên và trải nghiệm văn hóa địa phương.

Theo một số thống kê tính đến năm 2020, trong số hơn 2000 người đang sống ở Đặc khu Boten, có tới 80% là công nhân Trung Quốc và 20% còn lại là công nhân Lào, Thái Lan và Việt Nam. Như vậy, trong tương lai, Lào có thể thành công trong việc biến vùng đất Boten của họ thành một khu dân cư dành riêng cho người Trung Quốc.

Tuy nhiên, sau hơn 7 năm xây dựng, người ta vẫn thấy Boten chỉ như một ngôi làng ẩn mình trong một cảnh quan đô thị quá khổ. Nơi sôi động nhất vào ban ngày của thị trấn là ngã tư với hàng chục quầy bán rau củ quả, cùng với một vài quán ăn, đã có những tòa nhà cao tầng mọc lên, nhưng nhìn chung vẫn thiếu vắng sự sôi động và sầm uất.

Tác động của dự án tỷ đô Boten

Trong khi nhiều dự án quy mô lớn do Trung Quốc hậu thuẫn ở Lào đang mang theo những vấn đề liên quan đến nợ nần, Đặc khu Boten lại được tư nhân phát triển và tài trợ. Do đó, chính phủ Lào không chịu trách nhiệm tài chính đối với dự án này và nó cũng không nằm trong danh mục nợ quốc gia. Tuy nhiên, dự án tỷ đô Boten vẫn gây ra nhiều tác động tiêu cực đến một số lĩnh vực của Lào.

Tệ nạn xã hội

Với việc chính phủ Lào không thể hoặc không muốn kiểm soát những gì xảy ra bên trong Đặc khu kinh tế của mình, cộng đồng quốc tế đang lo ngại về sự gia tăng của các tội phạm xuyên quốc gia như rửa tiền, buôn bán chất cấm và lừa đảo trực tuyến.

Những lo ngại này đã trở thành sự thật khi mà ngày nay, cả người dân Viêng Chăn và khách du lịch Trung Quốc đang bị thu hút bởi một thứ gì đó lớn hơn nhiều so với dịch vụ sòng bạc của Boten trong quá khứ.

Đó là thị trường bất động sản giá rẻ và sự thoải mái trong các quy định của nhà nước đã vô tình kéo theo nhiều tiêu cực xã hội như mại dâm, buôn bán người. Đặc biệt là dịch vụ mang thai hộ, vốn là bất hợp pháp ở Trung Quốc, lại rất phổ biến.

Sự bất bình đẳng giữa người Lào và người Trung Quốc

Đa số người dân địa phương ở Boten từng bị di dời đã được tái định cư cách đó khoảng hơn 10 km, cuộc sống của họ vẫn gặp rất nhiều khó khăn do không đủ đất để canh tác. Ngày nay, họ đang cố gắng tìm cách quay trở lại để tham gia vào việc xây dựng và phát triển khu vực với tư cách là nhân viên của Tập đoàn Hải Thành. Rất nhiều người đã lên tiếng về việc bị các chủ thầu lạm dụng và phân biệt đối xử, bị trả lương thấp hơn, phải làm việc nhiều giờ hơn công nhân người Trung Quốc.

Trong khi đa số người Trung Quốc đến làm việc tại Boten thường để mở nhà hàng, khách sạn, bán hàng và du lịch, thì gần như tất cả các công dân Lào tại đây đều là những người lao động chân tay và hoặc là nhân viên vệ sinh. Hầu hết các công nhân lành nghề trên công trường cũng đều đến từ Trung Quốc. Đôi khi có những người Lào địa phương, nhưng chủ yếu làm các công việc phổ thông như là vác gạch, kéo cát và xi măng.

Người dân đất nước Triệu Voi giờ đây đang cảm thấy bất mãn bởi vì họ không nhận được bất kỳ sự ưu tiên nào trên chính mảnh đất của mình, thậm chí còn bị coi thường và không ít người đã bị đuổi đi nơi khác. Như vậy sự phát triển của Boten không đi đôi với cải thiện cuộc sống của người dân Lào, mà phần lớn là giúp Trung Quốc giảm bớt gánh nặng về tình trạng thất nghiệp.

Chỉ cần đi bộ trên đường phố Boten, bạn sẽ nhìn thấy vô số các băng rôn và bảng hiệu của Trung Quốc. Nhiều khách du lịch còn hoàn toàn bất ngờ khi họ có thể bắt gặp tiếng Hoa ở khắp mọi nơi và hầu hết hàng hóa tại đây đều được sản xuất từ đại lục. Dù tất cả các cáo buộc về việc người dân Boten bị đối xử bất công vẫn chưa được chính quyền xác thực, nhưng qua đó, chúng ta đã phần nào thấy được cái giá phải trả cho việc đổi đất để lấy vốn của Lào.

Tác động đến môi trường

Trước khi phát triển thành đặc khu kinh tế, Boten đã từng được bao phủ bởi một khu rừng rậm rạp và tươi tốt. Các hình ảnh Google Earth cho thấy độ che phủ rừng đã giảm dần để nhường chỗ cho các giai đoạn xây dựng khác nhau, đặc biệt trong giai đoạn từ năm 2011-2020. Khu vực này cũng đã bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm bụi và tiếng ồn đáng kể, cùng với đó là ô nhiễm không khí từ khí thải xe cộ và máy móc hạng nặng. Thuốc nổ cũng được sử dụng để san bằng cảnh quan đồi núi một thời. Ngoài ra, điều này còn làm gia tăng các hoạt động buôn bán động vật hoang dã trái phép, vốn đã rất khét tiếng tại các khu vực biên giới xung quanh sông Mê Kông. Boten hiện đang phải đối mặt với tình trạng buôn bán mật gấu và là điểm trung chuyển để vận chuyển gấu trái phép giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á.

Bài học từ những thất bại về mô hình đặc khu kinh tế

Dù đặc khu kinh tế đã mang lại thành công cho Hàn Quốc và Trung Quốc, nhưng không có nghĩa là nó sẽ thành công ở Lào. Đương nhiên là còn vài năm nữa dự án đặc khu kinh tế Boten mới hoàn thành, nhưng cảnh vắng vẻ trước mắt của khu vực này đã khiến cho nhiều người không khỏi suy đoán về một tương lai không mấy tốt đẹp của nó.

Điều đáng nói hiện nay là Lào đã có hơn 10 đặc khu kinh tế, nhưng nền kinh tế của quốc gia này vẫn chưa có nhiều khởi sắc như kỳ vọng. Ngay cả đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng nổi tiếng, dù đã có những đóng góp lớn vào tổng GDP của quốc gia, vẫn đầy rẫy những bất ổn về nạn buôn ma túy, buôn người, mại dâm, rửa tiền và đưa hối lộ… Nó có thể sẽ khiến cho Lào chìm sâu hơn vào vũng bùn của tệ nạn và càng làm xấu đi hình ảnh của đất nước này trên trường quốc tế.

Trước khi nhìn vào thành công của Trung Quốc về mô hình đặc khu, có lẽ Lào cũng nên nhìn lại thất bại mà Châu Phi đã từng trải qua khi triển khai mô hình thúc đẩy tăng trưởng này. Trong đó, nguyên nhân chính là sự thiếu kết nối hạ tầng giao thông, cũng như kế hoạch quản lý chiến lược hiệu quả và những vấn đề về bất ổn chính sách trong nước. Vì vậy, dù số lượng các đặc khu kinh tế tăng lên trong những năm gần đây, nhưng chúng đã không đáp ứng được các mục tiêu công nghiệp hóa và thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài.

Nigeria chính là một ví dụ điển hình về sự thất bại này, khi mà vào thập niên 90 của thế kỷ 20, họ đã rót một khoản đầu tư khổng lồ vào khu kinh tế tự do trọng điểm ở Calabar. Hơn một thập kỷ sau đó, chỉ có một công ty hoạt động trong đặc khu kinh tế này.

Ấn Độ cũng đã từng đặt nhiều kỳ vọng vào các đặc khu kinh tế, nhưng đến năm 2015 chỉ khoảng gần 200/560 đặc khu còn hoạt động thực sự, trong đó, có nhiều đặc khu không hoạt động hết công suất. Nguyên nhân là do việc thành lập tràn lan và áp dụng mức ưu đãi thuế dài hạn, cũng như tỉ lệ ưu đãi quá lớn gây thất thu cho ngân sách quốc gia. Ngoài ra, thể chế kinh tế và hành chính của các đặc khu kinh tế của Ấn Độ về cơ bản là không có sự vượt trội rõ rệt.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trong quá trình phát triển đặc khu, sự can thiệp từ chính quyền Trung ương sẽ làm giảm cơ hội thử nghiệm trong những ý tưởng táo bạo ở các đặc khu. Nếu trao quyền lực quá lớn thì có thể dẫn đến việc thiết lập các “Nhà nước bên trong Nhà nước”. Điều quan ngại hơn là các khoản ưu đãi để thu hút nhà đầu tư sẽ kéo theo sự méo mó bên trong nền kinh tế.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới