Saturday, July 27, 2024
Trang chủĐiểm tinHội nghị 'Thượng đỉnh kinh tế' Đông Bắc Á

Hội nghị ‘Thượng đỉnh kinh tế’ Đông Bắc Á

Không có nhiều diễn ngôn chính trị trong hội nghị cấp cao Nhật Bản – Hàn Quốc – Trung Quốc vừa khép lại tại Seoul ngày 27-5. Hợp tác kinh tế, thương mại chiếm sóng trong khi cạnh tranh địa chính trị được nhắc đến rất ít.

Hội nghị cấp cao ba nước Đông Bắc Á lần thứ 9 đánh dấu sự hiện diện của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol. Không ai trong số này có mặt tại hội nghị lần thứ 8 ở Trung Quốc năm 2019, cho phép họ xây dựng một chương trình nghị sự riêng biệt.

Đông Bắc Á nối lại đàm phán về FTA

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường mô tả hội nghị lần này “vừa là sự khởi đầu lại vừa là một khởi đầu mới”, đồng thời kêu gọi nối lại toàn diện hợp tác giữa các cường quốc kinh tế Đông Bắc Á. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh để điều này xảy ra, chính trị phải được tách biệt khỏi các vấn đề kinh tế và thương mại, đồng thời kêu gọi chấm dứt chủ nghĩa bảo hộ và phân tách kinh tế.

“Đối với Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, mối quan hệ chặt chẽ của chúng ta sẽ không thay đổi, tinh thần hợp tác đạt được thông qua ứng phó khủng hoảng sẽ không thay đổi và sứ mệnh bảo vệ hòa bình và ổn định khu vực của chúng ta sẽ không thay đổi”, ông Lý Cường nhấn mạnh.

Trong tuyên bố chung gồm 38 điểm đưa ra sau hội nghị, ba nhà lãnh đạo đã đồng ý “thể chế hóa” hợp tác ba bên bằng cách “thường xuyên” tổ chức hội nghị cấp cao ba bên và các cuộc họp cấp bộ trưởng.

Việc thể chế hóa hội nghị cấp cao ba bên được xem là một thành công đối với Trung Quốc. Mặc dù chưa xác định tần suất “thường xuyên” là như thế nào, việc Nhật Bản và Hàn Quốc ghi nhận sự cần thiết phải có hội nghị cấp cao ba bên với Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh vẫn đóng vai trò quan trọng đối với hai đồng minh của Mỹ.

Đây là một thông điệp có lợi cho Bắc Kinh trong bối cảnh gần đây Mỹ liên tục tổ chức các hội nghị thượng đỉnh ba bên với Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines nhằm đối phó với sức ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Cũng trong tuyên bố chung, các nhà lãnh đạo cho biết sẽ tiếp tục thảo luận để “đẩy nhanh các cuộc đàm phán” Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa ba nước, hướng tới một thỏa thuận “tự do, công bằng, toàn diện, chất lượng cao và cùng có lợi”.

Nối lại các cuộc đàm phán về FTA có lợi cho cả ba nước khi Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc và Nhật Bản. Nếu đạt được FTA, đây sẽ là khối kinh tế chiếm khoảng 25% tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu và 20% thương mại thế giới.

Các cuộc đàm phán về FTA ba bên được khởi động vào tháng 11-2012 nhưng dừng lại sau vòng 16 vào tháng 11-2019 do xung đột thương mại Mỹ – Trung và đại dịch COVID-19.

Nhận xét với báo Nikkei Asia, ông Choo Jae Woo, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Trung Quốc tại Đại học Kyunghee (Hàn Quốc), cho rằng cách diễn đạt trong tuyên bố chung không cho thấy ba nước đã tiến gần hơn đến việc đạt được FTA.

Để đạt được bước đột phá như vậy, Trung Quốc sẽ cần nâng cấp đại diện của mình tại các hội nghị cấp cao ba bên. Theo ông, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhân vật quyền lực nhất đất nước, nên là người tham gia thay vì ông Lý Cường.
Thảo luận về Triều Tiên

Năm nay đánh dấu trường hợp hiếm hoi cả ba nước Đông Bắc Á cùng có mặt trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, với Trung Quốc là thành viên thường trực và Hàn Quốc, Nhật Bản là thành viên không thường trực. Tuy nhiên, vấn đề an ninh được nhắc đến khá ít trong tuyên bố chung của hội nghị.

“Là những quốc gia quan trọng chịu trách nhiệm về hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở châu Á, chúng tôi khẳng định lại quyết tâm liên lạc chặt chẽ không chỉ trong khuôn khổ ba bên mà còn trong các khuôn khổ đa phương” – tuyên bố chung nêu rõ.

Vấn đề Triều Tiên được nhắc đến với ba câu, trong đó khẳng định duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên và ở Đông Bắc Á là lợi ích chung cũng là trách nhiệm chung của ba nước.

“Chúng tôi nhất trí tiếp tục nỗ lực tích cực để giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên bằng chính trị” – tuyên bố nhấn mạnh, ám chỉ rõ ràng ba nước này sẽ nỗ lực tìm kiếm các cuộc đàm phán về vấn đề phi hạt nhân thay vì dùng vũ lực. Trên thực tế, những quan ngại về Triều Tiên và Đài Loan vẫn được nhắc đến, nhưng là trong các cuộc gặp song phương và không có trong tuyên bố chung.

Ông Leif-Eric Easley, giáo sư tại Đại học Ewha ở Seoul, nhận xét với Hãng tin Reuters rằng hội nghị cấp cao lần này nhằm giảm bớt xung đột và căng thẳng tiềm tàng giữa ba nước hơn là định hình lại địa chính trị.

Nhận định này cũng được chia sẻ bởi nhiều chuyên gia khác, những người cho rằng hội nghị lần này mang tính tái xây dựng lòng tin hơn là đưa ra các giải pháp đột phá.

RELATED ARTICLES

Tin mới