Wednesday, December 18, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếGiới chuyên gia đánh giá về mưu đồ TQ và cách ứng...

Giới chuyên gia đánh giá về mưu đồ TQ và cách ứng xử của Việt Nam ở Biển Đông

Thời gian qua, Trung Quốc thường xuyên cho tàu khảo sát xâm nhập và hoạt động bất hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam, nhất là ở khu vực Bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế phía Nam Việt Nam. Theo các hình ảnh vệ tinh, các tàu khảo sát của Trung Quốc thường di chuyển không theo một lộ trình cố định trên vùng biển.

Nghiên cứu về các hình ảnh vệ tinh, ông Raymond Powell, Giám đốc Dự án SeaLight thuộc Trung tâm Gordian Knot về sáng kiến an ninh quốc gia thuộc Đại học Standford Mỹ cho biết lý do các tàu khảo sát của Trung Quốc khi xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam đường đi theo mô hình ngang và dọc đều đặn như hình bàn cờ không có ý nghĩa nhiều về mặt kỹ thuật phục vụ việc vẽ bản đồ đáy biển hay để khảo sát địa chất. Việc làm này có thông điệp chính trị nhiều hơn, ông Powell nhận định: “Nhìn vào mô hình đường đi khảo sát của các tàu khảo sát trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ trước tới nay, chúng ta ngạc nhiên về đường đi kì lạ của nó. Theo tôi, lời giải thích hợp lý duy nhất là Trung Quốc thực sự muốn vẽ một ký tự trong chữ Trung Quốc, chữ ‘Trung’, nghĩa là ‘Trung Quốc’.

Trên thực tế, từ đầu năm 2024, tàu hải cảnh lớn nhất của Trung Quốc mang số hiệu CCG 5901 đã nhiều lần xâm nhập vùng biển Việt Nam ở khu vực Bãi Tư Chính. Theo ông Powell, nhằm giữ hòa khí với Trung Quốc là chiến lược điển hình của Việt Nam đối với cường quốc phía bắc trong nhiều năm qua. Trừ một số vụ việc điển hình, về cơ bản gần đây Hà Nội ít chỉ trích các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông thông qua việc kiểm soát truyền thông về các hoạt động cưỡng bách của Trung Quốc trên Biển Đông. Điều này khác xa so với cách đây 10 năm khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế miền Trung Việt Nam.

Chuyên gia Raymond Powell cho biết: “Tôi đã ở Hà Nội vào năm 2014 trong cuộc khủng hoảng giàn khoan HD 981. Lúc đó Việt Nam thực hiện chiến lược ngược lại. Việt Nam đã tung ra các video về tất cả cảnh đâm tàu và bắn vòi rồng của Trung Quốc xung quanh giàn khoan dầu. Tôi nghĩ vào thời điểm đó, tình hình căng thẳng với Trung Quốc đã leo thang. Nó gây ra một số vấn đề trong nội bộ Việt Nam khi một số cuộc biểu tình vượt quá tầm kiểm soát. Nhưng tôi nghĩ vào thời điểm đó, điều đó cũng khiến Trung Quốc ngạc nhiên. Đièu đó đã mang lại cho Việt Nam một số đòn bẩy. Tôi tin rằng Trung Quốc đã rút giàn khoan sớm hơn dự định”.

Ông Greg Poling, Giám đốc Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, đánh giá: “Trung Quốc và Việt Nam không có cơ chế giải quyết xung đột. Họ đã có một số nỗ lực giải quyết xung đột và những nỗ lực đó có nhiều thành công khác nhau. Họ có các cuộc tuần tra chung hàng năm của Cảnh sát biển ở Vịnh Bắc Bộ mà cả hai bên đã công bố rộng rãi. Nhưng tất nhiên những điều đó chẳng làm được gì cả. Họ thậm chí chưa giải quyết được vấn đề chồng lấn ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ”.

Ngay cả việc Việt Nam đã ký với Trung Quốc về Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ từ năm 2000, song đến nay vẫn còn đối diện với những thách thức từ Trung Quốc ở khu vực này. Trong những năm qua, nhiều lần Trung Quốc đã tiến hành diễn tập quân sự, kể cả bắn đạn thật trong Vịnh Bắc Bộ tất nhiên là trong  vùng biển của họ theo đường phân định ở Vịnh Bắc Bộ, song rõ ràng điều này tạo mối nguy hiểm đối với Việt Nam. Đáng chú ý, mới đây nhất hôm 01/3/2024, Trung Quốc đưa ra đường cơ sở mới ở Vịnh Bắc Bộ.

Trong tuyên bố ngày 01/3/2024, Trung Quốc đưa ra 7 “điểm cơ sở” khi nối với nhau tạo thành một đường cơ sở mới nhằm tuyên bố lãnh hải ở Vịnh Bắc Bộ. Các điểm cơ sở này không tồn tại trước đây (trong 49 điểm cơ sở mà Trung Quốc công bố ngày 15/5/1996 để tính chiều rộng lãnh hải từ Hải Nam tới Thanh Đảo không có phía bắc Vịnh Bắc Bộ). Giới chuyên gia đang đặt câu hỏi không rõ tại sao Trung Quốc đưa ra tuyên bố tại thời điểm này?

Không hiểu rõ ý đồ của Bắc Kinh trong việc công bố điểm cơ sở ở Vịnh Bắc Bắc nên ngày 14/4 Hà Nội đã phải lên tiếng yêu cầu “Trung Quốc tôn trọng và tuân thủ Hiệp định về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong Vịnh Bắc Bộ ký năm 2000 giữa Việt Nam và Trung Quốc”; nhấn mạnh: “các quốc gia ven biển cần tuân thủ UNCLOS 1982 khi xác định đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải, bảo đảm không làm ảnh hưởng đến các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia khác”.

Đánh giá về cách ứng xử của Việt Nam trước các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, ông Greg Poling cho rằng niềm tin nhất quán của Việt Nam là nước này có quan hệ gần gũi với Trung Quốc nhưng cũng có lịch sử xung đột lâu dài với Trung Quốc. Hai bên vẫn xảy ra nhiều vụ đụng độ bạo lực thường xuyên hơn ở quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và đặc biệt liên quan đến ngư dân Việt Nam. Hai bên tin rằng tranh chấp không thể giải quyết được trong ngắn hạn và trung hạn.

Ông Poling chỉ ra rằng Việt Nam tiếp tục phát triển mỏ dầu khí ở Bãi Tư Chính bất chấp tàu hải cảnh Trung Quốc có mặt ở đó hàng ngày, bất chấp Trung Quốc tung các tàu nghiên cứu để khảo sát thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế  của Việt Nam. Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc vẫn đang neo đậu 270 ngày một năm ở Trường Sa mà không làm gì cả.

Chuyên gia Greg Poling nhận xét mặc dù chính quyền Việt Nam im lặng trên truyền thông, những hành vi cưỡng bức của Trung Quốc vẫn khiến nước này ngày càng ít được ưa chuộng trong các cuộc thăm dò ý kiến công chúng và giới thượng lưu trong toàn khu vực Đông Nam Á, nhất là ở Việt Nam – nước có hàng ngàn năm lịch sử. Các hành vi đó của Trung Quốc cũng thúc đẩy một mạng lưới quan hệ an ninh và ngoại giao mới nhằm cân bằng với một Trung Quốc hung hãn hơn.

Giới chuyên gia nhận định một số nước ven Biển Đông không lên án mạnh mẽ hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông chẳng qua họ không muốn làm mất thể diện của giới lãnh đạo Bắc Kinh và không muốn đối đầu trực diện với Trung Quốc, song các nước đều hiểu rõ tham vọng và ý đồ của Trung Quốc ở Biển Đông và luôn có sự cảnh giác cao trước sự bành trướng của Bắc Kinh. Thời gian gần đây, Philippines thẳng thừng vạch mặt những hành vi hung hăng của Trung Quốc trên quốc tế bởi Bắc Kinh chĩa mũi nhọn gây hấn vào Manila. Chính những hành vi hung hăng của Bắc Kinh đã đẩy các nước khu vực tìm kiếm sự hợp tác từ các nước ngoài khu vực để làm đối trọng.

Bình luận về vấn đề này, chuyên gia Greg Poling bày tỏ: “Chúng ta có thể cảm ơn Trung Quốc một phần, bởi vì mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có thể đã không hình thành nếu không có một Trung Quốc hung hãn. Chúng ta có thể cảm ơn Trung Quốc vì đã tái sinh một Liên minh Hoa Kỳ – Philippines. Chúng ta có thể cảm ơn Trung Quốc vì nhờ họ mà xuất hiện ý tưởng về Bộ Quy tắc ứng xử mới của Philippines với việc hợp tác Cảnh sát biển giữa một số nước trong khu vực. Tất cả điều này đã xảy ra vì Trung Quốc. Rõ ràng, Trung Quốc đang làm suy yếu lợi ích của chính mình và nước này không còn giành thêm được bất kỳ vị trí nào ở Biển Đông trong ít nhất hai năm qua”.

Ông Poling cho rằng Việt Nam sẽ tiếp tục âm thầm hiện đại hóa lực lượng vũ trang của mình, tiếp tục xây dựng cơ sở quân sự ở quần đảo Trường Sa nhiều hơn bất kỳ bên tranh chấp nào khác để ngăn chặn Trung Quốc. Đồng thời, Việt Nam cũng cố gắng giải quyết căng thẳng bằng ngoại giao để không lan sang một cuộc xung đột mà cuối cùng sẽ không có ích gì cho lợi ích quốc gia của mình.

Trong bối cảnh tình hình Biển Đông diễn biến phức tạp, cạnh tranh địa chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt, mỗi quốc gia ven Biển Đông có cách xử lý khác nhau trên vấn đề Biển Đông tùy vào từng thời điểm, song có một điểm chung là các nước đều không khuất phục trước sự bành trướng của Bắc Kinh, không chấp nhận để Trung Quốc thôn tính, độc chiếm Biển Đông. Dù không chọn muốn chọn bên, song các nước ven Biển Đông đều nhận thức rõ sự cần thiết phải có sự tham gia của các nước ngoài khu vực vào việc duy trì an ninh và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông. Trên thực tế, các nước ven Biển Đông đều cố gắng tăng cường hợp tác với nhau trên các vấn đề an ninh ở Biển Đông, đông thời tranh thủ mở rộng hợp tác mọi mặt, bao gồm hợp tác về an ninh biển hay hợp tác quốc phòng với các nước ngoài khu vực vừa để tăng cường thực lực quốc gia, vừa để tạo lợi ích đan xen giữa các nước ở Biển Đông. Đây là cách làm phù hợp để đối phó với một Trung Quốc ngày càng hung hăng. Mẫu số chung giữa các nước ven Biển Đông và các nước ngoài khu vực chính là đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, bao gồm UNCLOS và phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài. Giới chuyên gia cho rằng nếu Trung Quốc không thay đổi cách hành xử với các nước láng giềng ven Biển Đông mà tiếp tục hung hăng, hiếu chiến thì vô hình chung sẽ đẩy các nước khu vực về phía Mỹ và các đồng minh như đã và đang xảy ra đối với Philippines.

RELATED ARTICLES

Tin mới