Monday, November 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiLãnh đạo Pháp, Đức cảnh báo châu Âu không bất tử

Lãnh đạo Pháp, Đức cảnh báo châu Âu không bất tử

Thủ tướng Đức và tổng thống Pháp cùng chấp bút bài xã luận trên báo Financial Times, trong đó khẳng định nếu không cải cách thì đời sống châu Âu sẽ lao dốc.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) bắt tay Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Dinh Tổng thống Đức trong chuyến công du của ông Macron đến Berlin hôm 26-5

Ngày 27-5 (giờ địa phương), báo Financial Times đăng bài xã luận với nhan đề “Chúng ta phải củng cố chủ quyền châu Âu” do Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cùng chấp bút.

Trong đó, cả hai cùng nêu ra nhiều vấn đề được cho là then chốt cho định hướng của Liên minh châu Âu (EU) trong nhiệm kỳ Nghị viện châu Âu sắp bắt đầu. Các nước EU sẽ cùng đi bầu cơ quan lập pháp của khối này trong vài tuần tới.

Hai lãnh đạo châu Âu cùng mở đầu bài xã luận với lời nhắc nhở: “Chúng ta không được xem nhẹ các nền tảng được châu Âu dùng để xây dựng lối sống và vai trò của chúng ta trên thế giới. Châu Âu của chúng ta không bất tử. Chúng ta cần đứng lên và đương đầu với thử thách”.

Cả hai cho rằng châu Âu đang trong giai đoạn chuyển mình (nguyên gốc: Zeitenwende) khi phải đương đầu với cuộc chiến ở Ukraine, các thay đổi trong bố cục địa chính trị…

Ông Scholz và ông Macron cho rằng mấu chốt của việc giải quyết các thách thức trên là tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu và sức dẻo dai của nền kinh tế châu Âu thông qua việc tiến hành thành công Thỏa thuận xanh châu Âu (được thông qua năm 2020) và cuộc chuyển đổi số.

Nhằm đạt mục tiêu trên, hai nhà lãnh đạo khẳng định các nước EU cần thúc đẩy đổi mới, tăng cường vai trò dẫn đầu thế giới về công nghiệp và công nghệ nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào bên ngoài. Các nước cũng cần nhanh chóng làm chủ các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), lượng tử, mạng 5G, 6G…

Đặc biệt, tổng thống Pháp và thủ tướng Đức nhấn mạnh sự quan trọng của việc hoàn thiện thị trường chung thống nhất.

Bài xã luận nêu: “Một trong những lợi thế cạnh tranh lớn nhất của châu Âu là thị trường chung. Nó cho phép các doanh nghiệp phát triển sản phẩm và dịch vụ đổi mới, đồng thời tăng trưởng và cạnh tranh nhưng vẫn đảm bảo tiêu chuẩn cao.

Chúng ta cần tận dụng toàn bộ lợi ích bằng một thị trường chung hiện đại, giảm phân mảnh và các hàng rào, thúc đẩy sự kết nối, phát triển kỹ năng, khuyến khích sự di động và tích hợp”.

Cuối cùng, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh một số mục tiêu khác như giảm quan liêu, tăng cường vốn đầu tư…

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới