Wednesday, June 26, 2024
Trang chủGóc khuất Trung HoaMối liên hệ giữa tranh chấp Biển Đông với eo biển Đài...

Mối liên hệ giữa tranh chấp Biển Đông với eo biển Đài Loan

Giới chuyên gia cho rằng trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng trở nên quyết đoán và hung hăng thì 2 “điểm nóng” ở châu Á-Thái Bình Dương – Biển Đông và Eo biển Đài Loan – đang ở vào thời điểm quan trọng.

Trên thực tế, 2 “điểm nóng” này liên quan trực tiếp tới tham vọng của Trung Quốc vượt qua chuỗi đảo thứ nhất để vươn ra biển xa, đưa nước này trở thành “cường quốc biển”. Chúng ta cùng phân tích những nỗ lực của Trung Quốc trong việc khống chế, thôn tính 2 vùng biển này để hiểu rõ điều đó.

Ở Biển Đông, Trung Quốc đã tăng cường sự quyết đoán về mặt quân sự đối với Philippines, nhưng đồng thời cũng đưa ra triển vọng can dự ngoại giao. Cách tiếp cận này nhằm mục đích củng cố sự thống trị của Bắc Kinh trong khu vực, đồng thời hạn chế khả năng đối đầu trực tiếp, nhất là khi có sự can dự của Mỹ. Một chiến lược như vậy tạo cơ hội cho quan điểm lạc quan rằng một bước đột phá ngoại giao, có thể do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) làm trung gian, có khả năng dẫn đến một thỏa thuận cùng có lợi giữa Trung Quốc và Philippines, thúc đẩy hợp tác và ổn định khu vực thông qua việc thăm dò và quản lý tài nguyên chung.

Tuy nhiên, điều ít tính khích lệ hơn là, trong khi Trung Quốc có thể không muốn một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp, tần suất và tính khốc liệt của các sự cố hàng hải làm tăng khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng lớn hơn ngoài ý muốn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 12/3 khẳng định rằng “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các đảo ở Biển Đông và không có tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Philippines ở Biển Đông”. Những tuyên bố kiểu này có khả năng dẫn đến leo thang căng thẳng hơn nữa, thử thách sự đảm bảo an ninh của Mỹ trong khu vực, cũng như ý chí của Trung Quốc trong việc chứng minh những lời đe dọa của mình là sự thật.

Trong khi đó, Eo biển Đài Loan có tầm quan trọng đặc biệt trong chiến lược hàng hải rộng lớn hơn của Trung Quốc, ảnh hưởng đến các hành động của nước này ở Biển Đông. Trong lịch sử, căng thẳng ở Eo biển Đài Loan đã thúc đẩy các nỗ lực hiện đại hóa quân sự và điều chỉnh học thuyết của Trung Quốc, với sự nhấn mạnh hiện nay vào các chiến lược ngăn chặn và chống tiếp cận khu vực, bao gồm cả phong tỏa hải quân. Một vụ va chạm gần quần đảo Kim Môn (Kinmen) ở Eo biển Đài Loan hồi tháng 2/2024 đã dẫn đến xung đột mới giữa Bắc Kinh và Đài Bắc. Điều này diễn ra sau các hoạt động gần đây của hải quân Mỹ ở Eo biển Đài Loan nhằm nhấn mạnh cam kết của Washington trong việc chống lại sự quyết đoán của Bắc Kinh và hỗ trợ an ninh của Đài Loan. Trong tháng 2, Hải quân Mỹ đã cùng lúc triển khai 3 tàu sân bay tới Thái Bình Dương lần đầu tiên sau 2 năm. Vì vậy, giới chuyên gia nhận định có khả năng Trung Quốc sẽ tăng cường áp lực đối với Philippines ở Biển Đông nhằm giảm bớt các cam kết của Mỹ đối với Eo biển Đài Loan.

Mặc dù các cuộc đụng độ của Trung Quốc với Philippines chiếm hầu hết các tiêu đề bài báo trong thời gian gần đây, song những diễn biến khác trong khu vực – bao gồm cả việc Trung Quốc công bố đường cơ sở xác định lãnh thổ của nước này ở phía Bắc Vịnh Bắc Bộ, nơi nước này đã có đường phân định với Việt Nam cách đây hơn 20 năm – cũng thu hút sự quan tâm của dư luận. Bộ “7 điểm cơ sở” do Bắc Kinh công bố này cho thấy, khi được kết nối, chúng sẽ tạo thành một đường cơ sở mới cho các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Vịnh Bắc Bộ. Cùng với đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định tính cấp thiết của việc chuẩn bị cho cuộc đấu tranh quân sự trên biển. Dù lời lẽ của ông Tập không mới nhưng phát biểu này của ông Tập đưa ra vào thời điểm cạnh tranh địa chiến lược Trung – Mỹ ở khu vực ngày càng gay gắt khiến các nước trong khu vực, nhất là các nước ven Biển Đông càng thêm lo ngại.

Theo quan điểm của Mỹ, tranh chấp Biển Đông nên được coi là cơ hội để cân bằng sự cạnh tranh của chính Mỹ với Trung Quốc bằng các sáng kiến ngoại giao nhằm điều chỉnh tranh chấp. Khu vực này cảnh giác với những cái giá phải trả từ cạnh tranh chiến lược, tạo cơ hội cho Washington nhấn mạnh giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và các nguyên tắc tự do hàng hải – điều mà Mỹ đang thực hiện nhưng gặp khó khăn do bản thân họ không phải là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển.

Nhận thức rõ mối liên hệ giữa tranh chấp Biển Đông và Eo biển Đài Loan, bên cạnh việc tăng cường sự phòng thủ ở Biển Đông, Philippines còn tăng cường sự hiện diện quân sự trên các hòn đảo ở phía Bắc đối diện với Eo biển Đài Loan. Đầu tháng 2/2024, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro đã đến thăm một đơn vị hải quân ở Mavulis, nằm cách mũi phía Nam của Đài Loan chỉ 88 dặm và thậm chí còn gần nhiều hòn đảo lân cận của Đài Loan hơn. Hải quân Philippines mô tả chuyến thăm chưa từng có của Bộ trưởng Quốc phòng Teodoro biểu thị “thời điểm then chốt trong cam kết của quốc gia chúng ta về bảo vệ lãnh thổ và an ninh quốc gia”.

Trong chuyến thăm Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Gilberto Teodoro đã ra lệnh cho quân đội tăng số lượng binh sĩ đồn trú tại các đảo cực bắc gần Eo biển Đài Loan để củng cố khả năng phòng thủ lãnh thổ của Manila. Hải quân Philippines cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Gilberto Teodoro cũng kêu gọi phát triển thêm công trình trên quần đảo Batanes ở phía Bắc xa xôi, cách Đài Loan chưa đầy 200 km (125 dặm). Ông Teodoro nhấn mạnh Batanes là “mũi nhọn của Philippines ở ranh giới phía bắc”, đồng thời cho biết: “Bắt đầu từ năm 2024, nhịp độ hoạt động của Lực lượng vũ trang Philippines (AFP) sẽ cao hơn”.

Kênh Bashi giữa các đảo Batanes và Đài Loan chiếm vị trí quan trọng đối với các tàu di chuyển giữa Tây Thái Bình Dương vào Biển Đông. Thời gian qua, quân đội Trung Quốc thường xuyên cử tàu và máy bay đi qua eo biển này. Các nhà phân tích nhận định việc tăng cường hiện diện ở các đảo Batanes giúp kiếm soát tuyến đường qua kênh Bashi, đồng nghĩa với việc theo dõi di chuyển của các tàu chiến từ Tây Thái Bình Dương và Eo biển Đài Loan hay Biển Đông. Đây là lý do ông Teodoro tới thăm khu vực này. Đáng chú ý việc tăng cường sự hiện diện của quân đội Philippines ở các đảo phía Bắc gần Eo biển Đài Loan gắn liền với việc mở rộng hợp tác quốc phòng giữa Philippines và Mỹ.

Các chiến lược gia Philippines cho rằng Trung Quốc đang ngày càng coi Kênh Bashi, Biển Đông và Eo biển Đài Loan như một phần của một trận địa tổng hợp. Theo họ, điều này thúc đẩy Manila cần phải thực hiện các biện pháp đối phó toàn diện tương ứng. Với nhận thức đó, giới quân sự Philippines đã phải điều chỉnh chiến lược phòng thủ của mình hướng lên phía Bắc. Qua việc tăng cường sự hiện diện của quân đội Philippines và cho phép quân đội Mỹ quyền tiếp cận 3 căn cứ quân sự nằm ở các địa phương phía Bắc, chính quyền Manila có thể giám sát các hoạt động của tàu quân sự các nước qua Kênh Bashi, thúc đẩy việc duy trì nguyên trạng ở Eo biển Đài Loan.

Batanes từng là một trong những địa điểm huấn luyện trong cuộc tập trận quân sự chung tháng 4/2023, được gọi là Balikatan, với sự tham gia của hơn 17.000 binh sĩ Philippines và Mỹ, khiến nó trở thành cuộc tập trận quân sự thường niên lớn nhất từ trước đến nay. Tháng 11/2023, quân đội Philippines và Mỹ đã tuần tra chung ngoài khơi vùng biển cực bắc của Philippines. Mỹ cũng đang xem xét phát triển cơ sở cảng biển ở tỉnh Batanes, phía Bắc Philippines, trong đó có Mavulis. Tháng 8/2023, các quan chức Lầu Năm Góc được cho là đã tới Batanes để thảo luận với Thống đốc Marilou Cayco về nguồn tài trợ cho dự án này. Đây được coi là một động thái nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của Mỹ tới các hòn đảo có vị trí chiến lược đối diện với Đài Loan.

Tháng 2/2023 Philippines và Mỹ đã đạt thỏa thuận cho phép lực lượng quân đội Mỹ có thể tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự mới trong khuôn khổ sửa đổi Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường (EDCA). Điều khiến giới quan sát ngạc nhiên là quyết định của Manila mở rộng các giới hạn của EDCA với định hướng phía Bắc hướng tới Đài Loan thay vì hướng Tây hướng tới Biển Đông, nơi Manila và Bắc Kinh đang mâu thuẫn gay gắt về các vùng lãnh thổ và thực thể tranh chấp. Theo đó, có ba căn cứ ở phía Bắc đối diện với Eo biển Đài Loan, chỉ có một căn cứ ở Palawan kề với Biển Đông.

Tổng thống Philippines Marcos Jr. thừa nhận rằng “rất khó để tưởng tượng” đất nước của ông vẫn giữ thái độ “trung lập” hoàn toàn trong bối cảnh lo ngại về một cuộc xung đột ở Eo biển Đài Loan do Trung Quốc tiến hành. Các chuyên gia quân sự cho rằng điều này cho thấy cách nhìn xa trông rộng mang tính chiến lược của ông Marcos bởi tính chất 2 vùng biển này tuy có khác nhau (Eo biển Đài Loan là tranh chấp giữa Bắc Kinh và Đài Loan, còn Biển Đông là tranh chấp đa phương gồm 6 bên), song nếu xung đột xảy ra ở Eo biển Đài Loan sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới Biển Đông. Nếu Trung Quốc đánh chiếm Đài Loan thôn tính được Eo biển Đài Loan, thì họ sẽ tiếp tục lấn tới ở Biển Đông. Mặt khác, việc Bắc Kinh phải lo ứng phó ở Eo biển Đài Loan sẽ khiến họ không thể rảnh tay tập trung sức mạnh vào Biển Đông.

Chính quyền Philippines khẳng định rằng bất kỳ sự hợp tác nào với Lầu Năm Góc đều chủ yếu hướng tới mục tiêu kinh tế và dân sự. Ví dụ, cảng ở Batanes được cho là sẽ tăng cường kết nối giữa tỉnh tương đối biệt lập (được bao quanh bởi biển động và thường xuyên bị ảnh hưởng bởi gió mùa) và phần còn lại của Philippines. Đối với các cơ sở cảng ở các tỉnh khác cũng thuộc phía Bắc Philippines, chính quyền Manila nhấn mạnh rằng bất kỳ sự hỗ trợ hoặc sự hiện diện luân phiên nào của Mỹ sẽ chủ yếu dành cho các hoạt động Hỗ trợ Nhân đạo và Cứu trợ Thiên tai (HADR). Nhưng như một quan sát viên ở Washington đã nói, những cơ sở đó cũng có thể có “công dụng kép”. Ví dụ, về mặt lý thuyết, chúng được xây dựng để làm bãi đậu cho máy bay vận tải phục vụ hoạt động của HADR nhưng cũng có thể là bến đáp của các máy bay chiến đấu và hệ thống vũ khí thiên về tấn công hơn.

Steve Tsang, Giám đốc Viện Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Phương Đông và châu Phi ở London, gần đây đã nói với giới truyền thông: “Bắc Kinh sẽ coi bất kỳ động thái nào của Mỹ nhằm xây dựng các cảng và cơ sở hậu cần phục vụ mục đích dù là quân sự hay dân sự” ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một hành động thù địch vì chúng cũng có thể “được sử dụng để hỗ trợ bất kỳ sự can thiệp tiềm tàng nào của Mỹ trong trường hợp Trung Quốc sử dụng vũ lực chống Đài Loan”.

Mặc dù luôn khẳng định chiến lược tăng cường sức mạnh quốc phòng của Philippines chủ yếu là “phòng thủ” và không nhắm vào bất kỳ quốc gia cụ thể nào (ám chỉ Trung Quốc), song mặt khác chính quyền Marcos Jr đã gửi đi những tín hiệu lẫn lộn về lập trường của họ đối với vấn đề Đài Loan. Trong chuyến thăm Washington tháng 5/2023, Tổng thống Philippines đã bóng gió đề cập khả năng nước này tham gia chiến lược “răn đe tổng hợp” liên quan đến Đài Loan. Giới chuyên gia cho rằng sự lấp lửng, không rõ ràng này của ông Marcos cũng là nhằm đối phó với chính sách hai mặt, “nói một đằng, làm một nẻo” của Bắc Kinh. Tóm lại, trong bối cảnh các hành động hung hăng, gây hấn của Bắc Kinh nhằm vào Manila ở Biển Đông ngày càng gia tăng, chính quyền của Tổng thống Marcos Jr. đang có cách tiếp cận toàn diện hơn trong việc ứng phó với Trung Quốc cả ở Biển Đông lẫn Eo biển Đài Loan trong đó kiểm soát Kênh Bashi là mục tiêu Manila đang hướng tới. Điều này trở thành động lực cho những nỗ lực đổi mới trong khu vực nhằm duy trì nguyên trạng ở cả Biển Đông lẫn Eo biển Đài Loan.

RELATED ARTICLES

Tin mới