Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNga đang bị bao vây, cấm vận, vì sao Tổng thống Putin...

Nga đang bị bao vây, cấm vận, vì sao Tổng thống Putin chọn thăm Việt Nam?

Nhận lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Liên bang Nga Putin thăm Việt Nam trong 2 ngày 19 và 20/6. “Đây là chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng” – nhà phân tích quốc tế Phạm Phú Phúc (TTXVN) chia sẻ với VietTimes.

Tổng thống Liên bang Nga Putin thăm Việt Nam trong 2 ngày 19 và 20/6.

Trong bối cảnh quốc tế đang hết sức phức tạp hiện nay, Nga đang bị bao vây, cấm vận, Tổng thống Putin lại chọn thăm Việt Nam. Sự lựa chọn này nói lên điều gì, thưa ông?

Chuyên gia Phạm Phú Phúc: Đây là chuyến đi rất đặc biệt. Một sự lựa chọn khó khăn mà Tổng thống Putin quyết tâm làm bằng được. Vì nước Nga hiện đang bị “bủa vậy”, cấm vận hết sức gắt gao. Quan hệ giữa Việt Nam với các cường quốc khác, như Hoa Kỳ cũng đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhưng cũng khá nhạy cảm.

Vì vậy, có thể nói đây là chuyến thăm mang tính biểu tượng cao khi diễn ra đúng dịp hai nước kỷ niệm 30 năm ngày ký Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị giữa Liên bang Nga và CHXHCN Việt Nam (16/6/1994 – 16/6/2024), đặt nền móng và cơ sở pháp lý cho quan hệ trong giai đoạn phát triển mới.

Vì vậy, chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng thống Putin có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đó là làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt-Nga trên tất cả các lĩnh vực và nâng tầm trong tình hình mới. Đồng thời cũng thể hiện Việt Nam tích cực thực hiện đường lối đối ngoại theo tinh thần độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, và đóng góp vào hòa bình, ổn định trên thế giới.

Ngoài ra, chuyến thăm này còn là cơ hội để hai bên ký kết và triển khai các thỏa thuận hợp tác mới, tạo động lực thúc đẩy quan hệ song phương. Những thỏa thuận này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn củng cố sự gắn kết về mặt chính trị và chiến lược giữa hai nước.

Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động, sự hợp tác chặt chẽ giữa Việt Nam và Nga càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

  • Quan hệ kinh tế và thương mại hai chiều Việt – Nga chưa tương xứng với tiềm năng vốn có của hai nước, đặc biệt là so với các cường quốc khác. Có ý kiến cho rằng Việt Nam nên để tâm hơn đến các mối quan hệ kinh tế có lợi hơn cho Việt Nam. Ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?

Chuyên gia Phạm Phú Phúc: Việt Nam luôn chú trọng mở rộng quan hệ với tất cả các nước trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và đôi bên cùng có lợi, chứ không phải chỉ dựa trên lợi ích kinh tế nhất thời. Tình hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Liên Xô trước đây, cũng như Liên bang Nga ngày nay đã được thử thách qua thời gian.

Từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 30/1/1950 đến nay, mối quan hệ giữa Việt Nam với Liên Xô trước đây và Liên bang Nga hiện nay luôn vững bền theo năm tháng và ngày càng phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực. Mặc dù có những thay đổi về thể chế chính trị, nhưng hai nước luôn coi nhau là đối tác, bạn bè quan trọng và hàng đầu. Mối quan hệ giữa hai nước đã được xây dựng và củng cố qua nhiều thập kỷ, dựa trên nền tảng của sự tin cậy, hợp tác bền vững và sự tôn trọng lẫn nhau.

Tình cảm đặc biệt giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Liên Xô trước đây, cũng như Liên bang Nga hiện nay, đã trở thành một biểu tượng của sự đoàn kết và tình hữu nghị quốc tế.

Qua nhiều thế hệ, chúng ta đã chia sẻ với nhau không chỉ những thách thức và khó khăn mà còn cả những khoảnh khắc vinh quang và hạnh phúc, thấm đượm tình cảm sâu sắc giữa nhân dân hai nước.

Nhân dân Việt Nam luôn luôn ghi nhớ và biết ơn sự giúp đỡ quý báu, chí tình của nhân dân Liên Xô và Liên bang Nga trong cả giai đoạn kháng chiến và xây dựng đất nước sau này.

Qua nhiều thế hệ, chúng ta đã chia sẻ với nhau không chỉ những thách thức và khó khăn mà còn cả những khoảnh khắc vinh quang và hạnh phúc, thấm đượm tình cảm sâu sắc giữa nhân dân hai nước.

Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng hợp tác kinh tế – thương mại giữa hai nước trong thời gian tới, đặc biệt ở các những lĩnh vực hợp tác tiềm năng mới?

Chuyên gia Phạm Phú Phúc: Năm 2015, Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu đã ký Hiệp định thương mại tự do (VN-EAEU FTA), tạo thuận lợi cho phát triển hợp tác kinh tế-thương mại, đầu tư giữa hai nước Việt Nam – Liên bang Nga. Sau khi Hiệp định VN-EAEU FTA có hiệu lực từ tháng 10/2016, thương mại song phương Việt – Nga phát triển nhanh, đạt kim ngạch 5,5 tỷ USD vào năm 2021, tăng 90% so với năm 2016.

Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp của tình hình chính trị – kinh tế trên thế giới thời gian qua đã ảnh hưởng tiêu cực tới hợp tác kinh tế – thương mại giữa hai nước. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2022 giảm 35,4% so với năm 2021. Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng giảm rất mạnh như: điện thoại và linh kiện giảm 85,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử giảm 82,7%; giày dép giảm 62,9%…

Năm 2023, kim ngạch thương mại hai chiều tăng 3,6% so với năm 2022. Trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước đạt xấp xỉ 2 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga 956 triệu USD, tăng 45%. Nhiều nhóm hàng thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thủy sản, may mặc, thiết bị máy móc tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao sang thị trường Nga. Ngược lại, ta cũng tăng nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như than đá, phân bón, hóa chất, thực phẩm… phục vụ sản xuất, kinh doanh đáp ứng cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Về đầu tư, tính đến hết tháng 5 năm nay Liên bang Nga có 186 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 1 tỷ USD. Trong khi đó Việt Nam có khoảng 25 dự án đầu tư tại Nga với tổng vốn đầu tư khoảng 3 tỷ USD. Về hợp tác giáo dục – đào tạo, trước đây, Liên Xô đã giúp Việt Nam đào tạo gần 40 nghìn cán bộ và chuyên gia giỏi thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau.

Hiện nay, Nga tiếp tục hỗ trợ Việt Nam đào tạo nguồn nhân lực. Từ năm 2019, Nga đã tăng số học bổng cho Việt Nam lên khoảng 1.000 suất/năm. Hiện có khoảng hơn 5.000 sinh viên Việt Nam du học tại Nga.

Theo ông, qua chuyến thăm Việt Nam lần này, Tổng thống Putin muốn gửi đi một thông điệp gì?

Chuyên gia Phạm Phú Phúc: Như tôi đã phân tích ở trên đây là chuyến thăm nước ngoài (mà cụ thể ở đây là Việt Nam) có một ý nghĩa rất đặc biệt. Tổng thống Nga chứng minh cho thế giới thấy rằng, trong thế bị bao vây, cấm vận gắt gao, nước Nga vẫn không đơn độc, vẫn phát huy đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ của mình.

Chuyến đi này cũng cho thấy, nước Nga luôn coi trọng và đánh giá cao các nước bạn bè, đồng minh của mình. Chuyến đi cũng khẳng định mối quan hệ hữu nghị Liên bang Nga – Việt Nam, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn trọn nghĩa, vẹn tình, có trước, có sau; giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau những lúc khó khăn cũng như thuận lợi.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới