Thursday, November 28, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnTQ: Nơi lụt lội, nơi hạn hán

TQ: Nơi lụt lội, nơi hạn hán

Cả miền Bắc, miền Trung, và miền Nam của Trung Quốc đều đang phải đối mặt với các vấn đề liên quan đến nước. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của người dân.

Bức ảnh cho thấy một người nông dân Trung Quốc bất lực nhìn cánh đồng khô cằn.

Miền Bắc và miền Trung Trung Quốc ‘thiếu nước’
Đợt hạn hán lần này đã gây ảnh hưởng đến một số tỉnh và khu tự trị ở miền Bắc và miền Trung của Trung Quốc như Hà Nam, Hà Bắc, Sơn Đông, Sơn Tây, Nội Mông Cổ, An Huy, v.v.

Trong ký ức của nhiều người dân địa phương, đây được coi là một trong những đợt hạn hán nghiêm trọng nhất. Thậm chí, một nông dân ở tỉnh Hà Nam, thuộc miền Trung Trung Quốc, cho biết rằng mình sống 50 năm qua nhưng chưa từng thấy đợt hạn hán nào như vậy. Trong khi đó Hà Nam là một trong những tỉnh sản xuất lương thực chính của Trung Quốc.

Theo báo cáo về khí tượng của Trung Quốc, tới giữa tháng 6 vừa qua, tỷ lệ đất khô hạn ở tỉnh Hà Nam đã vượt mức 60%, phần lớn đất thiếu độ ẩm. Theo thống kê, vào thời điểm đó tỉnh này có hơn 3 triệu ha đất không thể gieo hạt do hạn hán.

Ví dụ như, huyện Xác Sơn ở phía Nam tỉnh Hà Nam đã hai tháng nay không có mưa. Những cánh đồng lẽ ra phải xanh tốt và mọc đầy ngô thì giờ đây đã biến thành những mảnh đất màu nâu khô cằn và đầy bụi.

Nông dân địa phương nói với The Epoch Times rằng, đất đai ở đây đã khô cằn và nứt nẻ, thậm chí nước dùng để tưới tiêu cũng không còn, cả những giếng nước trong làng đều đã khô cạn.

Còn có nông dân khó khăn lắm mới có thể bơm nước để tưới cho đất, nhưng lại lo âu vì chi phí tưới tiêu tăng đột ngột. Giá thu mua ngô và lúa mì đều đang giảm, việc canh tác trên đất thuê giờ đã không còn có lãi. Hiện giờ họ lại gặp phải hạn hán như vậy, còn phải đổ tiền vào việc tưới tiêu, điều này cũng bằng như nông dân làm không công cả nửa năm.

Miền Nam Trung Quốc ‘thừa nước’
Trong một tháng qua, Trung Quốc đã đồng thời chịu hạn hán ở miền Bắc, miền Trung và lũ lụt ở miền Nam, dẫn đến cái chết của hàng chục người. Ở miền Nam của Trung Quốc, hầu như mỗi tháng đều có đến 20 ngày mưa. Có người dân ở tỉnh Quảng Đông cho hay, “Chúng tôi ở đây đã mưa liên tục trong suốt hai tháng”.

Từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7 năm nay, nhiều nơi ở miền Nam Trung Quốc đã phải hứng chịu mưa lớn, trong đó có 8 tỉnh xuất hiện mưa to đến đặc biệt to, như Giang Tô, Hồ Nam, Quý Châu, Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, v.v. Đài khí tượng của nhiều địa phương đã phát đi cảnh báo đỏ về mưa lớn.

Hệ thống cảnh báo thời tiết của Trung Quốc được mã hóa bằng màu sắc tương đương với 4 cấp độ. Trong đó, đỏ là mức nghiêm trọng nhất, tiếp theo là cam, vàng và xanh lam.

Thời tiết khắc nghiệt đem lại nhiều thử thách hơn cho Trung Quốc
Hiện nay, các kiểu thời tiết khắc nghiệt ngày càng gia tăng đang mang đến nhiều thử thách hơn cho Trung Quốc.

Các nhà khoa học dự đoán rằng, Trung Quốc sẽ trải qua nhiều trận mưa hơn cũng như các đợt hạn hán kéo dài hơn nữa. Không chỉ có lũ lụt, miền Nam Trung Quốc cũng đã phải đối mặt với hạn hán mỗi năm trong ba năm qua.

Theo dữ liệu từ trang mạng mô hình hóa khí hậu World Weather Attribution (Nguyên nhân Thời tiết Thế giới), khả năng xảy ra các đợt nắng nóng trên toàn Trung Quốc đã tăng gấp 50 lần.

Có 40% dân số Trung Quốc sống ở miền Bắc và mức độ thiếu nước của hầu hết các tỉnh ở đây đều thấp hơn ngưỡng “thiếu nước” do Liên Hợp Quốc thiết lập.

Các nhà nghiên cứu tại Viện Hàn lâm Khoa học (Academy of Sciences) của Trung Quốc ước tính rằng, chỉ riêng thiệt hại do hạn hán đã khiến nền kinh tế Trung Quốc mất đi 7 tỷ USD mỗi năm từ năm 1984 đến 2015.

Băng tan trên đỉnh núi Himalaya sẽ gây ảnh hưởng đến miền Tây Trung Quốc
Cùng lúc này, một xu hướng khác do biến đổi khí hậu mang lại đang tấn công khu vực miền Tây của Trung Quốc.

Các sông băng ở những vùng cao của dãy núi Himalaya đang tan chảy, những con sông băng này cung cấp nguồn nước chính cho Trung Quốc và các nước khác ở Châu Á. Từ những năm 1950 đến nay, 1/5 số sông băng này đã tan chảy.

Hiện tại, băng tan khiến một số khu vực ở Trung Quốc trở nên ẩm ướt hơn, tuy nhiên dự kiến đến giữa thế kỷ này, dòng chảy từ băng tan sẽ bắt đầu giảm. Một trong những khu vực chịu ảnh hưởng là bồn địa (lòng chảo) Tarim ở khu tự trị Tân Cương, nơi có khoảng 12 triệu dân sinh sống và khoảng 40% nước ở đây đến từ các sông băng.

Phần lớn vấn đề về nước ở Trung Quốc là hậu quả từ các chính sách của chính quyền
Tờ nhật báo Frankfurter Rundschau của Đức từng bình luận về vấn đề nước của Trung Quốc rằng, “Vấn đề nước của Trung Quốc đã trở thành một cuộc xung đột giữa sự phát triển và thiên nhiên. Dù chính quyền (bề ngoài) tăng cường xây dựng luật pháp và thực thi pháp luật để bảo vệ thiên nhiên và tài nguyên nước, song, người lãnh đạo Bắc Kinh dường như vẫn tin rằng ‘nhân định thắng Thiên’”.

Trong quá khứ, chính quyền Trung Quốc đã triển khai các công trình thủy lợi lớn như công trình “Nam thủy Bắc điều” – chuyển nước từ miền Nam lên miền Bắc Trung Quốc, nhưng không chỉ không đạt được mục tiêu như dự kiến mà còn làm gia tăng sự phá hoại đối với thiên nhiên.

“Lý do thiếu nước không chỉ do khí hậu mà còn do nhu cầu tiêu thụ nước tăng lên. Các ngành công nghiệp ngày càng khoan giếng sâu hơn, mực nước ngầm không ngừng hạ thấp. Lũ lụt dọc theo các bờ sông là hậu quả của việc tăng trưởng dân số và công nghiệp hóa. Trong vài thập kỷ qua, nhiều vùng trũng thấp có tác dụng trữ nước lũ đã được xây dựng thành các khu dân cư, các vùng đầm lầy đã bị làm cho cạn khô. Trong những lũng sông, nhiều khu rừng đã bị chặt phá, khiến nước mưa chảy nhanh vào sông, biến các con sông thành những ‘con rồng khổng lồ’ với dòng nước cuồn cuộn”, tờ Frankfurter Rundschau nói.

Tờ Nhà kinh tế (The Economist) của Anh đưa tin rằng, Trung Quốc sở hữu 6% nước ngọt của thế giới nhưng lại phải đáp ứng nhu cầu nước uống cho khoảng 20% dân số toàn cầu. Sự phân bố không đều về tài nguyên nước càng khiến thách thức này trở nên nghiêm trọng hơn.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới