Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKhi tiền lên tiếng?

Khi tiền lên tiếng?

Mỹ cam kết tài trợ 500 triệu USD cho quân đội và lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines. Lầu Năm Góc cũng đề xuất tài trợ 128 triệu USD để cải thiện cơ sở hạ tầng tại các căn cứ của Philippines mà quân đội Mỹ có thể tiếp cận.

Những quan chức cấp cao Philippines và Mỹ tham gia hội đàm “2+2” ngày 30/7 tại Manila

Thông tin được loan ra sau cuộc hội đàm giữa ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin theo hình thức “2+2” với những người đồng cấp Philippines là ngoại trưởng Enrique Manalo và bộ trưởng Quốc phòng Gilberto Teodoro, tại thủ đô Manila (Philippines) ngày 30/7.

Ngay sau hội đàm, trong cuộc họp báo chung hai bên, trước giới truyền thông quốc tế, ông Austin đã nhấn mạnh rằng: “Mức tài trợ này là chưa từng có và gửi đi thông điệp rõ ràng về sự hỗ trợ dành cho Philippines, từ chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden-Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris, quốc hội Mỹ và người dân Mỹ”.

Thực ra, chưa cần sự lên tiếng của Lầu Năm góc, dư luận đã nhận thấy cái sự “chưa từng có” của số tiền trên rồi. Ngay cả khi không quan tâm tới 128 triệu USD cải thiện cơ sở hạ tầng mà Mỹ có thể tiếp cận – nghĩa là liên quan trực tiếp tới lợi ích của quân đội Mỹ, nó vẫn là “chưa từng có”. Và dư luận cũng biết “quy tiền thành thông điệp”, rằng: hàm của Mỹ là: Mỹ là một quốc gia có trách nhiệm với đồng minh Philippines – quốc gia có Hiệp ước Phòng thủ chung với Mỹ từ năm 1951 tới nay. Quan điểm, thái độ của Mỹ về vấn đề Biển Đông là rõ ràng. Những va chạm vừa qua, trong đó có vụ va chạm căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc tại khu vực bãi Cỏ Mây ngày 17/6 khiến một thủy thủy Philippines bị đứt ngón tay, chẳng qua chưa tới độ để Mỹ kích hoạt Hiệp ước phòng thủ chung giữa hai nước mà thôi. Chính văn phòng của tổng thống Philippines đã tuyên bố coi nó như một vụ “hiểu nhầm hoặc sự cố” kia mà…

Chẳng biết Manila sẽ phân chia khoản viện trợ trên ra sao, nhưng chắc chắn lực lượng bảo vệ bờ biển phải là ưu tiên số một trong số tiền viện trợ đó. Và sự thật, ưu tiên đã được thể hiện rõ trong khẳng định của Lầu Năm góc.

Liên quan chuyện tiền nong này, có một quốc gia không thể lấy làm dễ chịu – đó là Trung Quốc.

Tại sao lại là Trung Quốc? Câu hỏi có phần thừa bởi trong suốt thời gian gần đây, xung đột trên Biển Đông căng thẳng nhất là giữa Philippines và Trung Quốc trong khu vực bãi cạn Cỏ Mây. Tiểu đội binh sĩ đồn trú trên con tàu cũ nát BRP Sierra Madre mà Philippines cố tình làm cho mắc cạn từ năm 1999 ở khu vực bãi Cỏ Mây cần được tiếp tế hậu cần thường xuyên. Mỗi lần như thế, Trung Quốc lại cản trở, truy đuổi, đe dọa. Đó cũng là nguồn cơ dẫn đến tình huống xô sát nghiêm trọng xảy ra ngày 17/6 giữa hải cảnh Trung Quốc và lực lượng tiếp tế hậu cần Philippines…

Chuyện “nóng” ở bãi cạn Cỏ Mây chưa kịp nguội, thì Washington lại nhồi thêm cho đối thủ ngang ngược Philippines nửa tỷ USD, hỏi Bắc Kinh không tức sao được?

Sự việc càng căng thẳng hơn khi liền sau vụ tiền nong hào phóng đó, ngày 31/7, Hải quân Philippines và Hải quân Mỹ đã tổ chức một cuộc tập trận chung bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Cuộc tập trận này, theo thông báo của Manila, là “được thiết kế để tăng cường liên lạc và phối hợp hoạt động giữa hải quân hai nước…”, với sự tham gia của tàu tác chiến ven bờ USS Mobile (LCS-26) của Hải quân Mỹ và tàu tuần tra BRP Ramon Alcaraz (PS-16) của Philippines.

Cho dù Philippines có ý “bình thường hóa” cuộc tập trận này chỉ nhằm “nâng cao năng lực hải quân của Philippines và đảm bảo rằng chúng tôi có thể hợp tác hiệu quả để bảo vệ lợi ích hàng hải của mình”, thì Bắc Kinh cũng không thể không giận dữ đánh giá nó như một sự kiện nằm trong chuỗi các sự kiện đáng ghét gắn với chuyến công du của ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin.

Chính thế, ngày 1/8 – một ngày sau khi cuộc tập trận diễn ra, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm đã cảnh báo việc Philippines “lôi kéo các nước bên ngoài khu vực kích động đối đầu tại Biển Đông sẽ chỉ gây bất ổn cho khu vực và làm trầm trọng thêm căng thẳng”.

Cảnh báo kiểu này của phía Trung Quốc, nếu chịu khó điểm lại, có mà đầy. Phàm cái gì đã đầy đã nhiều thì dù nhấn nhá, căng thẳng tới mấy cùng thành bình thường. Trung Quốc hẳn cũng biết vậy. Nhưng là một cường quốc, cường quốc đó lại chính là một bên liên quan tranh chấp chủ quyển Biển Đông, cũng là là bên đơn phương đưa ra yêu sách “đường 9 đoạn”, thì trước những động thái mới của Mỹ và Philippines về Biển Đông, họ không lên tiếng sao được?

Cái tức cho Bắc Kinh là, dù vậy, Philippines như đang phớt lời mọi cảnh báo. Họ đang cho thấy mình ngày một bản lĩnh và quyết đoán hơn trong nồng ấm trở lại với đồng minh Mỹ.

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới