Saturday, January 25, 2025
Trang chủSự thật Trung HoaNghiên cứu quốc tếPhân tích “Thỏa thuận tạm thời” giữa Bắc Kinh và Manila

Phân tích “Thỏa thuận tạm thời” giữa Bắc Kinh và Manila

Sau một loạt vụ việc đối đầu giữa tàu hải cảnh Trung Quốc và tàu công vụ Philippines ở Biển Đông trong thời gian qua mà đỉnh điểm là vụ va chạm ngày 17/7/2024 khi tàu hải cảnh Trung Quốc chủ động đâm vào tàu Philippines với tốc độ cao và lực lượng hải cảnh Trung Quốc dùng dao, gậy nhọn, rìu tấn công nhân viên trên tàu Philippines khiến một thuỷ thủ Philippines bị mất ngón tay và tàu của Philippines bị hư hỏng nặng, Manila và Bắc Kinh đã đạt được “thỏa thuận” tạm thời về giảm căng thẳng ở khu vực bãi Cỏ Mây.

Ngày 21/7/2024, Bộ Ngoại giao Philippines xác nhận nước này và Trung Quốc đã nhất trí về một “thỏa thuận” liên quan sứ mệnh tiếp tế cho quân đội Philippines đóng tại bãi Cỏ Mây ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Philippines cho biết: “Philippines và Trung Quốc đã đạt được sự hiểu biết về thỏa thuận tạm thời liên quan đến sứ mệnh tiếp tế nhu yếu phẩm hàng ngày và các phái đoàn luân chuyển tới (con tàu) BRP Sierra Madre ở bãi cạn Ayungin (bãi Cỏ Mây)”.

Năm 1999, Hải quân Philippines đã cho tàu BRP Sierra Madre mắc cạn để duy trì yêu sách lãnh thổ của Philippines đối với bãi Cỏ Mây nằm cách đảo Palawan của Philippines khoảng 200km và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 1.000km. Trong bối cảnh Bắc Kinh tăng cường nỗ lực thúc đẩy các yêu sách phi pháp với gần như toàn bộ Biển Đông, bãi Cỏ Mây trở thành điểm nóng của các cuộc đụng độ giữa tàu Trung Quốc và Philippines từ tháng 8/2023.

“Thoả thuận tạm thời” mà hai nước có thể chấp nhận được mà không phải nhượng bộ về lập trường của mình đã đạt được trong ngày 21/7 sau một loạt cuộc gặp giữa quan chức ngoại hai nước tại Manila. Thông cáo ngắn của Bộ Ngoại giao Philippines được đưa ra sau khi đạt được thỏa thuận nêu rõ: “Cả hai phía tiếp tục nhận thức nhu cầu giảm căng thẳng tình hình tại Biển Đông, giải quyết bất đồng thông qua đối thoại, tham vấn, và đồng ý với nhau rằng thỏa thuận sẽ không tạo nên thiên lệch về quan điểm vị thế của mỗi bên tại khu vực biển đó”.

Trước đó, ngày 17/7, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin ngoại giao không nêu tên và một tài liệu của Philippines cho biết Philippines và Trung Quốc sẽ thiết lập 3 kênh liên lạc mới về vấn đề trên biển, để hỗ trợ giải quyết những tranh chấp ở khu vực Biển Đông. Giới quan sát nhận định việc thiết lập 3 kênh liên lạc và “thỏa thuận tạm thời” nói trên là những kết quả cụ thể mà hai bên đạt được theo tinh thần nhận thức chung mà hai bên đã nhất trí tại cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao hai nước hồi đầu tháng 7 nhằm giảm căng thẳng ở Biển Đông.

Một ngày sau khi Manila thông báo đạt một “thỏa thuận tạm thời” với Bắc Kinh về việc tiếp tế cho quân đội Philippines đang đồn trú ở bãi Cỏ Mây, ngày 22/7/2024, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Nếu Philippines cần gửi nhu yếu phẩm cho những người đồn trú trên tàu chiến đó, Trung Quốc sẵn sàng hỗ trợ với tinh thần nhân đạo nếu Philippines thông báo trước và sau khi (Trung Quốc) xác minh tại chỗ”. Trái lại, Bắc Kinh “tuyệt đối sẽ không chấp nhận” việc Philippines chuyển số lượng lớn vật liệu xây dựng đến khu vực đó, với ý đồ “xây dựng các công trình cố định hoặc tiền đồn lâu dài”

Cũng trong ngày 22/07/2024, Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố chính quyền Manila sẽ tiếp tục “khẳng định các quyền của mình” đối với bãi Cỏ Mây. Trong thông cáo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Teresita Daza khẳng định Manila “sẽ tiếp tục khẳng định các quyền và quyền tài phán” của Philippines trong các vùng biển của mình, bao gồm bãi Cỏ Mây (tên tiếng Anh là Second Thomas).

Người phát ngôn Teresita Daza nhấn mạnh: “Các nguyên tắc và cách thức tiếp cận được đặt ra trong thỏa thuận là kết quả của hàng loạt cuộc tham vấn thận trọng và tỉ mỉ giữa đôi bên, mở đường cho việc thể hiện các quan điểm chung, mà không ảnh hưởng đến lập trường của mỗi nước”. Bà Daza bác bỏ khẳng định của Bắc Kinh về quy định “thông báo trước” trong thỏa thuận, xem đây là thông tin “không chính xác”.

Trong khi đó, Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Eduardo Ano cho biết thỏa thuận này không bao gồm đồng ý cho các tàu Trung Quốc tiến hành kiểm tra “tại chỗ”. Phát biểu tại một diễn đàn, Ông Ano nhấn mạnh: “Không có chuyện kiểm tra tại chỗ. Những điều mà hai bên đồng ý thật sự là hiểu biết chung”; “Hai bên nhất trí căng thẳng sẽ giảm… để ngăn xung đột, bất cứ điều gì có thể gây thương tích, gây hại cho binh lính hay bất kỳ ai”. Ông Ano khẳng định: “Chúng tôi (Philippines) không đồng ý bất cứ điều gì làm suy yếu vị thế của chúng tôi”, đông thời cho biết chi tiết về thỏa thuận sẽ được giữ bí mật trừ khi cả hai bên đồng ý công khai.

Dù mỗi bên có giải thích khác nhau về “thỏa thuận tạm thời” đạt được hôm 21/7, song thoả thuận này có thể giúp giảm căng thẳng ở khu vực bãi Cỏ Mây trong thời gian sắp tới hay không phụ thuộc vào cách ứng xử của cả hai bên. Giới phân tích nhận định khi mà những vụ va chạm giữa tàu của Trung Quốc và Philippines đã đạt tới “giới hạn đỏ” nếu không có biện pháp “xì hơi” giảm căng thẳng có thể dẫn tới xung đột bất cứ lúc nào. Các chuyên gia cũng chỉ ra lý do mà hai bên đi tới thoả thuận tạm thời.

Thứ nhất, cả Manila và Bắc Kinh đều nhận thấy cần phải xuống thang căng thẳng ở Biển Đông và giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và tham vấn. Mặc dù có nhu cầu phải tiếp tế cho binh sĩ để duy trì con tàu BRP Sierra Madre ở bãi Cỏ Mây, song đương nhiên Philippines luôn muốn tránh một cuộc xung đột với Trung Quốc. Do vậy, chính quyền Manila sẽ nỗ lực hết sức không để xung đột quân sự xảy ra. Một thoả thuận tạm thời, theo đó Philippines vẫn tiếp tế được cho binh sĩ mà tránh được chiến tranh là phù hợp với lợi ích của Manila.

Bắc Kinh đang phải đối mặt với những khó khăn trong chiến tranh thương mại, công nghệ với Mỹ và phương Tây, kinh tế trong nước phát triển chậm. Hội nghị Trung ương 3 khoá XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc được giới chuyên gia đánh giá là chưa đưa ra được giải pháp hữu hiệu để vực dậy nền kinh tế đang bị trì trệ. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc chắc chắn không muốn một cuộc xung đột xảy ra ảnh hưởng đến môi trường hoà bình phát triển của Trung Quốc.

Thứ hai, để đạt được “thỏa thuận tạm thời” giữa Philippines và Trung Quốc có vai trò nhất định của Mỹ. Một số chuyên gia cho rằng sở dĩ Bắc Kinh ngồi trao đổi với Manila là do phản ứng rất mạnh mẽ của Mỹ trước việc lực lượng hải cảnh Trung Quốc dùng gậy nhọn, dao, rìu tấn công tàu và thuỷ thủ Philippines gây thương tích đối với thuỷ thủ (mất một ngón tay) và hư hỏng nặng tàu của Philippines. Ngoài phát biểu công khai lên án, Washington lần đầu tiên gửi công hàm tới Bắc Kinh lên án hành động thô bạo của hải cảnh Trung Quốc. Mặc dù nội dung công hàm không được tiết lộ, nhưng một số nguồn tin cho biết Mỹ đã nói rõ con tàu BRP Sierra Madre ở bãi Cỏ Mây nằm trong phạm vi điều chỉnh của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines năm1951; Mỹ kiên quyết ủng hộ Philippines tiếp tế cho binh sĩ trên tàu BRP Sierra Madre.

Phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen ở Colorado hôm 19/7/2024, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết Mỹ đã nói rõ với Trung Quốc rằng Hiệp ước phòng thủ chung với Philippines áp dụng cho tàu Sierra Madre. Ông Sullivan nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất hiện nay là nhìn thấy việc xuống thang căng thẳng và khả năng của Philippines thực hiện việc tiếp tế”; Mỹ “sẽ làm những gì cần thiết” để bảo đảm Philippines có thể tiếp tế cho một nhóm nhỏ quân nhân đồn trú trên tàu chiến Sierra Madre ở bãi Cỏ Mây.

Sau phát biểu nói trên của Cố vấn An ninh Nhà Trắng Jake Sullivan, ngày 21/07/2024, Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines đã gián tiếp từ chối đề xuất “hỗ trợ” của Mỹ, ông Jonathan Malaya, Phó Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines, khẳng định: “Về RORE (nhiệm vụ luân chuyển và tiếp tế), chúng tôi coi đây là hoạt động hoàn toàn của Philippines, sử dụng tàu, nhân sự và lãnh đạo Philippines”. Theo ông Jonathan Malaya, “đây là đường lối và chính sách hiện tại” dù sau này có thể thay đổi tùy theo quyết định của cấp cao. Philippines đánh giá cao đề nghị của Mỹ và sẽ tiếp tục tham vấn với tư cách là đồng minh.

Việc ông Jonathan Malaya tuyên bố Manila trước mắt tự đảm nhiệm việc tiếp tế cho binh sĩ trên tàu Sierra Madre (và điều này có thể thay đổi theo như tuyên bố của Phó Người phát ngôn Jonathan Malaya) vào đúng ngày Manila thông báo về một “thỏa thuận tạm thời” giữa Philippines và Trung Quốc liên quan đến giảm căng thẳng ở khu vực bãi Cỏ Mây là điều rất đáng lưu ý. Đây có thể là sự mặc cả mà Manila đưa ra trong đàm phán với Bắc Kinh, đặt những nhà đàm phán Trung Quốc trước hai sự lựa chọn: một là, hai bên cùng hoà hoãn, hải cảnh Trung Quốc dừng các hoạt động gây hấn hung hăng để Philippines tiếp tục tự mình tiếp tế cho binh sĩ của mình ở bãi Cỏ Mây; hoặc hai là, Philippines phải nhờ đến sự hỗ trợ của Mỹ trong việc tiếp tế cho binh sĩ của mình.

Giới phân tích cho rằng trong 2 sự lựa chọn trên rõ ràng Bắc Kinh sẽ chọn phương án đầu tiên để Philippines tự tiếp tế cho binh sĩ của mình bởi với phương án thứ 2, Mỹ sử dụng máy bay, tàu chiến hỗ trợ cho Philippines trong các hoạt động tiếp tế sẽ tạo ra một tiền lệ không có lợi cho Trung Quốc. Lâu nay, Trung Quốc tìm mọi cách đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông. Nếu để Hải quân và Không quân Mỹ hỗ trợ Philippines chuyển tiếp tế cho binh lính trên bãi Cỏ Mây thì vô hình chung tạo điều kiện cho Mỹ can dự sâu hơn vào Biển Đông.

Xem ra có sự phối hợp chặt chẽ giữa Manila và Washington trong quá trình Philippines tiến hành đàm phán với Trung Quốc về “thỏa thuận” liên quan đến bãi Cỏ Mây để tránh căng thẳng leo thang. Từ những thông tin tiết lộ về công hàm của Mỹ gửi Trung Quốc và những phát biểu công khai của Cố vấn An ninh Nhà Trắng Jake Sullivan cho đến việc Phó Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Philippines cám ơn nhã ý hỗ trợ của Mỹ và tuyên bố Manila tự tiếp tế cho binh sĩ, song vẫn để ngỏ khả năng có thể thay đổi, tất cả điều này cho thấy có sự phối hợp khá đồng bộ giữa hai bên.

Điều đáng chú ý là sau khi đạt được “thỏa thuận tạm thời” với Bắc Kinh, chính quyền Manila lại tiếp tục khẳng định các quyền của mình đối với bãi Cỏ Mây, đồng thời bác bỏ việc nước này phải thông báo trước mỗi lần tiếp tế và lưu ý phát biểu về cái gọi là “thông báo trước” của phía Trung Quốc là thông tin sai lệch; Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines cho biết, không có bất cứ gì điều khoản nào trong thỏa thuận nàylàm suy yếu vị thế của Manila. Điều này cho thấy về tổng thể, Manila đã đạt được điều mình mong muốn trong thỏa thuận này mà chưa phải từ bỏ điều gì liên quan đến các quyền của mình ở khu vực bãi Cỏ Mây.

Giới phân tích nhận định trên thực tế cả Trung Quốc và Mỹ đều muốn tránh phải đối đầu trực tiếp. Việc Washington đưa con tàu BRP Sierra Madre ở bãi Cỏ Mây vào phạm vi Hiệp ước phòng thủ chung và tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ Manila tiếp tế cho binh sĩ của Philippines ở bãi Cỏ Mây là nhằm chuyển tới Bắc Kinh một thông điệp rõ ràng về quyết tâm của Mỹ trong việc đồng hành với Philippines để bảo vệ con tàu BRP Sierra Madre ở bãi Cỏ Mây. Liên quan tới vấn đề này, Trung Quốc ở thế yếu về mặt pháp lý vì phán quyết năm 2016 của Toà Trọng tài đã khẳng định bãi Cỏ Mây là thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Philippines và nếu Mỹ có hỗ trợ Philippines thì không những phù hợp với Hiệp ước phòng thủ chung song phương mà còn phù hợp với luật pháp quốc tế. Xem ra Trung Quốc đã phải có sự thoả hiệp nhất định trong thỏa thuận với Philippines hôm 21/7/2024. “Thỏa thuận tạm thời” có thể giúp hạ nhiệt ở Biển Đông trong thời gian trước mắt, tuy nhiên qua cách giải thích khác nhau của mỗi bên về thỏa thuận này có thể thấy sự chưa thống nhất giữa hai bên về các vấn đê liên quan đến thỏa thuận. Việc triển khai thoả thuận này ra sao còn cần tiếp tục theo rõi trong những ngày tới.

RELATED ARTICLES

Tin mới