Thời gian qua, căng thẳng ở Biển Đông ngày càng leo thang thu hút sự chú ý của cả cộng đồng quốc tế bởi nơi đây không chỉ tồn tại tranh chấp giữa các nước ven Biển Đông mà còn có sự xung đột về lợi ích của các nước lớn và liên quan đến tuyến đường hàng hải của cả thế giới.
Việc Trung Quốc ngày càng trở nên hung hăng trong các hành động với các nước láng giềng cho thấy rõ tham vọng lâu dài của Bắc Kinh đối với Biển Đông. Giới phân tích nhận định trong bối cảnh Bắc Kinh gia tăng các hoạt động hiếu chiến nhằm thực hiện tham vọng ở Biển Đông, Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức.
Chúng ta cùng đi sâu phân tích.
- Tham vọng của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Theo tính toán của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, việc kiểm soát được Biển Đông sẽ đem lại cho quốc gia này hai lợi ích chính:
Về mặt an ninh – quốc phòng, Biển Đông là cửa ngõ phía Nam của Trung Quốc. Khống chế, kiểm soát được Biển Đông không chỉ tạo cho Trung Quốc vùng đệm bảo vệ an ninh quốc gia của Trung Quốc ở phía Nam mà còn giúp Trung Quốc vượt qua chuỗi đảo thứ nhất để vươn ra biển lớn. Hiện nay, tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Trung Quốc đang bị cản trở về mặt hàng hải do có vành đai các đồng minh của Mỹ vây quanh, kéo dài từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và Philippines tới tận Indonesia mà các chuyên gia lâu nay vẫn gọi là “chuỗi đảo thứ nhất. Do đó, Trung Quốc có rất ít không gian để triển khai cũng như phát triển năng lực hải quân. Theo hướng phía Tây để vươn ra Thái Bình Dương, Bắc Kinh gặp khó khăn khi phải đối đầu với Nhật Bản và Đài Loan đều nằm dưới sự bảo hộ của Mỹ.
Biển Đông nằm phía Nam Trung Quốc, nơi các quốc gia ven Biển Đông với tiềm lực kinh tế quân sự hạn chế không thể so sánh với Trung Quốc, lại hầu như không phải đồng minh hiệp ước của Mỹ trừ Philippines. Khống chế được Biển Đông đồng nghĩa với việc mở toang cánh cửa ra Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đây chính là địa bàn mà Bắc Kinh cần để tăng cường sức mạnh hải quân và mở ra khả năng kết nối với các khu vực khác.
Về lợi ích kinh tế, kiểm soát được Biển Đông đồng nghĩa với việc khống chế được tuyến đường hàng hải huyết mạch qua Biển Đông. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới nhưng nền kinh tế phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu. Đẩy các nước khác ra để thống trị Biển Đông giúp Trung Quốc kiểm soát tuyến đường giao thương trên biển phía Nam đảm bảo an ninh kinh tế, năng lượng. Mặt khác, Biển Đông sở hữu lượng tài nguyên thiên nhiên dồi dào, đặc biệt là nguồn hải sản lớn (ước tính chiếm khoảng 12% nguồn lợi hải sản trên toàn thế giới) và trữ lượng dầu mỏ quan trọng (khoảng 11 tỷ thùng trữ lượng dầu và 5.380 tỷ mét khối trữ lượng khí đốt tự nhiên theo ước tính của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ năm 2013). Một khi kiểm soát được Biển Đông, Trung Quốc sẽ kiểm soát được nguồn trữ lượng dầu mỏ và khí đốt khổng lồ. Đây là lý do vì sao Trung Quốc đưa ra chủ trương “cùng khai thác” trong vùng biển của các nước láng giềng ven Biển Đông; ngăn cản các nước này hợp tác khai thác năng lượng với các nước khác ngoài khu vực.
Từ những tính toán về lợi ích kể trên, Trung Quốc nuôi tham vọng độc chiếm Biển Đông, thể hiện trên 3 điểm chính: (i) kiểm soát phần lớn Biển Đông theo cái gọi là “đường đứt đoạn”; (ii) dần thiết lập một trật tự mới, những luật chơi mới trong khu vực nhằm có lợi cho Trung Quốc; (3) trở thành cường quốc thế giới thông qua việc trở thành cường quốc biển.
Thứ nhất, về tham vọng “đường đứt đoạn” hay còn được gọi là “đường lưỡi bò” hay “đường chữ U”, cách gọi này là phù hợp nhất bởi số đoạn của đương này thay đổi nhiều lần: lúc đầu là 11 đoạn, sau đó là 9 đoạn (bỏ đi 2 đoạn trong Vịnh Bắc Bộ” và gần đây tăng thêm 1 đoạn gần Đài Loan thành 10 đoạn
Năm 2009, lần đầu tiên tấm bản đồ “đường đứt đoạn” (“đường chín đoạn”) được Trung Quốc đính kèm Công hàm CML/17/2009 gửi Tổng Thư ký Liên hợp quốc. Tấm bản đồ với “đường chín đoạn” đã thể hiện cái gọi là chủ quyền và quyền tài phán của Bắc Kinh đối với các vùng nước được thể hiện trong bản đồ. Đây được coi là động thái chính thức đầu tiên mà chính quyền Bắc Kinh tuyên bố với cộng đồng quốc tế về cái gọi là “chủ quyền của Trung Quốc” tại Biển Đông. Việc làm này của Trung Quốc đã khiến các nước liên quan ở Biển Đông gửi công hàm lên Liên hợp quốc phản đối và được nhiều chuyên gia gọi là cuộc chiến công hàm lần thứ nhất ở Biển Đông.
Tháng 1/2013, Philippines khởi kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII Công ước Liên hơp quốc về Luật biển (UNCLOS). Năm 2016, Toà Trọng tài đã ra phán quyết, kết luận: “Các tuyên bố của Trung Quốc về quyền lịch sử, hoặc các quyền chủ quyền hoặc quyền tài phán khác, đối với các vùng biển tại Biển Đông được bao quanh bởi ‘đường chín đoạn’ là trái với Công ước và không có hiệu lực pháp lý trong phạm vi vượt quá giới hạn địa lý và nội dung của các quyền được hưởng trên biển mà Trung Quốc được xác lập theo Công ước”.
Tuy nhiên, Trung Quốc không từ bỏ tham vọng của mình. Một mặt, Bắc Kinh không công nhận và không thực thi phán quyết, mặt khác họ tiếp tục đưa ra quan điểm về cái gọi là “Tam Sa” để bảo vệ cho yêu sách “đường đứt đoạn” đã bị Tòa Trong tài bác bỏ. Mới đây nhất, ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Bộ Tài nguyên Thiên nhiên Trung Quốc đã công bố “bản đồ tiêu chuẩn” phiên bản năm 2023. Đáng chú ý, về bộ phận lãnh thổ đại dương, Trung Quốc đã thay thế “đường chín đoạn” bằng “đường mười đoạn”, giữ nguyên các đoạn nét đứt như trong tấm bản đồ được gửi tới Tổng thư ký Liên hợp quốc năm 2009 và bổ sung thêm một nét đứt bao quanh Đài Loan.
Thứ hai, tham vọng ở Biển Đông đang được Trung Quốc hiện thực hoá bằng nhiều hành động và phương thức khác nhau, kể cả sử dụng vũ lực nhằm phá bỏ trật tự dựa trên pháp luật tồn tại lâu nay ở Biển Đông để thiết lập một trật tự mới với những luật chơi theo kiểu Trung Quốc. Trung Quốc đã nhiều lần sử dụng vũ lực ở Biển Đông vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế như: năm 1974, Trung Quốc tấn công vũ lực đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa; năm 1988, Bắc Kinh sử dụng vũ lực đánh chiếm 8 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa; năm 1995, Trung Quốc đánh chiếm Bãi Vành Khăn.
Từ năm 2014, Trung Quốc đẩy mạnh bồi đắp, mở rộng các thực thể mà họ chiếm đóng ở Biển Đông; xây dựng các cầu cảng cho các tàu chiến lơn, xây dựng đường băng lớn có thể hạ cất cánh máy bay chiến đấu hạng nặng trên các đảo nhân tạo mà họ bồi đắp; lắp đặt các thiết bị quân sự hiện đại nhằm biến các cấu trúc ở Biển Đông thành những đồn điền quân sự phục vụ mục tiêu khống chế, kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Hoạt động quân sự hóa Biển Đông của Bắc Kinh đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế.
Trung Quốc gia tăng các hành động gây hấn hung hăng với các nước ven Biển Đông thông qua hoạt động “vùng xám” sử dụng lực lượng hải cảnh và dân quân biển Trung Quốc trấp áp tàu cá, ngư dân và các tàu công vụ của các nước láng giềng. Thời gian gần đây, hải cảnh Trung Quốc còn chiếu lazer cấp độ quân sự nguy hiểm, phun vòi rồng, đâm va vào các tàu công vụ của Philippines, thậm chí sử dụng dao, rìu, vật nhọn tấn công tàu và nhân viên Philippines gây thương tích và hư hại tàu nghiêm trọng.
Để có thể triển khai các hành động hung hang kể trên, Trung Quốc đơn phương ban hành các điều luật, quy định trái với quy định của luật pháp quốc tế. chỉ trong riêng năm 2021 Trung Quốc đã ban hành Luật hải cảnh sửa đổi (có hiệu lực từ 01/2/2021, Luật giao an toàn giao thông hàng hải mới (có hiệu lực từ 01/9/2021). Mới đây nhất, Trung Quốc công bố Quy định thủ tục về thực thi hành chính của lực lượng hải cảnh, cho phép lực lượng này quyền bắt giữ trái phép người nước ngoài trên biển và giam giữ từ 30 tới 60 ngày. Cộng đồng quốc tế phản đối gay gắt các luật và quy định hoàn toàn trái với các điều khoản của UNCLOS, đồng thời cho rằng những luật và quy định mới này của Trung Quốc có thể là nguyên nhân dẫn tới xung đột ở Biển Đông.
Giới chuyên gia nhận định ý đồ của Trung Quốc là đơn phương áp dụng các luật lệ sai trái của mình tại Biển Đông nhằm phá bỏ trật tự dựa trên pháp luật đã được hình thành lâu nay ở Biển đông, từng bước thiết lập một trật tự mới với những luật chơi mới do Bắc Kinh tự ý vạch ra để thực hiện tham vọng bành trướng ở Biển Đông.
Thứ ba, Trung Quốc tham vọng trở thành một cường quốc biển, từ đó trở thành cường quốc hàng đầu thế giới. Bắt nguồn từ Đại hội 18 của Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra vào năm 2012, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào kêu gọi cần nỗ lực hơn để “xây dựng Trung Quốc trở thành một cường quốc biển”. Theo quan điểm của học giả Trương Văn Mộc (Zhang Wenmu), “một cường quốc biển” mà Trung Quốc muốn xây dựng gồm 2 thành tố: (i) các quyền trên biển cả và (ii) sức mạnh biển. Hai thành tố này liên hệ chặt chẽ với nhau, sức mạnh biển giúp một quốc gia đạt được các quyền lợi trên biển mà đôi khi những quyền này không nằm trong phạm vi các quyền hợp pháp và chính đáng của một quốc gia theo luật pháp quốc tế. Theo quan điểm của học giả Trương, một quốc gia có thể đạt được vị thế bá chủ trên biển nhờ vào việc thao túng hành vi hoặc điều khiển hành vi của các nước khác trên biển.
Giới lãnh đạo Bắc Kinh chưa chỉ rõ một “cường quốc biển” gồm các thành phần nào. Tuy nhiên, qua các văn kiện Đại hội Đảng Trung Quốc, có thể thấy “một cường quốc biển” theo quan niệm của Bắc Kinh gồm: mở rộng kinh tế biển; tăng cường việc bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và bảo vệ các quyền cũng như lợi ích trên biển. Trong đó, chính quyền Bắc Kinh đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực hải quân để bảo vệ các quyền và lợi ích trên biển. Theo Báo cáo Sức mạnh Quân sự Trung Quốc năm 2022 của Lầu Năm Góc công bố vào tháng 11/2023, Hải quân Trung Quốc có khoảng 340 tàu chiến và dự kiến cán mốc 400 tàu trong 2 năm tiếp theo. Trung Quốc đang sở hữu 2 tàu sân bay và chuẩn bị đưa tàu sân bay thứ 3 đi vào hoạt động trong năm 2024. Bắc Kinh cũng đã hoàn thành xây dựng 1 căn cứ quân sự tại nước ngoài ở Djibouti vào năm 2017 và đang xây dựng 1 căn cứ Hải quân ở Ream, Campuchia.
Nhằm thực hiện tham vọng “cường quốc biển”, sánh ngang hang với Mỹ, chiến lược tại Biển Đông của Trung Quốc là nhằm phá hủy các thiết chế do Mỹ đứng đầu, dần thiết lập các thiết chế mới do Trung Quốc dẫn dắt và từ đó hình thành một cục diện mới tại khu vực nhằm tối đa hoá lợi ích cho nước này. Trước hết, cần khẳng định rằng hiện nay, Mỹ đang muốn tăng cường triển khai và thúc đẩy nhiều thiết chế dựa trên hệ tư tưởng, giá trị và ý chí do Mỹ và phương Tây dẫn đầu tại Biển Đông.
2. Thách thức đối với Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay
Giới phân tích nhận định, trong trật tự thế giới đa cực hiện nay, Trung Quốc không dễ dàng trong việc hiện thực hoá các tham vọng của mình do gặp phải nhiều thách thức đến từ Mỹ cùng hệ thống các nước đồng minh và các cơ chế hợp tác trong khu vực.
Một là, Mỹ ngày càng quyết tâm triển khai các chiến lược kiềm toả Trung Quốc và tăng cường sự hiện diện của mình tại Biển Đông thông qua nhiều phương tiện và cách thức ngăn chặn. Trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung ở Biển Đông và khu vực, Mỹ không đơn độc mà kéo thêm nhiều đồng minh khác của Mỹ cùng tham gia; Mỹ cùng với các đồng minh và đối tác thành lập các tiểu đa phương ở khu vực nhằm kiềm chế Trung Quốc. Việc Mỹ đạt được quyền tiếp cận thêm 4 căn cứ của Philippines tháng 2/2023 giúp Mỹ có thể nhanh chóng triển khai lực lượng ở Biển Đông và trong khu vực.
Bên cạnh việc triển khai các hoạt động tự do hàng hải (FONOPs), Mỹ tiến hành tuần tra chung song phương với Philippines; tuần tra chung và tập trận chung đa phương với Nhật Bản, Úc, Canada, Philippines ở Biển Đông. Cuộc tập trận Balikatan (vai kề vai) 2024 ở Biển Đông có quy mô lớn nhất từ trước tới nay với sự tham gia của Úc, Pháp và 14 quốc gia với tư cách quan sát viên. Đáng chú ý, trước cuộc tập trận Mỹ đã lần đầu tiên triển khai hệ thống phóng tên lửa mặt đất tầm trung (MRC), hay còn gọi là Typhon ở Philippines. Mặt khác, Mỹ công khai đứng về phía Philippines trong cuộc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông; nhiều lần lên án mạnh mẽ hành động hung hăng của hải cảnh Trung Quốc ở khu vực Bãi Cỏ Mây.
Tất cả các hoạt động kể trên tạo ra những thách thức đối với tham vọng “cường quốc biển” và tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong các hoạt động của mình, Mỹ luôn đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật kể cả việc thực thi phán quyết 2016 của Toà Trọng tài Vụ kiện Biển Đông nhằm chống lại tham vọng phá vỡ trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông.
Hai là, một số quốc gia trong khối ASEAN mà đi đầu là Philippines đang tìm kiếm các cơ chế hợp tác an ninh với Mỹ và đồng minh nhằm nâng cao năng lực hải quân, đối phó với các nguy cơ xung đột với tàu thuyền Trung Quốc trên biển. Trong 2 năm cầm quyền, Tổng thống Philippines Marcos Jr. thi hành một chính sách cứng rắn trên vấn đề Biển Đông, chủ động thúc đẩy quan hệ đồng minh với Mỹ và mở rộng quan hệ hợp tác an ninh với các đồng minh của Mỹ bằng các thoả thuận hợp tác quốc phòng nhằm tăng cường sức mạnh trong cuộc đối đầu với Trung Quốc ở Biển Đông. Chính quyền Manila cũng tang cường mua sắm vũ khí, trang thiết bị quân sự như tên lửa Brahmos của Ấn Độ hay đang xúc tiến mua tàu ngầm… Mới đây nhất, trong cuộc họp 2+2 giữa Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại giao 2 nước, Washington đã tuyên bố viện trợ cho Manila 500 triệu USD để nâng cao năng lực phòng thủ.
Đáng chú ý, năm 2023, Mỹ và Philippines đã công bố bản Hướng dẫn Phòng thủ Song phương, cụ thể hoá thêm Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Trung năm 1951. Theo đó, “một cuộc tấn công vũ trang tại khu vực Thái Bình Dương, bao gồm mọi địa điểm ở Biển Đông, vào bất kỳ tàu tuần duyên, máy bay hoặc lực lượng vũ trang nào, bao gồm lực lượng Cảnh sát Biển, sẽ kích hoạt Điều IV và V thuộc Hiệp ước Phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines năm 1951”. Các quan chức cấp cao của Mỹ, bao gồm Tổng thống Biden nhiều lần khẳng định cam kết sắt đá này. Đây rõ ràng là thách thức lớn mà Bắc Kinh phải đối mặt ở Biển Đông.
Ba là, sự tăng cường hợp tác giữa các nước ven Biển Đông ngày càng tang đặt ra những thách thức đối với chính sách bành trướng của Trung Quốc. Việc ký kết các hiệp định phân định vùng đặc quyền kinh tế giữa Việt Nam-Indonesia hay thoả thuận hợp tác chung giữa Việt Nam – Malaysia đã trở thành “những cái gai” trong mắt giới cầm quyền Bắc Kinh. Việc mới đây Philippines và Việt Nam đệ trình hồ sơ Ranh giới thềm lục địa mở rộng lên Uỷ ban Ranh giới thềm lục địa của Liên hợp quốc mở ra cơ hội đàm phán song phương giữa Hà Nội và Manila về phân định vùng biển ở Biển Đông sẽ đặt Bắc Kinh vào thế bị động phải ứng phó.
Ngoài ra, việc tăng cường hợp tác giữa lực lượng tuần duyên Philippines với lực lượng cảnh sát biển Việt Nam hay đề xuất của Manila về việc thành lập Diễn đàn Cảnh sát biển ASEAN tại Hội nghị AMM 57 để tạo điều đối thoại và thực thi pháp luật ở Biển Đông… được coi là những thách thức không nhỏ đối với Trung Quốc ở Biển Đông. Tóm lại, tham vọng khống chế, kiểm soát tiến tới độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc là xuyên suốt và không thay đổi. Nhằm thực hiện tham vọng này để đưa Trung Quốc thành một cường quốc biển, giới cầm quyền Bắc Kinh ngày càng trở nên hung hăng trong các hành động với các nước láng giềng ven Biển Đông khiến căng thẳng leo thang. Tuy nhiên, tham vọng bành trướng của Bắc Kinh cũng phải đối mặt với nhiều thách thức từ sự phản kháng mạnh mẽ của các nước ven Biển Đông mà đi đầu là Philippines và sự can dự ngày càng sâu của Mỹ và các nước ngoài khu vực.