Wednesday, January 22, 2025
Trang chủGóc khuất Trung HoaDân quân biển – “Đội quân ngầm” hết sức nguy hiểm của...

Dân quân biển – “Đội quân ngầm” hết sức nguy hiểm của TQ ở Biển Đông

Trong những năm gần đây, nhiều tàu cá Trung Quốc đã xuất hiện ở Biển Đông có lúc lên tới vài trăm chiếc. Tàu Trung Quốc xuất hiện nhiều nhất là ở những thực thể như bãi Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa, khu vực Bãi Cỏ Mây, Bãi cạn Scarborough, Bãi Sa Bin….

Tuy nhiên, các tàu Trung Quốc không phải là tàu đánh cá thông thường, họ không đến đó để đánh cá mà để khiêu khích, gây sự. Các tàu này là một phần của lực lượng dân quân biển – một đội quân ngầm mà Bắc Kinh hiếm khi thừa nhận sự tồn tại. Từ lâu, lực lượng này đã được Trung Quốc sử dụng để hỗ trợ việc duy trì hoặc chiếm đóng các thực thể tranh chấp ở Biển Đông.

Lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã tồn tại nhiều thập kỷ. Lực lượng này ngày càng được chuyên nghiệp hóa, trang bị tốt hơn và được quân sự hóa nhiều hơn dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, người đã tiến hành cải tổ quân đội Trung Quốc kể từ khi lên nắm quyền năm 2012. Lực lượng dân quân biển Trung Quốc bao gồm 2 lực lượng chính: (i) đội tàu chuyên nghiệp gồm ít nhất 100 tàu chuyên dụng với vỏ bọc bên ngoài là tàu cá. Đội tàu này gồm nhiều tàu lớn với trang thiết bị quân sự tốt hơn. Trên các nền tảng theo dõi vệ tinh, đội tàu này thường được nhìn thấy đang vây quanh các địa điểm tranh chấp; (ii) đội tàu còn lại, được gọi là hạm đội tàu đánh cá xương sống Trường Sa (SBFV), là một nhóm lớn hơn gồm các tàu đánh cá thật hoạt động ngoài khơi các cảng trên khắp Hải Nam và Quảng Đông, và đã được đưa vào biên chế. Các tàu thuộc nhóm này khó phát hiện hơn do được trang bị các thiết bị phát tín hiệu vệ tinh yếu hoặc không có thiết bị phát tín hiệu nào.

Theo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), lực lượng dân quân biển chủ yếu được tài trợ thông qua các khoản trợ cấp khác nhau của chính phủ. Một số dân quân được hưởng lương toàn thời gian từ các công ty nhà nước. Thủy thủ đoàn SBFV cũng nhận được khoản trợ cấp nhiên liệu béo bở của chính phủ cho các nhiệm vụ dân quân, khiến họ không mặn mà với việc đánh bắt cá. Ông Ray Powell, Giám đốc SeaLight – một dự án minh bạch hàng hải tại Đại học Stanford, cho biết: “Những thủy thủ đoàn này có thể đánh bắt cá nếu họ muốn. Đôi lúc cũng có đánh bắt cá nhưng chủ yếu những người này chỉ neo đậu lặng lẽ và tập trung lại với nhau (ở các địa điểm tranh chấp). Đậu yên và không sử dụng nhiên liệu là cách tiết kiệm nhất”.

Một báo cáo điều tra năm 2021 của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) cho biết “không còn nghi ngờ gì nữa về việc lực lượng dân quân biển được tổ chức, tài trợ và điều hành bởi chính phủ Trung Quốc”. Báo cáo khẳng định Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về mặt pháp lý đối với các hành động của dân quân biển, bởi những hành động này “vi phạm nhiều nguyên tắc của luật pháp quốc tế”. Chính phủ Trung Quốc hiếm khi thừa nhận các hoạt động của lực lượng dân quân biển, hoặc khẳng định đó chỉ là những tàu đánh cá đang hoạt động ở vùng biển mà nước này tuyên bố là “lãnh hải truyền thống” của Trung Quốc.

Theo Powell, Bắc Kinh khẳng định các hoạt động của Trung Quốc ở những nơi như Bãi Scarborough là hành vi “bảo vệ quyền lợi”, nhưng hiếm khi thừa nhận sự tham gia của lực lượng dân quân biển trong các hoạt động này. Trung Quốc cũng thừa nhận sự tồn tại của lực lượng dân quân biển, nhưng lại “giữ bí mật” về việc lực lượng này bao gồm những tàu nào.

Lực lượng dân quân biển hoạt động trên khắp khu vực, bao gồm vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia, Việt Nam và Malaysia, Philippines ở Biển Đông, Eo biển Đài Loan, Biển Hoa Đông và cả Biển Hoàng Hải. Các đội tàu thực hiện hành trình xâm nhập vào các vùng đặc quyền kinh tế của nhiều nước, phong tỏa các bãi cạn và các đảo tranh chấp, đồng thời nhiều lần đâm va hoặc sử dụng vòi rồng tấn công các tàu khác, kể cả với tàu Hải quân Mỹ. Các tàu của lực lượng dân quân biển thường tập hợp lại để tạo nguy cơ va chạm và cản trở việc tiếp cận, hoặc đóng chốt tại một bãi cạn trong nhiều tháng, nhằm tăng cường sự hiện diện và kiểm soát thực tế của Trung Quốc trong khu vực.

Chuyên gia về Biển Đông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) cho biết: “Đội tàu chuyên nghiệp là mối đe dọa trực tiếp, nhưng quy mô của đội tàu này nhỏ hơn. Đội tàu SBFV lớn hơn nhưng lại gây phiền toái. Họ chỉ thả neo. Chính phủ các nước phải tiếp cận hai đội tàu này theo những cách khác nhau. Một bên là mối đe dọa quân sự, và một bên thì gây phiền nhiễu – đây là vấn đề đối với việc thực thi pháp luật”.

Theo một số nguồn tin, có những chỉ đạo rõ ràng từ các quan chức liên quan đến “trách nhiệm chính trị” của dân quân biển, đó là hoạt động ở các khu vực cụ thể và hỗ trợ quân đội khi cần thiết. Nhiều thị trấn ở Trung Quốc phát triển đội tàu dân quân biển chuyên nghiệp nhận được sự khen ngợi từ chính phủ và thậm chí được Tập Cận Bình ghé thăm nhằm ghi nhận nỗ lực của họ. Điều này cho thấy rõ chính quyền Bắc Kinh chủ trương sử dụng lực lượng dân quân biển như một “đội quân ngầm” thúc đẩy các yêu sách của họ ở Biển Đông và các vùng biển xung quanh.

Giới phân tích nhận định nhằm đẩy mạnh chiến lược “vùng xám”, Bắc Kinh đang tích cực xây dựng một lực lượng dân quân biển mạnh có thể tạo thành xương sống trong thúc đẩy các yêu sách trên biển của Trung Quốc. Theo đó, lực lượng dân quân biển về cơ bản thực hiện 6 chức năng: 1) duy trì sự hiện diện của Bắc Kinh ở vùng biển xa; 2) giám sát, trinh sát trên biển; 3) hợp tác với các cơ quan thực thi pháp luật; 4) tìm kiếm và cứu hộ; 5) hỗ trợ công tác thu hồi đất; 6) hỗ trợ các hoạt động hải quân trong thời chiến. Một trong những mục đích của lực lượng dân quân biển là nhằm duy trì sự hiện diện thường xuyên thông qua các hoạt động đánh bắt cá. Và trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang quy mô lớn, lực lượng này có thể cung cấp thông tin tình báo quan trọng về đối thủ và “góp phần vào hoạt động tuần tra vành đai, cảnh báo… giao chiến và đánh đuổi kẻ thù”.

Trong một nghiên cứu năm 2021, Thôi Hạo Nhiên (Cui Haoran), chuyên gia luật hàng hải tại Đại học Luật Thượng Hải, cho biết theo luật pháp và các hoạt động thực thi luật hàng hải của Trung Quốc, dân quân biển được coi là một công cụ linh hoạt của chính sách khẩn cấp. Mặc dù dân quân biển về cơ bản là các tổ chức bán quân sự với mức độ tự chủ nhất định trong hoạt động, song phần lớn họ chỉ giới hạn ở vai trò là lực lượng phụ trợ cho hải quân và lực lượng hải cảnh. Ông Collin Koh, nhà nghiên cứu an ninh hàng hải tại Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore, chỉ ra rằng lực lượng dân quân biển đã giúp củng cố các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển chiến lược và biến lực lượng này trở thành “những đối tượng phản ứng đầu tiên trong mọi tình huống trên biển”.

Dân quân biển cũng là lực lượng trinh sát có giá trị, mở rộng các kênh tình báo của hải quân Trung Quốc bằng khả năng trá hình, chiến thuật ngụy trang và hoạt động ở những khu vực nhạy cảm hoặc vùng mù radar không phù hợp với tàu chiến Trung Quốc. Theo chuyên gia Collin Koh, vì các tàu này được ngụy trang giống tàu cá, nên chúng có thể làm phức tạp các nỗ lực thực thi pháp luật của bất kỳ quốc gia nào nhằm ngăn chặn hành động của lực lượng dân quân biển này.

Các chuyên gia quân sự nhận định lực lượng dân quân biển có những lợi thế đặc biệt trong việc giải quyết các tranh chấp chủ quyền – không chỉ tránh được những hậu quả tiêu cực về chính trị và ngoại giao do can dự quân sự, mà còn giúp tăng cường quyền kiểm soát lãnh thổ trên biển. Chuyên gia Koh cho biết, lực lượng dân quân biển cũng có một mạng lưới chỉ huy và liên lạc phức tạp, vốn rất cần để cảnh báo các tàu cá hiện diện sẵn ở khu vực có thể nhanh chóng qua mặt lực lượng tuần duyên của nước ngoài, gây khó khăn cho việc trục xuất các tàu của Trung Quốc.

Chuyên gia Thôi Hạo Nhiên từ Đại học Luật Thượng Hải cho rằng việc sử dụng thường xuyên hải quân và lực lượng hải cảnh có thể làm trầm trọng thêm những căng thẳng, thay vào đó việc sử dụng lực lượng dân quân biển có thể tránh được điều này. Theo chuyên gia từ Đại học Thượng Hải này, nếu hải quân hoặc lực lượng bảo vệ bờ biển của một quốc gia sử dụng các biện pháp cưỡng chế để trục xuất các tàu dân sự của nước ngoài, điều này thường dẫn đến các cuộc đối đầu giữa quân đội và dân thường, hoặc giữa lực lượng bảo vệ bờ biển và dân thường, những hành động có thể khơi dậy sự đồng cảm của quốc tế đối với “bên yếu thế hơn”. Ông cho rằng dân quân biển chỉ nên sử dụng vũ lực để bảo vệ quyền của họ như là giải pháp cuối cùng – để tự vệ hoặc ngăn chặn một cuộc đụng độ quân sự tiềm tàng. Ý kiến của ông Thôi Hạo Nhiện cho thấy Bắc Kinh có những tính toán rất kỹ khi sử dụng lực lượng dân quân biển để thúc đẩy các yêu sách phi lý ở Biển Đông.

Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974. Trước đó, một số tàu cá của Trung Quốc (thực chất là dân quân biển Trung Quốc hoạt động xung quanh các thực thể để khiêu khích. Dân quân biển Trung Quốc tiếp tục được sử dụng trong việc đánh chiếm 6 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa năm 1988; đánh chiếm bãi Vành Khăn năm 1995 và kiểm soát Bãi cạn Scarborough năm 2012.

Năm 2013, vị thế của dân quân biển Trung Quốc đã được nâng cao hơn nữa khi nhà lãnh đạo Tập Cận Bình có chuyến thị sát tới Hải Nam để thăm đơn vị dân quân biển đóng tại cảng cá Đàm Môn (Tanmen). Lực lượng dân quân này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc “săn đuổi tàu cá nước ngoài”. Hiện lực lượng dân quân biển đang được Bắc Kinh sử dụng trong chiến thuật “vùng xám” ở Biển Đông, nhất là trong các hoạt động gây hấn đối với Philippines trong thời gian gần đây.

Nhiều nước phương Tây đã chỉ trích việc Bắc Kinh triển khai lực lượng dân quân biển để thúc đẩy các yêu sách trên biển và làm lực lượng đi đầu trong chiến lược “vùng xám” bởi các tàu này không gây ra xung đột quân sự trực tiếp, nhưng chúng vẫn tạo sức ảnh hưởng đến các quốc gia láng giềng cũng có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông. Mỹ, đồng minh hiệp ước của Philippines, đã nhiều lần cáo buộc lực lượng dân quân biển Trung Quốc vi phạm luật quốc tế thông qua việc “thực thi các yêu sách hàng hải rộng lớn và bất hợp pháp”. Philippines, mục tiêu của các hoạt động dân quân biển gần đây, tuyên bố “sẽ không bị ngăn cản và tiếp tục theo đuổi các hoạt động hợp pháp và chính đáng” trong vùng biển của nước này. Ông Greg Poling, Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á cho rằng Philippines đang phản kháng nhiều hơn so với trước đây. Nhà nghiên cứu này nói: “Về phía Philippines, họ không còn lựa chọn nào khác”.

Với những phân tích nói trên, có thể thấy dân quân biển là “đội quân ngầm” hết sức nguy hiểm và là một vũ khí hiểm độc của Trung Quốc ở Biển Đông. Các nước ven Biển Đông cũng đã nhận ra sư nguy hại của “đội quân ngầm” này nên kiên trì đấu tranh. Theo chuyên gia Greg Poling, Trung Quốc hiện không có bất kỳ phản ứng nào trước sự kháng cự của khu vực, thay vào đó Bắc Kinh đang “đẩy Philippines và các nước láng giềng khác tiến tới thành lập liên minh chống Trung Quốc”. Nhà nghiên cứu này lưu ý: “Trung Quốc từng sẵn sàng làm những điều điên rồ và các nước khác phải lùi bước. Nhưng giờ đây họ không như vậy nữa, và giống như một kẻ hay bắt nạt bạn bè trong trường học, Trung Quốc hiện không biết phải làm gì”. Các chuyên gia hàng hải cảnh báo Bắc Kinh sẽ tiếp tục triệt để tận dụng vai trò của lực lượng dân quân biển để hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động của hải quân và lực lượng hải cảnh Trung Quốc. Bắc Kinh cũng được cho là sẽ tăng cường nỗ lực đưa hoạt động phối hợp của dân quân biển vào chiến lược quốc gia của Trung Quốc. Các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc sẽ gặp khó khăn trong đối phó với hạm đội dân quân biển của Trung Quốc. Chuyên gia Collin Koh từ Đại học Công nghệ Nanyang Singapore nhấn mạnh: “Ngay cả khi các quốc gia tranh chấp muốn huy động lực lượng như vậy, họ sẽ phải đầu tư rất lớn để xây dựng một lực lượng tương xứng với lực lượng của Trung Quốc về quy mô và tổ chức” và điều này là không khả thi.

RELATED ARTICLES

Tin mới