Friday, January 24, 2025
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNhững điều cần lưu ý khi xây dựng cáp ngầm qua Biển...

Những điều cần lưu ý khi xây dựng cáp ngầm qua Biển Đông

Trong bối cảnh cạnh tranh địa chiến lược ở Biển Đông và trong khu vực giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã mở rộng sang lĩnh vực công nghệ cao thì một cuộc chiến âm thầm trong lĩnh vực cáp ngầm ở Biển Đông đang diễn ra giữa Washington và Bắc Kinh.

Cả hai nước cạnh tranh nhau quyết liệt trong việc giành các hợp đồng xây dựng các tuyến cáp ngầm ở Biển Đông mà Việt Nam đang là đối tượng được tranh thủ bởi nước này đang có kế hoạch lắp đặt các tuyến cáp ngầm qua Biển Đông bổ sung cho năm tuyến đang lão hóa.

Theo một số nguồn tin, từ đầu năm 2024 giới chức và các công ty Mỹ đã tổ chức gần chục cuộc họp với giới chức Việt Nam và nước ngoài, cùng các giám đốc điều hành doanh nghiệp, nhằm thảo luận về chiến lược cáp của Hà Nội. Mục đích của các cuộc họp là nhằm thuyết phục Việt Nam rằng ngành công nghiệp lắp cáp, vốn phụ thuộc vào bốn ông lớn trên toàn cầu, lựa chọn người chơi tương đối mới như công ty HMN Tech là một lựa chọn tồi. Tại các cuộc họp, giới chức Mỹ và APTelecom đã nói rõ rằng việc lựa chọn các công ty lắp cáp ít kinh nghiệm hơn và ít có khả năng tiếp cận với các thành phần quan trọng sẽ khiến các công ty Mỹ nản lòng trong việc đầu tư vào Việt Nam.

APTelecom, được thành lập năm 2009, có một hợp đồng nhiều năm với chính phủ Mỹ để thúc đẩy sáng kiến “Mạng lưới sạch” với các nước khác, bao gồm ngăn chặn đầu tư vào Trung Quốc. APTelecom cũng đóng vai trò là nhà đàm phán với các công ty của phương Tây đang tìm kiếm các hợp đồng lắp cáp nhạy cảm với nước ngoài. Công ty này đang hợp tác với Google và công ty viễn thông của Úc Telstra về hệ thống cáp ngầm mới kết nối với các đảo Thái Bình Dương. Công ty viễn thông Mỹ AT&T, thành viên của tập đoàn sở hữu tuyến cáp kết nối Việt Nam và Mỹ, cúng đã có ít nhất hai cuộc họp với các quan chức và công ty Việt Nam về vấn đề cáp biển.

Theo một số chuyên gia, Mỹ đang tìm cách loại công ty HMN Tech của Trung Quốc ra khỏi các dự án cáp ngầm ở Biển Đông của Việt Nam bởi lẽ Mỹ coi HMN Tech là một công ty có liên kết với gã khổng lồ công nghệ Huawei của Trung Quốc. Cả hai đều đang nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ do Washington lo ngại các công ty này là mối đe dọa cho an ninh quốc gia. So với các công ty đã hoạt động trong lĩnh vực này nhiều thập kỷ qua, như SubCom của Mỹ, NEC của Nhật Bản và Alcatel Submarine của Pháp thì HMN Tech của Trung Quốc mới chỉ hoạt động từ năm 2008. Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu TeleGeography, công ty HMN Tech của Trung Quốc chủ yếu lắp đặt các tuyến cáp ngắn hơn. Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tố cáo chiến dịch của Mỹ là “sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và các mô hình hoạt động kinh doanh”.

Tất cả các tuyến cáp chính dưới biển của Việt Nam đều từng bị mất tín hiệu và hư hỏng, đôi khi xảy ra cùng một lúc từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023. Điều này thúc đẩy Hà Nội đặt ra các mục tiêu về cáp biển ở mức độ tham vọng hơn. Hôm 09/10/2024, chính phủ Việt Nam đã ra quyết định xây dựng sớm 2 tuyến cáp ngầm ở Biển Đông để phục vụ cho việc phát triển mạng lưới 5G. Điều này là phù hợp bởi lẽ trong thời đại công nghệ 4.0 với việc phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) thì việc xây dựng các tuyến cáp mới là hết sức cần thiết. Một số nguồn tin cho biết Việt Nam vẫn đang để ngỏ khả năng thuê công ty HMN Tech của Trung Quốc xây dựng tuyến cáp ngầm ở Biển Đông do công ty này đưa ra giá thành rẻ hơn nhiều so với các công ty của Mỹ, Anh, Pháp, Nhật. Tuy nhiên, các nhà phân tích chiến lược có chung nhận định việc lựa chọn đối tác để xây dựng các tuyến cáp ngầm ở Biển Đông cần lưu ý một số điểm sau:

Trước hết, Biển Đông là nơi có tranh chấp 5 nước 6 bên, trong đó yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc chiếm tới 90% diện tích Biển Đông, lấn sâu vào vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa được xác định theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) của  các nước ven Biển Đông. Bất chấp việc Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng năm 2016 đã ra phán quyết bác bỏ hoàn toàn yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông, Trung Quốc luôn tìm mọi cách để thúc đẩy yêu sách phi lý này nhằm thực hiện mục tiêu khống chế, thôn tính Biển Đông.

Tuy việc lắp đặt cáp viễn thông quốc tế ở Biển Đông không liên quan gì tới các tranh cãi về chủ quyền hay quyền chủ quyền của các nước, song không loại trừ việc Bắc Kinh lợi dụng vấn đề lắp đặt cáp này để thực hiện những mưu đồ lãnh thổ bởi trên thực tế Bắc Kinh đã nhiều lần sử dụng các vấn đề kỹ thuật để tuyên bố cái gọi là “chủ quyền” của họ ở Biển Đông ví dụ như khi phát hiện ra những đồ gốm sứ chìm ở Biển Đông, Trung Quốc cũng lấy đó làm cái gọi là “căn cứ” để đòi hỏi chủ quyền một cách vô lý. Do vậy, cần hết sức cảnh giác khi chọn các công ty của Trung Quốc tham gia các dự án xây dựng cáp ngầm ở Biển Đông.

Mặt khác, chúng ta đều thấy căng thẳng Biển Đông không ngừng leo thang thời gian qua do sự hung hăng và bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Trên thực tế, Bắc Kinh không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào để thực hiện mục tiêu độc chiếm Biển Đông. Nếu tuyến cáp trên Biển Đông do một công ty Trung Quốc xây dựng thì không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ cho phá hoại tuyến cáp để khống chế, gây áp lực lên đối phương. Giáo sư Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales, Canberra – chuyên gia nghiên cứu lâu năm về Trung Quốc – cảnh báo: “Trung Quốc sẽ có khả năng làm gián đoạn lưu lượng trên các tuyến cáp ngầm dưới biển vào thời điểm khủng hoảng”.

Trung Quốc là quốc gia đang muốn thể hiện sức mạnh và trong tranh chấp Biển Đông nên họ muốn kiểm soát các tuyến cáp ngầm đi qua Biển Đông. Bài báo trên Washington Post ngày 03/10/2024 cho biết có nhiều vụ Trung Quốc sử dụng tàu hải cảnh để quấy phá các tàu sửa chữa cáp ngầm của Việt Nam trên Biển Đông và Việt Nam buộc phải đưa tàu hải quân ra bảo vệ. Đối với Đài Loan, Trung Quốc từng cắt cáp ngầm của đảo Mã Tổ do Đài Loan quản lý khiến cho đảo Mã Tổ bị cô lập về thông tin khoảng sáu tháng.

Hai là, vấn đề kiểm soát thông tin. Theo một nghiên cứu của ông Jonathon W. Penney ở Đại học Oxford của Anh quốc, chính quyền các cường quốc có thể nghe lén, ngăn chặn thông tin trong việc quản lý đường cáp ngầm khi đường cáp ngầm nằm trong khả năng quản lý và can thiệp của họ. Trong trường hợp Việt Nam thuê một công ty Trung Quốc xây dựng tuyến cáp ngầm, về mặt kỹ thuật, Trung Quốc có thể can thiệp vào tuyến cáp này.

Giáo sư Carl Thayer cho rằng nếu Việt Nam thuê HMN Technologies xây dựng tuyến cáp ngầm ở Biển Đông thì “đầu tiên, Trung Quốc sẽ có khả năng giám sát mọi lưu lượng thông tin đi qua mạng lưới này và khai thác mọi dữ liệu để phân tích Dữ liệu lớn, nhằm mục đích phát triển máy học và trí tuệ nhân tạo. Điều này có ý nghĩa quốc phòng trong khu vực”.

Theo giới chuyên gia viễn thông quốc tế, ước tính khoảng 90% lưu lượng thông tin mà con người truyền đi trong lĩnh vực viễn thông là qua mạng lưới cáp ngầm. Nếu như trước đây, cáp ngầm chủ yếu liên quan đến đường điện thoại thì bây giờ liên quan tới internet, tức là liên quan toàn diện đến các vấn đề kinh tế tài chính, quân sự, chính trị. Như vậy, việc xây dựng các tuyến cáp ngầm trên biểnkhông chỉ là vấn đề kĩ thuật mà còn là một vấn đề địa chính trị và an ninh quốc gia.

Trong bối cảnh công nghệ 4.0, các hoạt động tài chính sử dụng internet để lưu chuyển thông tin đều qua cáp ngầm là chính, bởi hệ thống internet vệ tinh chưa thay thế được. Hiện nay, cả thế giới phụ thuộc vào internet nên quốc gia nào kiểm soát được các tuyến cáp ngầm sẽ rất quan trọng. Và đây trở thành địa bàn cho hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh nhau.

Tiền thân của công ty HMN Technologies chính là Huawei, một doanh nghiệp Trung Quốc đã bị Mỹ và nhiều nước tẩy chay do liên quan đến vấn đề an ninh quốc gia, đánh cắp thông tin. Do vậy, giới chuyên gia đã đưa ra cảnh báo nếu Hà Nội để các công ty Trung Quốc, kể cả HMN Technologies tham gia vào xây dựng tuyến cáp ngầm ở Biển Đông có thể đem đến nhiều rủi ro cho kinh tế và an ninh của Việt Nam.

Ba là, nếu Việt Nam để các doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng các tuyến cáp ngầm ở Biển Đông sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới việc thu hút các doanh nghiệp công nghệ cao nước ngoài, nhất là doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam. Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại, công nghệ giữa Mỹ-Trung ngày càng gay gắt, thời gian gần đây, Việt Nam đang trở thành “điểm nóng” thu hút đầu tư công nghệ kỹ thuật cao từ nước ngoài.

Sau khi quan hệ Việt-Mỹ được nâng lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Biden tháng 9/2023, Washington khuyến khích và hỗ trợ Hà Nội tham gia vào chuỗi cung ứng công nghệ cao. Trong hơn một năm qua, lãnh đạo nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ như Google, Apple, Nvidia, Marvell, Microsolt, Amazon, Facebook,… đã vào Việt Nam tìm hiểu về cơ hội hợp tác đầu tư. Việt Nam cũng sẵn sàng lên kế hoạch thử nghiệm các dịch vụ di động 6G và thành lập các trung tâm dữ liệu AI, trung tâm dữ liệu siêu quy mô vào năm 2030. Giới chuyên gia cảnh báo tham vọng này của Hà Nội có thể không thực hiện được nếu Việt Nam cho các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia xây dựng các tuyến cáp quang ở Biển Đông bởi lẽ các doanh nghiệp công nghệ cao của Mỹ không đầu tư vào Việt Nam vì lo ngại: (i) lộ lọt thông tin, đánh cắp dữ liệu khi Bắc Kinh kiểm soát các tuyến cáp của Việt Nam ở Biển Đông; (ii) Bắc Kinh phá hoại hệ thống cáp ngầm khiến thông tin và internet gián đoạn.

Giáo sư Carl Thayer cho rằng nếu để một công ty Trung Quốc xây dựng các tuyến cáp ở Biển Đông thì Việt Nam có nguy cơ phụ thuộc vào công nghệ của Trung Quốc mà xu hướng chung hiện nay của Mỹ là tách công nghệ và thiết bị do Mỹ thiết kế và sản xuất khỏi các hệ thống của Trung Quốc. Một khi Việt Nam phụ thuộc vào công nghệ Trung Quốc sẽ mất cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng công nghệ cao của Mỹ.

Các tuyến cáp dưới biển truyền tải hầu hết các dữ liệu trên thế giới, đã trở thành trọng tâm trong cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc. Bản thân đáy Biển Đông có rất nhiều tuyến cáp ngầm lớn chạy qua. Hiện nay có bốn công ty lớn của Phương Tây của Mỹ, Nhật, Pháp chiếm khoảng 80% thị phần cáp ngầm internet dưới đáy biển.Các chuyên gia cho rằng quyết định của chính quyền Hà Nội đối với các dự án xây dựng cáp ngầm ở Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến tương lai Việt Nam nhiều thế hệ tiếp theo, do vậy cần có sự tỉnh táo trong việc lựa chọn đối tác đừng vì giá rẻ mà cần dựa vào xu hướng phát triển công nghệ của Việt Nam để lựa chọn. Việc lựa chọn nhà thầu theo tiêu chí giá rẻ để xây dựng các tuyến cáp ở Biển Đông có thể dẫn tới việc phải trả giá đắt gấp nhiều lần trong tương lai.

Từ những phân tích trên, giới chuyên gia nêu một số khuyến nghị đối với Hà Nội trong việc lựa chon đối tác xây dựng các tuyến cáp ngầm ở Biển Đông: Hiện không có một “đường cáp quốc tế” nối liền thế giới và theo qui chuẩn và kiểm soát quốc tế, do vậy Việt Nam nên căn cứ vào thực trạng không có tính thống nhất toàn cầu về mạng lưới cáp ngầm để quyết định hợp tác với ai trong việc xây dựng cáp ngầm ở Biển Đông nhằm tối ưu hoá lợi ích quốc gia theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển công nghệ kỹ thuật cao và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cũng như đường lối chính sách đối ngoại lâu nay, Việt Nam nên chọn con đường đa dạng hóa, đa phương hóa trong việc hợp tác xây dựng các tuyến cáp ngầm ở Biển Đông. Nên lựa chọn các đối tác có kinh nghiệm và công nghệ hàng đầu trên thế giới của Mỹ, Nhật, châu Âu để xây dựng các tuyến cáp ngầm ở Biển Đông theo hướng nối với các trạm của các nước vì trên thực tế tại khu vực châu Á, nhiều quốc gia đã xây dựng các đường cáp ngầm nối các trạm giữa họ với nhau.

Đối với các tuyến cáp ngầm nối với trạm của Trung Quốc thì có thể hợp tác với các công ty Trung Quốc, hai bên có thể thảo luận để lựa chọn công nghệ triển khai. Còn đối với các trạm khác, nối với các nước khác thì hợp tác với các nước đó, dùng công nghệ, vật tư và nhà thầu của họ, ưu tiên sử dụng các đối tác của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản; có thể hợp tác với các hang công nghệ hàng đầu của Mỹ như Google xây dựng các tuyến cáp riêng vì hiện hang này có kế hoạch xây dựng tuyến cáp riêng. Mặt khác, Việt Nam nên bàn với các nước ASEAN việc thiết lập đường cáp ngầm chung trong khối. Từ đó, có thể nối mạng lưới cáp ngầm chung trong khối với đường cáp ngầm riêng của mình. Để xây dựng được đường cáp ngầm chung trong toàn khối, có lẽ cần một hiệp định khu vực với qui chuẩn kỹ thuật và sự kiểm soát của khu vực. Việt Nam có thể cùng với Singapore – nước đi đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin của khối – để thúc đẩy sáng kiến này. Nếu các nước ven Biển Đông thúc đẩy được việc xây dựng hệ thống cáp ngầm riêng trong khối ở Biển Đông mà không chịu ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ góp phần nâng cao vị thế trung tâm của ASEAN và góp phần nâng cao tính đoàn kết trong ASEAN trên vấn đề Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới