Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnKinh tế Ukraine xích gần EU nhờ chiến sự như thế nào?

Kinh tế Ukraine xích gần EU nhờ chiến sự như thế nào?

Khi không còn lối ra Biển Đen vì chiến sự, các tuyến đường thương mại của Ukraine phụ thuộc vào đất liền hướng về phía EU.

Người Ukraine mua sắm tại khu chợ Biedronka ở Medyka (Ba Lan), gần biên giới giữa Ba Lan và Ukraine ngày 16/2/2022.

Trên con đường đầy tuyết ở miền tây Ukraine, Valeriy Krupko lái chiếc sedan hướng thẳng đến Ba Lan. Anh đang tận hưởng cuộc sống mới dù đôi khi nhớ Kherson, thành phố cảng ở phía nam mà anh đã rời đi vài tháng trước.

Valeriy Krupko nhớ những chiếc container treo trên cần cẩu đung đưa trên bầu trời và những con tàu đến từ khắp nơi trên thế giới. Anh quản lý một bến cảng ở đó cho đến khi bị đóng cửa vào tháng 2/2022, khi chiến sự bắt đầu.

Ở đất nước bị xung đột tàn phá, các tuyến đường thương mại mới của Ukraine chạy trên đất liền và dẫn đến Liên minh châu Âu (EU). Sau nhiều lần đóng cửa cảng ở Biển Đen cũng như biên giới với Nga và Belarus, Ukraine giờ gắn liền với kinh tế châu Âu hơn. 53,6% hàng xuất khẩu của họ đi đến EU vào 2022, so với chỉ 39,1% của năm 2021.

Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của Ukraine giảm 35% nhưng riêng xuất khẩu sang EU đã phục hồi về mức trước chiến tranh, với khoảng 2,5 tỷ euro. Sự thay đổi này nhờ việc EU cho dừng đánh thuế nhập khẩu từ Ukraine và tất cả biện pháp chống bán phá giá với thép nước này từ tháng 6/2022.

Năm 2021, Oleksiy Kulik, Chủ công ty Agrosem định mua mảnh đất giáp biên giới Ba Lan để xây trung tâm logistics có tên MOST. Họ chuyên bán máy kéo, phụ tùng, phân bón và hạt giống cho nông dân nên cần một nhà kho không xa biên giới với EU và kết nối được với đường sắt.

Nhưng vài tháng sau, xung đột nổ ra đã đảo lộn kế hoạch công ty. Họ đầu tư vài trăm nghìn euro vào việc xây dựng các hầm chứa để xuất khẩu nông sản như lúa mì, cải dầu và dầu sang châu Âu. Ngân hàng Raiffeisen (Austria) đã giúp họ liên lạc với bộ trưởng nông nghiệp và người đứng đầu ngành đường sắt Austria để tìm kiếm khách hàng và toa xe.

Vài tháng sau, Agrosem tổ chức lễ đón những chuyến hàng lúa mì đầu tiên của Ukraine đến Austria. Hoạt động này hiện chiếm 25% đến 30% doanh thu công ty. Mục tiêu năm nay là xuất khẩu 500.000 tấn ngũ cốc. “Đối với chúng tôi, Liên minh châu Âu từng là một lục địa huyền bí. Chiến sự đã giúp chúng tôi khám phá nơi ấy”, Kulik nói.

Cách MOST không xa, những chiếc xe tải xếp hàng dài 10 km chờ sang Ba Lan. Theo Kiev, kể từ khi xung đột bắt đầu, giao thông trên con đường này đã tăng gấp 10 lần. “Các tài xế đã cứu chúng tôi bằng cách vận chuyển tên lửa, ngũ cốc và thực phẩm”, Mustafa Nayyem, Thứ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine cho biết.

Ông Mustafa cho biết Ba Lan đã trở thành điểm trung chuyển đến phần còn lại của châu Âu, trong khi Romania là nước đưa hàng Ukraine đến phần còn lại của thế giới, thông qua các cảng như Constanta. Hàng hóa giao thương với Trung Quốc không còn đi qua cảng Odesa mà qua cảng Gdansk của Ba Lan với hành trình kéo dài thêm một tuần.

Tháng 6/2022, EU cũng bỏ hạn ngạch giấy phép cấp cho tài xế Ukraine. Số lượng tài xế Ukraine đi sang Tây Âu tăng lên khi không hãng vận tải châu Âu nào dám mạo hiểm cho tài xế vào đất nước đang có chiến sự.

Năm 2022, công ty hậu cần Zammler đã đóng cửa các kho hàng và mua hàng chục xe tải. Victor Shevchenko, Chủ của Zammler cho biết xương sống của ngành hậu cần không còn là các nhà kho mà là những chiếc xe tải vì chúng giao hàng trực tiếp cho khách.

Năm ngoái, vận tải biển chỉ còn đảm nhận một nửa xuất khẩu của Ukraine – chủ yếu là hàng nông sản nhờ thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen – so với hai phần ba như trước khủng hoảng. “Cuộc xung đột đang đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế của Ukraine với Liên minh châu Âu”, Nayyem nói.

Để tránh tắc nghẽn, Kiev lập một đồn biên phòng tại Nyzhankovychi-Malhowice vào tháng 10/2022. Họ cũng mở thêm hai cửa khẩu biên giới mới với Romania là Krasnoilsk-Vicovu de Sus vào tháng 11/2022 và Dyakivtsi-Rakovets vào tháng 2/2023. Các dự án cơ sở hạ tầng khác đang được nghiên cứu để tăng lưu lượng vận chuyển hàng hóa trên sông Danube, chảy qua châu Âu từ Biển Đen đến biển Baltic.

Năm 2022, gần 15 triệu tấn nông sản đã được chất lên sà lan từ các cảng Izmail, Reni và Ust-Dunube ở đồng bằng sông Danube của Ukraine, gấp ba lần so với năm 2021. Nhưng Nayyem muốn tiến xa hơn. “Để tạo thuận lợi cho giao thông vận tải, chỉ mở cửa khẩu thôi chưa đủ mà phải để các nước có chung biên giới tin tưởng lẫn nhau, trao đổi dữ liệu để tránh lặp lại thủ tục giấy tờ, kiểm tra”, ông nói.

Mặc dù hàng hóa được tự do di chuyển, con đường tham gia thị trường chung vẫn còn dài. Oleksandr Sushko, Giám đốc của Tổ chức Phục hưng Quốc tế có trụ sở tại Kyiv, cho biết việc không có thuế quan không có nghĩa là thị trường châu Âu hoàn toàn mở cửa, bởi vì hàng hóa vào đó vẫn phải chịu sự kiểm tra rất nghiêm ngặt, khiến thời gian chờ đợi tại hải quan kéo dài.

Sự dịch chuyển về phía tây của Ukraine cũng kết quả của việc 8 triệu người Ukraine tị nạn đến Tây Âu. Vyacheslav Klymov, Đồng sáng lập công ty chuyển phát nhanh và bưu chính Nova Poshta cho biết chiến sự đã thúc đẩy sự phát triển quốc tế của công ty.

Chỉ trong vài tháng, Nova Poshta đã mở 18 chi nhánh tại Ba Lan, trong đó có 6 chi nhánh tại Warsaw và sẽ sớm mở thêm các chi nhánh khác tại Czech và Đức. Các bưu cục của họ là nơi người tị nạn đến nhận và chuyển hàng về nước. “Chúng tôi đã mất khách hàng ở Ukraine và có được khách hàng ở châu Âu”, Klymov nêu.

Thứ trưởng Oleksandra Azarkhina nói rất nhiều người Ukraine đã gia nhập Liên minh châu Âu trong một thời gian ngắn. Những người tị nạn rất ngạc nhiên khi phát hiện ra nước của họ đi trước Tây Âu, đặc biệt là về thanh toán di động và số hóa các dịch vụ công cộng. Azarkhina cho rằng “cuộc chiến đã khiến Ukraine nhận ra rằng họ ở gần Tây Âu hơn nhiều so với những gì họ tưởng tượng”.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới