BienDong.Net: Cảnh sát biển Việt Nam vừa bắt 11 phần tử bị nghi là đã cướp một chiếc tàu chở hóa chất đang trên đường tới đảo Borneo của Malaysia.
Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMB) hôm 23.11.2012 cho hay đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua lực lượng chấp pháp đã bắt được cướp biển ở vùng Biển Đông.
Chiếc tàu của Malaysia bị mất liên lạc hôm Thứ Bảy 17.11 sau khi rời cảng Johor, Malaysia, theo quan chức của văn phòng IMB ở Kuala Lumpur.
Có vẻ như chiếc tàu bị tấn công khi đi trên Biển Đông và chính quyền Việt Nam đã thành công trong việc chặn bắt tàu sau khi nhóm tấn công đuổi thủy thủ đoàn xuống biển hôm thứ 21.11.
Nhóm thủy thủ gồm chín người cũng đã được ngư dân Việt Nam cứu thoát, nguồn tin báo chí quốc nội thông báo.
Hành trình bắt cướp biển
Theo báo Dân Trí, chiều 16.11, tàu Zafirah do thuyền trưởng Sann Winnung (56 tuổi, quốc tịch Myanmar) cầm lái bắt đầu rời cảng Pasir Gudong để đến cảng Miri (đều của Malaysia). Đến 3h ngày 18.11, khi đến vùng biển Indonesia, bất ngờ xuất hiện 11 đối tượng bịt mặt, nhảy lên tàu, dùng dao, súng uy hiếp. Sau khi khống chế, nhóm cướp nhốt các thủy thủ trên cabin tàu và tiếp tục cho tàu chạy. Đến đêm 20.11, nhóm cướp thả 9 thủy thủ xuống xuồng cứu sinh lênh đênh trên biển.
Ngày 21.11, hai tàu cá Việt Nam đã cứu được 9 người nước ngoài trôi dạt trên biển, cách Vũng Tàu 117 hải lý (khoảng 216km) về phía đông nam.
Bọn cướp biển đã thay đổi tên tàu Zafirah thành Sea Horse
Về chiếc tàu bị đánh cướp, sau khi nhận tin báo từ Trung tâm Thông báo cướp biển (Cục Hàng hải quốc tế, đóng tại Kuala Lumpur, Malaysia), Cục Cảnh sát biển Việt Nam đã khẩn trương chỉ đạo Vùng 3 – Cảnh sát biển triển khai hai biên đội gồm năm tàu để theo dõi và tìm kiếm tàu Zafirah.
Đúng 2h20 ngày 22.11, hai tàu của cảnh sát biển đã phát hiện tàu mang tên Sea Horse đang neo đậu cách mũi Vũng Tàu hơn 40 hải lý. Nghi ngờ đây chính là con tàu bị cướp, nên lực lượng Cảnh sát biển tổ chức theo dõi từ xa.
Sau khi khẳng định tàu Sea Horse chính là tàu Zafirah, ngay lập tức, tàu cảnh sát biển đã khống chế, buộc tàu này phải thả neo. Khoảng 14 chiều cùng ngày, lực lượng cảnh sát biển dùng loa kêu gọi cướp biển bỏ súng đầu hàng nhưng chúng không chịu và cố thủ trên tàu, đồng thời nổ máy bỏ chạy.
Trước sự ngoan cố, liều lĩnh của nhóm cướp biển, cảnh sát biển VN đã quyết định nổ súng chỉ thiên để trấn áp. Tuy nhiên, bọn cướp biển vẫn không chịu quy hàng. Trước tình huống này, Cảnh sát biển Việt Nam đã quyết định tấn công cảnh báo tiêu diệt. Đến lúc này nhóm cướp mới chịu đầu hàng.
Đến 22h45 ngày 22.11, 11 tên cướp biển tổ chức cướp tàu chở dầu Zafirah đã được Cảnh sát biển VN đưa vào bờ tại thành phố Vũng Tàu (tỉnh Vũng Tàu), bàn giao cho Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để tiếp tục mở rộng điều tra.
Được thành lập năm 1998, Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách thực hiện chức năng quản lý về an ninh trật tự an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật của Việt Nam và Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Cảnh sát biển Việt Nam diễn tập tuần tra bảo vệ chủ quyền
Để lực lượng cảnh sát biển có thể thực hiện tốt nhiệm vụ, trong những năm qua, Việt Nam đã tiến hành đầu tư đóng nhiều loại tàu tuần tra, mua sắm trang thiết bị hiện đại cho cảnh sát biển.
Hiện nay, trong biên chế của cảnh sát biển có nhiều tàu tuần tra TT-120, tàu TT-200 và tàu TT-400 với lượng giãn nước lần lượt là 120, 200 và 400 tấn. Đây đều là loại tàu cao tốc vỏ thép, tính tự động hóa cao, lắp đặt nhiều thiết bị điện tử hiện đại, có khả năng chịu sóng gió cấp 8-10.
Để đáp ứng nhiệm tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn ngư dân trên biển, Cảnh sát biển còn được trang bị thêm 4 tàu kéo cứu hộ (CSB 9001, 9002, 9003, 9004) do Tập đoàn Damen Hà Lan thiết kế, công ty Sông Thu sản xuất trong nước.
Cuối tháng 10 vừa qua, đội tàu Cảnh sát biển có thêm tàu hiện đại DN 2000 do Tập đoàn Damen Hà Lan thiết kế, doanh nghiệp đóng tàu Việt Nam thực hiện. Tàu DN-2000 có thể thực hiện vai trò cứu hộ cứu kéo tàu bị nạn, chuyển quân, chi viện hậu cần cho các lực lượng khác trên biển đảo. DN 2000 còn được thiết kế một sân đỗ trực thăng ở đuôi tàu.
Cảnh sát biển Việt Nam cũng được trang bị 3 máy bay tuần thám biển C-212-400 do Tập đoàn CASA Tây Ban Nha thiết kế sản xuất.
Máy bay C212-400 trang bị hai động cơ tuốc bin cánh quạt TPE-331-12JR cho phép đạt tốc độ tối đa 360km/h, trần bay 3.300m, có khả năng cất cánh từ đường băng ngắn (khoảng 395m). Theo thiết kế của nhà sản xuất, C212-400 có thể mang súng máy và rocket để tham gia tấn công trên biển.
Hoa Biển Xanh ( tổng hợp )