Monday, November 25, 2024
Trang chủBiển ĐôngĐá Thị - đảo nhỏ nay đã lớn

Đá Thị – đảo nhỏ nay đã lớn

Tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam có những đảo và điềm đảo được hình thành từ những bãi san hô hoặc bãi đá bồi đắp. Điều hết sức đặc biệt là khi thủy triều lên, các thực thể này luôn ngập dưới nước, vậy nên chúng được gọi là đảo chìm.

Diện tích khiêm tốn nhưng lại có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng trong quần đảo Trường Sa, là Đá Thị- điểm đảo tiền tiêu canh giữ Đá Én Đất.

Đá Thị, hay còn có tên là Đá Núi Thị, là một rạn san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa hiện Việt Nam đang quản lý thuộc xã Sinh Tồn, thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Đá Thị là một rạn san hô có bề mặt tương đối bằng phẳng, hơi tròn và dẹt về hai đầu. Đá này nằm theo trục Đông Bắc- Tây Nam với chiều dài lớn nhất khoảng 2,1km và chiều rộng lớn nhất vào khoảng 1,4 km. Tổng diện tích của Đá Thị vào khoảng 1,75 km2. Đá này có độ sâu không đều và có xu hướng dốc dần về phía Đông Nam, Thủy triều lên cao khoảng 1,2m, toàn bộ đá chìm dưới nước khoảng 0,6m, bản thân đảo đá này nằm trên một thềm san hô ngập nước có chiều dài khoảng 11km, chiều rộng khoảng 2km, diện tích đảo vào khoảng 19,27 km/h (tức khoảng 1.927 ha).

Sau Đảo Tiên Nữ, Đá Thị cùng với Đảo Sinh Tồn Đông là hai đảo xa nhất về phía Đông. Trong số 21 đảo đá đang được Việt Nam quản lý ở quần đảo Trường Sa, cụ thể Đá Thị nằm cách bán đảo Cam Ranh khoảng hơn 600km về phía Đông Nam, cách đảo Trường Sa Lớn 350km về phía Đông Bắc, cách đảo Đá Tiên Nữ khoảng 170 km về phía Bắc. Trong cụm Nam Yết, Đá Thị và thềm san hô của nó nằm cách đảo Ba Bình -đảo lớn nhất của Quần đảo Trường Sa (hiện đang bị Đài Loan chiếm đóng và kiểm soát bất hợp pháp) khoảng 19 km về phía Đông; cách đá Ga Ven, (thực thể bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1988) khoảng 38 km về phía Đông Bắc. Đá Thị và thềm san hô của nó còn nằm cách đảo Nam Yết khoảng 27 km về phía Đông Bắc và cách đảo Sơn Ca chỉ khoảng 7 km về phía Đông.

Có thể nói, Đá Thị cùng với hai đảo là đảo Sơn Ca và Đảo Nam Yết đã tạo thành thế chân kiềng vững chắc của lực lượng hải quân Việt Nam, trước sự hiện diện trái phép của Trung Quốc và Đài Loan tại cụm Nam Yết nói riêng và quần đảo Trường Sa nói chung. Nằm cách Đá Én Đất – rạn san hô của kích thước lớn nhất tại cụm Nam Yết vốn đã bị nước ngoài nhóm ngó lâu nay chỉ khoảng 6 km về phía Tây, có thể nói Đá Thị có vị trí và vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát hiện ngăn và chặn những hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong vùng biển của quần đảo Trường Sa.

Quá trình đóng giữ và xây dựng Đảo Đá Thị

Chỉ một ngày sau sự kiện thảm sát Gạc Ma vào ngày 15/3/1988, một lực lượng của lữ đoàn 146 vùng 4 Hải quân và công binh hải quân đã tiếp tục thực hiện kế hoạch chiến lược CQ 88 triển khai đóng giữ và bảo vệ Đá Thị. Đến ngày 3/4/1988, lực lượng công binh đã hoàn thành nhà cao chân và bàn giao cho các chiến sĩ Đảo Đá Thị nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở, sinh hoạt và phòng ngự lâu dài cho quân nhân. Đến năm 1991 nhà cao chân trên Đảo Đá Thị đã được thay thế bằng nhà lâu bền với thiết kế đặc biệt vững chắc và kiên cố hơn để chống chọi với những thiên nhiên khắc nghiệt và phục vụ nhiệm vụ giữ vững chủ quyền biển đảo.

Hiện Việt Nam đang duy trì một tổ hợp kiến trúc nổi trên Đảo Đá Thị – đây cũng chính là điểm đóng quân của lực lượng hải quân Việt Nam tại thực thể này. Cụ thể, tổ hợp kiến trúc này nằm ở phía Đông Bắc của Đảo Đá Thị bao gồm một nhà kiên cố và một nhà văn hóa đa năng được kết nối với nhau bằng một cây cầu bê tông. Việt Nam cũng đã triển khai lực lượng tiến hành thi công và phá đá san hô khai thông một luồng dẫn ở phía Bắc Đá Thị để tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền bên ngoài có thể di chuyển vào tổ hợp kiến trúc này dễ dàng.

Tháng 3/2018, huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa của Việt Nam đã khởi công công trình Nhà văn hóa đa năng đảo Đá Thị với diện tích nền hơn 900m2, quy mô gồm một tầng ngầm, 3 tầng nổi, một chòi quan sát, bể giữ chữ nước ngọt, biến cấp xuồng … tổng diện tích sử dụng khoảng 2.400m2. Nhìn chung ngoài phục vụ quân nhân trên đảo, công trình này đã góp phần phục vụ cho công tác đón các đón khách đến thăm đảo, cũng như nơi tổ chức các hoạt động giao lưu đón tiếp ngư dân lên đảo tránh mưa bão, cấp cứu, hỗ trợ lương thực và thuốc men.

Tại các đảo chìm việc thực hiện nhiệm vụ sinh hoạt và tăng gia của hải quân gặp rất nhiều khó khăn. Đá Thị cũng không ngoại lệ. Trước đây nguồn nước ngọt dùng cho sinh hoạt và tăng gia chủ yếu được tích trữ từ nước mưa nên việc sử dụng nước phải rất khoa học và tiết kiệm. Những năm gần đây do được trang bị hệ thống bể chứa lớn, đảo đã chủ động đảm bảo được gần như 100% nhu cầu nước sinh hoạt, một môi trường sống ngày càng đầy đủ với những vườn rau xanh mướt. Ngoài rau xanh quân nhân trên đảo cũng chăn nuôi gia súc gia cầm để cải thiện chất lượng bữa ăn hàng ngày.

Hiện nay Đá Thị được trang bị hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời, được trang bị tivi, hệ thống karaoke kỹ thuật số hiện đại, trạm thu phát tín hiệu vệ tinh truyền hình Việt Nam đã giúp các quân nhân trên đảo cập nhật kịp thời những thông tin trong nước và thế giới.

Đá Núi Thị vọng ác tiền tiêu của Việt Nam

Như Đảo Sơn Ca và Đảo Nam Yết từ Đá Thị, hải quân Việt Nam vẫn ngày đêm theo dõi sát sao hướng về những thực thể như là đảo Ba Bình hay Đá Ga Ven với tinh thần cảnh giác cao độ để kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.

Mọi hiện tượng bất thường như là tàu lạ, tàu cá nước ngoài kéo đến neo đậu, đánh bắt hải sản đều sẽ bị phát hiện và xử lý kịp thời. Theo chỉ huy quân đội Việt Nam trên đảo, các trường hợp phát hiện tàu lạ gần Đá Én Đất, vào ban ngày phía Việt Nam sẽ đến phát loa, dùng tín hiện xua đuổi, còn ban đêm sẽ dùng đèn pha cảnh báo.

Đá Thị còn hỗ trợ cho ngư dân vươn khơi bám biển theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế. Riêng trong năm 2018 và quý 1 năm 2019 đảo đã tiếp đón 94 lượt tàu cá của ngư dân các tỉnh Bình Thuận, Bình Định, Khánh Hòa, Tiền Giang, Quảng Ngãi, cấp thuốc miễn phí cho 98 lượt ngư dân, giúp đỡ nhu yếu phẩm, nước ngọt cho tàu thuyền của ngư dân cũng như sẵn sàng thực hiện các hoạt động cứu hộ, cứu nạn.

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới