Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiCó phải Trung Quốc đang đẩy mạnh triển khai chính sách biển...

Có phải Trung Quốc đang đẩy mạnh triển khai chính sách biển của Đại hội 18?

Đại hội 18 Đảng cộng sản Trung Quốc mới kết thúc hơn ba tuần nay đặt ra mục tiêu trở thành cường quốc biển. Để triển khai những mục tiêu trở thành cường quốc biển: “nâng cao năng lực khai thác tài nguyên biển, phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường biển, kiên quyết bảo vệ quyền lợi biển quốc gia, xây dựng quốc gia mạnh về biển”, Trung Quốc đã triển khai nhiều hoạt động đối với vấn đề Biển Đông gây lo ngại cho các nước liên quan trong khu vực cũng như trên thế giới.

Việc Trung Quốc đưa vào lưu hành hộ chiếu phổ thông điện tử có hình “đường lưỡi bò” khẳng định chủ quyền của nước này đối với hầu hết Biển Đông không chỉ làm bùng phát tranh cãi ngoại giao mà còn gây chia rẽ dư luận trong nước.

Đã có nhiều nước trên thế giới nghiêm khắc lên án những hành động trái luật pháp quốc tế này của nhà cầm quyền Trung Quốc và không chấp nhận hộ chiếu của công dân Trung Quốc có in hình xâm phạm chủ quyền nước khác. Hậu quả là chính những công dân Trung Quốc bị làm phiền toái khi đi vào các nước trên thế giới. 

Rõ ràng, tấm bản đồ có in “đường lưỡi bò” trong hộ chiếu mới không mang lại gì khác cho Trung Quốc ngoài sự phản kháng quyết liệt từ các nước. Các chuyên gia quốc tế nhận định rằng tấm bản đồ trên không những chẳng có bất kỳ giá trị pháp lý nào mà còn đang làm xấu đi hình ảnh Trung Quốc

alt

Ngày 27/11/2012 Tân Hoa Xã loan tin là Ban Thường vụ Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã thông qua “Điều lệ Quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam”, quy định là đối với những tàu thuyền nước ngoài “xâm nhập phi pháp” vùng biển thuộc quyền quản lý của tỉnh Hải Nam, cơ quan công an biên phòng Trung Quốc có thể xử lý bằng các biện pháp như “lên tàu, kiểm tra, bắt giữ, trục xuất, ra lệnh dừng tàu, đổi hướng và trở về. Quy định mới này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2013.

Khu vực mà Bắc Kinh ngang ngược khẳng định thuộc chủ quyền của họ do tỉnh Hải Nam quản lý bao phủ gần như toàn bộ vùng Biển Đông. Việc làm này đã ngay lập tức nhận được những phản ứng của các nước: Theo nhận định của Tổng thống Philippines Benigno Aquino, quy định mới của Trung Quốc chặn xét tàu nước ngoài ở Biển Đông đi ngược lại Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982. Ông Aquino nêu lên khả năng đưa vấn đề này ra trước toà án có thẩm quyền của quốc tế. Theo ông Pitsuwan, Tổng thư ký ASEAN , kế hoạch của Trung Quốc là “một bước ngoặt rất nghiêm trọng” trong diễn biến tình hình ở Biển Đông, “chắc chắn sẽ làm tăng mức độ lo ngại của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là những bên cần tiếp cận, đi lại và cần sự tự do ở khu vực biển này”. Việc làm này không những gây bức xúc cho các nước mà nó còn thể hiện rõ hành động của Trung Quốc là hết sức ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế. Tiến sỹ Mark Valencia nhận xét: “Tôi đã nghiên cứu lại rất kỹ các điều khoản trong Công ước Luật biển 1982 và rõ ràng là nó không cho phép việc thu giữ tàu bè nước ngoài trong vùng biển đang tranh chấp”. Bà Tôn Vân (chuyên gia Trung Quốc thuộc Trung tâm Stimson – Hoa Kỳ) nhận định “Trung Quốc chưa bao giờ thuyết phục được cộng đồng quốc tế về tính hợp pháp của “đường lưỡi bò”, vậy nên hãy chờ xem cảnh sát biển sẽ thực thi quyền hành của mình đến đâu”.

Trung Quốc đã có hành động phá hoại trực tiếp đối với Việt Nam: ngày 30/12/2012, trên vùng biển gần đảo Cồn Cỏ của Việt Nam, tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02 thuộc tập đoàn Dầu khí Việt Nam một lần nữa lại bị phía Trung Quốc phá hoại, cắt cáp thu nổ địa chấn khi đang làm nhiệm vụ. Đây là lần thứ hai tàu Bình Minh 02 bị cắt cáp, nhưng lần này Trung Quốc đã dùng thủ đoạn mới là cho tầu cá vừa đánh bắt hải sản trái phép vừa cản trở, xâm hại hoạt động hợp pháp của tầu Bình Minh 02 trên vùng biển Việt Nam.

Trung Quốc đang muốn vươn lên tầm cường quốc trên thế giới. Nhưng muốn làm được điều đó, trước hết Trung Quốc phải là quốc gia có trách nhiệm trên thế giới. Những vụ việc này chỉ làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc, làm mất đi sự nể trọng của các nước và cho chúng ta thấy rõ bản chất của Trung Quốc không bao giờ từ bỏ tham vọng độc chiếm Biển Đông. Trung Quốc có vẻ như đang tiếp tục bất chấp dư luận trong nước và quốc tế, thực hiện các sách lược dã tâm của mình, lời nói không đi đôi với việc làm. Có thể thấy các hành động này là một phần trong chiến dịch tổng thể của Trung Quốc nhằm độc chiếm 80% diện tích Biển Đông.  

Trước đây, sau những gây hấn trên Biển Đông, Trung Quốc luôn tỏ ra sẵn sàng “xuống thang” sau khi đẩy những bất ổn lên cao trào, tuy hành động “xuống thang” của Bắc Kinh không hề trả mọi thứ về nguyên trạng so với trước đó mà thực chất đã thay đổi theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Nhưng chỉ có chưa đầy một tháng sau Đại hội 18, Trung Quốc đã triển khai nhiều hàng động mạnh mẽ, phải chăng Trung Quốc sẽ không thực hiện theo sách lược trước đây là đẩy sự việc lên cao trào rồi xuống thang.

Những hành động này có thể sẽ làm thất vọng bao nhận định “Vấn đề Biển Đông sẽ bớt căng thẳng sau Đại hội 18, với dàn lãnh đạo mới của Trung Quốc” và sớm để chúng ta nhận thấy những người Lãnh đạo mới của Bắc Kinh vừa được bầu ra có lẽ còn hiếu chiến, hung hãn hơn nhiều so với những người tiền nhiệm của họ trong việc thực hiện mục tiêu độc chiếm Biển Đông. Chúng ta hãy chờ xem.

RELATED ARTICLES

Tin mới