Tuesday, December 24, 2024
Trang chủBiển nóng5 thách thức lớn về an ninh của TQ

5 thách thức lớn về an ninh của TQ

Trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam, Philippines không có nhiều khả năng giảm mức độ đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Xu thế quân sự hóa sẽ gia tăng khả năng xung đột.

Tờ Thanh niên Trung Quốc ngày 17/4 đăng bài viết của nhà nghiên cứu Lý Đôn Cầu, Viện nghiên cứu Hàn Quốc, Đại học Chiết Giang, Trung Quốc.

Bài viết cho rằng, trên con đường “trỗi dậy hòa bình” của Trung Quốc, tình hình an ninh và cấu trúc an ninh ở khu vực xung quanh Trung Quốc đang trải qua sự điều chỉnh và thay đổi quan trọng mang tính lịch sử.

Nhìn tổng thể, tình hình an ninh xung quanh Trung Quốc cơ bản ổn định, nhưng cũng tồn tại đối đầu gay gắt ngày càng rõ rệt giữa các nước lớn, tranh chấp trên biển có thể sẽ trầm trọng hơn, địa-chính trị đối mặt với các thách thức mới, tình hình an ninh phi truyền thống nghiêm trọng.

Trong tương lai dài hạn, an ninh ở khu vực xung quanh Trung Quốc có thể đối mặt với 5 thách thức lớn sau đây:

Một là đe dọa và ngăn chặn chiến lược của các nước lớn không ngừng tăng lên. Học giả Lý Đôn Cầu cho rằng, các mối đe dọa mang tính chiến lược của Trung Quốc chủ yếu đến từ Mỹ và Nhật Bản.

Để bảo vệ vị thế lãnh đạo toàn cầu, Mỹ đã đưa ra chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương”, một mặt củng cố và tăng cường quan hệ đồng minh truyền thống ở Đông Á, mặt khác tiếp tục tìm kiếm “người ủy nhiệm” mới ở khu vực châu Á nhất là khu vực Đông Nam Á, đã tăng cường mức độ ngăn chặn và đề phòng.

Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tiến hành tập trận săn ngầm. Nguồn ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc

Trong tương lai không xa bất kể ai làm Tổng thống, Mỹ đều sẽ không từ bỏ thực hiện chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương”, đồng thời tiếp tục tăng cường đề phòng, cạnh tranh, ngăn chặn Trung Quốc.

Quan hệ Trung-Mỹ sẽ duy trì lâu dài cục diện vừa hợp tác vừa cạnh tranh, vừa đối thoại vừa va chạm/xung đột, mặt cạnh tranh giữa hai bên có lẽ nổi bật hơn. Đồng thời, còn tồn tại khả năng bên thứ ba “bắt cóc” (tác động đến) quan hệ Trung-Mỹ.

Luật An ninh mới Nhật Bản bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể, chính thức có hiệu lực từ ngày 29/3/2016, Nhật Bản ngày càng tích cực hành động để trở thành quốc gia bình thường và nước lớn về quân sự.

Tác giả bài viết cho rằng, Nhật Bản đi theo Mỹ, tích cực hơn trong triển khai cạnh tranh với Trung Quốc ở khu vực xung quanh nhằm làm suy yếu và tấn công vai trò ảnh hưởng chính trị, kinh tế và an ninh của Trung Quốc ở khu vực xung quanh. Cạnh tranh Trung-Nhật ở khu vực xung quanh ngày càng gay gắt.

Ấn Độ đã “phụ họa” nhu cầu chiến lược của Mỹ và Nhật Bản, tích cực triển khai cạnh tranh với Trung Quốc ở khu vực xung quanh, đồng thời “đấu” với Trung Quốc ở khắp nơi, có thái độ tiêu cực, lạnh nhạt, thậm chí nghi ngờ đối với chiến lược “một vành đai, một con đường” của Trung Quốc, đã trực tiếp ngăn chặn bước tiến của “Sáng kiến xây dựng hành lanh Bangladesh-Trung Quốc-Ấn Độ-Myanmar”.

Tháng 3/2015, Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tập trận ở Biển Đông. Nguồn ảnh: Tân Hoa xã

Hai là cạnh tranh quyền lợi ở Biển Đông và biển Hoa Đông ngày càng gay gắt. Tình hình biển Hoa Đông thăng trầm bất định, biến số tăng lên. Nhật Bản cũng đã gia tăng mức độ can thiệp ở Biển Đông.

Trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam, Philippines không có nhiều khả năng giảm mức độ đấu tranh bảo vệ chủ quyền. Đối đầu Trung-Mỹ trong vấn đề Biển Đông và quy tắc, trật tự trên biển có tính lâu dài. Xu thế quân sự hóa Biển Đông sẽ gia tăng khả năng xảy ra xung đột ngoài ý muốn.

Đối đầu về an ninh biển sẽ triển khai trên nhiều lĩnh vực như ngoại giao, quân sự và pháp lý, đặc biệt là vụ Philippines khởi kiện Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông sắp có kết quả trong năm 2016, điều này làm cho hoạt động đấu tranh pháp lý liên quan sẽ gay gắt hơn.

Ngày 11/4, Hội nghị Ngoại trưởng G7 tổ chức ở Hiroshima Nhật Bản đã ra Tuyên bố về an toàn hàng hải, mạnh mẽ phản đối các hoạt động lấn biển, xây đảo nhân tạo và xây dựng các công trình quân sự (của Trung Quốc) ở Biển Đông.

Ngày 12/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Lục Khảng đã thể hiện thái độ vô cùng bất mãn đối với cách làm này của G7, đòi G7 không can thiệp vào vấn đề “tranh chấp lãnh thổ”… Có thể thấy, tranh chấp biển sẽ tiếp tục trở nên phức tạp.

Hội nghị NGoại trưởng G7 tổ chức ở Hiroshima, Nhật Bản từ ngày 10 – 11/4/2016, đã ra Tuyên bố về an toàn hàng hải, mạnh mẽ phê phán hoạt động quân sự hóa Biển Đông (do Trung Quốc tiến hành bất hợp pháp). Nguồn ảnh: Tân Hoa xã

Ba là các rủi ro bất ngờ ở bán đảo Triều Tiên và Đài Loan gia tăng mạnh mẽ. Đầu năm nay, CHDCND Triều Tiên liên tiếp thử hạt nhân và phóng vệ tinh, đại quân và lượng lớn vũ khí chiến lược tiên tiến của Mỹ đã triển khai ở bán đảo Triều Tiên.

Ngày 2/3/2016, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhất trí thông qua Nghị quyết trừng phạt số 2270, đây là nghị quyết trừng phạt liên quan đến CHDCND Triều Tiên nghiêm khắc nhất trong lịch sử.

Các cuộc tập trận chung Key Resolve và Foal Eagle giữa Mỹ-Hàn được tổ chức từ ngày 7/3 đến ngày 30/4, đây là một cuộc diễn tập có quy mô lớn nhất kể từ năm 1976 đến nay. Như vậy, bán đảo Triều Tiên đã đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn nhất kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc đến nay.

Mỹ-Hàn triển khai “gươm súng sẵn sàng” đối với CHDCND Triều Tiên, không khí chiến tranh trên bầu trời bán đảo âm u, hầu như ở đêm trước của một cuộc chiến.

Lịch sử cho thấy, bất cứ sự thay đổi mang tính “lật đổ” nào của tình hình an ninh bán đảo Triều Tiên đều sẽ tác động mạnh mẽ đến an ninh Trung Quốc. Ứng phó thế nào với tình hình khủng hoảng của bán đảo Triều Tiên là một thách thức không nhỏ của Trung Quốc.

Hiện nay, thời gian lên nắm quyền (ngày 20/5/2016) của bà Thái Anh Văn – nhà lãnh đạo mới ở Đài Loan sắp đến gần. Ủy ban quốc gia về chính sách ngoại giao Mỹ (NCAFP) đã đưa ra báo cáo “Thiết lập trật tự khu vực Đông Á”, cựu Chủ tịch của Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) Stephen Young cũng tham gia viết báo cáo này.

Báo cáo đã đề xuất 5 kiến nghị với Chính phủ Mỹ: Tôn trọng chế độ dân chủ mạnh mẽ của Đài Loan; cần tiếp tục cung cấp vũ khí mang tính phòng thủ cho Đài Loan; Quân đội Mỹ cần duy trì lực lượng quân sự mạnh mẽ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương; cuối cùng Washington cần nói rõ với Bắc Kinh rằng “điều mà Mỹ kiên trì lâu dài chính là vấn đề hai bờ không thể được giải quyết bằng đe dọa hoặc vũ lực”.

Điều này cho thấy khả năng Mỹ can thiệp mạnh mẽ vào vấn đề Đài Loan tăng lên, nhân tố không xác định của tình hình Đài Loan gia tăng lớn. Điều đáng chú ý hơn là, Mỹ-Nhật rất có thể liên kết thúc đẩy vấn đề hai vùng biển (Biển Đông và Hoa Đông) và vấn đề bán đảo Triều Tiên – đảo Đài Loan với nhau, tạo ra một cục diện cạnh tranh chiến lược ngăn chặn toàn diện đối với Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter và Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin hội đàm ngày 14/4/2016 tại Manila, Philippines. Nguồn ảnh: Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc

Bốn là sự thay đổi của các “nước nhỏ” xung quanh và ảnh hưởng đến Trung Quốc. Một số nước xung quanh Trung Quốc tồn tại sự phát triển trì trệ về chính trị và xã hội ở các mức độ khác nhau, năng lực quản lý nhà nước có hạn, hiệu suất hành chính thấp, tình trạng tham nhũng nghiêm trọng, phe phái chính trị và nhóm lợi ích rất nhiều, các vấn đề dân tộc và tôn giáo tồn tại xung đột tiềm tàng.

Những vấn đề này phần nào sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới khu vực biên giới của Trung Quốc. Đặc biệt là Mỹ đang tăng cường can dự ở khu vực này, cũng phần nào sẽ ảnh hưởng đến tình hình an ninh xung quanh của Trung Quốc.

Năm là mối đe dọa an ninh phi truyền thống như chủ nghĩa khủng bố tiếp tục trầm trọng hơn. Những năm gần đây, vấn đề an ninh phi truyền thống toàn cầu ngày càng tăng lên, các vấn đề an ninh phi truyền thống như mối đe dọa chủ nghĩa khủng bố và Internet vẫn ở mức rủi ro cao.

Do sự mở rộng của các tổ chức khủng bố và các mục tiêu tấn công, tiến triển hợp tác quốc tế chống khủng bố bị hạn chế, khả năng xảy ra sự kiện tấn công khủng bố quy mô lớn trên phạm vi thế giới khó có thể loại trừ.

Đối mặt với các mối đe dọa to lớn của an ninh khu vực như chủ nghĩa khủng bố, Trung Quốc vẫn cần tiếp tục thông qua các loại cơ chế quốc tế đa phương để tiến hành ứng phó.

Bài viết cuối cùng cho rằng, dưới sự chỉ đạo của “quan niệm an ninh quốc gia tổng thể” và quan điểm ngoại giao láng giềng “thân, thành, huệ, dung” của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, việc nhận rõ các vấn đề an ninh này sẽ có lợi cho Trung Quốc thực hiện chiến lược “một vành đai, một con đường” và tìm kiếm các phương pháp và con đường để vượt qua được các khó khăn về an ninh.

Mặc dù bài viết đưa ra rất nhiều cách thách thức an ninh như vậy và chủ thể gây ra các thách thức an ninh đó được đổ lỗi hết cho bên ngoài, nhưng một sự thật là bài viết đã quên rằng Trung Quốc cũng chính là một tác nhân chính gây bất ổn an ninh khu vực.

Sự thật là, Trung Quốc đang đẩy mạnh quân sự hóa Biển Đông, biến các đảo đá đã chiếm được của Việt Nam thành các tiền đồn quân sự để tìm cách kiểm soát toàn bộ Biển Đông, đáp ứng các tham vọng không đáy của Bắc Kinh – đây chính là một nhân tố rất quan trọng dẫn đến nguy cơ xung đột khu vực, đe dọa hòa bình, ổn định ở Biển Đông – PV.

RELATED ARTICLES

Tin mới