Những năm sáu mươi của thế kỷ XX miền Bắc thực hiện xây dựng hợp tác xã nông nghiệp ở nông thôn. Mỗi xã lúc đó có vài làng. Mỗi làng chia làm hai hoặc ba hợp tác xã tùy theo diện tích và số dân. Mỗi hợp tác xã thành lập các đội sản xuất.
Hợp tác xã bắt tay vào xây trụ sở, kho thóc. Các đội sản xuất xây sân để làm lúa và nhà chứa thóc. Mô hình kinh tế hợp tác phát triển rầm rộ, không khí lao động tập thể và việc áp dụng kỹ thuật canh tác mới tạo lên sự sôi động ở các vùng quê. Tinh thần thi đua sản xuất sôi động vừa để xây dựng quê hương vừa là trách nhiệm của hậu phương lớn chi viện cho cuộc kháng chiến chống xâm lược ở miền Nam. Hợp tác xã thời ấy vừa là đơn vị sản xuất đồng thời như là đơn vị hành chính: xã, hợp tác xã, đội sản xuất.
Sau khi đất nước thống nhất, nước ta thực hành công cuộc đổi mới, xóa bỏ bao cấp, hình thành nền kinh tế thị trường. Hợp tác xã nông nghiệp giải tán, thực hiện khoán 10 rồi khoán 100 ruộng đất được chia cho các hộ gia đình canh tác, diện tích to nhỏ tùy theo số nhân khẩu. Trụ sở và kho thóc hợp tác xã, sân và nhà chứa kho thóc của các đội sản xuất bị dỡ bỏ, đất được chia cho dân làm nhà ở. Sân của đội sản xuất trước đây vừa là nơi làm lúa vừa là nơi sinh hoạt tập thể của các tổ chức quần chúng không còn nữa.
Tổ chức hành chính được chia là xã và thôn. Mỗi hợp tác xã trước kia tương ứng với một thôn, cũng có nơi hai hợp tác xã thành một thôn. Làng truyền thống trước kia thay bằng các thôn.
Hệ thống giáo dục và y tế được thành lập theo quy mô xã. Mỗi xã có một trạm y tế, trường phổ thông cấp I, cấp II và trường mẫu giáo với các điểm trường ở các thôn hoặc liên thôn. Trường phổ thông cấp III là trường liên xã do cấp huyện thành lập và quản lý. Sau năm 2000, theo luật giáo dục mới các trường phổ thống đổi thành trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Thực hiện Nghị quyết của Đảng về tam nông: Nông thôn, nông nghiệp và nông dân, các địa phương nô nức xây dựng nông thôn mới với các tiêu chí về trạm, trường, đường, điện (Trạm y tế, trường học, đường giao thông, điện lưới). Trụ sở hành chính xã, trường học được xây dựng khang trang, đường giao thông được mở rộng, điện lưới đến từng nhà phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Mỗi thôn đều được đầu tư xây dựng nhà văn hóa là nơi sinh hoạt cộng đồng. Mô hình tổ chức mới và công cuộc đổi mới trong sản xuất làm cho nông thôn Việt Nam bừng sáng và ổn định , một số thôn quy mô nhỏ được sát nhập thành những thôn có quy mô lớn hơn.
Mô hình tổ chức ở nông thôn Việt Nam đã ổn định hai thập kỷ vừa qua và đang đổi mới tốt đẹp, trình độ quản lý của cấp xã được nâng cao và phù hợp với mô hình hiện tại. Nhưng nay các vùng quê lại bất đầu xáo động lo âu vì việc tranh nhập.
Mô hình cấp thôn đã được tổ chức lại, hai hoặc ba thôn được dồn làm một. Theo quy định mỗi thôn chỉ có một nhà văn hóa thành ra sẽ thừa ra các nhà văn hóa của mô hình cũ, nếu xóa bỏ sẽ lãng phí và thiếu diện tích để sinh hoạt cộng đồng.
Các xã cũng sẽ được tổ chức lại để đảm bảo tiêu chí về diện tích và số dân. Mô hình cũ thì thiếu nhưng nhập lại thì lại thừa cả diện tích và dân số. Trụ sở xã cũng sẽ bị đập bỏ, chỉ còn một dù mới được nâng cấp hoặc xây mới.
Hệ thống trường hợp cũng bị dồn diệt, mỗi xã chỉ có 1 trường tiểu học, 1 trường trung học cơ sở và 1 trường mẫu giáo. Nếu lại xây dựng tập trung thì trẻ em sẽ phải đi học xã và việc xây mới, xây thêm sẽ tốn kém và trẻ con sẽ phải đi học xã. Còn nếu để nguyên cơ sở các trường chỉ thay đổi về tổ chức nhân sự thì các cơ sở cũ lại trở thành điểm trường, khó cho việc quản lý.
Vì vậy, thiết gnhĩ việc “tách nhập” cần phải tính toán kỹ giữa lợi và hại, giữa tiết kiệm và lãng phí và trình độ của cán bộ quản lý.
Còn một điều nữa cần nghiên cứu là tính cục bộ địa phương ở nông thôn Việt Nam, việc thành lập tổ chức mới, người thôn này, thôn kia, xã này xã khác cũng sẽ là rất phức tạp.
H.L