Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNỖI NHỚ HOÀNG SA

NỖI NHỚ HOÀNG SA

Cứ mỗi độ Tết đến xuân về, những người con đất Việt xa quê như tôi không nguôi nỗi nhớ quê hương, đặc biệt là nhớ về quần đảo Hoàng Sa thiêng liêng.

Việt Nam là nước đã chiếm hữu, thực thi chủ quyền một cách hoà bình và liên tục đối với quần đảo Hoàng Sa từ đầu thế kỷ XVII.

– Những tài liệu lịch sử không chỉ của nhiều tác giả trong nước như “Toản tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư” của Đỗ Bá tự Công Đạo (1686) hay “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn (1776) mà còn được người nước ngoài ghi chép lại khi họ đến làm ăn, sinh sống tại Việt Nam đã chứng minh rõ ràng rằng Việt Nam đã thực thi chủ quyền của mình trên quần đảo này ít ra là từ thời Chúa Nguyễn vào đầu thế kỷ thứ XVII. Vào thời kỳ này, Chúa Nguyễn cử các Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải ra quần đảo, mỗi năm khoảng 8 tháng, để khai thác các nguồn lợi, tài nguyên của đảo và những hoá vật từ những tàu bị đắm. Năm 1816, Vua Gia Long chính thức chiếm hữu đảo, ra lệnh cắm cờ trên đảo và đo thuỷ trình. Năm 1835, Vua Minh Mạng đã cho xây đền, đặt bia đá trên quần đảo. Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải được giao thêm cả nhiệm vụ tuần tiễu, thu thuế trên đảo, bảo vệ quần đảo. Hai đội này tiếp tục hoạt động cho đến khi Pháp vào thống trị Đông Dương.

– Cho đến ngày bị Pháp đô hộ, các triều đại phong kiến Việt Nam đã liên tục thực thi chủ quyền trên quần đảo này một cách hòa bình, không có nước láng giềng nào cạnh tranh hoặc phản đối.

– Năm 1932, Pháp khẳng định An Nam có chủ quyền lịch sử trên quần đảo Hoàng Sa và sáp nhập quần đảo này vào tỉnh Thừa Thiên. Năm 1951, tại Hội nghị San Francisco về ký hoà ước với Nhật Bản khi đại biểu một nước lớn đề nghị thảo luận việc bổ sung Dự thảo Hòa ước nhằm mục đích giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc thì Hội nghị đã bác bỏ đề nghị đó với tuyệt đại đa số phiếu 46/51. Tại Hội nghị, khi Nhật Bản tuyên bố từ bỏ tất cả các đảo ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Đại diện Chính phủ Bảo Đại là Thủ tướng Trần Văn Hữu đã chính thức tuyên bố và khẳng định chủ quyền lâu đời của Việt Nam đối với hai quần đảo mà không có nước nào lên tiếng phản đối. Sau đó, chính quyền Việt Nam Cộng hoà đã triển khai đóng quân trên hai quần đảo, quản lý hai quần đảo theo quy định của Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954; đồng thời luôn khẳng định và thực thi chủ quyền một cách hoà bình và liên tục đối với hai quần đảo. Năm 1961, Việt Nam Cộng hoà sáp nhập quần đảo Hoàng Sa vào tỉnh Quảng Nam.

Trong khi đó, Trung Quốc mới chỉ biết đến quần đảo Hoàng Sa từ năm 1909:

– Trung Quốc không có bằng chứng lịch sử và pháp lý xác thực nào để yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Tất cả các bộ sử, sách địa lý, bản đồ các đời Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh đều không thể hiện quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc, cho đến đầu thế kỷ 20, “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” của Nhà xuất bản Thượng Hải in năm 1904, “Đại Thanh đế quốc toàn đồ” xuất bản năm 1905, tái bản năm 1910, đã thể hiện rất rõ ràng điểm cực Nam của Trung Quốc chỉ là đảo Hải Nam và “Trung Quốc địa lý học giáo khoa thử” xuất bản năm 1906 ghi rõ điểm mút ở phía nam Trung Quốc là Châu Nhai, Quỳnh Châu, vĩ tuyến 18013′ bắc.

alt

 

Đại Nam nhất thống toàn đồ 1834, một tài liệu cổ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ảnh: vnu.edu.vn

– Năm 1909, nhà Thanh phái đô đốc Lý Chuẩn khảo sát quần đảo Hoàng Sa. Lý Chuẩn đã cho treo cờ và bắn súng trên quần đảo Hoàng Sa, thể hiện sự chiếm hữu. Đến thời điểm đó, Trung Quốc chưa hề có tên gọi đối với quần đảo này. Vì vậy, họ đặt quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam một cái tên mới là “Tây Sa”.

– Sau khi nhà Thanh sụp đổ (năm 1911), Trung Hoa Dân Quốc (1912-1949) đã có những hành động rất bài bản trong việc thôn tính quần đảo này, bao gồm việc sáp nhập vào đảo Hải Nam (1921), cho đấu thầu khai thác phân chim (1921-1927), đặt tên và vẽ quần đảo Hoàng Sa vào bản đồ Trung Quốc (1935), bác bỏ một hành động của Pháp nhằm dành lại chủ quyền cho Vương Quốc An Nam (1932-1938). Từ 1949, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kế thừa Trung Hoa Dân Quốc ráo riết hoàn tất mưu đồ thôn tính quần đảo này. Từ lên tiếng đòi hỏi chủ quyền (1951), đến phản đối chính quyền Nam Việt Nam bắt giữ ngư dân (quân đội trá hình) Trung Quốc xâm nhập trái phép quần đảo Hoàng Sa (1959),

– Đỉnh điểm là những ngày giữa tháng 1/1974, Trung Quốc đã đưa nhiều chiến hạm và máy bay đánh phá và chiếm hoàn toàn các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Chính quyền Việt Nam cũng như Pháp đại diện cho nhà nước An Nam phản đối, nhưng họ ỷ vào thế nước lớn, cậy vào sức mạnh, bất chấp đạo lý và pháp lý, bất chấp dư luận và lợi ích nước láng giềng.

Sau 39 năm hoàn toàn chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Trung Quốc đã triển khai nhiều hoạt động từ pháp lý đến đầu tư cơ sở hạ tầng để hoàn thành mưu đồ độc chiếm quần đảo này; nhưng chúng ta, những người con đất Việt dù ở cương vị nào, ở trong hay ngoài nước không bao giờ được quên, không được từ bỏ vùng đất thiêng liêng của tổ quốc, nơi mà ông cha ta, những người trước khi ra đi khai phá, thực thi chủ quyền đã xác định không ngày trở về.

Vấn đề chủ quyền luôn rất thiêng liêng đối với mỗi con người, mỗi dân tộc, vì thế chúng ta quyết đòi lại chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Việc đòi lại chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa không thể một sớm một chiều, cũng không chỉ trong 10 năm, 20 năm mà có khi là đến đời con, đời cháu chúng ta. Nhưng từ bây giờ chúng ta cần ghi nhớ lịch sử, xây dựng những cứ liệu củng cố chủ quyền, khai thác những điểm yếu của Trung Quốc, một ngày nào đó chúng ta sẽ đòi lại được những thứ chúng ta đã bị chiếm mất.

(Bài viết do độc giả Minh Châu gửi tới Ban Biên tập BĐN)

RELATED ARTICLES

Tin mới