Friday, April 26, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiVẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VÀ SỰ ĐOÀN KẾT CỦA ASEAN TRONG NĂM...

VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG VÀ SỰ ĐOÀN KẾT CỦA ASEAN TRONG NĂM 2013

(BĐN) – Năm 2012 là một năm đầy khó khăn và thách thữc với ASEAN về vấn đề Biển Đông; sự đoàn kết của ASEAN trong vấn đề này đã bị Bắc Kinh thao túng.

Hồ sơ Biển Đông sẽ là thử thách lớn về sự đoàn kết của ASEAN trong năm 2013. Bất luận thế nào, chúng ta vẫn tin rằng vấn đề Biển Đông sẽ tiếp tục trở thành đề tài nóng, được thảo luận rộng rãi trong các hội nghị của ASEAN, ARF, EAS và hội nghị giữa ASEAN với các đối tác trong năm 2013.

Với tư cách Chủ tịch ASEAN trong năm 2012, Cămpuchia bị Bắc Kinh “mua chuộc” đã tìm cách gạt bỏ vấn đề Biển Đông ra khỏi chương trình nghị sự và các văn kiện của các hội nghị liên quan được tổ chức tại Cămpuchia, làm rạn nứt sự đoàn kết trong ASEAN. Tuy nhiên, do vấn đề Biển Đông đã trở thành một vấn đề mang tầm quốc tế, liên quan đến lợi ích của các nước trong và ngoài khu vực nên những mưu đồ của Bắc Kinh không trở thành hiện thực. Vấn đề Biển Đông tiếp tục được thảo luận rộng rãi và được đưa vào văn kiện của các hội nghị; với cách làm thô thiển đó, Trung Quốc đã bị chỉ trích mạnh mẽ và bị “mất thể diện” trước các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế; Cămpuchia không hoàn thành vai trò của Chủ tịch ASEAN và bị cộng đồng quốc tế lên án là “tay sai” của Bắc Kinh.

Tháng 7/2012, Cămpuchia đã tìm mọi cách gạt bỏ nội dung Biển Đông ra khỏi Tuyên bố của Hội nghị Ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AMM 45) tại Phnom Penh dẫn đến việc lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm tồn tại Hội nghị AMM không ra được một tuyên bố chung. Các nước hết sức bất bình với “sự phá hoại” của Cămpuchia. Cách làm đó của Cămpuchia lại được lặp lại trong Hội nghị cấp cao ASEAN 21 và các hội nghị cấp cao khác tại Phnom Penh hồi tháng 11/2012. Thủ tướng Campuchia Hun Sen cố tình tuyên bố “ASEAN nhất trí không quốc tế hóa vấn đề Biển Đông” và đưa nội dung này vào dự thảo Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 21. Tuy nhiên, Philippin, Việt Nam và nhiều nước khác đã phản đối mạnh mẽ việc làm này của Cămpuchia vì nhiều nước ASEAN không đồng tình với nội dung này. Cuối cùng, bản thân ông Hun Sen với tư cách Thủ tướng nước chủ nhà phải thừa nhận ASEAN tiếp tục thất bại trong việc đạt được đồng thuận về vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông với Trung Quốc.

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN ở Jakarta, Indonesia năm 2011, Lãnh đạo các nước ASEAN nhất trí xây dựng Bộ quy tắc ứng xử mới về Biển Đông (COC) vào năm 2012. Khi đó, với tư cách nước Chủ tịch ASEAN, Tổng thống Indonesia Yudhoyono nhấn mạnh “hầu hết các nhà lãnh đạo Đông Nam Á đều nghĩ rằng đã đến lúc phải có một văn kiện ràng buộc các quốc gia tuyên bố chủ quyền tại nhiều vùng trong biển Đông. Được như vậy thì các vụ tranh chấp mới có thể được “giải quyết một cách thích hợp và tránh tạo ra xung đột ngoài ý muốn”; đồng thời cho rằng 10 năm đã trôi qua từ khi các bên đạt được Tuyên bố ứng xử (DOC), bây giờ phải nhanh chóng đi đến một bộ luật ứng xử (COC). Thế nhưng trong năm 2012, điều này mới chỉ thực hiện được một phần với việc Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN thông qua nội dung những thành tố chính của COC. Trung Quốc một mực từ chối cùng các nước ASEAN thảo luận về COC.

Bước vào năm 2013, Brunei đảm nhận chức Chủ tịch ASEAN từ Cămpuchia với đầy rẫy những khó khăn thử thách về việc củng cố đoàn kết nhất trí ASEAN trong hồ sơ Biển Đông. Brunei là một nước nhỏ, rất ngại đối đầu với Trung Quốc nên mặc dù là một bên liên quan đến tranh chấp ở Trường Sa nhưng lâu nay Brunei rất thận trọng trong phát biểu công khai về vấn đề Biển Đông. Đây sẽ là một khó khăn cho việc thúc đẩy vấn đề Biển Đông trong năm 2013. Nhưng có thể tin tưởng rằng Brunei sẽ không thể “bán rẻ” mình như Cămpuchia đã làm trong năm 2012 và vấn đề Biển Đông sẽ tiếp tục là chủ đề nóng tại các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN năm 2013 vì những yếu tố sau:

Một là, những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông đã trở thành mối lo ngại chung của cộng đồng quốc tế; hòa bình ổn định và tự do, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực. Vấn đề Biển Đông đã trở thành một vấn đề quốc tế là không thể đảo ngược được.

Hai là, việc Trung Quốc từ chối đàm phán với các nước ASEAN về COC cho thấy rõ Trung Quốc hoàn toàn không có thiện chí cùng các nước liên quan giải quyết thỏa đáng vấn đề Biển Đông. Ban Lãnh đạo mới ở Bắc Kinh đang thi hành một chính sách cứng rắn trên các vấn đề trên biển với các nước láng giềng nhằm thực hiện mục tiêu đưa Trung Quốc trở thành “cường quốc biển” mà Đại hội 18 Đảng Cộng sản đã đề ra. Cộng đồng quốc tể cho rằng nếu im lặng Trung Quốc sẽ lấn tới, do vậy cần có tiếng nói chung trên vấn đề Biển Đông để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.

Ba là, Brunei có lợi ích thiết thân trong vấn đề Biển Đông, nên không thể hy sinh lợi ích chung của các nước ASEAN vì sức ép của Trung Quốc. Dù là nước nhỏ, nhưng bên cạnh Brunei còn các nước khu vực, nhiều cường quốc khác và cả cộng đồng quốc tế. Brunei đã xác định là chủ tịch ASEAN năm 2013, Brunei sẽ tham vấn chặt chẽ với các cường quốc lớn và các đối tác đối thoại trong suốt nhiệm kỳ của mình. Điều quan trọng nhất là Bộ Ngoại giao và Thương mại Brunei đã tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 02/01/2012 tại thủ đô Bandar Seri Begawan rằng “cùng với an ninh, quốc phòng, kinh tế, xã hội, vấn đề Biển Đông vẫn là trọng tâm của ASEAN trong 2013” và Bruinei muốn xây dựng bộ quy tắc ứng xử (COC) giữa các bên tranh chấp tại Biển Đông, chú trọng giải quyết tranh chấp bằng đối thoại trên tinh thần đảm bảo an ninh và ổn định khu vực.

Một nhân tổ mới có tác động tích cực đến hồ sơ Biển Đông trong ASEAN là việc ông Lê Lương Minh, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam trở thành Tổng thư ký mới của ASEAN. Ông Lê Lương Minh sẽ phải cố gắng để tạo sự đồng thuận chung trong ASEAN trên vấn đề Biển Đông vì đây là lợi ích của quốc gia ông. Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã ngay lập tức hoan nghênh Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Lương Minh trở thành Tổng thư ký mới của ASEAN; đồng thời bày tỏ sự tin tưởng, vai trò của ông Lê Lương Minh sẽ góp phần thúc đẩy sự thống nhất trong vấn đề nóng của khu vực trong năm 2013. Phát biểu về vấn đề Biển Đông khi nhận chức Tổng Thư ký ASEAN, ông Minh nhấn mạnh sẽ tập trung thúc đẩy thực hiện nghiêm túc DOC, sớm xây dựng COC và tăng cường trao đổi với các bên liên quan về vấn đề Biển Đông.

Năm 2013 là năm bản lề thực hiện lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. Sau một năm sóng gió, các nước ASEAN đều nhận thấy rằng cần phải “xốc lại” sự đoàn kết nhất trí trong ASEAN để thực hiện mục tiêu chung này, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN đối với các vấn đề khu vực nói chung và hồ sơ Biển Đông nói riêng. Theo lịch trình, hai kỳ Hội nghị Cấp cao ASEAN 2013 lần thứ nhất sẽ diễn ra ngày 24 và 25 tháng 4/2013; lần thứ hai ngày 9 và 10 tháng 10/2013 tại thủ đô Bandar Seri Beganwan, Brunei. Các nhà phân tích chính trị đang chăm chú quan sát những diễn biến mới trong vấn đề Biển Đông tại các hội nghị trong khuôn khổ ASEAN năm 2012.

ASEAN cần hết sức cảnh giác, tỉnh táo vì Trung Quốc không từ bỏ âm mưu phân hóa chia rẽ sự đoàn kết của ASEAN, nhất là trên vấn đề Biển Đông. Họ sẽ không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào để thực hiện mục tiêu đó. Họ sẽ tiếp tục tìm mọi cách để ngăn cản “khu vực hóa”, “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông. Tuy nhiên, Trung Quốc không phải muốn làm gì cũng được, họ cũng cần ASEAN để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và Trung Quốc không thể củng cố tang trưởng kinh tế trong bầu không khí thù nghịch với chính Trung Quốc. Các nước ASEAN cần nhận thức rõ vấn đề này để không “run sợ” trước sức ép của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông. Việc các nước ASEAN có sự đồng thuận chung sẽ tạo them sức mạnh thúc ép Trung Quốc đi vào đàm phán COC với các nước ASEAN để tìm giải pháp cho vấn đề Biển Đông ./.

                                                                                    BĐN

 

 

 

 

RELATED ARTICLES

Tin mới