Friday, November 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiAI LÀ KẺ ĂN CƯỚP VÀ GÂY RẮC RỐI Ở BIỂN ĐÔNG?

AI LÀ KẺ ĂN CƯỚP VÀ GÂY RẮC RỐI Ở BIỂN ĐÔNG?

BienDong.Net: Ngày 20/1/2013 mạng Phượng Hoàng có bài xuyên tạc sự kiện Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào tháng 1/1974: quần đảo này vốn từ xưa đến nay là lãnh thổ của Trung Quốc; chính quyền Sài Gòn đưa quần đảo Hoàng Sa vào bản đồ là “hành động xâm lược”, và Việt Nam chiếm đoạt một phần Hoàng Sa và Trường Sa nên tháng 1/1974 Trung Quốc đã phản kích tự vệ.

Ngày 21/1/2013, mạng Hoàn Cầu đăng bài lu loa rằng việc Việt Nam tổ chức triển lãm các bản đồ, tư liệu về quần đảo Hoàng Sa là “gây rắc rối” ở Biển Đông.

Tiếp đó ngày 22/1/2013, mạng này lại đăng bài báo “Việt Nam ảo tưởng dùng tư liệu mới phát hiện để đòi hỏi chủ quyền Hoàng Sa” và cho rằng Việt Nam liên tiếp tỏ ra thách thức Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

Ai có chủ quyền đối với các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa?

Việc báo chí Trung Quốc cho rằng quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Trung Quốc không phải là mới. Họ đã từng viết điều này và chắc chắn sẽ còn viết như vậy. Nhưng ngoài câu khẳng định chung đó, mạng Phượng Hoàng cũng như các báo viết, trang mạng khác của Trung Quốc không hề đưa ra các bằng chứng cụ thể để mọi người thấy được đích thực quần đảo Hoàng Sa là thuộc chủ quyền của Trung Quốc.

Giả dụ quần đảo Hoàng Sa từ xưa đến nay là lãnh thổ Trung Quốc như mạng Phượng Hoàng khẳng định thì sử sách của Trung Quốc ắt phải ghi và bản đồ của Trung Quốc ắt phải vẽ về quần đảo này. Nhưng sự thật là sử sách và bản đồ của Trung Quốc từ đời Hán, Đường đến đời Tống, Nguyên, Minh cho đến đời Thanh đều thể hiện đảo Hải Nam là điểm cực nam của lãnh thổ Trung Quốc. Cuối năm 2012, tại Hà Nội, Viện Bảo tàng lịch sử Việt Nam có trưng bày tầm bản đồ gọi là “Hoàng Triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do Nhà Xuất bản Thượng Hải in năm 1904. Theo lời tựa ở trên tấm bản đồ đó thì đây là công trình do các giáo sĩ, thiên văn đo đạc và vẽ từ năm 1708 theo lệnh của vua Khang Hy. Trong bản đồ đó hoàn toàn không thể hiện hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và Hải Nam vẫn là điểm cực nam của Trung Quốc.

Xin hỏi các cây bút đã nặn ra bài báo và các vị trong Ban biên tập mạng Phượng Hoàng và Hoàn Cầu: nếu từ xa xưa Hoàng Sa đã thuộc chủ quyền của Trung Quốc thì hà cớ gì sử sách của Trung Quốc bỏ qua vùng lãnh thổ này? Hà cớ gì các bản đồ của Trung Quốc không thể hiện quần đảo này cũng như quần đảo Trường Sa? Nếu Việt Nam đưa tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa ra Trọng tài quốc tế hoặc Toà án của Liên hợp quốc ở Lahay hoặc Toà án Luật Biển ở Hamburk thì các vị sẽ sử dụng bằng chứng nào để chứng minh là tổ tiên các vị đã quản lý các quần đảo này? Các vị hãy tin rằng sẽ đến ngày Tòa án quốc tế và Trọng tài quốc tế sẽ đặt câu hỏi đó với các vị vì Việt Nam sẽ đưa tranh chấp này ra các diễn đàn này để giải quyết. Các vị hãy tin rằng chỉ với một tuyên bố chung chung mà không có các bằng chứng cụ thể thì các vị chắc chắn sẽ thua kiện.

Sử sách của Trung Quốc khẳng định một điều không hề có việc Trung Quốc đã có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ xa xưa. Chỉ từ năm 1907 sau khi đô đốc Lý Chuẩn cho quân đổ bộ chớp nhoáng lên quần đảo Hoàng Sa thì Trung Quốc mới bắt đầu nói đến quần đảo này mà họ gọi là Tây Sa và sau đó các bản đồ Trung Quốc mới bắt đầu thể hiện quần đảo Hoàng Sa. Bắc Kinh không thể sử dụng sự kiện đô đốc Lý Chuẩn đổ bộ lên Hoàng Sa để đòi chủ quyền đối với quần đảo này bởi vì vào thời điểm đó quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đã là một bộ phận thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Việt Nam có bằng chứng cụ thể không? Một là, sử sách, bản đồ của triều đình nhà Nguyễn có rất nhiều bằng chứng khẳng định Việt Nam đã thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ đầu thế kỷ 17. Bộ sử “Đại Nam Thực lục tiền biên”- bộ sử viết về chúa Nguyễn (1558-1783) do Quốc sử quán nhà Nguyễn biên soạn năm 1844 đã viết về việc chúa Nguyễn cử đội Hoàng Sa ra khai thác ở quần đảo Hoàng Sa. Sau đó bộ sử “Đại Nam thực lục chính biên” – bộ sử về các đời vua Nguyễn (từ 1802) và cũng do Quốc sử quán nhà Nguyễn biên soạn năm 1848, ghi tường tận các hoạt động quản lý của các vua Gia Long, Minh Mạng đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nội dung này được thể hiện trong các quyền 52, quyền 154, quyền 165 v.v…Bộ sách đại lý của Việt Nam do Quốc sử quán nhà Nguyễn soạn năm 1882 có tên là “Đại Nam nhất thống chí” ghi rõ Hoàng Sa thuộc địa phận tỉnh Quảng Ngãi. Về bản đồ, bản đồ nước Việt Nam đời Nguyễn vẽ vào khoảng năm 1838 tên “Đại Nam nhất thống toàn đồ”, vẽ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và ghi rõ “Hoàng Sa, Vạn Lý Trường Sa” v.v…

Hai là, các tư liệu của các nước phương Tây cũng chứng minh điều này. Nam. Năm 1837, Giám mục J.L.Taberd, có đăng bài “Ghi chép về địa lý nước Cochinchine”, trong đó ông viết “Pracel hay Paracelss” là phần lãnh thổ nước Cochinchine và nói rõ người Cochinchina gọi Pracel hay Paracels là “Cát Vàng”. Năm 1938 ông xuất bản cuốn “An Nam đại quốc hoạ đồ” , trong đó vẽ quần đảo Parasels và ghi “Paracelss seu Cat Vang” (tức Paracels hay Cát Vàng). Trong cuốn “Hồi ký về nước Cochincchine” xuất bản năm 1820, ông J.B. Chaigneau vốn là cố vấn của vua Gia Long, đã viết “Nước Cochinchine có quần đảo Paracels do những đảo nhỏ, ghềnh và đá không có dân cư hợp thành..” v.v….

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng đang triển lãm 125 tập bản đồ, 3 cuốn atlas, 102 cuốn sách xuất bản tại các nước phương Tây trong thế kỷ 18-19 khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là một phần lãnh thổ Việt Nam.

…. và ai là kẻ ăn cướp, gây rắc rối ở Biển Đông?

Trắng, đen hết sức rõ ràng. Lịch sử quan hệ Việt – Trung trong 2000 năm qua cho thấy: nhà Hán, nhà Đường, nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh, nhà Thanh và nhà cầm quyền Bắc Kinh hiện nay đã không thời nào không nuôi mộng xâm lược Việt Nam. Chèn ép Việt Nam, gặm nhấm đất đai Việt Nam và tìm mọi cách xâm lược Việt Nam đã ngấm vào máu thịt của các nhà cầm quyền phương Bắc. Trung Quốc. Báo, mạng của Trung Quốc đều biết rõ điều đó. Mạng Phượng Hoàng và đặc biệt Hoàn Cầu cũng biết rõ từ khi lập nước Trung Hoa cộng sản đến nay, Trung Quốc đã bốn lần có hành động xâm lược đối với Việt Nam: Năm 1956 cướp nửa đông quần đảo Hoàng Sa; năm 1974 cướp toàn bộ quần đảo Hoàng Sa; năm 1979 xua 30 vạn lính xâm lựơc các tỉnh phía Bắc của Việt Nam và năm 1988, chiếm đóng một số đảo của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa. Nhà cầm quyền Bắc Kinh đều đặt cho tất cả các lần xâm lược đó cái tên là “phản công tự vệ” nhằm che đậy và bào chữa chính sách bá quyền, xâm lược của họ.

Các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ của Việt Nam. Nhà nước Việt Nam đã thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo này. Khi Pháp rút quân khỏi Đông Dương, Pháp đã bàn giao cho chính quyền Sài Gòn quản lý hai quần đảo. Việc chính quyền Sài Gòn vẽ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa vào bản đồ là chuyện bình thường. Mạng Phượng Hoàng đã quá khiên cưỡng khi gán cho việc làm đó của chính quyền Sài Gòn là “hành động xâm lược”. Mạng Hoàn Cầu cũng hồ đồ không kém khi gán cho việc Việt Nam trưng bày bản đồ về quần đảo Hoàng Sa cái mác “gây rắc rối”. Sự thật là năm 1956, lợi dụng thời điểm giao thời, chuyển giao chính quyền ở Việt Nam, Bắc Kinh đã dùng vũ lực chiếm các đảo phía Đông của quần đảo Hoàng Sa. Năm 1974 lợi dụng lúc quân đội Sài Gòn đang chống đỡ cuộc tấn công của quân đội của Chính phủ cách mạng lâm thời và quân miền Bắc, Bắc Kinh cho quân chiếm toàn bộ các đảo ở Hoàng Sa của Việt Nam. Đó chính là hàng động ăn cướp và Bắc Kinh chính là kẻ cướp ở Biển Đông. Sự thật về các hành động ăn cướp của Bắc Kinh đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tại diễn đàn Quốc hội Việt Nam vào tháng 11/2011.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã tiếp tục leo thang trong việc thực thi chính sách ăn cướp ở Biển Đông ở mức cao hơn. Một mặt, họ xoen xoét thề thốt là tuân thủ các quy định Công ước về Luật Biển năm 1982 của Liên hợp quốc, nhưng mặt khác không ngừng chà đạp văn kiện này, xâm phạm các vùng biển chủ quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, Philippines và các nước khác. Bắc Kinh đặc biệt gây hấn với cả Việt Nam và Philippines: Tháng 3/2011, cản trở Philippines thăm dò dầu khí gần đảo Palawan của nước này. Tháng 5/2012 cắt cáp tàu Bình Minh 02 của Việt Nam trong thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam. Tháng 4/2013 tạo căng thẳng, không cho ngư dân Philippines đánh cá ở bãi Scarborough trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Tháng 6/2012 Bắc Kinh lại mời các công ty quốc tế thăm dò dầu khí trong phạm vi thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam và đưa các đảo của Việt Nam và Philippines vào phạm vi cái gọi là thành phố Tam Sa v.v…. Như vậy, mạng Phượng Hoàng, Hoàn Cầu và các báo, mạng của Trung Quốc chắc hẳn thấy rõ chính Trung Quốc mới là kẻ ăn cướp và gây rắc rối ở Biển Đông,

Bị Trung Quốc dồn ép, từ năm 2009 các nước ASEAN đã liên tiếp gửi công hàm đến ông Tổng Thư ký Liên hợp quốc tố cáo Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông. Năm 2011 và 2012, Tổng thống Philippines đã liệt kê và công bố toàn bộ các hành vi xâm lược của Trung Quốc tại các diễn đàn ASEAN, ARF. Đầu năm 2013, nước này quyết định kiện Trung Quốc ra Toà án Trọng tài quốc tế. Trong khi dư luận quốc tế và khu vực đều cho rằng việc làm đó của Philippines là hợp lý và cần thiết thì Bắc Kinh lại gán cho Philippines cái mác “gây phức tạp” tình hình Biển Đông. Thủ tục giải quyết tranh chấp liên quan đến biển bằng trọng tài quốc tế là một trong các thủ tục được quy định trong UNCLOS. Philippines và Trung Quốc đều là thành viên của UNCLOS nên việc Philippines sử dụng cơ chế Trọng tài quốc tế là quyền hợp pháp. Bộ trưởng Ngoại giao Singapore và Thái Lan đều khẳng định công khai: Philippines có quyền kiện Trung Quốc ra Trọng tài quốc tế. Hà Nội cũng không úp mở, nêu rõ: các bên có quyền sử dụng mọi biện pháp giải quyết hoà bình các tranh chấp theo UNCLOS, tức là cũng ủng hộ bước di của Philippines. Việc Bắc Kinh gán cái mác “gây phức tạp” cho việc Philippines khởi kiện quả thật là phi lý và nực cười. Việc họ lẩn tránh thủ tục pháp lý bình thường sẽ càng làm hoen ố hinh ảnh một cường quốc trong mắt dư luận thế giới.

Tình hình thế giới giờ đây đã khác hẳn những năm 60-70 của thế kỷ trước. Câu chuyện tranh chấp ở Biển Đông đã được cả thế giới biết đến và quan tâm. Với một đội ngũ cây bút thiếu lương tri đông đảo, Hoàn Cầu, Phượng Hoàng và các báo, mạng khác của Trung Quốc có thừa khả năng sản xuất vô vàn bài, tin để xuyên tạc sự thật đang diễn ra ở Biển Đông. Nhưng một điều chắc chắn là cho dù họ dùng thủ đoạn nào thì mưu toan của họ cũng sẽ biến thành công cốc. Dư luận hiểu rõ Bắc Kinh là kẻ đã cướp quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam; Bắc Kinh là kẻ đang gây hấn và mưu đồ cướp đoạt các lợi ích hợp pháp của Việt Nam, Philippines và các nước ASEAN khác ở Biển Đông./.

RELATED ARTICLES

Tin mới