Gần đây, chính quyền Trung Quốc đã ra thông báo điều chỉnh ngày nghỉ Tết Nguyên đán 2024 và không có ngày nghỉ vào đêm giao thừa (ngày 30 tết). Điều này đã vấp phải rất nhiều chỉ trích trên Internet Trung Quốc.
Vào ngày 25/10, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã công bố lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2024. Trong thông báo nêu rõ, ngày nghỉ Tết cổ truyền năm tới của Trung Quốc gồm 8 ngày từ mùng một đến mùng tám Âm lịch, tức ngày 10-17/2 Dương lịch. Hai ngày Chủ nhật là ngày 4/2 và 18/2 đi làm bình thường. Mặt khác, thông báo lại khuyến khích tất cả các đơn vị kết hợp thực hiện các chế độ khác như nghỉ phép năm có hưởng lương, v.v. và bố trí cho nhân viên nghỉ vào đêm giao thừa (ngày 9/2 Dương lịch).
Theo phong tục truyền thống của các nước Á Đông nói chung và Trung Quốc nói riêng, ngày cuối cùng của tháng 12 Âm lịch là đêm giao thừa, là một thời khắc quan trọng nhất trong năm mới. Vào ngày này ở Trung Quốc, các thành viên trong gia đình thường quây quần bên nhau để ăn bữa cơm đêm giao thừa và thực hiện nhiều phong tục đón năm mới.
Ngay khi thông báo trên vừa được công bố, nó đã bị cư dân mạng Trung Quốc đồng lòng lên án và phản đối: “Nghỉ thêm 1 ngày thì mất gì nào?”; “Nghỉ sớm 1 ngày thì Trái Đất ngừng quay sao?”; “Tại sao cứ phải điều chỉnh ngày nghỉ như vậy, việc này khó lắm à?”; “Bị [cư dân mạng] mắng cho lên bờ xuống ruộng”; “Đêm giao thừa cũng không cho nghỉ! Muốn làm gì vậy? Không muốn ăn tết nữa hả?”; v.v.
Trước sự đồng lòng lên án của cư dân mạng, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc phản hồi rằng: “việc điều chỉnh ngày nghỉ sẽ tốt hơn là không điều chỉnh, hơn nữa là không thể không điều chỉnh”, “nếu không điều chỉnh ngày nghỉ thì về cơ bản mỗi năm sẽ xuất hiện tình trạng có 1 ngày làm việc nằm giữa một số ngày lễ và hai ngày nghỉ cuối tuần”, khiến cho kỳ nghỉ lễ “bị phân đoạn phân khúc” và dẫn đến “sự ngắt quãng”. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia cũng cho rằng đây đã là sự sắp xếp “nhân đạo hơn và linh hoạt hơn rồi”.
Trong tiếng Trung, “đêm giao thừa” được gọi là “trừ tịch”. “Trừ” có các nghĩa là trừ bỏ; thay, thay thế, hoán đổi; hoặc là miễn nhiệm vị quan cũ và bổ nhiệm vị quan mới. “Tịch” là buổi tối, ban đêm. Cư dân mạng đã ‘sáng tạo’ ra cách gọi mới và gọi “trừ tịch” là “trừ Tập” (ám chỉ ông Tập Cận Bình), cả hai từ này có cách đọc gần giống nhau là “chu xi”.
Cư dân mạng còn dùng cụm từ “Kỳ nghỉ La – mã” để chế nhạo chính quyền Trung Quốc vì đối xử với người dân như những con la, con ngựa (tương tự cách nói ‘làm trâu làm ngựa’ trong tiếng Việt) và không thực hiện các quy định về ngày nghỉ trong Luật Lao động. Cũng có cư dân mạng dùng cụm từ “nô lệ thành thị” để chế giễu chính quyền vì đã bóc lột người dân như nô lệ.
Còn có cư dân mạng tổng kết ra ‘Bốn phát minh vĩ đại mới’ của Trung Quốc, bao gồm “Điều chỉnh ngày nghỉ [1], Diện tích chung khi mua nhà [2], Giai đoạn bình tĩnh trước khi ly hôn [3], Văn hóa làm việc 996 [4]”; và để lại không ít bình luận như sau:
“Thật đáng thương, thực sự đáng thương”; “Đêm giao thừa năm nay sẽ không được nghỉ, có người sinh ra đã là la là ngựa”; “Nhìn thấy 4 chữ ‘Kỳ nghỉ La – mã’ này tôi đã cười ba giây rồi khóc tới mười phút”; “Kỳ nghỉ La – mã, đúng là chuyện cười phát mếu”;
“Ngày xưa có ‘Kỳ nghỉ La Mã’ (bộ phim ‘Roman Holiday’, tựa Việt là ‘Kỳ nghỉ Hè ở Rome’, đã mang lại ‘Giải Oscar hạng mục nữ diễn viên chính xuất sắc nhất’ cho nữ minh tinh Audrey Hepburn), ngày nay có ‘Kỳ nghỉ La – mã’, ngày lễ thì mọi người làm gì, ngày lễ đi đóng vai la – mã”.
Trước đó, hôm 23/4, tờ Tuần san Tin tức Trung Quốc đã mở một cuộc thăm dò trên Weibo về “Năng suất làm việc trong các ngày nghỉ lễ bị điều chỉnh có sự khác biệt nào không?”. Trong số 58.000 cư dân mạng tham gia bình chọn, 89% cho rằng làm việc trong những ngày này quá buồn ngủ và hiệu quả công việc bị ảnh hưởng.
T.P