Sunday, January 19, 2025
Trang chủBiển nóngBiển Đông: Tuần tra Chữ Thập, Mỹ lùi một bước để tiến...

Biển Đông: Tuần tra Chữ Thập, Mỹ lùi một bước để tiến ba bước với TQ ở Vành Khăn

Trong bài viết đăng trên tạp chí National Interest, hai tác giả Zack Cooper và Bonnie Glaser giải thích lý do Mỹ chọn tuần tra quanh đá Chữ Thập mà chưa làm vậy ở Vành Khăn.

Tàu Mỹ William P. Lawrence. Ảnh: National Interest

Tương tự như hai đợt tuần tra khẳng định quyền tự do đi lại trên biển (FONOP) trước đó, tàu William P. Lawrence của Mỹ mới đây cũng đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh xung quanh một thực thể trên Biển Đông, lần này là Đá Chữ Thập (chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc chiếm đóng trái phép).

Để đáp lại, Trung Quốc đã cho 2 chiến đấu cơ J-11 và máy bay vận tải Y-8 xuất kích, đồng thời triệu tập thêm 1 tàu khu trục cùng 2 khinh hạm áp sát trên biển.

Tuy đã khiến Trung Quốc phải có động thái đáp trả như vậy, song một số chuyên gia vẫn trông đợi một tín hiệu rõ ràng hơn từ phía Mỹ trên Biển Đông ở lần tuần tra thứ 3 này. 

Họ nghĩ rằng Washington đáng ra phải nhắm vào Đá Vành Khăn, để khẳng định rằng, không phải Trung Quốc cứ bồi đắp đất lên trái phép là Mỹ sẽ coi các bãi cạn có giá trị tương đương với đảo.

Đá Vành Khăn được coi là một bãi cạn, đồng nghĩa với việc nó chỉ được hưởng quyền áp đặt khu vực an toàn bán kính 500m, thay vì 12 hải lý như các đảo khác.

Tuy Trung Quốc đã bồi đắp phi pháp tới hơn 500 triệu mét vuông đất để xây cảng và đường băng trên Đá Vành Khăn, Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) quy định rõ, đảo/đá phải “hình thành một cách tự nhiên” thì mới được công nhận.

Do đó, về mặt luật pháp quốc tế mà nói, Mỹ có quyền hoạt động quân sự trong khu vực 12 hải lý xung quanh Đá Vành Khăn.

Điều này đã dẫn đến câu hỏi: tại sao Washington lại chọn tuần tra gần Đá Chữ Thập mà không phải Đá Vành Khăn? Theo ông Cooper và bà Glaser, hai trong số những chuyên gia hàng đầu về chính trị khu vực châu Á-Thái Bình Dương, có 2 giả thuyết lý giải được nước cờ này của Mỹ.

Thứ nhất, một số nhà phân tích cho rằng, Nhà Trắng không muốn vướng phải nguy cơ giao tranh với Trung Quốc trong năm cuối nhiệm kì của Tổng thống Obama.

Do đó, thay vì tuần tra gần đá Vành Khăn, đồng nghĩa với việc tàu Mỹ thực hiện hoạt động quân sự thay vì “đi lại vô hại”, Mỹ chọn tuần tra tại đá Chữ Thập để hạn chế rủi ro.

Ngoài ra, bởi trước đó Washington đã từng thách thức Trung Quốc tại Đá Xu Bi (chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc chiếm đóng trái phép), nơi Bắc Kinh đang xây đường băng trái phép, nên lần này họ chọn Đá Chữ Thập, nơi có một đường băng phi pháp khác của Bắc Kinh, cũng dễ hiểu.

Thứ hai, Nhà Trắng cũng có thể đang chờ đợi phán quyết của Tòa trọng tài Quốc tế (PCA) trong vụ Philippines kiện “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.

Biển Đông: Tuần tra Chữ Thập, Mỹ lùi một bước để tiến ba bước với TQ ở Vành Khăn - Ảnh 1.

 Vụ kiện Trung Quốc của Philippines dự kiến sẽ có phán quyết chính thức trong năm 2016. Ảnh: ManilaLive

Khả năng Bắc Kinh nhận phán quyết bất lợi là rất cao, và nếu điều đó xảy ra, thì Đá Vành Khăn có thể sẽ được coi là một bãi cạn, thay vì một đảo/đá. 

Như vậy, khi Mỹ tuần tra dưới dạng hoạt động quân sự gần Vành Khăn, Trung Quốc sẽ khó lòng “la làng” rằng Washington hành động gây hấn.

Do đó, lãnh đạo Mỹ dường như muốn hoãn tuần tra Đá Vành Khăn cho tới khi PCA đưa ra phán quyết chính thức để một công ba việc: thách thức tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc, khẳng định vai trò đề cao luật pháp quốc tế của Mỹ, và giúp Washington có cơ hội áp đặt phán quyết của PCA lên Bắc Kinh.

Nếu nhìn từ góc độ này, có thể thấy được lô-gíc trong quyết định “lùi một bước, tiến ba bước” của Mỹ. Cái khó của Washington là tránh không bị chỉ trích rằng họ “nhát”, không dám thách thức Bắc Kinh để khẳng định vị thế của luật pháp quốc tế.

Do đó, ông Cooper và bà Glaser khẳng định, kể cả khi chưa thể nhắm tới mục tiêu Vành Khăn, Mỹ cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện FONOP, và coi đây như những hoạt động bình thường, thay vì làm rùm beng chúng như các sự kiện chính trị.

“Những đợt tuần tra thường xuyên của Mỹ là vô cùng cần thiết, bởi nếu Washington không thách thức những tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc, thì thật khó để các nước nhỏ hơn làm được điều đó” – hai tác giả kết luận.

RELATED ARTICLES

Tin mới