Tuesday, December 24, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiHồ sơ Panama: Ngân hàng Nhà nước vào cuộc

Hồ sơ Panama: Ngân hàng Nhà nước vào cuộc

Chiều tối ngày 11/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức lên tiếng về việc có nhiều cá nhân, tổ chức Việt Nam bị nêu tên trong hồ sơ Panama

Người đại diện cho NHNN phát ngôn về vấn đề này là ông Nguyễn Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Phòng chống rửa tiền.

Ông Nguyễn Văn Ngọc cho biết thông tin của Hồ sơ Panama có tên của một số cá nhân, tổ chức Việt Nam, tuy nhiên chưa có các thông tin cụ thể về hoạt động cũng như giao dịch của các tổ chức, cá nhân này.

Hiện nay, các văn bản về quản lý ngoại hối đã có đầy đủ các quy định về giao dịch thanh toán, chuyển tiền vào và ra khỏi Việt Nam đối với các giao dịch vãng lai, giao dịch vốn, mở tài khoản ở nước ngoài…

NHNN đã giao các đơn vị chức năng tiếp tục rà soát theo dõi thông tin liên quan đến vụ việc này; và trong phạm vi quyền hạn của mình, NHNN phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xử lý theo đúng chức năng nhiệm vụ, thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Ngày 11/5, thông tin từ Cục Phòng, chống rửa tiền thuộc NHNN cho biết các cơ quan chức năng, gồm Cục Phòng, chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an đã chính thức đề nghị phối hợp cùng tham gia điều tra các thông tin liên quan tới các cá nhân và tổ chức ở Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama vừa được Liên minh Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố ngày 9/5.

Về việc này, ngày 11/5, đại diện Bộ Tài chính cho biết đã nhận được báo cáo ngày 10/5 của Tổng cục Thuế về việc lập Tổ công tác thực hiện điều tra tổ chức, cá nhân bị nêu tên trong hồ sơ Panama.

Với những thông tin trong hồ sơ Panama cung cấp, ngành thuế phải lật lại hồ sơ, xem lại hồ sơ khai thuế cũng như toàn bộ quá trình hoạt động kinh doanh của cá nhân, doanh nghiệp. Từ đó khớp nối lại, xem xét các mối quan hệ với ngân hàng, giấy phép đầu tư tại Việt Nam và tại nước ngoài có phát hiện dấu hiệu bất thường mới điều tra.

Trả lời báo giới, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cho rằng đây là vấn đề liên quan đến nhiều cơ quan chức năng. Ngành thuế sẽ kiểm tra thông tin này và sẽ có báo cáo.

Trước đó thông tin từ Tổng cục Thuế cho biết, ngay trong ngày 10/5, cơ quan này đã thành lập tổ công tác điều tra về nghĩa vụ thuế đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama. Tổ công tác có nhiệm vụ làm rõ có dấu hiệu trốn thuế hay không đối với tổ chức, cá nhân bị nêu tên.

Cụ thể là sẽ đối chiếu, trích xuất dữ liệu nộp thuế trên cơ sở dữ liệu thuế tại Việt Nam; làm rõ các mối quan hệ kinh doanh, các giao dịch giữa cá nhân, tổ chức ở Việt Nam liên kết với những cá nhân, tổ chức nào ở bên ngoài; tính toán sơ đồ tạo ra thu nhập, tìm bản chất của phương thức giao dịch. Từ đó đối chiếu với chính sách pháp luật Việt Nam để đánh giá.

Các nghiệp vụ để làm rõ vấn đề này khá phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan khác như Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước.

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, cho biết trong thực tế, Việt Nam là địa điểm để các cá nhân, tổ chức lợi dụng sơ hở của pháp luật để rửa tiền nhưng chưa đến mức trầm trọng như một số quốc gia trên thế giới, chỉ dừng ở mức tội phạm hay hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên, cần phân biệt hoạt động trốn lậu thuế với việc mở tài khoản ở nước ngoài để phục vụ thanh toán cho hoạt động kinh doanh thương mại hợp pháp.

Kể cả chính trị gia cũng có thể gửi tiền ở tài khoản nước ngoài nếu thấy đó là nơi tin tưởng. Đối với hồ sơ Panama, cơ quan pháp luật phải xem xét để có đánh giá kết luận có phải trốn thuế, rửa tiền hay không.

Luật sư Trương Thanh Đức – Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam lại cho rằng theo Luật Phòng chống rửa tiền, đây là hoạt động đáng ngờ có thể thực hiện xem xét các dấu hiệu rửa tiền, trốn thuế, không chấp hành quy định minh bạch về thông tin để trốn thuế.

Ông Đức cũng cho biết Việt Nam vẫn là địa bàn rủi ro có liên quan đến tội phạm rửa tiền.

RELATED ARTICLES

Tin mới