Hạm đội 7 thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ thông báo về hoạt động của tàu khu trục USS Hopper (DDG 70) ở Biển Đông, sau khi Trung Quốc nói đã bám đuổi và trục xuất tàu này.
Một thông báo của Bộ tư lệnh Hạm đội 7 hôm 25-11 (26-11 theo giờ Việt Nam) cho biết tàu USS Hopper đã hoạt động “phù hợp với luật pháp quốc tế” tại Biển Đông, gần quần đảo Hoàng Sa.
Hoàng Sa vốn thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc chiếm đóng. Việc di chuyển của tàu USS Hopper nêu trên nằm trong khuôn khổ các hoạt động tự do hàng hải (FONOPs).
“Chúng hoạt động thường xuyên qua sự phối hợp sâu sát với các đồng minh và đối tác đồng chí hướng, chia sẻ cam kết của chúng tôi về việc tuân thủ trật tự quốc tế tự do và cởi mở, thúc đẩy an ninh và thịnh vượng. Mọi hoạt động của chúng tôi đều được thực hiện an toàn, chuyên nghiệp, phù hợp với luật pháp quốc tế”, thông cáo của Hạm đội 7 viết.
Tin tức về hoạt động của tàu USS Hopper được Mỹ đưa ra chỉ một ngày sau khi phía Trung Quốc khẳng định tàu chiến Mỹ đã “xâm nhập” vùng biển của nước này.
Trên tài khoản WeChat ngày 24-11, Bộ tư lệnh Chiến khu Nam bộ (Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc – PLA) cho biết quân đội Trung Quốc đã triển khai lực lượng hải quân và không quân nhằm “theo dõi, giám sát và xua đuổi” tàu USS Hopper.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp gần trọn Biển Đông, và thường xuyên lời qua tiếng lại với Mỹ về hoạt động FONOPs cũng như các diễn biến quân sự ở khu vực này.
Mới đây, Trung Quốc cáo buộc Philippines đưa “thế lực nước ngoài” vào tuần tra Biển Đông, giữa lúc quân đội Mỹ và Philippines có cuộc tuần tra chung. Bắc Kinh cho rằng những vụ việc như hai ngày cuối tuần qua “chứng minh Mỹ là người tạo ra nguy cơ an ninh” ở Biển Đông.
Đầu tháng này, Mỹ và Trung Quốc đã có các cuộc trao đổi về vấn đề trên biển, bao gồm Biển Đông, nơi Mỹ vẫn phàn nàn về việc Trung Quốc có hành động “nguy hiểm và phi pháp”.
Hôm 24-11, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao Hải quân Mỹ cho hay Lầu Năm Góc phấn khởi với triển vọng cải thiện khâu liên lạc với Trung Quốc giữa lúc căng thẳng khu vực gia tăng, mặc dù vẫn cần thêm nhiều nỗ lực cho các bước tiếp theo nhằm tăng cường liên lạc, tránh mắc sai sót dẫn tới xung đột.