Không thể dựa vào hồ sơ Panama để kết luận cá nhân, tổ chức có tên vi phạm pháp luật.
Ảnh minh họa
Thời gian gần đây, những thông tin xoay quanh hồ sơ Panama do Hiệp hội Nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ) công bố đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội. Và dù nhiều cá nhân là người Việt có tên trong hồ sơ Panama đã lên tiếng khẳng định không liên quan, không trốn thuế hay vi phạm các quy định pháp luật… thì vẫn có rất nhiều ý kiến hoài nghi được đặt ra.
Vậy chúng ta phải nhìn nhận câu chuyện này như thế nào?
Trước hết, dưới góc độ pháp lý, chúng ta phải khẳng định rằng, hồ sơ Panama chỉ có thể là tài liệu, thông tin có tính chất tham khảo bởi tính xác thực của những tài liệu này đến đầu thì hiện vẫn là câu hỏi ngỏ.
Thứ nữa, nếu nguồn tài liệu đó là đúng, là chính xác thì những có nhân, tổ chức trên cũng chưa chắc đã vi phạm pháp luật bởi rất có thể đó đơn giản chỉ là hành vi lách thuế.
Và đây cũng là quan điểm được rất nhiều chuyên gia, các nhà quản lý đưa ra trước những nghi vấn phạm pháp của các tổ chức, cá nhân có địa chỉ tại Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama.
Thực tế này cũng được chính ICIJ khẳng định “Chúng tôi không khuyến nghị hoặc ám chỉ các cá nhân, công ty hoặc các tổ chức có tên trong ICIJ Offshore Leaks Database đã có những hành vi vi phạm pháp luật hoặc có các hành vi không chuẩn mực”.
Trao đổi với PetroTimes, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) nêu quan điểm, không phải cứ có tên trong hồ sơ Panama thì tất cả đều vi phạm pháp luật, muốn biết đúng, sai thì phải có tài liệu, chứng cứ.
Ông Nam cũng thông tin, ngay sau khi hồ sơ Panama được công bố, Tổng cục thuế đã thành lập Tiểu ban kiểm tra vụ việc với các thành viên đến từ Vụ Thanh tra, Vụ Hợp tác quốc tế và các đơn vị liên quan khác của Tổng cục.
Tuy nhiên, ông Nam cũng thừa nhận, việc kiểm tra này sẽ mất nhiều thời gian xem xét, rà soát bởi đây là thông tin quốc tế. Và nếu cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài thì cơ quan chức năng cũng không làm gì được.
Trao đổi với báo chí, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt khi đề cập đến hồ sơ Panama cũng đưa quan điểm đây mới là thông tin một chiều xuất hiện trên mạng, không phải nguồn chính thống và chỉ có thể coi đó là nguồn để tham khảo. Việc có tên trong “Hồ sơ Panama” không có nghĩa là cá nhân hoặc tổ chức nào đó đã vi phạm pháp luật hoặc có hành vi sai trái.
“Nguồn này có chính xác hay không, mức độ chính xác đến đâu cần phải điều tra mới có thể làm rõ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải phối hợp với quốc tế thì mới thực hiện được chứ không thể tin ngay các tài liệu đó và cũng không thể đơn phương làm được” – ông Đạt nói.
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm cũng cho rằng, việc cá nhân, công ty xuất hiện trong hồ sơ Panama không nhất thiết là có hành vi vi phạm pháp luật. Có thể có những người trốn thuế thật sự đang tập trung vào đấy, nhưng cũng sẽ có những người mở công ty, chuyển tiền, làm ăn thực sự.
Nói như vậy để khẳng định rằng, cá nhân, tổ chức có tên trong hồ sơ Panama chưa chắc đã phạm pháp và nếu có thì theo nhận định của chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực cũng chỉ là hành vi lách thuế. Vì nếu là rửa tiền, tài trợ khủng bố… thì chắc chắn sẽ bị Mỹ điều tra và xử lý ngay.
Dưới một góc nhìn khác, TS Trương Văn Phước – Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, người Việt Nam là cá nhân hay tổ chức không dễ dàng mà mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài. Việc mở tài khoản ở nước ngoài nói chung là vô cùng hạn chế, hãn hữu và bị hệ thống pháp luật quản lý rất chặt chẽ. Bên cạnh đó, mọi hoạt động mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài đều phải phải được Vụ quản lý ngoại hối Ngân hàng nhà nước thông qua và xem xét các điều kiện để mở tài khoản.
Từ đó, TS Trương Văn Phương cho rằng, việc các cá nhân, tổ chức có địa chỉ ở Việt Nam có tên trong hồ sơ Panama có thể giải thích bằng việc Công ty mẹ ở nước ngoài có công ty con thuê người Việt điều hành hoặc có trụ sở ở Việt Nam. Họ có cách để đăng kí tài khoản công ty mẹ, công ty con ở thiên đường thuế như Panama. Tuy nhiên, để kết luận các cá nhân và doanh nghiệp đó có hành vi rửa tiền hay trốn thuế thì cần phải căn cứ vào pháp luật của nước có công ty mẹ quy định như thế nào về hoạt động của công ty mẹ và công ty con.
“Sẽ là thiếu cơ sở nếu chỉ đọc thông tin công bố trên mạng về hồ sơ Panama mà kết luận các cá nhân, doanh nghiệp có trong danh sách là rửa tiền hay trốn thuế” – TS Trương Văn Phước nêu quan điểm.