Friday, January 10, 2025
Trang chủNhìn ra thế giớiBig C ''dùng chiêu ép hàng Việt'': Có học được Trung Quốc...

Big C ”dùng chiêu ép hàng Việt”: Có học được Trung Quốc…

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam, doanh nghiệp Việt phải thuận theo cơ chế thị trường và Nhà nước không can thiệp.

Người dân mua sắm tại siêu thị Big C. Ảhh: NLĐ

Thuận mua vừa bán

Xung quanh câu chuyện nhiều doanh nghiệp Việt kêu bị hệ thống siêu thị Big C ‘làm khó’ bởi mức chiết khấu quá cao, PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, doanh nghiệp Việt buộc phải chấp nhận chuyện này bởi đây là cơ chế thị trường.

Trước đó, trong công văn gửi Big C, Hiệp hội Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, hệ thống siêu thị Big C đưa ra mức đề xuất tăng thêm chiết khấu khá cao 4,25-5%, khiến hầu hết các doanh nghiệp thủy sản đều thấy quá khó khăn cho việc cân đối để tiếp tục hợp tác với Big C nhưng vẫn có thể sống được và có “một chút lợi nhuận” cho tái đầu tư.

VASEP cho hay “nhiều doanh nghiệp đang hợp tác cùng Big C với tổng mức chiết khấu cao hơn 15% (mức ngưỡng hiện tại để có thể tồn tại), trung bình 17-20%, thậm chí có doanh nghiệp đến 25%. Đây là những mức chiết khấu rất cao mà chắc chắn sẽ lỗ, không thể có lãi để tái đầu tư”.

VASEP đề nghị không tăng thêm chiết khấu trong các hợp đồng mới của năm 2016, đồng thời điều chỉnh giảm tổng mức chiết khấu xuống dưới 15% cho các nhà cung cấp thủy sản.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam chỉ rõ: “Đây là quan hệ thương mại bình thường giữa hai đối tác, theo nguyên tắc của thị trường mua bán thì phải thỏa thuận, thuận mua vừa bán. Nếu thỏa thuận hợp lý thì hai bên chấp nhận thực hiện, nếu không hợp lý thì phải đấu tranh.

Về chuyện đúng, sai, phải đi vào cụ thể từng mặt hàng, từng doanh nghiệp mới có thể nói được. Những nhà sản xuất của Việt Nam phải làm rõ mặt hàng họ đưa vào hệ thống siêu thị Big C là gì, trước đây chiết khấu bao nhiêu, nâng lên từ bao giờ, mức bao nhiêu, lý do nâng là gì…

Dĩ nhiên xưa nay trong mua bán luôn có chuyện lớn bắt chẹt bé, mạnh bắt chẹt yếu. Nhưng bắt chẹt đến mức người ta không chịu đựng được thì lúc đó là có vấn đề”.

Cũng theo vị chuyên gia, về nguyên tắc của kinh tế thị trường, cơ quan quản lý nhà nước phải thúc đẩy sự phát triển doanh nghiệp để nâng cao tính cạnh tranh lên, chỉ có cạnh tranh mới điều chỉnh giá về hợp lý.

Để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, theo ông Nam, phải xem doanh nghiệp có độc quyền hay không, nếu độc quyền thì phải có cách ngăn chặn, đồng thời có giải pháp phát triển doanh nghiệp khác để họ đủ lực cạnh tranh.

“Bây giờ doanh nghiệp nước ngoài một mình họ một thị trường là doanh nghiệp Việt chết, trong khi đó Nhà nước không có chính sách khuyến khích doanh nghiệp nội địa phát triển. Doanh nghiệp nước ngoài được ưu ái rất nhiều, từ đất đai đến thuế má, mở chi nhánh mới… để họ phát triển hùng mạnh lên, muốn làm gì thì làm. Khi ấy, chính chúng ta tự trao thị trường cho doanh nghiệp ngoại thì họ tự tung tự tác là điều dễ hiểu.

Bởi thế, khi đã tính phát triển doanh nghiệp rồi, cơ quan nhà nước phải luôn theo dõi các doanh nghiệp có hoạt động theo đúng pháp luật hay không để đảm bảo cho cơ chế thị trường phát huy tác dụng, mà cụ thể ở đây là phát huy cơ chế cạnh tranh.

“Đây là nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước, phải có quy hoạch chiến lược, kế hoạch phát triển để nền kinh tế hài hòa có đủ thành phần, số lượng doanh nghiệp để đảm bảo thực thi được cơ chế cạnh tranh của thị trường. Nếu không làm được, trong khi đó một bộ phận lại ăn đút lót, nhắm mắt giúp một doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trong khi các doanh nghiệp khác lơ đi thì đó là lỗi của cơ quan quản lý”, ông Nam nhấn mạnh.

Vị chuyên gia lưu ý, doanh nghiệp Việt muốn tồn tại được thì yêu cầu đầu tiên là phải làm ăn cho đứng đắn, còn chạy chọt, lách luật… thì không bao giờ tồn tại được trong nền kinh tế thị trường. Từng doanh nghiệp phải hiểu rằng ra thương trường phải làm ăn đàng hoàng, chính đáng. Ngoài ra, các doanh nghiệp sức yếu lực mỏng thì phải liên doanh hợp tác, liên kết để đủ lực cạnh tranh. Nếu làm ăn không đứng đắn, đúng luật lệ thì cũng chẳng liên kết được với ai.

“Việc liên doanh, liên kết không chỉ dừng lại ở doanh nghiệp phân phối với nhau mà chính doanh nghiệp phải liên doanh với người sản xuất, với nông dân.  Thực tế, đa số doanh nghiệp Việt chỉ ngồi đợi sẵn, bắt chẹt nông dân. Khi xây dựng chuỗi giá trị phải biết dung hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của nhà sản xuất, còn lợi dụng chuỗi rồi bắt chẹt thì không ai làm ăn cùng”, PGS.TS Nguyễn Văn Nam nói.

Học cách thâm nhập thị trường của hàng Trung Quốc

Trước ý kiến cho rằng hàng Việt nên tận dụng các chợ truyền thống để giành lại thị trường, tuy nhiên PGS.TS Nguyễn Văn Nam cho rằng, quy luật phát triển ngày càng tiến lên chứ không phải đi tụt lùi.

Khi sức mua, đời sống người dân cao lên thì mua bán thương nghiệp cũng phải văn minh, hiện đại lên, mua bán phải sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không thể duy trì mãi tình trạng chợ cóc, chợ chồm hổm… Còn việc mua hàng nào, bán hàng nào phụ thuộc cả hai phía.

Theo đó, phía người mua phải có ý thức chọn lựa, mua hàng đảm bảo chất lượng, an toàn thực phầm, phù hợp nhu cầu chi tiêu của mình. Người bán phải tìm hiểu thị trường, nhu cầu đến đâu và tìm cách thỏa mãn chứ không phải bán theo ý mình.

Đối với hàng Trung Quốc, theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, chúng có thể thâm nhập vào Việt Nam mạnh mẽ vì có rất nhiều ưu thế. Trước hết là giá rẻ, khó có đối tác nào ở Đông Nam Á đánh bại được hàng Trung Quốc vì họ là thị trường lớn, sản xuất quy mô lớn nên đảm bảo giá rất rẻ.

Thứ hai, chất lượng hàng Trung Quốc thỏa mãn được yêu cầu, sức mua của người tiêu dùng.

Thứ ba, hàng Trung Quốc phổ cập ở Việt Nam nhờ có sự tiếp tay của thương nhân Việt Nam. Thương nhân Việt Nam thậm chí còn sang Trung Quốc đặt hàng theo kiểu Việt Nam cần rồi đưa về.  Họ trở thành người phân phối hàng hộ Trung Quốc.

Khác với cách làm việc bài bản, có chiến lược lâu dài của thương nhân Trung Quốc, thương nhân Việt Nam cứ thấy lãi trước mắt là làm, theo kiểu “đánh quả”, không cần biết sự tồn vong của mình như thế nào.

Thứ tư, mẫu mã hàng Trung Quốc rất bắt mắt, thay đổi nhanh trong khi hàng Việt Nam thay đổi chậm chạp.

Đó là lý do tại sao hàng Trung Quốc có thể sống dai dẳng, từ thị trường mua đến thị trường bán của họ đều rất phát triển ở Việt Nam.

“Những năm gần đây, hàng Thái dù thâm nhập vào Việt Nam, làm thị phần hàng Trung Quốc bị thu hẹp nhưng hàng Trung Quốc vẫn có chỗ đứng ở thị trường Việt Nam, nhất là ở thị trường nông thôn. Hàng Trung Quốc không vào siêu thị mà chủ yếu vào chợ truyền thống”, ông Nam chỉ rõ.

Bởi thế, theo vị chuyên gia, Việt Nam cần học cách thâm nhập thị trường của hàng Trung Quốc nhưng trước tiên chính sách nuôi dưỡng doanh nghiệp của Nhà nước phải rõ ràng, không thể  buông lỏng, để mặc doanh nghiệp muốn làm gì thì làm, khôn sống mống chết.

“Sau 30 năm hội nhập Việt Nam tiến rất xa, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, tham gia nhiều khu vực kinh tế… nhưng thử hỏi có chương trình, chiến lược gì để tập trung phát triển hệ thống doanh nghiệp nội địa, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt lên? Bởi chưa được quan tâm nên khi doanh nghiệp đứng trước cơn bão hội nhập chắc chắn sẽ chết và Việt Nam mất trắng cả thị trường nội địa”, ông Nam thẳng thắn.

RELATED ARTICLES

Tin mới