Tháng 11 tới, ông Joe Biden và Donald Trump sẽ tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng. Trò chuyện với Viettimes, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh phân tích về cơ hội của 2 ứng viên.
Cuộc tranh cử giữa đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden và cựu Tổng thống Donald Trump là cuộc đối đầu giữa hai nhân vật cũ nhưng có khá nhiều điều mới mẻ. Kỳ bầu cử năm nay được dư đoán sẽ có những bất ngờ, nhất là khi các cuộc thăm dò dư luận 2 kỳ bầu cử trước đều sai.
Các cuộc thăm dò dư luận đều sai
- Ông Donald Trump giành phần thắng trong kỳ bầu cử năm 2016. Nguyên nhân cốt lõi là gì, thưa ông?
Ông Phạm Quang Vinh: Nhìn lại cuộc bầu cử năm 2016, việc ông Trump đắc cử cho thấy xu thế “phản đối” lại nền chính trị “dòng chính thống” của người dân. Với khẩu hiệu dân túy “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” (MAGA) và “Nước Mỹ trên hết” (America First), ông Trump đã khơi dậy niềm hứng khởi trong giới cử tri.
Người dân Mỹ lúc bấy giờ chán dòng chính thống. Họ muốn một điều gì đó mới mẻ hơn. Chính vì vậy, một chính trị gia “chính thống” như bà Hillary Clinton đã thất bại.
Ông Trump cũng đã chiếm được lòng tin của cử tri khi hứa mang lại công ăn việc làm cho bộ phận cử tri khu vực “Vành đai Rỉ sét” (khu vực trải dài qua một số bang ở miền Trung, Tây của nước Mỹ: xuôi từ bang New York đến Wisconsin, qua phần lớn các bang Pennsylvania, Ohio, Indiana và Michigan, West Virginia và Illinois-NV). Trước đây khu vực này là các khu công nghiệp thuần túy, sau đó chuyển hướng sang làm dịch vụ và công nghệ nên đa phần các nhà máy được chuyển dịch ra nước ngoài, dẫn đến tình trạng công nhân mất việc làm.
Đến kỳ bầu cử năm 2020, với nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 3-3,5%, người dân thu nhập cao hơn, công ăn việc làm nhiều hơn. Cuộc chiến thương mại gay gắt với Trung Quốc kéo theo công ăn việc làm về cho người dân Mỹ. Vậy tại sao ông Trump lại thua?
Ông Phạm Quang Vinh: Một trong những lý do lớn nhất là đại dịch Covid. Đại dịch này tác động đến tâm lý cử tri và làm mất đi những thành quả kinh tế dưới thời ông Trump. Trận đại dịch cũng khiến nền kinh tế Mỹ bị đình trệ. Người dân Mỹ bỗng dưng phải đeo khẩu trang, phải ngồi trong nhà…Tất cả điều này đã tác động rất lớn lên tâm lý cử tri Mỹ.
Nhiều bang trong “Vành đai Rỉ sét” vốn là nơi ông Trump giành được rất nhiều lá phiếu bầu trong năm 2016 cũng không còn ủng hộ ông. Chiến thắng cuối cùng thuộc về ông Biden.
- Còn kỳ bầu cử năm nay thì sao, ông Trump có đưa ra những chủ thuyết gì mới không?
Ông Phạm Quang Vinh: Kỳ bầu cử năm nay, ông Trump vẫn thúc đẩy chủ thuyết chính là “Nước Mỹ trên hết”. Ngoài sự khác biệt giữa hai đảng về dân chủ, thuế má, chi tiêu chính phủ, phúc lợi, thuế đánh vào người giàu hay người nghèo… thì khẩu hiệu tranh cử của đại diện hai đảng vẫn vậy.
Tuy nhiên, sự cực đoan của chủ nghĩa dân túy giờ đây đang tạo ra sự phân hóa ngày càng lớn trong lòng nước Mỹ nói chung và đảng Cộng hòa nói riêng.
Việc cựu Đại sứ Mỹ tại LHQ, bà Nikki Haley, rút khỏi cuộc đua nhưng không tuyên bố ủng hộ ông Trump cũng là bằng chứng cho thấy sự phân hóa trong đảng. Vậy liệu ông Trump có thể tạo ra được sự hứng khởi của cử tri như ông đã từng làm trong năm 2016 nữa không? Rất khó!
Những lợi thế và thách thức của đương kim Tổng thống Joe Biden
- Vậy còn ông Joe Biden thì sao, thưa ông?
Ông Phạm Quang Vinh: Ông Biden được coi là người dẫn dắt nước Mỹ thoát khỏi đại dịch, kiểm soát được lạm phát, tái phục hồi nền kinh tế hiện đang có tốc độ tăng trưởng là 2,5%, đem công ăn việc làm trở lại cho người dân Mỹ.
Thế nhưng tại sao trong tất cả các cuộc thăm dò dư luận gần đây, ngay cả thành quả lớn nhất của ông Biden – phát triển kinh tế – lại không được đa số cử tri ủng hộ? Có nguyên nhân đằng sau.
Với người Mỹ, kinh tế phải cụ thể là “cơm áo gạo tiền”. Những chỉ số vĩ mô như đà tăng trưởng cao, kiểm soát lạm phát, tăng thêm việc làm…sẽ không có ý nghĩa nếu như túi tiền của người dân chưa được tăng thêm, trong khi giá cả tăng cao. Đó là chưa kể tới vấn đề sức khỏe do tuổi tác của ông Biden.
- Ông Biden có những thế mạnh nổi trội nào để đánh bại đối thủ của mình trong tháng 11 tới?
Ông Phạm Quang Vinh: Nhắc đến cơ hội của ông Biden, người ta thường xem xét hai khía cạnh: Khía cạnh cá nhân ông và đảng do ông đại diện.
Thông thường cử tri Mỹ chỉ quan tâm đến những vấn đề nội tại của nước Mỹ. Trước đây, trong lịch sử tranh cử ở Mỹ, từng có những vấn đề tuy là đối ngoại nhưng “nhảy vào” chương trình nghị sự tranh cử, ví dụ như cuộc chiến ở Iraq, trước đó nữa là chiến tranh Việt Nam. Nhưng những vấn đề này đụng chạm trực tiếp đến nội bộ nước Mỹ.
Trước hết nói về cử tri truyền thống. Các bang trung thành với đảng nào sẽ vẫn ủng hộ đảng ấy. Nghĩa là các bang trước đây ủng hộ đảng Dân chủ, về cơ bản họ vẫn không thay đổi. Chưa kể trong năm 2020, ông Biden còn giành được phiếu của một số bang thuộc “Vành đai Rỉ sét” mà trước đó ông Trump đã thắng bà Clinton.
Về cá nhân ông Biden thì sao? Ông được coi là chính trị gia có bề dày kinh nghiệm, tạo ra niềm tin đối với cử tri nhờ vào sự nhất quán chính sách điều hành đất nước. Một điểm mạnh nữa của ông Biden là nền kinh tế tăng trưởng tốt trong nhiệm kỳ của ông.
Vậy những rủi ro mà ông Biden phải đối diện là gì, thưa ông?
Ông Phạm Quang Vinh: Có 3 vấn đề có thể mang đến rủi ro lớn nhất cho ông Biden. Rủi ro đầu tiên là sức khỏe, đặc biệt là sau khi công tố viên đặc biệt Robert Hur đưa ra kết luận “Tổng thống Biden có trí nhớ kém”. Mặc dù ông Biden đã phản bác lại vấn đề này, nhưng nó cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của người dân Mỹ.
Tuy nhiên, ông Biden đã hoàn thành một số việc mang dấu ấn cá nhân, như trình bày Thông điệp liên bang một cách gãy gọn, không bị vấp váp. Ông cũng dám trực diện đối đầu với ông Trump. Thế nhưng vấn đề sức khỏe sẽ vẫn là điểm trừ, bởi kết luận của công tố viên đặc biệt vẫn luẩn quẩn trong tâm trí người dân Mỹ.
Điểm thứ hai là sức ép phải giữ cho kinh tế phát triển ổn định. Năm 2023 kinh tế Mỹ không rơi vào suy thoái như dự báo trước đó, mà chuyển sang một cú “hạ cánh mềm” và duy trì đà tăng trưởng. Nếu từ nay cho đến ngày bầu cử, chính quyền của ông Biden tiếp tục giúp kinh tế đi lên, người dân Mỹ có thu nhập cao hơn, đời sống được bảo đảm… điều đó sẽ làm tăng sự hài lòng của cử tri.
Cuối cùng là khủng khoảng nhân đạo ở Trung Đông liên quan đến dải Gaza, người Palestine và Israel. Nó tác động đến một bộ phận dân cư ở các bang như Michigan. Trước đây, cử tri trong bang ủng hộ đảng Dân chủ, nhưng nay họ không khẳng định là sẽ ủng hộ hay không ủng hộ, tạo ra “phong trào không cam kết” của giới cử tri gốc Palestine. Từ nay đến ngày bầu cử, nếu ông Biden không tác động được vào nhóm này, điều đó sẽ là một bước lùi.
Điểm cộng và điểm trừ của ông Donald Trump
- Ông Trump có những điểm mạnh gì, theo ông?
Ông Phạm Quang Vinh: Cá nhân Trump có nhiều điểm được cho là mạnh. Trước tiên trong mắt cử tri Mỹ ông là người mạnh mẽ và quyết đoán, là người đáng tin cậy. Ông ấy đã nói là làm và đi thẳng vào vấn đề mà cử tri quan tâm.
Thứ hai là sức khỏe. Không ai đặt vấn đề hay nghi ngờ về sức khỏe của ông Trump. Đây là điểm cộng của cựu Tổng thống Trump, trong khi đối với ông Biden lại là điểm trừ.
Thứ ba là ông Trump tạo ra được một trào lưu dân túy với chính sách của mình. Chính sách này đã gắn kết những người ủng hộ ông một cách đầy nhiệt huyết. Nếu đã ủng hộ ông Trump thì họ sẽ ra đường bỏ phiếu nhiều hơn. Đây cũng là điểm mạnh của ông Trump.
Có lẽ điểm yếu nhất của ông Trump qua 3 cuộc tranh cử năm 2016, 2020 và cả năm nay là tính cách cá nhân và chủ thuyết “Nước Mỹ trên hết”. Do cá tính quá bộc trực mà ông Trump đã tạo ra hố ngăn cách và phân hóa trong lòng nước Mỹ và trong nội bộ đảng Cộng hòa. Hai là trong nội bộ đảng Cộng hòa cũng như nước Mỹ cũng có sự phân hóa về khẩu hiệu “nước Mỹ là trên hết” của ông.
Theo ông, lời buộc tội của Tòa án có ảnh hưởng gì với con đường tranh cử của ông Trump?
Ông Phạm Quang Vinh: Ông Trump có đến hơn 90 tội danh cộng với 4 vụ kiện lớn. Về một số vụ kiện dân sự và kinh tế, tòa đã có phán quyết. Ông Trump cũng đã nộp tiền bảo lãnh.
Nhưng về các vụ hình sự thì có hai điểm đáng chú ý. Đó là Tòa án tối cao Mỹ hôm 4/3 đã ra phán quyết đảo ngược phán quyết mà tòa phúc thẩm bang Colorado đưa ra đối với ông Trump vào cuối năm ngoái. Trong phán quyết mới nhất, Tòa án tối cao kết luận rằng chỉ Quốc hội mới có quyền thực thi điều khoản trên đối với các quan chức và các ứng cử viên liên bang. Và nếu Tòa án tối cao phán quyết ông Trump có tội liên quan đến vụ bạo loạn năm 2021 ở Đồi Capitol thì đây sẽ là điểm trừ rất lớn cho ông.
Nếu nhìn lại nền kinh tế Mỹ dưới thời ông Trump, có thể thấy mặc dù ở năm cuối nhiệm kỳ và bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID, nhưng những thành quả mà ông đạt được trước đó là rất ngoạn mục. Vì vậy, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy, ông Trump được đánh giá cao hơn ông Biden xét về quản lý nền kinh tế Mỹ.
- Trong cuộc bầu cử ngày 3/11 tới, theo ông thì tỷ lệ thắng của hai ứng viên là bao nhiêu phần trăm?
Ông Phạm Quang Vinh: Có nhiều yếu tố quyết định điều đó. Một là, cử tri truyền thống của đảng nào thì vẫn ủng hộ ứng cử viên của đảng đó. Vấn đề quan trọng ở đây tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử. Cử tri thường nhìn vào lợi ích mà họ nhận được nếu bầu cho một ứng viên nào đó, nên nếu lợi ích là ngang nhau thì có thể họ sẽ không đi bầu. Tuy nhiên, số cử tri truyền thống, trung thành với ông Trump nhiệt huyết hơn cử tri của ông Biden.
Nếu ông Biden xoay chuyển được 3 vấn đề chính: sức khỏe, phát triển kinh tế, ngừng bắn ở dải Gaza, ông ấy có cơ hội tái đắc cử. Ngược lại, cơ hội sẽ thuộc về ông Trump. Với những vấn đề như vậy, tôi nghĩ rằng tỷ lệ hiện nay giữa hai ứng cử viên là 50/50.
Một yếu tố nữa khó có thể dự đoán được và cần phải chờ đợi thêm là lượng cử tri sẽ đi bỏ phiếu và tỷ lệ cử tri đi bầu của hai bên.
T.P