Cuộc khủng hoảng bất động sản thương mại ở Đức có thể gây rắc rối cho các ngân hàng nước này.
Cuộc khủng hoảng bất động sản thương mại đang xấu đi nhanh chóng ở châu Âu cũng có thể ảnh hưởng đến các ngân hàng Đức – trang Euronews đưa tin.
Theo Cơ quan Ngân hàng châu Âu (EBA), vào tháng 7.2023, các ngân hàng châu Âu có khoản vay khoảng 1,4 nghìn tỉ euro cho lĩnh vực bất động sản thương mại.
Đức bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề, do quốc gia này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng bất động sản tồi tệ nhất trong nhiều năm. Các nhà phát triển bất động sản ngày càng phải chịu chi phí vay cao hơn sau khi lãi suất tăng cao.
Chính vì vậy, nhiều nhà phát triển đối mặt với phá sản, khiến nhiều dự án thương mại và dân cư bị bỏ hoang hoặc trì hoãn. Mặc dù lĩnh vực bất động sản của Đức vẫn còn số lượng đơn đặt hàng tồn đọng đáng kể nhưng các đơn đặt hàng mới đến tương đối chậm, khiến ngành này càng khủng hoảng.
Những khó khăn về tái cấp vốn và số lượng văn phòng trống ngày càng giảm, do một số nhân viên vẫn tiếp tục làm việc từ xa. Theo Combine Consulting, tỉ lệ lấp đầy văn phòng ở Đức đã giảm xuống khoảng 40% vào tháng 7.2023, từ mức khoảng 61% trước đại dịch.
Ngoài lĩnh vực bất động sản thương mại ở châu Âu, một số ngân hàng lớn của Đức cũng dễ bị tổn thương trước những thay đổi trong lĩnh vực bất động sản của Mỹ, vốn cũng đang trải qua thời kỳ suy thoái.
Do đó, các nhà đầu tư bắt đầu giảm cổ phần tại một số ngân hàng như Deutsche Pfandbriefbank do những lo ngại ngày càng tăng này.
Theo Jackie Bowie, đối tác quản lý tại tổ chức tư vấn tài chính Chatham Financial, người tiêu dùng Đức cũng có thể phải đối mặt với cú sốc kép là lãi suất tăng và giá trị tài sản thế chấp giảm.
Về triển vọng của lĩnh vực bất động sản thương mại Đức trong năm nay, ông Bowie kỳ vọng khoảng cách giữa người mua và người bán sẽ bắt đầu thu hẹp lại. Điều này chủ yếu là do người bán bị ngân hàng buộc phải tái cấp vốn khi thời hạn cho vay ngắn hạn gần hết. Do đó, họ có thể không bán được tài sản của mình với mức giá mà họ mong đợi.
Mặt khác, ông Bowie tin rằng người mua cũng có thể trở nên thực tế hơn rất nhiều về loại tài sản mà họ có đủ khả năng mua một cách dễ dàng, do đó cũng giúp thu hẹp khoảng cách.
Báo cáo Triển vọng Bất động sản châu Âu 2024 của Knight Frank cho biết, liên quan đến Đức, “trong lĩnh vực văn phòng, chúng tôi tiếp tục chứng kiến giá thuê cao cấp tăng do nhu cầu về không gian chất lượng cao. Tuy nhiên, nhiều công ty tiếp tục hoãn ký hợp đồng thuê mới và ưu tiên lựa chọn gia hạn hợp đồng”.
Ngoài tình hình bất động sản thương mại, Đức còn chứng kiến số lượng các cuộc đình công ngày càng tăng trong ngành hàng không, đặc biệt ảnh hưởng đến hãng hàng không quốc gia Lufthansa, cũng như các cuộc biểu tình về nông nghiệp ở một số vùng trên cả nước.
Châu Âu nói chung cũng phải đối mặt với rủi ro năng lượng phát sinh từ cuộc xung đột Nga – Ukraina, Israel – Hamas, các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ.
Ông Bowie nói: “Nền kinh tế châu Âu đặc biệt yếu, dẫn đầu là Đức, tất nhiên, vì đây là nước yếu nhất. Đó là một nền kinh tế công nghiệp nặng, phụ thuộc xuất khẩu. Chưa hết, nhu cầu trong nước còn yếu”.
Theo ông Bowie, vấn đề chính liên quan đến tình hình bất động sản là định giá tài sản. Nhu cầu sử dụng phòng và thu nhập cho thuê vẫn tốt. Nhưng nếu nền kinh tế tiếp tục yếu kém và trên thực tế, rơi vào suy thoái, thì thị trường bất động sản sẽ phá sản – ông Bowie cho hay.
T.P