Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHồng Kông - Vùng đất cho thuê 99 năm và nhà ở...

Hồng Kông – Vùng đất cho thuê 99 năm và nhà ở “quan tài”

Hồng Kông, tên gọi chính thức là Đặc khu hành chính Hồng Kông – thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Cùng với Ma Cao, đây là một trong hai đặc khu hành chính của Trung Quốc được quản lý theo nguyên tắc ‘một quốc gia, hai chế độ’. Ban đầu, Hồng Kông chỉ là một khu vực dân cư thưa thớt, bao gồm các ngôi làng ven biển sinh sống bằng nông nghiệp và đánh cá. Nhưng hiện nay, lãnh thổ này đã vươn lên là một trong những trung tâm tài chính và cảng thương mại quan trọng nhất thế giới.

Tình trạng thiếu nhà ở đang ngày càng trầm trọng ở Hồng Kông
  1. Trung tâm tài chính của thế giới

Với vị trí thuận lợi nằm bên bờ biển phía Nam của Trung Quốc và ở cửa phía đông của sông Châu Giang, tiếp giáp với tỉnh Quảng Đông ở phía bắc, phía Đông và phía Nam bao quanh bởi biển Đông, Hồng Kông đã thiết lập cơ sở hạ tầng vận tải hiện đại với những cảng container bận rộn nhất trên thế giới. Cùng với đó, tiền tệ của nó là đồng đô la Hồng Kông, cũng là loại tiền tệ mạnh, được giao dịch nhiều thứ tám trên toàn cầu.

Với khoảng 7.330.000 người sinh sống trên diện tích đất là 1.104 km², tức là nhỏ hơn thành phố Đà Nẵng một chút, đặc khu này là một trong những khu vực có mật độ dân số cao nhất thế giới: 6.639 người trên một km². Dân số của nó tập trung chủ yếu ở khu vực đảo Hồng Kông là trung tâm lịch sử, chính trị và kinh tế của thành phố.

Nền kinh tế của đặc khu này là nền kinh tế thị trường tự do phát triển cao, với điểm chỉ số tự do kinh tế lên tới 8.59 vào năm 2020. Nó được đặc trưng bởi thuế thấp, thương mại cảng gần như tự do, thị trường tài chính quốc tế được thiết lập tốt, hệ thống pháp lý mạnh mẽ và dự trữ ngoại hối dồi dào. Các doanh nghiệp ở đây đều phát huy tối đa năng lực của mình, giảm bớt được gánh nặng về quan liêu cũng như các thủ tục hành chính rườm rà. Nhờ vậy mà các hoạt động kinh doanh ở Hồng Kông được phát triển tối ưu và đạt hiệu quả cao. Năm 2022, GDP của Hồng Kông đạt 368.4 tỷ đô la và thu nhập bình quân đầu người ở mức rất cao với 50.259 đô la.

Hồng Kông cũng được biết đến là một Thành phố trên mây khi mà hiện nay nó đang là một trong những nơi sở hữu nhiều tòa nhà chọc trời nhất thế giới, với hơn 9.000 tòa nhà cao tầng, trong đó có khoảng 4.000 tòa nhà chọc trời cao hơn 100m và 517 tòa nhà cao trên 150m. Tòa nhà cao nhất ở đặc khu này là Trung tâm Thương mại Quốc tế cao 484m. Tiếp theo là tòa Trung tâm Tài chính Quốc tế cao 416 m và Quảng trường Trung tâm cao 374 m và Tháp Ngân hàng Trung Quốc cao 367 m.

Dù từ năm 1995, nền kinh tế Hồng Kông luôn đứng đầu trong bảng xếp hạng chỉ số tự do kinh tế của Quỹ di sản Thế giới, nhưng đến năm 2021 tổ chức này đã loại Hồng Kông ra khỏi danh sách và coi nó như một thực thể riêng biệt của Trung Quốc, với lý do là chính phủ Trung Quốc ngày càng can thiệp sâu vào hệ thống chính quyền và quy trình dân chủ của Hồng Kông.

  1. Cầu vượt biển dài nhất thế giới

Hiện nay, Hồng Kông và Ma Cao được kết nối với nhau thông qua cây cầu Hồng Kông – Chu Hải – Ma Cao, hay còn gọi tắt là cầu SGM, cần trải dài qua kênh Linh Đinh và kênh Cửu Châu, kết nối Hồng Kông và Ma Cao với thành phố Chu Hải của Đại lục, là một hệ thống cầu và đường hầm dưới biển dài 55km, với chi phí xây dựng ước tính vào khoảng 18,8 tỷ đô la Mỹ và có thể tồn tại được trong vòng 120 năm.

Cho tới hiện nay, đây là cầu kiêm hầm vượt biển dài nhất thế giới. Hệ thống cầu SGM bao gồm đường liên kết Hồng Kông dài 12 km, đường liên kết Chu Hải dài 13,4 km và một cầu kiêm hầm vượt biển dài 29,6 km, trong đó 22,9 km là cầu trên biển và 6,7km là đường hầm dưới lòng biển.

Kể từ khi cây cầu này được hoàn thành, nó đã rút ngắn thời gian di chuyển đường bộ giữa hai đặc khu từ khoảng một tiếng đồng hồ xuống còn 30 phút. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng đã có 19 công nhân thiệt mạng và khoảng 600 người bị thương. Một điểm thú vị trong cách phân làn của cây cầu này, đó là Hồng Kông và Ma Cao sẽ lái xe bên tay trái, còn thành phố Chu Hải lưu thông bên tay phải.

  1. 40% diện tích của Hồng Kông là các khu bảo tồn thiên nhiên
    Hầu hết mọi người biết đến Hồng Kông với những tòa nhà cao tầng mà chưa biết Hồng Kông còn có những khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia đáng kinh ngạc. Hiện nay có tổng cộng 24 công viên quốc gia đã được chỉ định ở đặc khu này bao gồm những ngọn đồi, rừng cây, hồ nước, các bờ biển tuyệt đẹp và chiếm hơn 40% diện tích của thành phố. Trong khi Nam Đại Nhĩ Sơn thuộc đảo Đại Nhĩ Sơn là công viên quốc gia lớn nhất của Hồng Kông với diện tích là 56,4 km², thì Đại Mạo Sơn lại được đánh giá là công viên nổi bật nhất của vùng lãnh thổ này. Trải rộng trên diện tích khoảng 14,4 km², công viên quốc gia này sở hữu ngọn núi cùng tên là điểm cao nhất của Hồng Kông với độ cao 957 m so với mực nước biển.

Đại Mạo Sơn là nơi sinh sống của hơn 1.500 loài thực vật cùng nhiều loại động vật hoang dã như là mèo hoang, lợn rừng, nhím, rắn và các loài chim. Nó cũng là địa điểm lý tưởng để ngắm nhìn toàn cảnh vùng Tân Giới ở phía bắc và phía tây. Thậm chí vào những ngày đẹp trời, bạn có thể nhìn thấy cả thành phố Thâm Quyến ở phía bên kia đại lục.

  1. Hồng Kông từng nằm dưới sự cai trị của Vương quốc Anh hơn 150 năm

Hồng Kông được thành lập như một thuộc địa của Đế quốc Anh sau khi nhà Thanh nhượng lại Hồng Kông cho người Anh vào năm 1842, trước sự thất bại trong Chiến tranh Nha Phiến lần thứ nhất, hay còn được gọi là Chiến tranh Anh – Trung. Cuộc chiến này kết thúc bằng việc ký kết Hiệp ước Nam Kinh – hiệp ước bất bình đẳng đầu tiên của Trung Quốc. Tuy nhiên, hiệp ước này vẫn chưa giải quyết được triệt để vấn đề tranh chấp giữa người Anh và người Trung Quốc; xung đột ngày càng leo thang và hai bên lại tiếp tục cuộc chiến Nha phiến lần thứ hai vào năm 1856. Nhà Thanh một lần nữa bị Anh đánh bại và buộc phải từ bỏ Bán Đảo Cửu Long cùng với đảo Stonecutters theo Công ước Bắc Kinh được ký vào năm 1860.

Từ khi trở thành thuộc địa của Vương quốc Anh, Hồng Kông đã có những bước phát triển kinh tế rõ rệt, từ một làng chài thưa thớt và ít người biết đến, người Anh đã cải tạo và nâng cấp trở thành một bến cảng trung chuyển tấp nập và thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư của nước ngoài. Với những tiềm năng mà khu vực Hồng Kông đem lại, người Anh lại muốn tiếp tục mở rộng thuộc địa hơn nữa và vào năm 1898, Anh đã ký với Trung Quốc một hợp đồng thuê lại khu vực lãnh thổ mới, hay còn gọi là Tân Giới, trong vòng 99 năm.

Nhưng đến ngày 19/12/1984, Thủ tướng Anh là bà Margaret Thatcher và Thủ tướng Trung Quốc là Triệu Tử Dương đã ký Tuyên bố Trung-Anh. Trong đó, Anh Quốc đồng ý trả lại không chỉ Tân Giới mà còn cả khu vực bán đảo Cửu Long và đảo Hồng Kông khi hợp đồng cho thuê hết hạn. Còn Trung Quốc cam kết sẽ thực hiện chế độ “một quốc gia, hai chế độ” để Hồng Kông duy trì nền kinh tế tư bản chủ nghĩa và hệ thống pháp luật hiện hành trong vòng 50 năm sau đó, tức là đến năm 2047.

Ngày 01/7/1997, hợp đồng thuê kết thúc và chính phủ Vương quốc Anh đã chuyển giao quyền kiểm soát Hồng Kông lại cho Trung Quốc, chấm dứt hơn 150 năm cai trị của người Anh ở khu vực Hồng Kông. Trong khi quá trình chuyển đổi giữa Anh và Trung Quốc diễn ra khá suôn sẻ, mâu thuẫn lại nảy sinh giữa chính quyền Trung Quốc và người dân Hồng Kông. Đa số người Hồng Kông cảm thấy không hài lòng bởi sự can thiệp quá sâu của Trung Quốc vào hệ thống chính trị của họ. Điều này đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình đòi dân chủ đã diễn ra trên khắp các đường phố lớn của Hồng Kông, điển hình là các cuộc biểu tình năm 2004, 2006, 2014, và gần đây nhất là vào năm 2019.

Hiện nay, chính quyền Hồng Kông vẫn được hưởng quyền tự trị cao về các vấn đề đối nội như là hệ thống pháp luật, kinh tế và tiền tệ, còn Trung Quốc sẽ chịu trách nhiệm về mặt quốc phòng và ngoại giao.

  1. Tuyến đường sắt leo núi đầu tiên ở Châu Á

Ở độ cao 552m so với mực nước biển, đỉnh Victoria hay còn được gọi là The Peak, là một trong những điểm thu hút khách du lịch nhất ở Hồng Kông. Nhiều người còn cho rằng nếu đã đến Hồng Kông mà không leo lên đỉnh Victoria để chiêm ngưỡng khung cảnh sôi động của thành phố sẽ là một thiếu sót cực kỳ lớn. Mà cách nhanh nhất để bạn di chuyển đến núi Victoria là thông qua tuyến đường sắt Peak Tram, chạy từ SMM đến The Peak và qua Mid-Levels, nó cung cấp một tuyến đường có tầm nhìn đẹp nhất ra biển cảng và các tòa nhà chọc trời của Hồng Kông.

Được xây dựng từ năm 1885 và chính thức hoạt động vào năm 1888, Peak Tram hiện đang là tuyến đường sắt leo núi đầu tiên ở Châu Á và là một công trình mang tính cách mạng của khu vực vào thời điểm đó.

Đến năm 1926, động cơ hơi nước của nó đã được thay thế bằng động cơ điện và được chia thành ba hạng chỗ: hạng nhất là dành cho các quan chức thuộc địa Anh và cư dân của khu vực The Peak; hạng, cho quân nhân Anh và lực lượng cảnh sát Hồng Kông; và hạng ba cho người dân ở địa bàn khác cũng như là động vật.

Tại thời điểm chuyển giao chính trị của Hồng Kông vào năm 1997, thì hệ thống này đã vận chuyển khoảng 2 triệu hành khách mỗi năm và hiện nay con số này đã lên tới 4 triệu hành khách mỗi năm, tức là mỗi ngày trung bình có khoảng 11.000 người sử dụng tàu điện Peak Tram.

  1. Bến cảng nước sâu tự nhiên nhộn nhịp bậc nhất thế giới
    Victoria, là một bến cảng có địa hình tự nhiên ở Hồng Kông. Nó ngăn cách đảo Hồng Kông ở phía Nam với bán đảo Cửu Long ở phía Bắc. Nhờ địa thế chiến lược cùng với ưu điểm nước sâu, đã giúp cảng Victoria trở thành một huyết mạch quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và du lịch của Hồng Kông. Trung bình có khoảng 220.000 tàu ghé thăm mỗi năm, bao gồm cả tàu biển và tàu sông, với hơn 26 triệu lượt hành khách và hàng trăm triệu tấn hàng hóa.

Nhờ đó mà Victoria được đánh giá là một trong những cảng nước sâu tự nhiên lớn nhất thế giới và nhộn nhịp nhất ở Hồng Kông. Không chỉ nổi tiếng với đường chân trời tuyệt đẹp, bến cảng này còn khiến người ta mê mẩn bởi sự lấp lánh kỳ diệu của những ánh đèn về đêm. Mỗi tối, bến cảng sẽ được thắp sáng bởi hệ thống đèn chiếu laser của tất cả các tòa nhà cao tầng xung quanh, tạo nên một không gian vô cùng lung linh và huyền ảo.

Nếu có dịp đến đây, bạn cũng đừng quên ghé Đại lộ Ngôi Sao để chiêm ngưỡng những bức tượng của các minh tinh hàng đầu tại Trung Quốc và Hồng Kông như Lý Tiểu Long, Lưu Đức Hoa, Thành Long và Châu Thanh Trì. Trong suốt lịch sử của mình, Bến cảng Victoria đã trải qua nhiều lần cải tạo cũng như mở rộng, với các tác động tiêu cực đến môi trường, chất lượng nước và hệ sinh thái tự nhiên. Tuy nhiên, điều này không làm ảnh hưởng đến vai trò của nó khi mà giờ đây, hình ảnh Bến cảng Victoria vẫn hiện lên như một biểu tượng cho kinh tế và du lịch của Hồng Kông.

  1. Cây cầu treo đường sắt và đường bộ giải nhất thế giới
    Nhắc đến Hồng Kông bạn cũng không thể bỏ qua cây cầu Thanh Mã ấn tượng. Tên của cây cầu này được ghép lại từ tên của hai hòn đảo mà nó bắc qua, đó là đảo Thanh Y và đảo Mã Vạn, hay còn được gọi là Mã Loan. Với nhịp chính dài 1,377 m, bao gồm hai tầng vận chuyển cả đường bộ và đường sắt, đây là cây cầu treo có nhịp dài thứ 16 trên thế giới, đồng thời là cây cầu đường sắt kết hợp với đường bộ dài nhất thế giới. Cầu Thanh Mã cũng là phần nổi bật nhất của liên kết Đại Nhĩ Sơn, đây là một dự án cơ sở hạ tầng được xây dựng để kết nối hòn đảo lớn nhất của Hồng Kông với các khu vực đô thị hóa khác trên lãnh thổ. Việc xây dựng cầu Thanh Mã bắt đầu vào năm 1992 và được hoàn thành vào năm 1997, với chi phí ước tính là 7,2 tỷ đô la Hồng Kông, tức là khoảng 936 triệu USD. Sức hấp dẫn của nó đã thu hút hơn 10,000 người đến tham dự lễ khai trương, và hàng dài ô tô chấp nhận xếp hàng trước 4 tiếng đồng hồ để chờ cho tới khi cây cầu chính thức được thông xe vào 8:00 sáng ngày 22/10/1997.

Ngay từ khi ra mắt, cầu Thanh Mã đã nổi tiếng trên khắp thế giới và lọt vào top 10 công trình vĩ đại nhất thế kỷ 20. Cho đến ngày nay, cây cầu này vẫn là một trong những đại diện tiêu biểu cho những thành tựu vượt bậc về kiến trúc và kinh tế không chỉ của Hồng Kông mà còn là toàn khu vực Châu Á.

  1. Từng được mệnh danh là Hollywood của Phương Đông
    Có lẽ hơn ai hết, thế hệ khán giả 7x và 8x của Việt Nam là những người hiểu rõ nhất về thời hoàng kim của điện ảnh Hồng Kông, thời mà “Những anh hùng nghĩa hiệp” và “Người trong giang hồ” đã khuynh đảo mọi cửa hàng băng đĩa: thời mà những bộ phim Hồng Kông luôn là món ăn tinh thần của nhiều gia đình Việt, với những cái tên quen thuộc như Cổ Thiên Lạc, Lưu Đức Hoa, Châu Nhuận Phát, Quách Phú Thành và Lê Minh… Trong nhiều thập kỷ, điện ảnh Hồng Kông từng là ngành công nghiệp điện ảnh lớn thứ ba thế giới, chỉ sau điện ảnh Hoa Kỳ và Ấn Độ, đồng thời được mệnh danh là ‘Hollywood của Phương Đông’. Do đặc điểm là một thuộc địa của Anh hơn một thế kỷ, điện ảnh Hồng Kông thừa hưởng truyền thống văn hóa lâu đời của Trung Quốc, đồng thời tiếp cận với nền điện ảnh phát triển của châu Âu.

Ngoài ra, khác với nhiều nền điện ảnh khác, công nghiệp điện ảnh Hồng Kông lại không nhận được sự hỗ trợ tài chính trực tiếp từ chính phủ, nên nó mang tính thương mại hóa rất cao, các bộ phim được làm ra với tiêu chí đầu tiên là phải thu hút được công chúng. Việc này cũng giải thích tại sao Hồng Kông lại chỉ tập trung khai thác các dòng phim võ thuật, phim hành động và phim hài. Tuy nhiên, thời hoàng kim ấy đã một đi không trở lại khi điện ảnh Hồng Kông phải chịu ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế giữa thập niên 1990, cùng với sự cạnh tranh khốc liệt của dòng phim nước ngoài và đặc biệt là sự thay đổi về thể chế chính trị vào năm 1997.

Từ chỗ làm mưa làm gió trên thảm đỏ lộng lẫy của Berlin, Cannes và Venice, đồng thời chiếm trọn trái tim của bao thế hệ, các bộ phim của Hồng Kông giờ đây phải dần nhường chỗ cho làn sóng Hallyu của Hàn Quốc và cả những bom tấn đến từ Phương Bắc. Nếu như năm 1996, trong số 10 phim ăn khách nhất của Hồng Kông có phân nửa phim bản địa, đến năm 2018, chỉ có duy nhất “Mỹ nhân ngư”, một sản phẩm hợp tác cùng đại lục, lọt vào trong top 10 này.

Xét cho cùng, thì điện ảnh nói chung là sản phẩm của con người, mà tuổi tác thì không ngoại trừ bất cứ ai. Thành Long, Châu Thanh Trì hay Châu Nhuận Phát, tất cả đều đã ngoài 60 tuổi. Lý Gia Hân, người trẻ nhất của “tứ đại mỹ nhân”, cũng đã qua tuổi ngũ tuần, và nét tuyệt đại phong hoa của nền điện ảnh Hồng Kông cũng đang già đi cùng họ. Bởi thế hệ kế tiếp dường như thiếu vắng một chút gì đó để trở thành kinh điển và sức sáng tạo cũng lụi dần theo năm tháng hoặc cũng có thể là do cái bóng của thế hệ trước đã quá lớn.

  1. Thiên đường ẩm thực của thế giới
    Do chịu ảnh hưởng của Vương quốc Anh và có lịch sử lâu đời là một bến cảng thương mại quốc tế, nên ẩm thực Hồng Kông có sự kết hợp và sáng tạo giữa các nền ẩm thực của Trung Hoa, ẩm thực châu Âu, cũng như các món ăn Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á. Nhờ đó, Hồng Kông đã tạo ra những món ăn độc đáo mang đậm dấu ấn văn hóa địa phương, nhưng cũng đáp ứng được sự đa dạng và kỳ vọng của du khách quốc tế. Đồng thời, nó còn được đánh giá là thiên đường ẩm thực và hỗ trợ ẩm thực thế giới.

Bánh bao là một trong những “món ăn quốc dân” ở đặc khu này, Dù quá đỗi quen thuộc với nhiều người, nhưng chắc chắn bánh bao xá xíu của Hồng Kông sẽ đem đến cho bạn một trải nghiệm khác biệt, với phần xá xíu thơm ngọt hòa quyện cùng hương vị đặc trưng của xứ Hương Cảng.

Nếu đã đến Hồng Kông, bạn cũng đừng bỏ qua món bao tử đỏ. Món ăn này được chuẩn bị tỉ mỉ từ máng cơ, dạ dày của con bò, với các miếng mỏng bao tử được cắt hành hình, sau đó được ướp với hương vị cà ri, hành tây và gừng trước khi mang đi hấp chín. Mỗi miếng bao tử bò khi thưởng thức đều mang đến sự giòn dai và hương vị thơm ngon, đủ để làm say lòng những thực khách khó tính nhất.

Trà sữa cũng là một thức uống đặc trưng tại đây. Nó có từ thời Hồng Kông còn là thuộc địa của Anh, xuất phát từ món trà đen pha với đường hoặc sữa trong tiệc trà chiều của người Anh. Vị ngọt của sữa lẫn trong hương trà của ly trà sữa truyền thống Hồng Kông sẽ đậm vị hơn nhiều so với trà sữa pha bằng bột mà giới trẻ ngày nay thường uống.

Bên cạnh trà sữa thông thường, Hồng Kông còn nổi tiếng với một loại trà sữa đặc biệt có tên là trà sữa âm dương, hay một số nơi gọi nó là trà sữa uyên ương. Đây là sự kết hợp giữa trà sữa và cà phê theo tỷ lệ 1:1, vị ngọt đậm vốn có của trà sữa kết hợp với hương thơm thoang thoảng của cà phê khiến người dùng tỉnh táo ngay khi thưởng thức. Trà sữa âm dương phổ biến ở Hồng Kông đến nỗi bạn có thể tìm mua ở khắp nơi, từ cửa hàng tiện lợi, máy bán nước tự động, đến các nhà hàng ăn uống …

  1. Mèo trở thành các chủ cửa hàng ở Hồng Kông

Không chỉ là một người bạn bốn chân thân thiết, mèo còn được xem là biểu tượng may mắn ở Hồng Kông, khi mà người ta quan niệm rằng sự hiện diện của mèo sẽ giúp các cửa hàng buôn bán đắt hàng. Từ đó, việc nuôi mèo trong cửa hàng còn trở thành một nét văn hóa quen thuộc của người dân nơi đây. Nếu nói đến điểm chung của các cửa hàng tại Hồng Kông, thì đó chính là mèo. Điều thú vị là trong khi mèo được thảnh thơi nghỉ ngơi, những người chủ thật sự phải chạy đôn chạy đáo để bán hàng, thậm chí họ còn dành thời gian để vuốt ve và cưng nựng những chú mèo thần tài của mình. Văn hóa thú vị này đã thu hút sự chú ý của rất nhiều nhiếp ảnh gia và các du khách quốc tế khi họ muốn ghi lại những khoảnh khắc đáng yêu về sự hòa hợp giữa mèo và người dân Hồng Kông. Mèo còn được xuất hiện trên các trang bìa tạp chí, bưu thiếp và sách ảnh của Hồng Kông. Việc kinh doanh ốp điện thoại in hình mèo cũng là một loại hình kinh doanh mang về khoản thu đáng kể.

  1. Bí mật mê cung phong thủy

Mặc dù là một phần của Trung Quốc và có nguồn gốc là người Hán, nhưng hơn 65% dân số ở Hồng Kông vẫn tự cho mình là người Hồng Kông chứ không phải là người Trung Quốc. Người dân ở đây cho rằng họ là một dân tộc riêng với những nét văn hóa riêng và luôn muốn bảo tồn bản sắc của mình. Nhiều khách du lịch khi đến Hồng Kông và Trung Quốc cũng nhận ra được nhiều điểm khác biệt không chỉ trong ngôn ngữ mà còn ở thái độ và cách cư xử. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận là Trung Quốc và Hồng Kông vẫn có nhiều nét văn hóa tương đồng với nhau. Điển hình là văn hóa phong thủy, văn hóa này càng trở nên đại chúng hơn ở Hồng Kông khi mà nhiều đài truyền hình và đài phát thanh thường mời những chuyên gia về tướng số tới nói chuyện về vận mệnh cũng như là tướng mạo. Nhiều tờ báo và tạp chí cũng dành riêng một chuyên mục cho việc dự đoán vận mệnh, xem tử vi…

Hàng năm, Hồng Kông xuất bản hơn 50 đầu sách khác nhau liên quan tới tử vi và tướng số với số lượng bán lên tới 400.000 cuốn sách. Với người Hồng Kông, phong thủy không phải mê tín cũng không phải là khoa học mà phong thủy là một loại hình văn hóa. Nhiều người tin rằng Hồng Kông được phồn thịnh như ngày nay là nhờ vào phong thủy, như cảng Victoria được bao bọc bởi núi từ hai phía Đông và Tây khiến bến cảng này giống như một lòng chảo chứa ngọc khổng lồ.

Theo phong thủy thì đây chính là mạch chủ giúp tài khí của Hồng Kông luôn thịnh vượng. Thậm chí, phong thủy còn có ảnh hưởng sâu sắc tới cả kiến trúc và xây dựng ở Hồng Kông. Tòa nhà ngân hàng HSBC Hồng Kông chính là minh chứng cho điều này, được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng người Anh là Norman Foster. Đây là một trong những tòa nhà đắt tiền nhất thế giới tại thời điểm khánh thành năm 1985 với chi phí gần 1 tỷ đô la.

Sau khi tham khảo các bậc thầy về phong thủy, tòa cao ốc này đã bỏ trống toàn bộ tầng trệt để mời gọi gió và năng lượng tích cực đi vào bên trong tòa nhà. Các loại thang cuốn đưa khách lên tầng trên được chăm chút đặc biệt, từ điểm xuất phát, góc nghiêng đến hướng chạy, tất cả đều được tính toán cẩn thận để tránh không gây phiền nhiễu cho các vị thần linh của khu đất và ngăn chặn những linh hồn tà ác xâm nhập vào bên trong tòa nhà. Ngoài ra, người ta còn đặt một cặp sư tử bằng đồng ở ngay lối vào, tượng trưng cho sự giàu có và thịnh vượng.

  1. Nhà ở “quan tài” giữa lòng Hồng Kông sầm uất
    Đằng sau sự hoa lệ và giàu có, thì Hồng Kông vẫn tồn tại nhiều mặt tối mà không phải ai cũng biết. Điển hình là tình trạng bất bình đẳng thu nhập đáng báo động khi mà các chủ doanh nghiệp ở đặc khu này vẫn hăng hái xây dựng những tòa nhà chọc trời và người giàu vẫn miệt mài thao túng thị trường bất động sản. Những người công nhân và người làm thuê có thu nhập thấp lại đang gồng mình sống trong những căn hộ nhỏ bé và chật chội, nơi mà người ta thường gọi với cái tên không mấy thiện cảm là “nhà lồng” hay “nhà quan tài”. Đây là một loại nhà chỉ rộng khoảng 2 mét, vừa đủ cho một chiếc giường và được bao quanh bởi một chiếc lồng kim loại. Loại hình cư trú này thường tập trung ở các quận đô thị cũ như là Sham Shui Po, Mongkok và To Kwa Wan. Hầu hết cư dân ở đây đều là nam giới và không đủ điều kiện để nhận phúc lợi xã hội hoặc bất kỳ một khoản trợ cấp nào.

Nhà lồng thường có mức độ an toàn kém do nằm trong các tòa nhà cũ kỹ và khả năng phòng cháy không đầy đủ. Tệ hơn nữa, nhiều cư dân chỉ dùng chung một ổ cắm điện nên tình trạng chập điện và rò rỉ điện thường xuyên xảy ra, đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng của con người. Hậu quả của việc sống trong những khu nhà biệt lập và chật chội như vậy đã dẫn đến tỉ lệ mắc bệnh trầm cảm cao hơn. Một số người già đã mô tả cuộc sống của họ trong nhà lồng là trạng thái chờ chết

T.P

RELATED ARTICLES

Tin mới