“Nếu New Delhi tiếp tục đánh giá sai tình hình và đánh giá thấp quyết tâm, ý chí của Trung Quốc, thì điều đó sẽ chỉ dẫn đến nhiều rủi ro và tổn thất hơn cho Ấn Độ trong tương lai”.
Nội dung trên trích từ bài bình luận “Ấn Độ ngây thơ can thiệp vào vấn đề Biển Đông” đăng trên Thời báo Hoàn cầu, ngày 27/3 vừa qua.
Thời báo Hoàn cầu là ấn phẩm của Nhân Dân Nhật báo, cơ quan của ngôn luận của Trung ương Đảng CSTQ. Lâu nay, ấn phẩm này được Bắc Kinh sử dụng như một công cụ “tuyên truyền đối ngoại”. “Tuyên truyền đối ngoại” chỉ là một cách gọi hoa mỹ. Trong thực tế, nhiều người biết, kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ nghĩa cường quyền nước lớn…mới là nhiệm vụ chủ yếu của nó.
Liên quan vấn đề Biển Đông, Thời báo Hoàn cầu chính là cái “loa” to mồm nhất. Cái “loa” này luôn phóng ra những luận điệu ngang ngược: khẳng định yêu sách “đường 9 đoạn” chiếm tới gần 90% diện tích Biển Đông, mà Bắc Kinh đơn phương tuyên bố và đòi cộng đồng quốc tế phải chấp nhận; đe dọa các bên liên quan chủ quyển, nhất là Việt Nam, Philippines, Malaysia…; đặt điều, vu khống bất luận quốc gia nào, nếu quốc gia đó có tiếng nói chỉ trích, phê phán Trung Quốc.
Như Mỹ chẳng hạn. Đầu năm 2022, khi Bộ Ngoại giao Mỹ công bố báo cáo, trong đó nhận định các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm cả “yêu sách lịch sử” của họ trên hầu hết các phần của tuyến đường thương mại quan trọng này “phá hoại nghiêm trọng pháp quyền” và các quy định được công nhận rộng rãi trong luật pháp quốc tế. Nói cách khác, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ bác bỏ gần như hoàn toàn yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc. Lập tức, thông qua Thời báo Hoàn Cầu tung ra nhiều bài viết tuông về phía Washington những ngôn từ cay cú, và lồng vào đó những thông điệp đầy tính đe dọa.
Ngay cả khi Tòa trọng tài quốc tế (PCA), trong phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Philippines đối với Trung Quốc, ban hành tháng 7 năm 2016, đã bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách vô lý trên, cũng như nhiều tờ báo khác của Trung Quốc, Thời báo Hoàn Cầu chẳng vì thế mà lấy làm xấu hổ; ngược lại, còn tỏ ra hung hăng hơn.
Đến Washington mà Bắc Kinh còn chẳng e dè, vậy thì New Delhi đã là cái thá gì. Thế nên, ngay sau khi ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar tuyên bố trong cuộc gặp người đồng cấp Philippines Enrique Manalo ở Manila, hôm 26/3, rằng Ấn Độ “kiên quyết ủng hộ Philippines bảo vệ chủ quyền quốc gia của mình”, và cho biết, Ấn Độ muốn khám phá các lĩnh vực hợp tác mới, gồm cả quốc phòng và an ninh, làm gì mà Bắc Kinh chẳng tức đến lồng lộn lên, Thời báo Hoàn Cầu chẳng la hét loạn lên.
Giận thường mất khôn. Bắc Kinh giận – điều đó thì đã hẳn. Tuy nhiên, với những gì thể hiện, nhiều người vẫn nhìn xuyên qua lớp ngôn từ cay cú trong bài “Ấn Độ ngây thơ can thiệp vào vấn đề Biển Đông”, để nhận ra thủ đoạn ma mãnh, láu cá của lớp hậu duệ nhiều chục đời sau của “anh” Tào Tháo – nhân vật khét tiếng gian hùng trong lịch sử Trung Hoa.
Thủ đoạn đó là gì? Là vin vào quan điểm “các tranh chấp trên biển là vấn đề giữa những nước liên quan và bất kỳ bên thứ ba nào cũng không có quyền can thiệp”; “Ấn Độ đang tích cực tham gia ‘câu lạc bộ chống Trung Quốc’, hy vọng gây thêm áp lực lên Trung Quốc bằng cách đứng về phía Philippines trong vấn đề Biển Đông”.
Không chỉ ma mãnh, láu cá, mà còn thâm. Nếu cộng đồng quốc tế bị thuyết phục bởi cái “lý” đó, coi như Trung Quốc loại ra bất cứ quốc gia nào phản đối yêu sách “đường 9 đoạn” trên Biển Đông của họ. Còn lại, câu chuyện Biển Đông chỉ là việc riêng của “5 nước, 6 bên”, bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, và Đài Loan. Khi đó, ai cũng thấy rõ tương quan trong “cuộc cờ” Biển Đông sẽ như thế nào; các quốc gia nêu trên liệu cầm cự được mấy nỗi trước cái bẫy “đàm phám song phương”, thực chất là giương cơ bắp ra để dọa dẫm, mà Trung Quốc chủ trương, tìm mọi cách bày binh bố trận.
Nào đã hết. Thời báo Hoàn Cầu còn lôi câu chuyện biên giới đang diễn ra phức tạp giữa Ấn Độ và Trung Quốc ra để vừa là cảnh báo, vừa là mặc cả, rằng: “Hiện nay Trung Quốc và Ấn Độ đang cùng nhau nỗ lực giải quyết vấn đề biên giới thông qua đối thoại, và lợi ích chung của hai nước vượt xa những khác biệt. Tuy nhiên, nếu New Delhi tiếp tục đánh giá sai tình hình và đánh giá thấp quyết tâm, ý chí của Trung Quốc, thì điều đó sẽ chỉ dẫn đến nhiều rủi ro và tổn thất hơn cho Ấn Độ trong tương lai”.
Một “cường quốc đang lên”, một quốc gia lúc nào cũng khoe khoang là “cường quốc trỗi dậy hòa bình” mà thủ đoạn tới mức ấy; mà thô thiển và trơ tráo lấy một việc với tính chất khác hẳn ra để mặc cả cái việc kia, trách gì, nhắc đến tên là bị nhiều quốc gia cảnh giác.
T.V