Tuesday, November 26, 2024
Trang chủGóc khuất Trung HoaCâu chuyện phá hoại nền văn hóa tôn giáo Tây Tạng ở...

Câu chuyện phá hoại nền văn hóa tôn giáo Tây Tạng ở TQ

Việc chính quyền Trung Quốc chỉ hạn chế dùng người Hán cầm quyền ở Tây Tạng là không hợp lý, mục đích của thủ đoạn này để giữ vững quyền thống trị.

Thủ đoạn của chính quyền Trung ương Trung Quốc một mặt để Tây Tạng luôn lệ thuộc vào Trung Quốc, mặt khác vì muốn đồng hóa nền văn hóa Tây Tạng. Nói cách khác,  hiện nay không chỉ vấn đề “một nước hai chế độ” mà ngay cả “một nước hai văn hóa” cũng trở thành mối đe dọa đối với sự thống trị của Trung Quốc. Vì Trung Quốc luôn lo sợ phần tử mà họ coi là “phản động” sẽ dùng chiêu bài truyền thống và tôn giáo, cho nên chính quyền Trung Quốc muốn loại bỏ những giá trị này để nó không thể phát huy tác dụng được nữa!

Trong lịch sử, chính sách “đồng hóa” của những kẻ đi chinh phục đối với dân tộc bị chinh phục thường thấy là: loại bỏ tính khác biệt của dân tộc bị chinh phục. Nhưng muốn ép một nền văn hóa sâu sắc có lịch sử phát triển hàng ngàn năm theo một mô hình khác sẽ gây phản kháng mạnh mẽ, vì đi cùng quá trình đồng hóa là những chính sách tàn bạo. Nhìn lại lịch sử, đồng hóa là bắt người ta làm theo mô hình của mình, bao gồm kiểu trang phục, nghi lễ, luật lệ, xóa bỏ chữ viết và hủy hoại tôn giáo bản địa… thậm chí ở Tây Tạng còn xảy ra nạn thanh trừng quy mô lớn trong thời “dẹp loạn đòi Tây Tạng độc lập” (1959) và thời “Cách mạng Văn hóa” sau đó.

Tây Tạng còn được gọi là “Phật Quốc” vì Phật giáo là nền tảng của xã hội truyền thống nơi đây, toàn bộ nền văn hóa Tây Tạng được sinh trưởng và phát triển từ đây, nó đã bám rễ vào cuộc sống của đa số người dân Tây Tạng. Bạo loạn những năm 1950 có nguyên nhân vì chùa chiền bị biến thành cứ điểm của quân đội, và nhiều nhà sư trở thành nhà lãnh đạo phong trào bạo loạn. Khi chính quyền Trung Quốc “dẹp loạn” đã tấn công vào chùa chiền, nhiều nhà sư bị bắt, chùa chiền bị san bằng.

Trong “Sự kiện Lhasa”, ông Mao Trạch Đông đã đề ra khẩu hiệu “Lạt-ma hãy về nhà”, khi đó tăng ni Tây Tạng có khoảng 110.000 người. Sau “Sự kiện Lhasa”, có khoảng 10.000 người chạy trốn ra nước ngoài. Trong khoảng 100.000 người ở lại chỉ có khoảng 7.000 người được cho phép ở lại trong chùa miếu. Trong số hơn 2.600 ngôi chùa của Tây Tạng chỉ cho phép giữ lại hơn 70 ngôi chùa. Theo con số này thì có đến 97% chùa bị phá hủy, 93% tăng nhân bị xua đuổi. Ông Mao Trạch Đông nhiều lần lên tiếng, nguyên nhân chính khiến dân số Tây Tạng không tăng được là vì Lạt-ma không được kết hôn, để giải quyết vấn đề này, Mao cưỡng ép Lạt-ma phải thành thân với ni cô.

Cùng với cơn giông tố của “Cách mạng Văn hóa”, số chùa chiền còn sót lại ở Tây Tạng tiếp tục bị phá hoại, trục xuất toàn bộ tăng ni ra khỏi chùa, nghiêm cấm mọi hoạt động tôn giáo, cuộc chiến “đấu tranh giai cấp” này đã phá hoại toàn bộ nền văn hóa tôn giáo của Tây Tạng. Đồng thời, chính quyền muốn người Tây Tạng xem Mao Trạch Đông là vị thần mới, hàng ngày bắt đọc những câu nói của Mao, “sáng xin chỉ thị, tối báo cáo tổng kết” trước chân dung Mao để tỏ lòng trung thành; tượng Mao Trạch Đông được đưa vào thế chỗ những tượng Phật bị hủy hoại. Tác phẩm của Mao phát hành ở Tây Tạng khi đó đạt đến con số mà mỗi người Tây Tạng phải có hơn 4 quyển; số người bị ép đi “tẩy não” lên đến hơn 1/3 dân số Tây Tạng; tổ chức hơn 20.000 người tập trung tại Lhasa đồng thanh hát ca khúc ca ngợi Mao… Từ góc nhìn thời đại ngày nay, những hành vi này là vô cùng man rợ.

Có thể thấy, chính quyền Trung Quốc đã phá hoại toàn bộ tôn giáo Tây Tạng. Nhưng dù sao tất cả chỉ là hiện tượng bề ngoài. Vấn đề Tây Tạng cho đến ngày nay vẫn là một phiền phức lớn đối với chính quyền Trung Quốc, nguyên nhân chính là những oán hận trong lòng người Tây Tạng chưa bao giờ hết.

RELATED ARTICLES

Tin mới