Saturday, November 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiViệt Nam gặp…khó

Việt Nam gặp…khó

Khó thật. Chưa hết canh cánh về câu chuyện thủy điện Xayaburi của Lào, nay Việt Nam lại đang bị ám ảnh bởi câu chuyện Campuchia triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo.

Đồ họa về dự án kênh đào Phù Nam Techo (phần màu đỏ là kênh đào sẽ xây dựng, phần màu xanh là một phần sông Bassac hiện có)

Liên quan câu chuyện thủy điện Xayaburi, nhiều người chưa quên. Đập Xayaburi là công trình thủy điện đầu tiên trên dòng chính sông Mekong ở hạ nguồn, nằm ở phía bắc Lào được xây dựng từ 2012, đi vào hoạt động tháng 10.2019, công suất 1.260 MW.

12 năm trước, khi Lào quyết định triển khai dự án với tham vọng biến “đất nước Triệu voi” thành “ác quy” công suất tới 1.260 MW của khu vực Đông Nam Á, Việt Nam – quốc gia hạ nguồn sông Mekong, rất lo lắng. Lo vì trên dòng chính sông Mekong ở phía thượng nguồn, Trung Quốc đang vận hành 8 đập thủy điện. Thêm một con đập Xayaburi khổng lồ nữa, dòng chảy tự nhiên của dòng sông Mekong có thể bị đảo lộn, ảnh hưởng việc cung cấp nguồn phù sa cho vựa lúa chính đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời còn làm gia tăng sạt lở, cắt đứt đường di cư của cá, và nhiều hệ lụy khác.

Vì lẽ đó, dù không công khai, nhưng Hà Nội đã ngầm vận dụng hết tất cả nhằm thuyết phục quốc gia láng giềng có mối quan hệ hữu nghị truyền thống anh em đặc biệt, xem xét lại dự án.

Tuy nhiên, tình cảm láng giềng đặc biệt đến mấy, Lào cũng không tử tế tới mức từ bỏ lợi ích của mình, chỉ trấn an ông bạn tốt Việt Nam bằng cam kết: đập thủy điện Xayaburi là loại đập dâng, không trữ nước nên không làm ảnh hưởng đến dòng chảy sông Mekong. Mãi tới năm 2023, sau khi cái “ác quy” Xayaburi vận hành được 4 năm, mọi chuyện mới vỡ lở khi các nhà điều hành dự án đập thủy điện này gửi thông báo sẽ xả nước – bằng chứng cho thấy, giải thích trước đó của họ là điều dối trá.

Tình nghĩa với Lào đến như thế, mà còn khó thuyết phục, huống chi anh bạn láng giềng Campuchia nhiều ân oán. Tỷ như câu chuyện Biển Đông mà Việt Nam là một bên liên quan trực tiếp chẳng hạn, nếu nặng tình nặng nghĩa, Campuchia đã chẳng lấy quyền của một nước đăng cai Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN năm 2012 để ngăn cản đưa vấn đề Biển Đông vào tuyên bố chung, khiến sự kiện chính trị quan trọng này của các nước ASEAN coi như thất bại. Và nữa, liên quan chuyện quân cảng Ream có bóng dáng toan tính của Trung Quốc, Phnom Penh cũng bướng bỉnh và lầm lỳ triển khai theo ý mình, bất chấp lo ngại của Việt Nam và các quốc gia láng giềng. Tới khi Mỹ lên tiếng, ông Thủ tướng Hun Sen mới trần tình rằng: “Campuchia không cần hiện diện của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ của mình”. Tháng 12 năm ngoái, Mỹ trưng ra hình ảnh 2 tàu chiến Trung Quốc hiện diện tại Ream, Phnom Penh mới giải thích vụng về rằng: sự có mặt của hải quân Trung Quốc tại Ream là để “tham gia chương trình huấn luyện” với hải quân nước sở tại”…

Chuyện đã rồi, dẫu có hoài nghi nhiều hơn nữa, Mỹ và các quốc gia láng giềng, như Việt Nam, Philippines, Malaysia…cũng đành chịu, chỉ còn biết lo lắng và tự dặn mình hãy cảnh giác mỗi khi Phnom Penh giải thích, trần tình gì đó liên quan đến yếu tố Trung Quốc.

Thì đây, nó chính là dự án kênh đào Phù Nam – Techo.

Kênh đào này có liên quan đến Trung Quốc không? Câu trả lời là “có”. Được biết, kênh Phù Nam – Techo dài 180 km, đi qua 4 tỉnh của Campuchia với tổng dân số 1,6 triệu người sinh sống hai bên ven sông. Chi phí xây dựng ước tính khoảng 1,7 tỉ USD, trong thời gian 4 năm. Hoàn thành, kênh sẽ có 2 làn tàu thuyền lưu thông 2 chiều cùng lúc, giúp Campuchia “thay đổi cuộc chơi”, cụ thể là khắc phục việc Campuchia tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa (do không có tuyến đường trực tiếp nối từ sông ra biển, lâu nay, hàng chục triệu tấn hàng hóa phải quá cảnh Việt Nam); góp phần phát triển kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, tăng trưởng bất động sản…

Về tiến độ, dự án sẽ bắt đầu vào cuối năm nay sau khi Công ty TNHH xây dựng cầu đường Trung Quốc (CRBC) đạt thỏa thuận phát triển kênh đào tại Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai, Con đường” hồi tháng 10/2023.

Một lần nữa, các chuyên gia quốc tế lo lắng, ít nhất ở hai điểm. Thứ nhất, dự án có thể gây tác động tiêu cực về môi trường, làm chuyển hướng dòng nước khỏi sông Mekong. Cũng chính vì thế, Hà Nội – quốc gia liên quan trực tiếp – và Washington đang kêu gọi Phnom Penh minh bạch hơn về dự án tỉ đô trên. Thứ hai, Phù Nam Techo có thể tạo điều kiện cho tàu chiến Trung Quốc di chuyển – đâm vào sườn Việt Nam…

Tại cuộc họp báo quốc tế ngày 11/4 vừa qua, phát ngôn viên Ngoại giao Việt Nam nói rằng” “Việt Nam cũng đã đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam, Ủy hội sông Mekong trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của công trình này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông và người dân sinh sống trong khu vực”.

Ngoài lo lắng về vấn đề môi trường, ai cũng biết, vì lý do nhạy cảm, Việt Nam đã không đả động trực tiếp. Tuy nhiên, bằng phát ngôn trên, có lẽ Hà Nội còn ám chỉ đến những lo ngại về an ninh quốc phòng mà dự án Phù Nam Techo gây ra, trong đó, nhân tố chính là hải quân Trung Quốc.

Đáp lại lo ngại của quốc gia láng giềng, một lần nữa, cũng như người tiền nhiệm là ông bố Hun Sen trước kia giải thích về căn cứ Ream, ông Thủ tướng “con” Hun Manet, ngày 12/4, khẳng định kênh Phù Nam Techo sẽ thúc đẩy kinh tế nước này, đồng thời không gây ra mối đe dọa an ninh nào cho các quốc gia khác.

Nhưng tuyên bố hùng hồn của ông Manet liệu có đáng tin hơn tuyên bố còn hùng hồn hơn của ông bố Hun Sen lão luyện chính trị? Hẳn là là không rồi. Chuyện liên quan Trung Quốc mà. Bài học Ream vẫn còn đó: một khi mà đã nhúng tay vào, dễ gì Bắc Kinh chịu không công?

T.V

RELATED ARTICLES

Tin mới