Đức có thể thiệt hại khoảng 200 tỷ euro (216 tỷ USD) do xung đột ở Ukraine, trong đó thiệt hại lớn do giá điện tăng cao.
“Chi phí kinh tế của Đức sau hai năm chiến sự bùng phát ở Ukraine có khả năng vượt quá 200 tỷ euro… Trên hết, chi phí năng lượng cao đã làm mức tăng trưởng của Đức giảm 2,5%, tương đương 100 tỷ euro vào năm 2022 và con số tương tự vào năm 2023”, ông Marcel Fratzscher, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức, cho hay.
Theo Chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế Đức, lạm phát gia tăng ở Đức đã ảnh hưởng nặng nề đến những người lao động có thu nhập thấp.
“Nhà nước Đức chủ yếu hỗ trợ các công ty sử dụng nhiều năng lượng bằng các khoản trợ cấp lớn, nhưng những người có thu nhập thấp phải thắt lưng buộc bụng đáng kể”, ông Marcel Fratzscher nói thêm.
Tờ Die Rheinische Post đưa tin, các chuyên gia ước tính thiệt hại do tác động tiêu cực tổng hợp từ đại dịch COVID-19 và xung đột Ukraine đã gây ra đối với nền kinh tế Đức là 240 tỷ euro trong năm 2022 – 2023.
Theo tờ này, xung đột ở Ukraine đã khiến hóa đơn tiền điện tăng đáng kể, làm gián đoạn mạng lưới vận chuyển và gây áp lực đáng kể lên nền kinh tế toàn cầu, gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu.
Viện Kinh tế Đức cho biết toàn bộ nền kinh tế Đức đã bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Ukraine, trong đó ngành công nghiệp hóa chất, giấy và kim loại là những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo tờ Die Rheinische Post, nhà thầu quốc phòng là bên hưởng lợi lớn nhất từ xung đột thông qua những hợp đồng vũ khí.
Hôm 19/2, ngân hàng trung ương Đức đánh giá nền kinh tế nước này có thể tiếp tục suy thoái trong quý đầu tiên của năm 2024 và không có khả năng phục hồi.
Sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2/2022, phương Tây quyết định giảm đáng kể việc nhập khẩu nhiên liệu của Nga và tích cực tìm cách hạn chế thu nhập liên quan đến năng lượng của Moskva, đặc biệt là từ dầu khí.
Hơn nữa, xung đột Ukraine còn ngăn chặn dòng khí đốt của Nga sang châu Âu, dẫn đến giá năng lượng tăng vọt và tình trạng thiếu hụt nguồn cung, buộc các nước phải tìm kiếm giải pháp thay thế, đặc biệt là Mỹ và nguồn cung từ khí đốt tự nhiên hóa lỏng của nước này.