Sunday, December 22, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiHải cảnh TQ lại làm mưa làm gió

Hải cảnh TQ lại làm mưa làm gió

Mới đây Hải cảnh Trung Quốc lại được giao thêm quyền hành mới: quyền bắt người. Phản ứng đầu tiên là Philippines. Manila cho rằng, Bắc Kinh ngày càng tỏ ra hung hăng hơn, bất chấp luật pháp quốc tế. Đương nhiên, họ coi “Đường 9 đoạn” trên Biển Đông là hợp lý, không ai có thể bác bỏ (!)

Hải cảnh Trung Quốc hôm 15/5 bất ngờ công bố Quyết định số 3 về “Quy định thủ tục về thực thi hành chính của Cảnh sát biển” Trung Quốc. Bản Quyết định có tổng cộng 16 chương và 281 điều, nhưng có một điều ngang ngược nhất là, cho phép nhân viên của lực lương Hải cảnh bắt giữ người nước ngoài bị tình nghi vượt hải giới “trái phép”.

Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/6/2024. Nó động chạm đến tất cả các nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc như Philippines, Việt Nam, Indonesia… Theo đó, người nước ngoài có thể bị Hải cảnh Trung Quốc bắt giữ từ 30 ngày (nếu vi phạm quy định của Trung Quốc về xuất-nhập), đến 60 ngày đối với những trường hợp phức tạp.

Sự hung hăng của các nhà luật pháp Trung Quốc có mầm mống từ lâu. Từ tháng 1/2018, lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc được chuyển từ Tổng cục Hải dương sang Cảnh sát vũ trang Nhân dân, đã có rất nhiều văn bản luật và cả “rừng” quy định mới. Khu rừng ấy giăng ra rất nhiều bẫy để bắt giữ “nghi phạm”. Thế nhưng chỉ đến Quy định mới này, ban hành hôm 15/5, mới nêu rõ thủ tục áp dụng luật về mặt giam giữ hành chính đối với Hải cảnh. Cùng ngày ban hành Quy định mới, bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh cáo Manila xâm phạm đến “chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc”.

Như quý độc giả đã biết, lực lượng Hải cảnh Trung Quốc có chức năng chấp pháp, thực hiện âm mưu “lấn” biển một cách chủ động, nhằm hỗ trợ lực lượng dân binh Trung Quốc đối trọng với các tàu chấp pháp của ASEAN. Cho nên, càng tạo thêm quyền hành cho lực lượng này thì khả năng vây lấn càng thuận lợi.

Theo Quy định, Chương 14 nói rõ việc xử lý các sự vụ hành chính liên quan đến người nước ngoài bị tình nghi “vi phạm” biên giới của Trung Quốc. Có ít nhất bốn trường hợp có thể bị bắt giữ. Một, người bị tình nghi xuất nhập cảnh trái phép; hai, người bị nghi ngờ giúp đỡ người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; ba, người bị nghi ngờ cư trú hoặc làm việc bất hợp pháp; bốn, người bị nghi ngờ gây nguy hiểm cho an ninh, lợi ích quốc gia, phá rối đời sống xã hội và công cộng, hoặc tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp và tội phạm khác.

Không phải ngẫu nhiên Trung Quốc đưa ra quy định gia tăng quyền hạn cho Hải cảnh. Có một sự trùng hợp, ngày Quy định quái gở này được công bố lại đúng vào ngày Hiệp hội “Atin Ito” (This is ours – Thuộc về chủ quyền của chúng tôi) mở đầu đợt tiếp tế nhiên liệu và lương thực thứ hai tại bãi cạn Scarborough, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, đang bị Bắc Kinh chiếm giữ.

Hiệp hội Atin Ito gồm nhiều tổ chức phi chính phủ và các nhà hoạt động độc lập Philippines đã tổ chức đợt tiếp tế đầu tiên vào dịp cuối tháng 4 vừa qua. Hải cảnh Trung Quốc tuyên bố đã đuổi tầu Philippines thâm nhập vùng biển của họ.

Liên quan quy định mới, Philippines khẩn thiết kêu gọi các nước láng giềng kiện Trung Quốc nếu nước này cố tình bắt giữ công dân. Tổng thống Marcos Jr. lên án những quy định mới của Trung Quốc: “Hoàn toàn không chấp nhận được đối với Philippines. Chúng tôi sẽ đưa ra mọi quyết định cần thiết để bảo vệ công dân của mình”.

Ông Risa Hontiveros, người đứng đầu phe đối lập ở Thượng viện Philippines, đề nghị: “Chính phủ Philippines cần kêu gọi các nước đồng minh như Mỹ, Nhật Bản, Úc, Pháp và những nước chung chí hướng, lên tiếng phản đối hành vi vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, bằng cách tham gia các cuộc tuần tra với Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của mình”.

Phe đối lập yêu cầu Tổng thống Marcos Jr. một lần nữa kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài Thường trực Liên hợp quốc. Yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt “hành động hiếu chiến ngày càng gia tăng” trong khu vực.

Nhất hô bá ứng, hôm 20/5, ông Jonathan Malaya – người phát ngôn của Lực lượng đặc nhiệm quốc gia về biển Tây Philippines – kêu gọi: “Tất cả các nước ven biển, nhất là các nước láng giềng như Việt Nam, Malaysia, Brunei và Indonesia, không công nhận những quy định bất hợp pháp này và tiếp tục lưu thông ở những vùng biển mà luật pháp quốc tế cho phép”.

Sự lộng giả thành chân, cùng mối đe dọa của Trung Quốc về việc bắt giữ vô cớ người nước ngoài “thâm nhập Biển Đông” cần phải được hóa giải bằng sự đoàn kết, với những giải pháp cụ thể, của các nước liên quan và khối ASEAN.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới