Friday, January 10, 2025
Trang chủBiển nóngTQ “mua chuộc” báo chí nước ngoài trong vụ kiện với Philippines...

TQ “mua chuộc” báo chí nước ngoài trong vụ kiện với Philippines ra sao?

Ngày 24/5, tờ Tehran Times của Iran đăng tải bài viết có tên “Sự thật bạn cần biết về Biển Đông”, đưa ra luận điệu xuyên tạc: “Có một điều cần làm rõ, quần đảo Nam Sa trên Biển Đông là lãnh thổ của Trung Quốc từ cổ xưa”.

Iran và Trung Quốc đã nhất trí tăng kim ngạch thương mại hai chiều thêm 10 lần, đạt 600 tỷ USD trong 10 năm tới. Ảnh: Qz

Trong bối cảnh Tòa án trọng tài thường trực (PCA) sắp đưa ra phán quyết về vụ kiện của Philippines, để dọn đường dư luận, Trung Quốc đã mua chuộc và dùng ảnh hưởng để nhiều đầu báo nước ngoài đăng bài có lợi cho các tuyên bố chủ quyền trái phép của nước này trên Biển Đông. Đáng lưu ý là các quốc gia này nằm xa Biển Đông đến hàng nghìn cây số, tạp chí Quartz chỉ ra. 

Ngày 24/5, tờ Tehran Times của Iran đăng tải bài viết có tên “Sự thật bạn cần biết về Biển Đông”, đưa ra luận điệu xuyên tạc: “Có một điều cần làm rõ, quần đảo Nam Sa trên Biển Đông là lãnh thổ của Trung Quốc từ cổ xưa”.

Nam Sa là tên mà Trung Quốc dùng để gọi quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên 80% diện tích Biển Đông bằng đường chín đoạn phi pháp mà nước này rêu rao có lịch sử từ sau Thế chiến II.

Đây cũng chính là nhân tố dẫn đến vụ kiện lên Tòa trọng tài quốc tế của Philippines, khiến Bắc Kinh “nóng mặt”. Theo dự kiến, phán quyết sẽ được tòa đưa ra trong những tuần tới, có thể nghiêng theo hướng bất lợi cho Trung Quốc.

Đánh giá chủ quan về tính pháp lý của vụ kiện, ngày 26/5, tờ Vanuatu Daily Post dẫn lời Thủ tướng mới đắc cử Charlot Salwai của đảo Vanuatu nói: “Bất kỳ sự áp dụng tùy tiện các biện pháp đơn phương, bao gồm khởi tố pháp lý một bên khác trong quá trình tranh chấp là trái với nguyên tắc của sự hiểu biết, đối thoại và tham vấn song phương trong hòa bình được nêu trong nguyên tắc của UNCLOS.”

Tờ này cũng trích nguyên bài phỏng vấn Đại sứ Trung Quốc tại Vanuatu dài một trang để trình bày thêm về quan điểm của Bắc Kinh trong vụ kiện.

Đáp lại cử chỉ “thịnh tình”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói nước này hoan nghênh quan điểm của Vanuatu khi “hoàn toàn thấu hiểu” lập trường của Bắc Kinh.

Giọng điệu này “na ná” với các tuyên bố trước đây của quan chức Bắc Kinh, phía đang “sôi sục” với hành động quyết liệt của Manila. Họ luôn hô hào giải quyết các tranh chấp thông qua con đường đàm phán song phương, mà không có sự can thiệp của một Tòa trọng tài.

Tờ News Ghana cũng có vẻ “nhất trí” với lập trường này. Ngày 24/5, tờ báo của nước ở phía Tây châu Phi chạy bài viết trích Tân Hoa Xã, dẫn lời ông Phó Côn Thành, một học giả người Đài Loan làm việc tại Viện Nam Hải thuộc Đại học Hạ Môn.

Ông này mạnh miệng “khuyên” tòa trọng tài nên “xem xét tất cả các yếu tố và thay đổi chính kiến của họ, cho rằng họ có thẩm quyền đối với 7 trong số 15 điểm do Manila đưa ra”.

Nói ngắn gọn, ông này ám chỉ tòa trọng tài cần thừa nhận họ chẳng có chút thẩm quyền nào để phán xét vụ kiện.

Không mấy ngạc nhiên, những tờ báo trên đều là cơ quan ngôn luận của các nước nhận “đậm” tiền viện trợ và thương mại từ Bắc Kinh.

Kim ngạch thương mại giữa Ghana và Trung Quốc vượt mức 6 tỷ USD trong năm 2016, con số khổng lồ so với mức vỏn vẹn 100 triệu USD trong năm 2000.

Trung Quốc đã tài trợ Vanuatu 57 triệu USD để xây đường sá, 88 triệu USD để xây cầu cảng.

Đối với Iran, tháng Một vừa qua, hai nước đã nhất trí tăng kim ngạch thương mại hai chiều thêm 10 lần, đạt 600 tỷ USD trong 10 năm tới.

Năm 2015, theo khảo sát của được Gallup và Trung Tâm Meridian International Center phối hợp thực hiện, trong số 22 nước có hơn 50% người dân ủng hộ Trung Quốc, tất cả đều thuộc châu Phi – khu vực nhận nhiều viện trợ từ Trung Quốc, ngoại trừ Pakistan và Tajikistan.

RELATED ARTICLES

Tin mới