Sunday, April 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ xây trạm nghiên cứu ở Biển Đông: Mục đích hàng đầu

TQ xây trạm nghiên cứu ở Biển Đông: Mục đích hàng đầu

Ths Hoàng Việt cho rằng mục đích cuối cùng sau tuyên bố xây dựng trạm nghiên cứu biển Đông của Trung Quốc là nhằm phục vụ mục tiêu quân sự.

Tàu lặn Giao Long của Trung Quốc vừa mới đưa ra khu vực biển Đông nhằm thể hiện chủ quyền. Ảnh: Xinhua

Mục tiêu quân sự rõ ràng

Hãng tin Mỹ Bloomberg vừa dẫn các tài liệu cho thấy Trung Quốc đang khẩn trương thiết kế, xây dựng một trạm thí nghiệm chìm dưới biển Đông để trợ giúp hoạt động tìm kiếm khoáng sản.

Đây là dự án đã được đề cập trong kế hoạch kinh tế 5 năm mà Trung Quốc thông qua hồi tháng 3 và được xếp hàng thứ 2 trong danh sách 100 dự án khoa học và công nghệ được ưu tiên.

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, Ths Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP.HCM, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông cho rằng đây tiếp tục là một chuỗi những hành động Trung Quốc tiến hành nhằm thể hiện sự hiện diện của mình trên biển Đông.

“Thứ nhất là gần đây Trung Quốc thấy rằng phản ứng của các nước trong khu vực ASEAN chưa đủ mạnh nên họ tiếp tục tăng cường các hoạt động tại đây.

Thứ hai là phiên tòa mà Philippines kiện Trung Quốc sắp sửa đưa ra phán quyết. Để chống lại tất cả các vấn đề đó thì Bắc Kinh đang tìm mọi cách để có những hoạt động trên thực địa. Việc xây trạm nghiên cứu dưới đáy biển cũng là một hoạt động của Trung Quốc. Trước đây không lâu, Trung Quốc cũng cho tàu ngầm Giao Long đến Biển Đông hoạt động để đánh dấu lợi ích của họ…”, Ths Việt nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia, dù Trung Quốc tuyên bố xây trạm nghiên cứu ở biển Đông để trợ giúp hoạt động tìm kiếm khoáng sản nhưng mục đích chính của việc này không phải là kho vàng 470 tấn ở đáy biển Đông mà Bắc Kinh tuyên bố đã phát hiện.

“Trung Quốc thường nói một đằng làm một nẻo. Tôi cho rằng mục tiêu quân sự là tính toán hàng đầu của Bắc Kinh khi triển khai dự án này. Như chúng ta thấy trên tất cả các cấu trúc địa lý của Trường Sa, Trung Quốc vẫn nói là xây dựng các trạm tìm kiếm cứu hộ trên biển nhưng thực chất vẫn phục vụ cho mục đích quân sự của họ là cơ bản nhất. Các phương tiện quân sự  xuất hiện ở những khu vực này đã hỗ trợ cho Trung Quốc đưa ra các yêu sách mặc dù Bắc Kinh liên tiếp bị phản đối.

Ở đây tôi cho rằng Trung Quốc không chỉ muốn xây dựng căn cứ tàu ngầm mà họ còn tính toán nghiên cứu, đo lường, đánh giá liên quan nhằm thăm dò, phát hiện các tàu ngầm của các quốc gia khác”, Ths Việt phân tích.

Trung Quốc tận dụng quan hệ để xây trạm nghiên cứu

Đánh giá về khả năng của Trung Quốc với kế hoạch xây dựng trạm nghiên cứu ở Biển Đông, giảng viên ĐH Luật TP.HCM cho rằng, Bắc Kinh chưa có nhiều kinh nghiệm cũng như chưa thật sự mạnh về lĩnh vực này. Tuy nhiên Trung Quốc có thể đạt được mục tiêu của mình khi biết sử dụng và tận dụng nhiều mối quan hệ.

“Ví dụ như giàn khoan hải dương trước đây Trung Quốc đưa ra biển Đông đòi hỏi công nghệ cao, xuất phát từ phương Tây nhưng họ vẫn mua được. Lần này cũng tương tự như vậy thôi. Trung Quốc vẫn có thể bỏ tiền ra mua các thiết kế từ nước ngoài và với kỹ thuật của họ tôi nghĩ rằng khả năng Trung Quốc có thể xây được trạm nghiên cứu ở dưới biển Đông”, Ths Hoàng Việt nêu quan điểm.

Nhìn nhận ở góc độ khác, vị chuyên gia cho rằng, tham vọng trên của Trung Quốc sẽ rất khó trở thành hiện thực khi hiện nay phản ứng của các nước với Bắc Kinh trên biển Đông ngày càng mạnh mẽ hơn.

“Sau hội nghị Shangri-la tại Singapore, phản ứng của các bên như Mỹ rất cương quyết. Bộ quốc phòng của các nước châu Âu như Pháp và Canada cũng đã cứng rắn hơn rất nhiều. Ấn Độ và Nhật Bản thì lập trường rất kiên quyết. Ngoài ra còn chưa kể các quốc gia ASEAN có tranh chấp, trong đó có Việt Nam cũng đưa ra lập trường phản đối. Điều đó thể hiện mạng lưới ngăn cản rất lớn tham vọng của Trung Quốc.
 
Hơn nữa, Trung Quốc tuy là mạnh nhưng chỉ mạnh so với các nước ASEAN. So với các cường quốc trên thế giới như ở châu Âu, Nhật Bản hay Hoa Kỳ thì Trung Quốc cũng không phải đối thủ. Các nước siết chặt lại như vậy khiến Bắc Kinh không thể làm được điều đó”, Ths Việt nhấn mạnh.

Việt Nam đấu tranh bền bỉ

Trước những hành động mới của Trung Quốc, vị chuyên gia cho rằng, Biển Đông là một khu vực rộng lớn với nhiều tài nguyên khoáng sản, hải sản và những giá trị về mặt quân sự. Vì vậy nếu Trung Quốc đặt trạm nghiên cứu vào vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của nước khác thì phải có sự đồng ý của các quốc gia đó. Còn nếu đặt trong vùng biển của họ hoặc những vùng luật pháp quốc tế cho phép thì điều đó là hoàn toàn bình thường.

“Mục tiêu của Trung Quốc đã khá rõ ràng. Nếu như họ thiết lập được sự hiện diện trên biển Đông thì có khả năng Việt Nam không còn biển nữa. Chúng ta sẽ rất khó khăn để đi ra khu vực này bởi lẽ nhìn trên bản đồ thì đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc có 80% đi sâu vào vùng đặc quyền kinh tế của nước ta.

Khi đó, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không còn nữa thì chúng ta sẽ phát triển kinh tế biển, giao thương trên biển bằng cách nào?”, Ths Việt lưu ý.

Để đối phó với các mối nguy hiểm đến từ toan tính mới của Trung Quốc, vị chuyên gia cho rằng Việt Nam cần phải đấu tranh bền bỉ, trên nhiều mặt trận để khẳng định chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

“Thứ nhất chúng ta phải tiếp tục phản đối các hành động của Trung Quốc. Thứ hai là tiếp tục vận động quốc tế và tích cực ngoại giao, tham gia tìm kiếm sáng kiến, giải pháp mới cho vấn đề này. Thứ ba là phải phát triển thực lực của chúng ta, trong đó có quân sự, kinh tế biển, phòng thủ trên biển,… như vậy chúng ta mới phòng thủ được”, Ths Việt khẳng định.

RELATED ARTICLES

Tin mới