Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKhi “người khổng lồ” giúp sức

Khi “người khổng lồ” giúp sức

Tổng thống Nga Putin đến thăm Việt Nam trong hai ngày 18 và 19/6. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng, một dấu mốc lịch sử trong quan hệ Nga-Việt, sau khi hai nước nâng quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện vào năm 2023.

Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì lễ đón Tổng thống Vladimir Putin.

Sự đặc biệt còn ở chỗ, sau khi nhậm chức Tổng thống nhiệm kỳ thứ 5 chưa lâu, ông Putin đã chọn thăm Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên. Chắc hẳn không chỉ vì lý do ngoại giao, lý do kinh tế, quốc phòng mà còn nhiều vấn đề khác.

Phần lớn các nhà bình luận quốc tế cho rằng, chuyến thăm Hà Nội sẽ cho phép nhà lãnh đạo Nga thể hiện rõ rằng những cố gắng của phương Tây nhằm cô lập Moscow đã không như kỳ vọng. Chuyến thăm này của Tổng thống Nga sẽ thúc đẩy nỗ lực của Việt Nam nhằm tìm kiếm một đồng minh đứng giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc.

Cái lý do ông Putin có mặt tại Hà Nội thật… có lý. Vì 2024 là năm kỷ niệm 45 năm ngày khởi công xây dựng và 30 năm đưa vào hoạt động nhà máy thủy điện Hòa Bình. Sông Đà- Thủy điện Hòa Bình là biểu tượng sáng chói tình hữu nghị Việt Xô. Dịp này cũng là kỷ niệm 40 năm đưa vào hoạt động lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, và doanh nghiệp liên doanh Vietsopetro, đặt nền móng cho ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam.

Và như thế những thế lực không ưa Moscow cũng khó đưa ra điều gì xuyên tạc mục đích, ý nghĩa chuyến thăm.

Trong chuyến thăm ngắn chỉ một ngày một đêm nhưng nội dung thì rất lớn. Đó sẽ là sự bàn thảo về hợp tác về quốc phòng; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giữa hai nước. Đó còn là giải pháp tháo gỡ các khó khăn đang tồn động, gây ảnh hưởng đến hợp tác Việt Nam-Nga. Và đó là hướng đi mới hợp tác trong lĩnh vực năng lượng.v.v..

Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh và kỹ thuật quân sự giữa hai nước được xác định là nền tảng, không ngừng phát triển, trên cơ sở đối tác tin cậy, phù hợp với luật pháp quốc tế, gốp phần vào duy trì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương.

Dư luận thế giới quan tâm nhất là, liệu hợp quốc phòng giữa hai nước có đi sâu vào vấn đề mua bán vũ khí? Theo các nguồn tin tin cậy, “kho” máy bay chiến đấu của Không quân Việt Nam hiện nay phần lớn là do Nga sản xuất, đó là tiêm kích đa năng Sukhoi Su-30MK2 và Su-27. Trong những năm qua Bộ quốc phòng Việt Nam đã tìm cách đa dạng hóa nguồn cung vũ khí trong quá trình hiện đại hóa quân đội. Thế nhưng, đối tác quan trọng bậc nhất vẫn là Nga. Ở thời điểm này, theo các nhà phân tích, các loại vũ khí của Nga vẫn chiếm ưu thế đáng kể tại các điểm nóng xung đột trên thế giới.

Về phát triển năng lượng, đó là lĩnh vực hợp tác truyền thống và là một trong các trụ cột của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga. Việt Nam dành phần lớn thu nhập vào việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch và thiếu năng lượng, cũng như kế hoạch về năng lượng. Còn Nga là cường quốc công nghệ, có khả năng giúp Việt Nam tiếp cận các hệ thống năng lượng.

Mục tiêu tổng quát đã được Việt Nam xác định: Bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia; cung cấp đầy đủ năng lượng ổn định, có chất lượng cao với giá cả hợp lý cho phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Tiến hành chuyển đổi năng lượng góp phần quan trọng đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Hợp tác với Nga về phát triển năng lượng ví như được “người khổng lồ” giúp sức.

Hiện nay Nga đang “gặp vấn đề” trong việc giải quyết chung với nhiều quốc gia thân thiện, trong đó có Việt Nam. Nhưng vướng mắc chủ yếu do cơ sở hạ tầng hợp tác tài chính chưa phát triển và lo ngại từ phía các đối tác về các biện pháp trừng phạt thứ cấp. Trong khi các nước phương Tây áp dụng nhiều hạn chế, nhiều biện pháp trừng phạt, cấm vận liên quan đến các quốc gia khác trong chính sách của họ thì Nga lại làm ngược lại. Tức là, tăng cường quan hệ với các nước láng giềng. Việc phát triển quan hệ với các nước láng giềng, trước hết được thiết kế để tăng cường nền kinh tế, liên hệ nhân đạo và nói chung là hiểu biết lẫn nhau trên trường quốc tế. Các chuyến thăm của Tổng thống Nga Putin ưu tiên số một cho chiến lược này.

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, có thể ông Putin muốn phát đi một tín hiệu: Chính sách “Hướng Đông” của Nga vẫn đang đi đúng hướng. Theo đó, phương Tây đã thất bại trong các nỗ lực nhằm cô lập Nga. Còn đối với Việt Nam, việc họ hoan hỉ chào đón nhà lãnh đạo nước Nga, không sợ mất lòng các nước khác thể hiện và khẳng định chính sách đối ngoại đa dạng hóa, đa phương hóa, sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy, vì sự phát triển, thịnh vượng.

Hơn thế, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga có bề dầy lịch sử, văn hóa. Hi vọng sau chuyến thăm sễ mở ra nhiều cánh cửa lâu nay còn bị kẹt, còn ngập ngừng, dẫn đến sự đầu tư trực tiếp và thương mại song phương giữa hai quốc gia còn chưa tương xứng tiềm năng.

Trong bối cảnh thế giới đang định hình lại cục diện địa chính trị – địa kinh tế, với nhiều diễn biến phức tạp khó dự báo, thì việc phát triển quan hệ kinh tế Việt Nam – Liên bang Nga là vấn đề mang giá trị cốt lõi. Từ dấu mốc này mở ra một chương mới nhiều hứa hẹn, vì hòa bình, hợp tác, phát triển.

H.Đ

RELATED ARTICLES

Tin mới