Việt Nam bảo lưu toàn bộ quyền và lợi ích của mình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, và sẵn sàng trao đổi với Philippines để tìm kiếm và đi đến giải pháp phù hợp với lợi ích của cả hai nước.
Ngày 20-6, trả lời câu hỏi quan điểm của Việt Nam về việc Philippines vừa đệ trình Báo cáo ranh giới ngoài thềm lục địa ở Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ:
Các quốc gia ven biển thành viên của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) có quyền xác định ranh giới ngoài thềm lục địa mở rộng của mình trên cơ sở phù hợp với các quy định liên quan của UNCLOS 1982. Tuy nhiên, quốc gia ven biển khi đệ trình ranh giới ngoài thềm lục địa cần tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các quốc gia ven biển liên quan khác có bờ biển đối diện hoặc tiếp liền.
Theo đó, Việt Nam bảo lưu toàn bộ quyền và lợi ích của mình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982, và sẵn sàng trao đổi với Philippines để tìm kiếm và đi đến giải pháp phù hợp với lợi ích của cả hai nước.
Nhân dịp này, Việt Nam một lần nữa khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, và các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam, được xác lập phù hợp với UNCLOS 1982.
Trước đó, ngày 15-6, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết nước này vừa trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của Liên Hiệp Quốc bản đăng ký mở rộng thềm lục địa ở Biển Đông.
Việc nộp yêu sách về thềm lục địa mở rộng đã được Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr phê chuẩn, diễn ra sau khi Philippines thực hiện cuộc nghiên cứu khoa học và kỹ thuật toàn diện về thềm lục địa ở Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Philippines cho biết nước này mất hơn 15 năm để chuẩn bị cho việc đệ trình nói trên.
Philippines giải thích họ đang sử dụng quyền theo UNCLOS 1982 để thiết lập ranh giới ngoài của thềm lục địa, bao gồm vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, kéo dài lên tới 350 hải lý.
“Các sự cố trên biển có xu hướng làm lu mờ tầm quan trọng của những thứ nằm bên dưới. Đáy biển và lòng đất dưới đáy biển trải dài từ quần đảo của chúng tôi lên đến mức tối đa được UNCLOS cho phép hiện nắm giữ các nguồn tài nguyên tiềm năng đáng kể, vốn sẽ mang lại lợi ích cho quốc gia và người dân của chúng tôi trong nhiều thế hệ tiếp theo” – ông Marshall Louis Alferez, trợ lý ngoại trưởng Philippines phụ trách các sự vụ hàng hải và đại dương, bình luận.
“Hôm nay, chúng tôi bảo đảm tương lai của mình bằng cách thể hiện đặc quyền của mình trong việc thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên, theo quyền ECS của chúng tôi”, quan chức này nói thêm.