Vô hình trung, Nga đã ủng hộ Trung Quốc “đánh phủ đầu” phán quyết của PCA từ khi nó chưa được công bố.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, ảnh: report.az.
Ngày 10/6/2016, Đại diện chính thức Bộ Ngoại giao Nga M.Zakharova đã lên tiếng thông báo lập trường chính thức của Nga về tình hình Biển Đông. Đáng chú ý, trong lúc lập trường này của Nga làm dậy sóng dư luận Việt Nam thì chính một nhà bình luận người Việt, lại biến sóng gió thành bão.
Trước hết, người viết cho rằng cần phải thấy rõ việc Nga ra tuyên bố về lập trường của mình về Biển Đông một lần nữa vào thời điểm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) chuẩn bị đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc một số vấn đề liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông (từ đây xin gọi tắt là “Vụ kiện Biển Đông”), là rất đáng chú ý.
Lần trước Nga lên tiếng là cách đây 2 tháng, ngày 12/4 ông Sergei Lavrov, Ngoại trưởng Nga đã tuyên bố, mọi tranh chấp trên Biển Đông cần được giải quyết thông qua các biện pháp chính trị – ngoại giao, đó là phương án khả thi duy nhất.
Đồng thời Ngoại trưởng Nga cho rằng: “Cần phải dừng lại mọi hành vi can thiệp vào hoạt động đàm phán trực tiếp của các bên liên quan hòng quốc tế hóa những vấn đề này.”
Có thể hiểu tuyên bố của ông Lavrov trong bối cảnh cụ thể. Nga cần phải có những xem xét mới đối với chiến lược địa chính trị của mình bởi lệnh trừng phạt từ Phương Tây áp đặt lên nước này được tiếp tục gia hạn đến cuối năm nay; giá dầu thế giới chưa có dấu hiệu hồi phục đến mức nước này mong muốn…
Nga cần Trung Quốc, một đối tác sẵn tiền mặt và khát khao những công nghệ, thế mạnh mà Nga đang có. Nga sẵn sàng đưa ra những tuyên bố tưởng rằng “không mất gì, chỉ có được” để lấy lòng Trung Quốc.
Nhưng phát biểu của ông Lavrov đã gây bão trong dư luận, hầu hết truyền thông và giới phân tích quốc tế tin rằng Nga đang ủng hộ lập trường của Trung Quốc trên Biển Đông.
Giờ đây một lần nữa Nga lại đưa tuyên bố gần như trùng khớp với những gì Trung Quốc đang cổ súy và theo đuổi hòng trốn tránh phán quyết của PCA và nghĩa vụ của một nước thành viên UNCLOS.
Trung Quốc đang cố gắng giải thích sai lệch luật pháp quốc tế, đặc biệt với những nội dung liên quan trực tiếp đến “Vụ kiện Biển Đông.” Ở đây người viết sẽ đi vào nghiên cứu vấn đề này thông qua bài phân tích “Nga chưa bao giờ thay đổi lập trường về tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông” của Đại tá Lê Thế Mẫu, với cái nhìn có thể nói là hoàn toàn ủng hộ những lập trường này của Nga.
Tác giả đề cập đến 2 điểm trong tuyên bố của bà Zakharova như sau:
(1) Quan điểm nhất quán trước sau như một của Nga là “do không phải là một trong các bên tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nên Nga không đứng về bất cứ bên nào trong cuộc tranh chấp này” hoàn toàn trùng hợp với quan điểm của Mỹ cũng như nhiều nước khác về tranh chấp ở Biển Đông, hoàn toàn không có ý ủng hộ Trung Quốc như Bắc Kinh cố ý giải thích sai rằng Nga đứng về phía Trung Quốc.
(2) Quan điểm của Nga về việc “các lực lượng thứ ba tham gia vào các cuộc tranh chấp này chỉ có thể khiến cho tình tình trong khu vực này căng thẳng thêm”.
Quan điểm của Nga phản ánh một thực tế là, từ trước tới nay, tất cả các cuộc đàm phán về DOC, hay COC, hay tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đều chỉ được tiến hành trong khuôn khổ song phương giữa Trung Quốc với Việt Nam và các nước khác có tranh chấp, hoặc trong khuôn khổ ASEAN-Trung Quốc.
Thực ra theo người viết, hai vấn đề này là một. Một số loại tranh chấp trên Biển Đông nếu được giải quyết bằng con đường đàm phán, thì cần được giải quyết song phương nếu là tranh chấp song phương, phải được giải quyết đa phương nếu là tranh chấp đa phương.
Ví dụ nếu tranh chấp đó liên quan đến nhiều nước như Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei… thì khi nó được đưa lên bàn đàm phán, phải là đàm phán giữa đầy đủ các bên liên quan, không được phép để cho Trung Quốc tìm cách đàm phán song phương với từng bên để “bẻ từng chiếc đũa.”
Nhưng nếu trường hợp tranh chấp không thể giải quyết được bằng con đường đàm phán sau nhiều nỗ lực, cố gắng mà không đi đến đâu vì những điều kiện Trung Quốc đưa ra không thể chấp nhận: Thừa nhận chủ quyền thuộc Trung Quốc, rồi đàm phán gì thì đàm phán, hoặc cố tình chây ỳ, hoãn binh thì đưa tranh chấp ra một cơ quan trọng tài quốc tế có thẩm quyền thiết nghĩ là lựa chọn hòa bình, hợp pháp, văn minh.
Điều này cũng nhất quán với chính sách đối ngoại của Việt Nam là không liên kết với nước này để chống lại nước khác. Nghĩa là Việt Nam sẽ không mời Nga, Mỹ, Ấn Độ hay bất cứ một nước không liên quan nào khác vào bàn đàm phán để tìm sự ủng hộ trước Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp song phương, ví dụ như chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, khủng hoảng giàn khoan 981…
Nhưng nếu thiện chí và nỗ lực giải quyết vấn đề thông qua đàm phán hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế mà không đi đến đâu, thì Việt Nam cũng sẽ phải tính đến phương án pháp lý, khởi kiện như Philippines đang làm. Điều này là hợp pháp và cần thiết.
Tác giả đã tách một vấn đề làm hai – đầu tiên là giải thích về việc Nga tự tách mình ra khỏi các tranh chấp Biển Đông (và cho rằng điều này đúng với quan điểm của Hoa Kỳ và một số nước khác). Đây là một việc làm nguy hiểm, vì cần phải làm rõ, tranh chấp Biển Đông là tranh chấp nào.
“Vụ kiện Biển Đông” có những nội dung rất quan trọng liên quan đến “đường chín đoạn” hay “đường lưỡi bò” của Trung Quốc đưa ra, nhằm độc chiếm Biển Đông; Hiệu lực pháp lý của một số thực thể ở Trường Sa mà Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp, bồi lấp đảo nhân tạo và bãi cạn Scarborough đến đâu.
Nếu PCA ra phán quyết công nhận các thực thể mà Philippines đề cập và PCA ra phán quyết đủ thẩm quyền xét xử ngày 29/10/2015 là không đủ tiêu chuẩn hưởng quy chế vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý theo Điều 121 UNCLOS, thậm chí có những thực thể không được hưởng quy chế lãnh hải 12 hải lý, thì sẽ chính thức vô hiệu hóa âm mưu của Bắc Kinh biến các thực thể không phải đảo này thành đảo, để hưởng quy chế của đảo theo Điều 121.
Ngoài ra còn có những hành động của Trung Quốc trên một số khu vực ngăn cản, đe dọa tính mạng và tài sản của ngư dân các nước ven Biển Đông bao gồm Philippines, hoặc các hoạt động của Trung Quốc ảnh hưởng đến quyền tự do hàng hải, hàng không quốc tế ở Biển Đông.
Hoa Kỳ không thể đứng ngoài trong một vụ tranh chấp liên quan đến quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, ảnh hưởng đến thông thương hàng hải quốc tế và đe dọa lợi ích của nước Mỹ.
Tất nhiên, cho dù Hoa Kỳ chưa phải thành viên của UNCLOS thì cũng không có nghĩa là họ không có quyền ủng hộ, bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình và khu vực, tự do hàng hải, hàng không, luật pháp và trật tự quốc tế ở Biển Đông.
Nga có quyền đứng ngoài vấn đề Biển Đông nếu muốn, nhưng Moscow không thể ép hay ngăn cản bất kỳ quốc gia nào tham gia bảo vệ UNCLOS, tự do hàng hải hàng không và trật tự quốc tế ở Biển Đông.
Bởi nếu làm như vậy, Nga chỉ tự tước bỏ vị thế của mình trên trường quốc tế mà thôi.
Tương tự như vậy, ở điểm (2) mà Đại tá Lê Thế Mẫu đã tách ra có đề cập đến “lực lượng thứ ba”. Nếu hiểu đúng bản chất vụ kiện của Philippines và cũng là trọng điểm quan tâm, theo dõi của dư luận về Biển Đông trước thềm phán quyết của PCA, thì “lực lượng thứ ba” trong trường hợp này không chỉ là Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Australia…
Mà theo người viết, Nga còn muốn đề cập đến PCA là nơi thụ lý vụ kiện và chuẩn bị đưa ra phán quyết. Đây mới là điều Trung Quốc cần tiếng nói của Nga vào đúng lúc này. Và đó cũng là lý do tại sao Nga lại lên tiếng gây tranh cãi về Biển Đông vào đúng thời điểm này.
Vô hình trung, Nga đã ủng hộ Trung Quốc “đánh phủ đầu” phán quyết của PCA từ khi nó chưa được công bố. Nếu đúng như vậy, Nga không ủng hộ Trung Quốc thì là gì? Tuy nhiên, Đại tá Lê Thế Mẫu lại hiểu tuyên bố này thành, Nga không hề ủng hộ Trung Quốc!
Để lập luận của mình thêm vững chắc, tác giả viết: “Quan điểm của Nga phản ánh một thực tế là, từ trước tới nay, tất cả các cuộc đàm phán về DOC, hay COC, hay tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông đều chỉ được tiến hành trong khuôn khổ song phương giữa Trung Quốc với Việt Nam và các nước khác có tranh chấp, hoặc trong khuôn khổ ASEAN-Trung Quốc.”
Tôi cũng không rõ, tác giả có hiểu về pháp luật quốc tế hay không, trong khi theo tôi biết ông là nhà bình luận quân sự có tiếng. Nhưng riêng lập luận này cho thấy, hoặc người viết không hiểu về luật pháp quốc tế, hoặc cố tình làm mờ các khái niệm để hoặc đánh tráo, hoặc đánh đồng chúng với nhau.
“Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông” DOC chẳng hạn, được xây dựng trên cơ sở UNCLOS và những nguyên tắc được thừa nhận phổ biến khác của luật pháp quốc tế. DOC chỉ là một tuyên bố chính trị, không phải một điều ước quốc tế có tính ràng buộc pháp lý.
Mặt khác với những thiện chí và nỗ lực đàm phán Philippines theo đuổi trong gần 20 năm ròng rã không đi đến đâu, Philippines mới buộc phải đệ đơn ra PCA. Đó cũng là Trung Quốc ép Philippines tới chỗ cực chẳng đã.
Huống hồ việc Philippines khởi kiện Trung Quốc theo Phụ lục VII, UNCLOS không mâu thuẫn gì với tinh thần của DOC. Khi tranh chấp không thể giải quyết được bằng đàm phán, thì việc Philippines đưa vấn đề ra một cơ quan tài phán quốc tế là hợp pháp và đúng nguyên tắc của pháp luật quốc tế.
Dường như tác giả đã làm một việc hết sức nguy hiểm, là ra sức bảo vệ lập trường của Nga mà quên mất rằng, điều đó vô hình chung đang góp phần thủ tiêu quyền hợp pháp của Việt Nam nếu khởi kiện một vụ kiện tương tự như của Philippines.
Vẫn theo mạch như vậy, Đại tá Lê Thế Mẫu lại mâu thuẫn với chính mình khi ở đoạn (3), ông viết: “Hơn nữa, khi Nga nói tới “luật pháp quốc tế” thì trong đó không loại trừ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế.”
Ở trên, ông đã cùng với các nhà ngoại giao Nga thủ tiêu vai trò của “lực lượng thứ ba” bao gồm cả PCA, ở dưới ông lại cố vớt vát cho chính những lập trường đầy mâu thuẫn này.
Ông cho rằng Nga “gián tiếp lên án những hoạt động tu bổ tôn tạo của Trung Quốc” bằng cách viện dẫn ra một nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế, là “không sử dụng sức mạnh” (nguyên tắc không sử dụng vũ lực và đe dọa dùng vũ lực trong quan hệ quốc tế).
Nhưng chính ông không chú ý nội dung trong tuyên bố của bà Zakharova liền theo đó là các tranh chấp “chủ quyền” ở Biển Đông cần được giải quyết thông qua các giải pháp chính trị-ngoại giao. Đó cũng là điều Ngoại trưởng Lavrov đã nói.
Nếu các bên chỉ được phép sử dụng giải pháp chính trị – ngoại giao thì cũng theo logic này không được dùng biện pháp pháp lý. Vậy thì phải chăng theo nhà bình luận này, “Vụ kiện Biển Đông” chỉ đáng vứt vào sọt rác? Và nếu trong tương lai, Việt Nam có khởi kiện Trung Quốc thì phải chăng cũng chẳng có ý nghĩa gì?
Quay lại với những vấn đề về quan hệ quốc tế. Vừa qua, ngày 2/6 Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo, quân đội nước này sẽ tham gia cuộc tập trận chung RIMPAC với Hải quân Hoa Kỳ tại Hawaii.
Đây có thể nói là một động thái rất đáng chú ý liên quan đến tình hình Thái Bình Dương, và gián tiếp liên quan đến Biển Đông. Nếu quan hệ Mỹ – Trung cải thiện hơn, biết đâu Nga lại bị gạt ra ngoài lề của “thời sự Thái Bình Dương” – nơi mà chính nước này cũng đang muốn hướng tới trong chiến lược “xoay trục” của mình sang phía Đông?
Điểm (4), lập luận cuối cùng của nhà phân tích quân sự đề cập sáng kiến mới của Nga “xây dựng một cấu trúc an ninh mới trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương dựa trên các nguyên tắc tập thể, không liên kết và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế” và cho rằng đó là một kế hoạch khả thi với sự tham gia sâu rộng của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines…
Tiếc là ông đã bỏ sót chi tiết “Trung Quốc tham gia RIMPAC” và hơn nữa, một “cấu trúc” như vậy chắc gì đã được Trung Quốc nhiệt tình ủng hộ. Bởi lẽ Bắc Kinh còn chưa biết nó lợi hại ra sao với chính sách bành trướng của nước này trên Biển Đông.
Bám lấy một ý tưởng xa vời và bỏ qua một sự kiện chắc chắn sắp diễn ra, thật là một thiếu sót lớn trong đánh giá tình hình.
Nhưng Nga thì có thể không bỏ qua sự kiện đó. Và có thể nói, thông tin Trung Quốc sẽ tham gia RIMPAC đối với Nga không phải là chuyện vui vẻ gì. Điều đó diễn ra càng chứng tỏ Moscow sẽ đứng trước nguy cơ bị gạt ra bên lề của các hoạt động quan trọng có tính chiến lược ở Thái Bình Dương.
Chính vì thế phải chăng Nga đã tiếp tục có những tuyên bố để giữ chân Trung Quốc ở lại với “trục” của mình?