Ngoại giao Trung Quốc đã mất đi một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất khi cựu đại sứ Ngô Kiến Dân qua đời trong vụ tai nạn giao thông gần đây, truyền thông nước này nhận định.
Nhà ngoại giao “ôn hòa”
Truyền thông Trung Quốc nhận định, trong thời điểm Bắc Kinh đang cần những tiếng nói ủng hộ cho sự hội nhập, hợp tác quốc để giải quyết các tranh chấp thì sự ra đi bất ngờ của cựu đại sứ Ngô Kiến Dân là tổn thất rất lớn đối với giới ngoại giao nước này.
Tài khoản Weibo chính thức Báo Giải phóng quân (Trung Quốc) cũng bình luận: “Dù không hoàn toàn tán thành với một số quan điểm của Ngô Kiến Dân nhưng Trung Quốc ngày nay cần nhiều hơn những tiếng nói như của ông ấy để đa dạng hóa quan điểm trong thời kì hội nhập”.
Được coi như là thủ lĩnh “phái bồ câu” trong ngành đối ngoại của Trung Quốc, quan điểm ngoại giao “ôn hòa” của Ngô đã gây nhiều tranh cãi ở Trung Quốc.
Cựu Đại sứ Ngô Kiến Dân (1939 – 2016). (Ảnh: Chinanews)
Ngô Kiến Dân tốt nghiệp khoa Tiếng Pháp Học viện Ngoại ngữ Bắc Kinh năm 1959.Ông từng là phiên dịch cho nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng Trung Quốc như Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai v.v…Ông được đánh giá là một nhà ngoại giao nổi tiếng và giữ nhiều cương vị công tác như: từng là người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc; Đại sứ tại một số nước như Pháp, Hà Lan; Viện trưởng Học viện Ngoại giao.Ngô Kiến Dân qua đời hôm 18/6, ở tuổi 77, vì tai nạn giao thông.
Trước đó, khoảng thập niên 80, 90 cuối thế kỷ trước, ông Ngô đã bị nhiều người Trung Quốc coi là kẻ “mang tâm thế của nước nhỏ” khi nhiều lần lên tiếng kêu gọi chính phủ Trung Quốc nên tuân thủ các luật lệ quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Một số người thậm chí còn nghi ngờ sự trung thành của Ngô Kiến Dân với Trung Quốc và gọi ông là “Hán gian”.
Năm 2015, cuộc tranh luận kịch tính trên Đài truyền hình Phượng Hoàng (Hồng Kông|) của Ngô Kiến Dân với tướng “diều hâu” La Viện – người luôn đưa ra những quan điểm hiếu chiến về tranh chấp Biển Đông đã đặc biệt thu hút sự chú ý của dư luận.
Trả lời phỏng vấn Báo Tân Kinh (Trung Quốc) về cuộc tranh luận trên, Ngô cho rằng: “Trong thời đại hòa bình và phát triển, nước nào phát động chiến tranh, nước đó sẽ phải trả giá. Trung Quốc tuyệt đối không nên hành xử như vậy”.
Hay trước lời công kích của Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu Hồ Tích Tiến, ông Ngô phản bác rằng: “Hoàn Cầu thường đăng tải nhiều bài viết có nội dung tiêu cực…Rất nhiều người hiện nay không hiểu rõ về tình hình thế giới, không nắm bắt được đại cục”.
“Ông Ngô là ‘lá cờ đi đầu” trong giới ngoại giao và có tiếng nói quan trọng trong thời điểm hiện nay”, một chuyên gia Trung Quốc cho hay.
Vì thế, một số ý kiến, kể cả từ giới quan sát phương Tây, cho rằng, sự ra đi của ông Ngô Kiến Dân sẽ ảnh hưởng không tốt cho “phe ôn hòa” với những giải pháp hòa bình tích cực trong quá trình giải quyết những bất đồng quốc tế.
Ngô Kiến Dân có thực sự là “bồ câu”?
Tuy nhiên, trong một bài viết trên tạp chí The Diplomat, học giả người Hoa Dingding Chen (Đại học Macau)cho rằng, gọi Ngô Kiến Dân là thủ lĩnh của “phe bồ câu” có thể là một sai lầm, bởi Ngô chưa bao giờ là người mang tư tưởng “ôn hòa” thuần túy. Dù cách phát ngôn có vẻ mềm mỏng, nhã nhặn, song về bản chất, Ngô Kiến Dân, cũng như La Viện, vẫn là người bảo vệ đến cùng những lợi ích của Trung Quốc.
La Viện (trái) và Ngô Kiến Dân (phải) tranh luận trong chương trình bình luận “Đại chiến lược thế giới” của đài Phượng Hoàng (Hồng Kông) năm 2015. Ảnh: inmfzm.com
Mặc dù chống chủ nghĩa dân tộc cực đoan và kêu gọi Trung Quốc cần giữ bình tĩnh, suy nghĩ toàn diện để giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, nhưng về vấn đề Biển Đông, Ngô Kiến Dân vẫn không thoát khỏi cách lập luận truyền thống của phe “diều hâu”, rằng, Trung Quốc là “nạn nhân”.
Trong một bài viết hồi tháng 4 vừa qua, ông Ngô đổ lỗi: “Truyền thông Mỹ đã bóp méo lập trường của chính phủ Trung Quốc khi cho rằng, bên trong đường 9 đoạn là lãnh hải của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc chưa bao giờ nói vậy. (?)
Bản chất của vấn đề Biển Đông là gì? Vấn đề Biển Đông là tranh chấp lãnh thổ do lịch sử để lại…. Năm 1984, Đặng Tiểu Bình đã đưa ra chủ trương: ‘Chủ quyền thuộc Trung Quốc, gác tranh chấp cùng khai thác'(?!)
Phương châm này hiện nay vẫn là kim chỉ nam cho phương thức xử lý tranh chấp Biển Đông của chính phủ và ngày càng có nhiều người ủng hộ phương châm này ở khu vực châu Á cũng như toàn trên thế giới”.
Như thế, Ngô Kiến Dân, cũng như La Viện, vẫn khăng khăng bảo vệ quan điểm sai trái của nhiều thế hệ lãnh đạo Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông.
“Gác tranh chấp, cùng khai thác”, nghe thì mềm mỏng, nhưng khi gắn với một yêu sách chủ quyền phi lý, thì về bản chất, đề nghị này thực ra phải hiểu là: “cái gì của tôi là của tôi, cái gì là của anh thì chúng ta cùng nhau khai thác!” như cách phân tích của chuyên gia Ralph Cossa (Diễn đàn Thái Bình Dương, Hawaii, Mỹ).
Dingding Chen cho rằng, Trung Quốc cần có thêm những nhân vật “bồ câu” như Ngô Kiến Dân, để cân bằng với phe diều hâu đang ngày càng lớn mạnh. Bởi nếu không, việc có quá nhiều cái đầu nóng can dự vào chính sách đối ngoại sẽ gây ra nhiều nguy cơ, mà trước hết là cho chính Trung Quốc.
Tuy nhiên, các nước ngoài Trung Quốc không cần lo ngại về việc nước này mất đi một nhân vật được cho là có ảnh hưởng lớn trong phe “bồ câu” như Ngô Kiến Dân. Bởi lẽ, như phân tích ở trên, Ngô chưa bao giờ là “bồ câu” hoàn toàn theo đúng nghĩa.