Sunday, December 22, 2024
Trang chủĐàm luậnÔng Lê Duẩn đã nhận định về Trung Quốc như thế nào?(Kỳ...

Ông Lê Duẩn đã nhận định về Trung Quốc như thế nào?(Kỳ II)

“Chỉ có những người nghĩ rằng họ vẫn có thể đánh chúng ta và dám đánh chúng ta là những kẻ phản động Trung Quốc. Nhưng người dân Trung Quốc hoàn toàn không muốn thế. Tôi không biết những kẻ phản động Trung Quốc này sẽ tiếp tục tồn tại thêm bao lâu nữa?”

 

 

Cố Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Trường Chinh

KỲ II- ÂM MƯU THÔN TÍNH VIỆT NAM VÀ ĐÔNG NAM Á

Năm 1963, khi Khrushchev phạm sai lầm, ngay lập tức [Trung Quốc] ban hành một tuyên bố 25 điểm và mời Đảng chúng ta đến cho ý kiến . Anh Trường Chinh và tôi đã đi cùng với một số anh em khác. Trong cuộc thảo luận, họ (Trung Quốc) lắng nghe chúng tôi đến, hình như là điểm thứ 10, nhưng khi đến điểm “không từ bỏ phe xã hội chủ nghĩa”, họ đã không nghe… Đặng Tiểu Bình nói: “Tôi chịu trách nhiệm về tài liệu của chính tôi, tôi muốn nghe ý kiến của các đồng chí, nhưng tôi không chấp nhận quan điểm này của các đồng chí“.

Trước khi chúng tôi ra về, Mao gặp anh Trường Chinh và tôi. Mao ngồi xuống trò chuyện với chúng tôi và cuối cùng ông ta tuyên bố: “Các đồng chí, tôi muốn nói cho các đồng chí biết điều này. Tôi sẽ là chủ tịch của 500 triệu nông dân đang thiếu đất, và tôi sẽ mang một đạo quân tiến xuống khu vực Đông Nam Á”. Đặng Tiểu Bình cũng ngồi ở đó, nói thêm: “Chủ yếu là vì nông dân nghèo, trong tình cảnh khó khăn cùng cực!”

Khi chúng tôi ra ngoài, tôi nói với anh Trường Chinh: “Đó anh thấy đó, âm mưu chiếm nước ta và Đông Nam Á. Bây giờ đã rõ rồi”. Họ dám tuyên bố điều đó như thế. Họ nghĩ chúng ta không hiểu. Đúng là không lúc nào họ không nghĩ đến đánh Việt Nam!

Tôi sẽ nói với các đồng chí nhiều hơn để các đồng chí có thể thấy thêm về tầm quan trọng quân sự trong vấn đề này.

Mao hỏi tôi: Ở Lào, có bao nhiêu cây số vuông đất?

Tôi trả lời: Khoảng 200.000 cây số vuông.

Mao hỏi: Dân số của họ bao nhiêu?

Tôi trả lời: Khoảng 3 triệu!

Mao nói: Như vậy là không nhiều! Tôi sẽ đưa dân tôi đến đó, thật mà!

Mao hỏi: Có bao nhiêu cây số vuông đất ở Thái Lan?

Tôi trả lời: Khoảng 500.000 cây số vuông.

Mao hỏi: Có bao nhiêu người?

Tôi trả lời: Khoảng 40 triệu!

Mao nói: Lạy Chúa! Tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc có 500.000 cây số vuông, nhưng có tới 90 triệu người. Tôi cũng sẽ đưa một số người dân của tôi tới Thái Lan!

Đối với Việt Nam, họ không dám nói về việc đưa người tới theo cách này. Tuy nhiên, ông ta (Mao) nói với tôi: “Đồng chí, có đúng là người của các đồng chí đã chiến đấu và đánh bại quân Nguyên?” Tôi nói: “Đúng“. Ông ta hỏi: “Có phải cũng chính người của đồng chí đã đánh bại quân Thanh?” Tôi nói: “Đúng“. Ông ta nói: “Và quân Minh nữa, phải không?” Tôi nói: “Đúng, và cả các ông nữa. Tôi đánh các ông luôn. Các ông có biết điều đó không?“

Tôi đã nói với Mao Trạch Đông như thế. Ông ta nói: “Có, có!” Ông ta muốn chiếm Lào, cả Thái Lan, cũng như muốn chiếm tất cả các nước Đông Nam Á. Đưa người dân đến sống ở đó. Quan điểm đó thật là phức tạp.

Trong quá khứ (nói đến vấn đề có thể xuất phát từ mối đe dọa của Trung Quốc trong thời gian này), chúng ta đã chuẩn bị rất nhiều, không phải là chúng ta không chuẩn bị. Nếu chúng ta không chuẩn bị, tình hình gần đây sẽ rất nguy hiểm. Không phải là vấn đề đơn giản.

Mười năm trước, tôi đã triệu tập các anh em trong quân đội đến gặp tôi. Tôi nói với họ rằng Liên Xô và Mỹ mâu thuẫn với nhau. Đối với Trung Quốc, họ đã bắt tay với đế quốc Mỹ. Trong tình hình căng thẳng này, các đồng chí phải nghiên cứu vấn đề này ngay lập tức. Tôi sợ rằng quân đội không hiểu ý tôi, nên tôi nói với họ rằng, không có cách nào khác để hiểu vấn đề này. Nhưng họ vẫn thấy khó hiểu. Hoàn toàn không dễ. Nhưng tôi không thể nói bằng cách nào khác. Và tôi đã không cho phép những kẻ khác túm lấy tôi.

Khi tôi đến Liên Xô, Liên Xô cũng làm khó tôi về Trung Quốc. Liên Xô đã triệu tập một cuộc họp gồm 80 đảng [cộng sản] để hỗ trợ Việt Nam, nhưng Việt Nam không tham dự hội nghị này, vì [buổi họp này] không chỉ đơn giản chỉ nhằm giúp Việt Nam, mà còn có mục đích lên án Trung Quốc. Nên Việt Nam đã không đi.

Liên Xô nói: “Bây giờ các đồng chí bỏ rơi chủ nghĩa quốc tế [hay] là cái gì? Tại sao các đồng chí làm điều này?” Tôi nói: “Tôi hoàn toàn không bỏ rơi chủ nghĩa quốc tế. Tôi không bao giờ làm điều này. Tuy nhiên, để là người quốc tế, trước tiên phải đánh bại Mỹ. Và nếu một nước muốn đánh bại Mỹ, thì phải có sự thống nhất và đoàn kết với Trung Quốc. Nếu tôi đến hội nghị này, thì Trung Quốc sẽ gây nhiều khó khăn lớn với chúng tôi. Các đồng chí, hãy hiểu cho tôi“.

Tại Trung Quốc cũng có nhiều ý kiến và tranh luận khác nhau. Chu Ân Lai đồng ý việc hình thành một mặt trận với Liên Xô để chống Mỹ. Một lần, khi tôi đi Liên Xô để dự lễ kỷ niệm quốc gia, tôi có đọc một bức điện Trung Quốc gửi sang Liên Xô, nói rằng: “Bất cứ khi nào có ai đó tấn công Liên Xô, thì Trung Quốc sẽ đứng bên cạnh các bạn”. Đó là vì đã có một hiệp ước hữu nghị giữa Liên Xô và Trung Quốc từ thời trước đó (tháng 2 năm 1950).

Ngồi cạnh Chu Ân Lai, tôi hỏi ông ta: “Trong bức điện gửi đến Liên Xô gần đây, đồng chí đồng ý thành lập một mặt trận với Liên Xô, nhưng tại sao các đồng chí không thành lập một mặt trận chống Mỹ?” Chu Ân Lai nói: “Chúng tôi có thể thành lập mặt trận chống Mỹ. Tôi chia sẻ quan điểm đó. Các đồng chí, tôi sẽ thành lập một mặt trận với các đồng chí [Việt Nam]“. Bành Chân cũng ngồi ở đó, nói thêm: “Quan điểm này cực kỳ chính xác!” Nhưng khi vấn đề được thảo luận tại Thượng Hải, Mao nói là không thể và hủy bỏ nó. Các đồng chí thấy nó phức tạp như thế nào.

Mặc dù Chu Ân Lai giữ vững một số quan điểm này, ông ta dù sao cũng đồng ý xây dựng một mặt trận và [ông ta] đã giúp Việt Nam rất nhiều. Cám ơn ông ta rằng tôi có thể hiểu [nhiều về những gì đang diễn ra ở Trung Quốc]. Nếu không thì sẽ rất nguy hiểm. Có lần, ông ta nói với tôi: “Tôi đang làm hết sức mình để tồn tại ở đây, sử dụng Li Chiang tích lũy và hỗ trợ cho các đồng chí“. Thì ra vậy (tức là Chu Ân Lai đã sử dụng Li Chiang, để giúp người Việt Nam). Có nghĩa là, không có Chu Ân Lai, điều này sẽ hoàn toàn không thể xảy ra. Tôi đang mắc nợ ông ta.

Tuy nhiên, không đúng để nói rằng các lãnh đạo khác của Trung Quốc hoàn toàn chia sẻ quan điểm của Chu Ân Lai. Họ khác nhau nhiều thứ. Phải nói rằng, người kiên quyết nhất là người có tinh thần Đại Hán và là người muốn chiếm Đông Nam Á, đó chính là Mao Trạch Đông. Tất cả các chính sách [của Trung Quốc] đều nằm trong tay ông ta.

Điều tương tự cũng áp dụng đối với các nhà lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng ta không biết tương lai sẽ ra sao, [sự thật của vấn đề là] họ đã tấn công chúng ta. Trong quá khứ, Đặng Tiểu Bình đã làm hai điều mà hiện đang bị đảo lộn. Đó là, khi chúng ta giành chiến thắng ở miền Nam Việt Nam, nhiều [lãnh đạo] Trung Quốc không hài lòng. Tuy nhiên, dù sao Đặng Tiểu Bình cũng chúc mừng chúng ta. Vì lý do này, ngay lập tức ông ta đã bị những người khác xem như là người theo chủ nghĩa xét lại.

Khi tôi đi Trung Quốc lần cuối, tôi dẫn đầu phái đoàn, và tôi đã gặp phái đoàn Trung Quốc do Đặng Tiểu Bình đứng đầu. Khi nói về vấn đề lãnh thổ, gồm cả việc thảo luận về một số hòn đảo, tôi nói: “Hai đất nước chúng ta ở gần nhau, Có một số vùng lãnh thổ của chúng ta vẫn chưa được xác định rõ ràng. Hai bên nên thành lập các cơ quan để xem xét vấn đề này. Các đồng chí, làm ơn đồng ý với tôi [về vấn đề này]”. Ông ta (Đặng Tiểu Bình) đồng ý, nhưng sau khi làm như vậy, ngay lập tức ông ta bị nhóm lãnh đạo khác xem như là người theo chủ nghĩa xét lại.

Nhưng bây giờ ông ta (Đặng Tiểu Bình) điên rồi. Bởi vì ông ta muốn cho mọi người thấy rằng ông ta không phải là người theo chủ nghĩa xét lại, cho nên ông ta đã tấn công Việt Nam mạnh hơn. Ông ta để cho họ tiếp tục tấn công Việt Nam.

Sau khi đánh bại Mỹ, chúng ta giữ lại hơn một triệu quân, các đồng chí lãnh đạo Liên Xô hỏi chúng tôi: “Các đồng chí định đánh với ai mà giữ lại một đội quân thường trực lớn như vậy?” Tôi nói: “Sau này, các đồng chí sẽ hiểu“. Lý do duy nhất chúng ta giữ quân đội thường trực như thế là vì mối đe dọa của Trung Quốc đối với Việt Nam. Nếu không có [một mối đe dọa như thế], thì điều này (quân đội thường trực lớn) sẽ không cần. Gần đây, bị tấn công trên hai mặt trận, [chúng ta có thể thấy rằng] rất nguy hiểm nếu chúng ta đã không được duy trì một đội quân lớn.

(B) (Ý nghĩa của chữ “B” này trong văn bản gốc không rõ ràng) – Sau Đệ nhị Thế chiến, tất cả mọi người tin rằng tên sen đầm quốc tế là đế quốc Mỹ. Họ có thể tiếp quản và bắt nạt cả thế giới. Tất cả các nước, gồm các nước lớn đều sợ Mỹ. Chỉ có Việt Nam là không sợ Mỹ.

Tôi hiểu vấn đề này vì công việc đã dạy tôi. Người đầu tiên sợ [Mỹ] là Mao Trạch Đông. Ông ta nói với tôi, đó là, Việt Nam và Lào, rằng: “Ngay lập tức, các ông phải chuyển giao hai tỉnh của Lào đã được giải phóng cho chính phủ Viêng Chăn. Nếu các ông không làm như vậy, thì Mỹ sẽ sử dụng điều đó làm lý do tấn công. Đó là mối nguy lớn”. Về phía Việt Nam, chúng tôi đã nói: “Chúng ta phải chiến đấu chống Mỹ để giải phóng miền Nam Việt Nam“. Ông ta (Mao) nói: “Các ông không thể làm điều đó. Miền Nam Việt Nam phải nằm đợi trong một thời gian dài, đợi một đời, 5-10 đời hoặc thậm chí 20 đời kể từ bây giờ. Các ông không thể đánh Mỹ. Đánh Mỹ là nguy hiểm”. Mao Trạch Đông đã sợ Mỹ đến mức độ đó…

Nhưng Việt Nam không sợ. Việt Nam đã tiếp tục chiến đấu. Nếu Việt Nam không đánh Mỹ thì miền Nam Việt Nam sẽ không được giải phóng. Một đất nước chưa được giải phóng sẽ vẫn là một đất nước lệ thuộc. Không ai có được độc lập nếu chỉ có một nửa đất nước được tự do. Không có được độc lập cho đến năm 1975, đất nước chúng ta cuối cùng có được độc lập hoàn toàn. Có độc lập, tự do sẽ đến. Tự do phải là tự do cho cả nước Việt Nam …

Engels đã nói về chiến tranh nhân dân. Sau đó, Liên Xô, Trung Quốc và chính chúng ta cũng đã nói [về vấn đề này]. Tuy nhiên, ba nước rất khác về nội dung [chiến tranh nhân dân]. Không đúng là chỉ vì các bạn có hàng triệu người, thì các bạn có thể làm bất cứ điều gì các bạn muốn. Trung Quốc cũng nói đến chiến tranh nhân dân, tuy nhiên, [họ cho rằng] “khi kẻ thù tiến lên, thì chúng ta phải rút lui“. Nói cách khác, phòng thủ là chính, và chiến tranh được chia thành ba giai đoạn, vùng nông thôn được sử dụng để bao vây thành thị, trong khi [các lực lượng chính] chỉ ở lại trong rừng núi… Người Trung Quốc ở thế phòng thủ và rất yếu [trong Đệ nhị Thế chiến]. Ngay cả với 400 triệu người đọ sức với quân đội Nhật Bản có 300.000 – 400.000 quân, Trung Quốc vẫn không thể đánh bại họ.

Tôi phải lặp lại điều này như thế, vì trước khi Trung Quốc gửi cố vấn cho chúng ta, một số anh em Việt Nam chúng ta không hiểu. Họ nghĩ rằng [Trung Quốc] rất có khả năng. Nhưng họ không có kỹ năng và do đó chúng ta đã không làm theo [những lời khuyên của Trung Quốc].

Năm 1952, tôi rời miền Bắc sang Trung Quốc vì tôi bị bệnh và cần điều trị. Đây là lần đầu tiên tôi đi nước ngoài. Tôi đặt câu hỏi cho họ (Trung Quốc) và thấy nhiều điều rất lạ. Có những khu vực [đã bị] quân Nhật chiếm đóng, mỗi khu có dân số khoảng 50 triệu người, nhưng không có lấy một chiến binh du kích…

Khi tôi từ Trung Quốc trở về, tôi đã gặp Bác [Hồ]. Bác hỏi tôi:

– Đây là lần đầu tiên chú đi ra nước ngoài, phải không?

Vâng, đây là lần đầu tiên tôi đi ra nước ngoài.

– Chú đã thấy gì?

Tôi thấy hai điều: Việt Nam rất dũng cảm và họ (Trung Quốc) không dũng cảm chút nào.

Tôi hiểu điều này kể từ ngày đó. Chúng ta (Việt Nam) hoàn toàn khác với họ. Lòng can đảm vốn có trong con người Việt Nam và do đó chúng ta chưa bao giờ có một chiến lược phòng thủ (ý nói ở thế thủ). Mọi người dân chiến đấu.

Gần đây, họ (Trung Quốc) đã mang hàng trăm ngàn quân vào xâm chiếm nước ta. Hầu hết, chúng ta đã sử dụng lực lượng dân quân và quân đội trong vùng để tấn công họ. Chúng ta không ở thế thủ và do đó họ phải lùi bước. Họ không thể quét sạch dù một trung đội Việt Nam, trong khi chúng ta đã xóa sổ vài trung đoàn và hàng chục tiểu đoàn của họ. Có được như vậy là vì chiến lược tấn công của chúng ta.

(còn tiếp)

RELATED ARTICLES

Tin mới