Saturday, May 18, 2024
Trang chủBiển nóngTại sao Indonesia cứng rắn về Biển Đông?

Tại sao Indonesia cứng rắn về Biển Đông?

Indonesia tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc về biển Đông, tuy nhiên trong nội bộ khối ASEAN vẫn còn tồn tại nhiều chia rẽ, bất đồng.

Vai trò quan trọng của Indonesia

Thời gian gần đây Indonesia liên tiếp thể hiện thái độ cứng rắn với phía Trung Quốc trên biển Đông.

Sau khi Quốc hội nước này thông qua tăng chi tiêu quốc phòng để nâng cấp căn cứ quân sự tại quần đảo Natuna, Tổng thống Joko Widodo ngày 29/6 cũng hạ lệnh tăng cường hoạt động thăm dò dầu khí xa bờ và khai thác thủy sản thương mại quanh quần đảo này vốn bị Trung Quốc quấy rối.

Trước đó, hải quân Indonesia đã bắt giữ một số tàu cá và ngư dân Trung Quốc gần quần đảo Natuna sau khi bắn cảnh cáo. Thậm chí chính phủ Indonesia còn triệu tập đại sứ Trung Quốc ở Jakarta đến để yêu cầu trả lời về việc xâm nhập trái phép này.

Trước những hành động mạnh mẽ của Indonesia, trao đổi với Đất Việt, Ths Hoàng Việt –  giảng viên Đại học Luật TP.HCM, thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông khẳng định Jakarta vừa có lợi ích chung, vừa có lợi ích riêng trong các tranh chấp về biển Đông. Vì vậy việc Indonesia cứng rắn với Trung Quốc là điều hoàn toàn có thể lý giải được.

Theo Ths Hoàng Việt, có 2 lý do chính dẫn đến những phản ứng ngày càng gay gắt của chính quyền tổng thống Widodo với Bắc Kinh.

Thứ nhất, Indonesia là một quốc gia lớn nhất, được ví như anh cả của ASEAN. Họ là một nước năng động, tích cực, có nhiều đóng góp cho ASEAN trong các vấn đề quốc tế thời gian qua.

Chẳng hạn năm 2012, cuộc họp của các ngoại trưởng ASEAN tại Campuchia đã lần đầu tiên không ra được một tuyên bố chung nào về biển Đông. Khi đó Ngoại trưởng của Indonesia đã tích cực bay đi để thuyết phục các nước để ra bản tuyên bố sau này.

Hay như bản dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) đầu tiên mà các quốc gia đều chấp nhận cũng là dự thảo từ Indonesia.

Thực tế, ngay từ năm 2010, Indonesia đã gửi một công hàm chính thức lên Liên Hợp Quốc để phản đối việc Trung Quốc ra công hàm và bản đồ đường lưỡi bò khẳng định chủ quyền hợp pháp trên biển Đông. Cho nên vai trò của Indonesia rất mạnh trong khối ASEAN.

Thứ hai là, mặc dù Indonesia không trực tiếp tham gia vào tranh chấp trên biển Đông nhưng đường lưỡi bò mà Trung Quốc vẽ ra cũng bao trùm cả quần đảo Natuna, khu vực được dự báo rất nhiều dầu mỏ và khí đốt.

“Tại vùng đảo này, trước đó Trung Quốc đã cho các giàn khoan tới để thăm dò. Để phản đối thì Indonesia cũng điều hải quân của nước này ra đó khẳng định chủ quyền và buộc Trung Quốc phải rút lui. Tình trạng trên đã xảy ra nhiều lần.

Vì thế Indonesia hiểu rằng, nếu để cho Trung Quốc tiếp tục hoành hành với đường lưỡi bò và chiến thắng được các quốc gia khác thì sớm hay muộn Indonesia cũng sẽ bị ảnh hưởng và đầu tiên sẽ là khu vực Natuna. Do đó, quyết định của ông Widodo là phù hợp với điều kiện thực tế, vừa đảm bảo quyền lợi của các nước ASEAN vừa bảo vệ quyền lợi của chính Indonesia”, Ths Việt phân tích.

ASEAN thiếu sức mạnh tổng lực

Vị chuyên gia thừa nhận, trước Indonesia đã có nhiều quốc gia cùng lên tiếng và có phản ứng mạnh mẽ trước những gây hấn, gia tăng căng thẳng trên biển Đông của Trung Quốc.

Chẳng hạn như, Philippines đã tiến hành khởi kiện Trung Quốc về đường lưỡi bò lên Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đồng thời kêu gọi các nước đấu tranh với những âm mưu của Bắc Kinh.

Hay như mới đây, Malaysia, một nước vốn bị phụ thuộc vào Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại và đầu tư cũng tuyên bố thẳng thừng rằng cần phải cứng rắn trước các cuộc xâm nhập trên biển trong bối cảnh Trung Quốc bành trướng khắp biển Đông.

Tuy nhiên, một điểm yếu mà Ths Hoàng Việt chỉ ra, đó là các nước ASEAN đấu tranh riêng lẻ, thiếu sức mạnh tổng hợp nên Trung Quốc dễ dàng lợi dụng và tìm cách đối phó.

“Cái khó nhất của ASEAN hiện nay là mỗi nước đều vì lợi ích của riêng mình. ASEAN chia ra làm 3 nhóm. Một nhóm tham gia trực tiếp vào tranh chấp. Nhóm thứ 2 là không tham gia trực tiếp nhưng có ảnh hưởng. Và nhóm thứ 3 là nhóm không có ảnh hưởng liên quan nhiều như: Campuchia, Lào hay Myanmar. Vì thế tiếng nói của ASEAN cũng bị yếu đi”, Ths Việt nhấn mạnh.

Lấy ví dụ về phiên họp giữa Ngoại trưởng các nước ASEAN và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị mới diễn ra tại Côn Minh hôm 14/6, giảng viên trường ĐH Luật TP.HCM phân tích: “Việc ASEAN đưa ra một tuyên bố về biển Đông rồi nhanh chóng rút về cho thấy trong nội bộ khối một mặt nào đó vẫn đang thể hiện trùng trình”.

Theo vị chuyên gia, Trung Quốc đã khôn khéo lợi dụng những mâu thuẫn này của các nước để tìm cách mặc cả, đối phó, thậm chí đưa ra các điều kiện về kinh tế để mua chuộc. Và điều này đã phát huy tác dụng khi mức độ phản đối của các nước ngày càng lớn, nhưng Trung Quốc vẫn gia tăng các hoạt động gây hấn trên biển nhằm mở rộng đường lưỡi bò.

“Trung Quốc lúc nào cũng tuyên bố tuân thủ luật pháp quốc tế trên vùng biển. Nhưng những gì Trung Quốc luôn làm ngược lại luật Quốc tế hết.

 

Trước những hành động gây hấn của Trung Quốc, các nước trong ASEAN cần đoàn kết, bàn kế sách để cùng đối phó.

Như trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về đường lưỡi bò, rõ ràng Manila có quyền đưa ra vụ kiện đúng Luật công ước biển, theo phụ lục 7. Trong điều 288 của Luật công ước biển cũng quy định rằng việc có thẩm quyền đưa ra phán quyết hay không phải do tòa quyết định.

Và ngay sau đó ngày 9/10/2015 tòa PCA đã khẳng định là có thẩm quyền rồi. Thế nhưng cho đến nay Trung Quốc vẫn tuyên bố rằng tòa không có thẩm quyền”, Ths Việt nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, giảng viên ĐH Luật TP.HCM còn chỉ rõ, Trung Quốc đang khôn khéo thực hiện biện pháp mềm nắn, rắn buông và chiến thuật “viễn đàm cận công” để đối phó với các nước ASEAN.

“Với những quốc gia ở gần thì Trung Quốc sẽ tấn công, còn những quốc gia ở xa thì họ sẽ tiến hành đàm phán. Việc Indonesia tuyên bố mạnh mẽ, cứng rắn lần này tôi nghĩ Trung Quốc một mặt sẽ lên tiếng phản đối, nhưng nhiều khả năng Trung Quốc sẽ phải nhượng bộ Indonesia trong lần này.

Tuy nhiên về lâu về dài chắc chắn Bắc Kinh không từ bỏ chiến lược là diệt dần từng quốc gia. Họ làm từ từ và một cách linh hoạt, tùy thuộc vào phản ứng của các nước”, Ths Việt đánh giá.

Đoàn kết bàn kế sách ứng phó Trung Quốc

Trong bối cảnh Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tuyên bố ra phán quyết hôm 12/7 liên quan đến việc Philippines kiện Trung Quốc về đường lưỡi bò trên biển Đông, vị chuyên gia nhận định đang có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này.

“Hiện có rất nhiều lời đồn đoán. Có người cho rằng tòa không ra phán quyết, có ý kiến tòa né tránh và có thể tòa đưa ra phán quyết chung chung cho cả 2 bên. Nhưng cũng có tuyên bố khẳng định phán quyết sẽ có lợi cho Philippines. Vì thế theo tôi có lẽ là chúng ta phải đợi đến lúc đó.

Trong trường hợp, phán quyết nghiêng về phía Philippines thì lúc đó sức ép của các quốc gia lớn như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Canada về nhiều mặt về ngoại giao, về kinh tế về chính trị sẽ lớn hơn rất nhiều”, Ths Hoàng Việt khẳng định.

Dù khá lạc quan trước phán quyết mà tòa PCA sẽ đưa ra trong thời gian tới, nhưng vị chuyên gia nhấn mạnh, trong hoàn cảnh nào thì các nước trong ASEAN cũng phải tự chủ, cùng nhau đoàn kết để bàn kế sách đối phó Trung Quốc.

“Ít nhất ASEAN phải thống nhất với nhau. Các nước liên quan đến biển Đông cần tự mình giải quyết vấn đề tranh chấp còn sự ủng hộ của quốc tế chỉ hỗ trợ thêm thôi”, Ths Việt nói.

Về phía Việt Nam, giảng viên ĐH Luật TP.HCM khẳng định, chúng ta cần phải tích cực hỗ trợ và thúc đẩy tiếng nói chung của ASEAN mạnh mẽ hơn nữa. Đặc biệt khi vị thế của Việt Nam ngày càng phát triển trong khối thì vì chúng ta sẽ có thêm nhiều đóng góp quan trọng hơn.

RELATED ARTICLES

Tin mới