Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiĐÁNH GIÁ CỦA CHUYÊN GIA, NHÀ NGHIÊN CỨU VỀ VỤ KIỆN CỦA...

ĐÁNH GIÁ CỦA CHUYÊN GIA, NHÀ NGHIÊN CỨU VỀ VỤ KIỆN CỦA PHILIPPINES

BienDong.Net: Kể từ khi Philippines chính thức khởi kiện Trung Quốc ra Toà Trọng tài theo Phụ lục 7 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 đến nay đã hơn 4 tháng trôi qua, tiến trình của Toà diễn ra theo đúng trình tự và các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 bất chấp sự phản đối và không hợp tác của Trung Quốc.

Mặc dù vậy, vụ kiện vẫn còn nhiều ẩn số chưa có lời giải do Trung Quốc, bên bị kiện đang tìm mọi cách ngăn cản tiến trình tố tụng của Toà Trọng tài. Các chuyên gia, học giả và giới luật gia đang theo dõi sát diễn biến của vụ kiện và đưa ra nhiều đánh giá khách quan. Trong bài viết này chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của các nhà phân tích về vụ kiện này.

Ông Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Vụ kiện của Philippines đã mở ra một tiền lệ chưa từng thấy, trước đây Trung Quốc đã tìm mọi cách để né tránh thẩm quyền của các tòa, nhưng Philippines đã tìm kiếm được nội dung để đưa được ra Tòa mà không cần sự đồng thuận từ phía Trung quốc. Như mọi người đã biết, diễn biễn cho đến nay là Philippines đã được trình lên Tòa Trọng tài theo phụ lục 7 của Công ước Luật biển 1982; Trung Quốc thì đã chính thức từ chối không tham gia vào phiên tòa; nhưng Chánh án Tòa án Luật biển đã bổ nhiệm xong thành phần Toà Trọng tài gồm 5 trọng tài viên. Đương nhiên, phán quyết của Toà Trọng tài sẽ mở ra một con đường rất mới cho việc giải quyết cấc bế tắc trên Biển Đông gần đây”.

Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học và khoa học phát triển của Đại học quốc gia Hà Nội thì bày tỏ “rất hoan nghênh và cảm phục tinh thần của Philippines trong việc kiện Trung Quốc, bởi vì có thể nói vụ kiện đưa ra một tiền lệ rất tốt. Tôi chắc chắn rằng không có tòa án nào thừa nhận cái “đường lưỡi bò” của Trung Quốc cả, phải nói là quốc tế có đủ tỉnh táo thấy rằng “đường lưỡi bò” không có 1 cơ sở lịch sử pháp lý nào cả; đó là sự vô căn cứ tuyệt đối thì không thể có người ủng hộ được. Việc người ta phủ quyết cái đó thì rất có lợi cho Việt Nam chúng ta cũng như nhiều nước trong cuộc tranh chấp này”.

Ngày 24/4/2013, Toà Trọng tài cho vụ kiện của Philippines được thành lập thì ngày 26/4/2013, Việt Nam đã chính thức bày tỏ quan điểm của mình về vụ kiện của Phi – líppin; khẳng định Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý, lịch sử và thực tế quản lý để khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và các văn bản pháp lý của Việt Nam; Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp hòa bình phù hợp và cần thiết, để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán cũng như các lợi ích quốc gia hợp pháp và chính đáng khác của mình ở Biển Đông phù hợp với Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Sau khi Việt Nam có Tuyên bố chính thức về vụ kiện của Philippines, nhiều nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế đã đưa ra những đánh giá về Tuyên bố này của Việt Nam. Ông Trần Công Trục, tiến sĩ luật, nguyên Trưởng ban Ban Biên giới của Chính phủ đánh giá: Đây là phản ứng tích cực. Qua nội dung của Tuyên bố đó, chúng ta thấy rằng Việt Nam có nhiều quyền và lợi ích liên quan đến Biển Đông và Việt Nam hoàn toàn sẵn sàng áp dụng các biện pháp giải quyết các tranh chấp bằng hòa bình và đương nhiên có nghĩa là có sử dụng đến các cơ quan tài phán quốc tế. Như vậy, Việt Nam cũng rất đồng tình với những điều mà Philippines đã thực hiện và Việt Nam cũng để ngỏ rằng Việt Nam cũng sẽ tiếp tục theo phương án đó để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam trên Biển Đông.

Ông Cathayer Giáo sư Học viện quốc phòng Úc nhận định: Việt Nam đã thể hiện sự đoàn kết hay ủng hộ chính trị đối với quyền của Philippines để đưa vụ kiện ra Toà. Tuyên bố đó có vẻ như nghiêng một chút về việc thể hiện sự cảm thông và thấu hiểu đối với Philippines, nhưng không đi quá xa để gây rắc rối trong nội bộ các nước ASEAN khi có một số nước ASEAN đang đổ lỗi cho Philippines làm như vậy là phá hoại quan hệ với Trung Quốc. Việt Nam tuyên bố rằng là một quốc gia có chủ quyền, sử dụng các biện pháp hoá bình tuân thủ luật pháp quốc tế. Lập trường của Việt Nam giúp Việt Nam đạt được rất nhiều khi Toà bắt đầu phiên xét xử của mình”.

Còn ông Jonathan London, Phó giáo sư Trường đại học Tổng hợp Hồng Kông và ông Murray Hiebert, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á của Mỹ (CSIS) thì cho rằng thái độ của Việt Nam là thận trọng và nên tự tin hơn để tham gia vào vụ kiện của Philippines. Ông Jonathan London nhận định: “Cho đến thời điểm hiện nay, Việt Nam có một bước đi khá là thận trọng, Việt Nam nên tự tin hơn nữa, và có thể trở nên tự tin hơn và tiến lên, và nói một cách nghiêm túc, Việt Nam nên xem xét tham gia cùng với Philippines, hoặc đưa ra một vụ kiện tương tự. Tôi nghĩ hoàn toàn hợp pháp với tư cách là một thành viên của cộng đồng quốc tế để nêu ra yêu sách kiện về tranh chấp đối với vấn đề chủ quyền. Việt Nam nên cảm thấy thoải mái và nên kiếm tìm sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế”.

Ông Murray Hiebert nhận định: “Theo tôi tuyên bố của Việt Nam thể hiện sự ủng hộ đối với vụ kiện Philippines, không mạnh mẽ mà lặng lẽ ủng hộ đối với những gì mà Philippines đang làm đối với Toà Trọng tài. Về mặt nội dung, tôi cho rằng Tuyên bố mà Việt Nam đưa ra khá là thận trọng. Nhưng mọi người đều có thể hiểu vì sao mà Việt Nam phải thận trọng như vậy. Bởi vì Việt Nam có 2000 năm lịch sử sống cạnh của Trung Quốc”.

Cũng trong ngày 26/4/2013, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phát biểu phản đối việc Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Toà Trọng tài. Các học giả quốc tế đã phê phán mạnh mẽ việc làm này của phía Trung Quốc, coi đây như một hành động coi thường luật pháp quốc tế của Trung Quốc, không xứng đáng với một nước lớn, Uỷ viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ông Jonathan London, Phó Giáo sư trường đại học Tổng hợp Hồng Kông cho rằng: “Vấn đề trong tất cả các tuyên bố của Trung Quốc liên quan đến Biển Đông Nam Á đó là, các tuyên bố đó đều dựa trên các thông tin sai lệch, yêu sách sai lầm và các kết luận không hề đúng đắn. Mặc dù Trung Quốc tuyên bố cực kỳ tự tin rằng Trung Quốc bác bỏ các yêu sách của Philippines, trên thực tế, tất cả các lập luận của Trung Quốc chống lại vụ kiện của Philippines là thiếu lo – gic và không dựa trên các sự kiện thực tế. Thật không may rằng xu hướng của Trung Quốc đó là liên tục lặp lại các nguỵ biện về mặt chính sách, sử dụng cái loa để tuyên bố về lập trường và hy vọng cuối cùng các nước trong khu vực sẽ từ bỏ. Vấn đề là các yêu sách của Trung Quốc quá hung hăng và các hành vi của Trung Quốc không thể chấp nhận được đến mức mà các nước khác sẽ không thể đơn giản từ bỏ các yêu sách của mình. Vì vậy nhiệm vụ của Philippines và Việt Nam cũng như các nước khác trong vấn đề này đó là phải thu hút sự chú ý đối với các cơ sở bằng chứng của tranh chấp”.

Ông Cathayer Giáo sư Học viện quốc phòng Úc đã phê phán thẳng thừng thái độ và cách ứng xử của Trung Quốc đối với vụ kiện của Philippines: Tôi cho rằng, bây giờ Toà đã được thành lập và Trung Quốc một lần nữa đặt mình lên trên luật pháp quốc tế. Trung Quốc đã có cơ hội chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi của mình bằng cách tranh luận với Toà vì sao Toà không nên xem xét vụ kiện. Bây giờ thì Toà đã được thành lập và sẽ xem xét vụ kiện. Trung Quốc lại đang nỗ lực để phá hoại nó. Trung Quốc bắt đầu bằng việc cáo buộc Philippines xâm chiếm các đảo của Trung Quốc. Câu hỏi mà tôi muốn đưa ra đó là khi Philippines xâm chiếm các đảo, có ai đang ở đó không? Không ai ở đó cả. Trung Quốc không thể yêu sách đảo mà Trung Quốc chưa hề chiếm và kiểm soát. Ở cuối tuyên bố, Trung Quốc cho rằng Philippines có lập trường mâu thuẫn. Các hành động của Trung Quốc lại cho thấy không hề dựa trên tinh thần của DOC bởi vì sau khi Trung Quốc chiếm các cấu trúc, Trung Quốc tiếp tục xây dựng các công trình ở trên đó nữa. Trung Quốc đặt mình ra ngoài khuôn khổ luật pháp. Điều đó không hề đóng góp tích cực vào việc giải quyết tranh chấp. Bây giờ Trung Quốc lại đưa ra điều kiện rằng cho đến khi DOC được thực hiện, và cho đến khi Philippines thay đổi lập trường, Trung Quốc sẽ không thay đổi. Như vậy chúng ta quay lại giai đoạn 1 trong việc đối phó với Trung Quốc. Nhưng ít nhất bây giờ thì Toà trọng tài sẽ bắt đầu xét xử”.

Còn tại cuộc hội thảo về các khía cạnh pháp lý trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông với chủ đề “Đảo hay bãi đá và những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông” diễn ra tại Thủ đô Washington DC của Hoa Kỳ trong ngày 6/5/2013 vừa qua, một trọng những nội dung được bàn thảo rộng rãi là “Thủ tục trọng tài trong vấn đề Biển Đông”. Hội thảo do Trung tâm Stimson của Mỹ tổ chức với sự tham dự của nhiều học giả, các nhà nghiên cứu và các chuyên gia pháp lý, luật sư hàng đầu thế giới. Liên quan đến vụ kiện của Philippines, các ý kiến tại Hội thảo cho rằng việc làm của Philippines là bước đi tích cực, phù hợp luật pháp quốc tế. Với vụ kiện này, Philippines đã đưa việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông vào khuôn khổ pháp lý. Các Trọng tài viên được bổ nhiệm cho Toà Trọng tài vụ kiện của Philippines được đánh giá là các luật sư có uy tín, nhiều kinh nghiệm, từng là thẩm phán của Toà án quốc tế về Luật Biển (ITLOS) hoặc hành nghề luật sư nên phán quyết của Toà được coi là đáng tin cậy”.

Phát biểu tại Trường Đại học Luật Hồng Công, ông Jerome Cohen, Giáo sư luật New York, một luật sư hàng đầu thế giới về Trung Quốc phê phán mạnh mẽ việc Trung Quốc từ chối tham gia Toà Trọng tài quốc tế giải quyết tranh chấp với Philippines. Ông Cohen cho rằng: “Điều đó (việc không tham gia vụ kiện) làm hình ảnh Trung Quốc xấu đi trong cách nhìn của cộng đồng quốc tế; giờ đây Trung Quốc giống như kẻ bắt nạt vì từ chối giải quyết tranh chấp theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982”.

Nhận xét về Tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc vu cáo “Philippines đang cố gắng sử dụng Toà án để phủ nhận chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc và nhằm ý đồ hợp pháp hoá sự chiếm đóng trái phép các hòn đảo và bãi san hô của Trung Quốc”, ông Jerome Cohen cho rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ đồng ý ra toà bởi vì chính Trung Quốc là kẻ vi phạm luật pháp quốc tế. Ông nói: “Khi anh đã bị xem là vi phạm luật pháp quốc tế thì không bao giờ anh chiến thắng trong cử tri quốc tế; siêu cường cả Mỹ và Trung Quốc cần nhớ rằng họ tuỳ thuộc nhiều vào giới hạn quốc tế cho dù họ không thích giới hạn đó”.

Cho dù Trung Quốc biện hộ thế nào đi chăng nữa thì việc họ khước từ tham gia Toà Trọng tài đã chứng tỏ họ là kẻ bất chính, yêu sách của họ là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý. Xét từ bất cứ góc độ nào thì việc Philippines khởi kiện Trung Quốc cũng đã mở ra một cơ hội mới cho đấu tranh pháp lý trên vấn đề Biển Đông. Công cụ pháp lý là thế mạnh để các nước nhỏ như Việt Nam và Philippines chống lại sự lấn lướt, ép buộc của Trung Quốc, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình ở Biển Đông. Chính phủ Việt Nam đã có phát biểu tỏ quan điểm khá rõ ràng về vụ kiện, ủng hộ việc giải quyết tranh chấp tại cơ quan tài phán quốc tế, bao gồm Toà Trọng tài. Đây là một tín hiệu đáng mừng, song điều cần thiết và quan trọng hơn là Chính phủ Việt Nam cần biến những lời nói đó thành hành động thực tế, nhanh chóng tham gia vào vụ kiện hoặc đơn phương khởi kiện Trung Quốc để cùng Philippines bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước./.

RELATED ARTICLES

Tin mới