Thursday, October 24, 2024
Trang chủBiển ĐôngPháp luật biển30 năm UNCLOS có hiệu lực: Vai trò của cơ chế giải...

30 năm UNCLOS có hiệu lực: Vai trò của cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc

Ngày 16/11/1994, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) chính thức có hiệu lực, xác lập khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương. Một trong những đóng góp quan trọng nhất của UNCLOS đối với sự phát triển của luật biển quốc tế là việc xây dựng được cơ chế toàn diện và bắt buộc để giải quyết các tranh chấp có thể nảy sinh liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Công ước.

Thực tiễn 30 năm qua cho thấy cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS đã từng bước đi vào đời sống, trực tiếp giải quyết nhiều tranh chấp liên quan đến nhiều vấn đề luật biển giữa các quốc gia tại tất cả các khu vực trên thế giới, đóng góp thiết thực vào việc duy trì trật tự pháp lý trên biển dựa trên luật lệ.

Cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của UNCLOS

Theo quy định của UNCLOS, khi phát sinh tranh chấp liên quan đến việc giải thích hoặc áp dụng Công ước, các bên có trách nhiệm trao đổi quan điểm nhằm tìm biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp. Nếu không đạt được thỏa thuận, một bên có quyền đưa tranh chấp ra một trong bốn cơ quan gồm Tòa án Luật biển quốc tế (ITLOS), Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII, hoặc Tòa Trọng tài đặc biệt theo Phụ lục VIII. Bên còn lại có nghĩa vụ tham gia tiến trình giải quyết tranh chấp và chịu sự ràng buộc của quyết định của cơ quan thụ lý, kể cả trong trường hợp không tham gia.

Tính bắt buộc của cơ chế giải quyết tranh tranh chấp của UNCLOS là cơ sở để Philippines đưa tranh chấp Biển Đông với Trung Quốc ra Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII và Tòa ra Phán quyết ngày 12/7/2026 bác bỏ các yêu sách biển của Trung Quốc tại Biển Đông dù Trung Quốc không tham gia tiến trình xét xử.

Các điều ước quốc tế về biển trước năm 1982 hoặc là không có điều khoản về giải quyết tranh chấp, hoặc là quy định về giải quyết tranh chấp chỉ mang tính tùy nghi. Do đó, cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của UNCLOS được xem là một bước tiến của luật biển quốc tế và luật quốc tế về giải quyết tranh chấp.

Thực tiễn 30 năm sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS

Trải qua 30 năm từ khi UNCLOS có hiệu lực, cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS đã xử lý hàng loạt vụ việc liên quan đến nhiều vấn đề pháp lý trên biển

Tại ITLOS, đến nay đã có 33 tranh chấp được Tòa thụ lý, bao gồm nhiều vụ về thả tàu nhanh, nhiều vụ liên quan đến các biện pháp khẩn nhằm bảo vệ quyền của các bên và ngăn chặn thiệt hại môi trường biển. ITLOS cũng đã giải quyết nhiều tranh chấp về phân định biển như vụ phân định Vịnh Bengal giữa Bangladesh và Myanmar – tranh chấp đầu tiên về phân định thềm lục địa mở rộng được giải quyết bởi một cơ quan tư pháp quốc tế, vụ phân định biên biển Đại Tây Dương giữa Mauritius và Maldives – tranh chấp đầu tiên về phân định biển giữa hai quốc gia quần đảo được giải quyết bởi một cơ quan tư pháp quốc tế, hay vụ phân định biển giữa giữa Ghana và Côte d’Ivoire – tranh chấp đầu tiên về phân định biển được giải quyết thông qua Viện đặc biệt của ITLOS.

Nếu các quốc gia thành viên UNCLOS không tuyên bố lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp, Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII được xem là cơ chế mặc định. Đến nay, đã có 15 tranh chấp được Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII giải quyết, trong đó có các tranh chấp phân định biển như vụ phân định giữa Barbados với Trinidad và Tobago, vụ phân định biển giữa Guyana và Suriname và vụ phân định biển ở Vịnh Bengal giữa Bangladesh và Ấn Độ. Tòa Trọng tài phụ lục VII cũng giải quyết nhiều tranh chấp về bảo tồn tài nguyên và bảo vệ môi trường biển như vụ cá ngừ vây xanh phương Nam giữa New Zealand, Australia và Nhật Bản, vụ nhà máy MOX giữa Ireland và Anh, vụ lấn biển giữa Malaysia và Singapore, vụ khu vực bảo tồn biển Chagos giữa Mauritius và Anh; hay các tranh chấp liên quan đến hoạt động của lực lượng chấp pháp và tàu thuyền, như vụ tàu ARA Libertad giữa Argentina và Ghana, vụ tàu Arctic Sunrise giữa Hà Lan và Nga, vụ tàu Enrica Lexie giữa Italy và Ấn Độ, tranh chấp liên quan đến việc giam giữ tàu và lính hải quân Ukraine giữa Ukraine và Nga. Đặc biệt Tòa đã giải quyết nhiều tranh chấp liên quan đến quyền được hưởng vùng biển, quyền và nghĩa vụ của quốc gia ven biển như tranh chấp liên quan đến quyền của các quốc gia ven biển ở Biển Đen, Biển Azov, và Kênh Kerch giữa Ukraine và Nga, và vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong số các tranh chấp đã được đệ trình lên cơ chế bắt buộc của UNCLOS, nhiều tranh chấp liên quan đến các nước châu Á.  ITLOS đã giải quyết 3 tranh chấp liên quan đến Nhật Bản, 2 tranh chấp liên quan đến Úc, 1 tranh chấp liên quan đến Ấn Độ, Malaysia, Singapore và Myanmar. Các Tòa trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS thụ lý 2 tranh chấp liên quan đến Ấn Độ, 1 tranh chấp liên quan đến Trung Quốc và 1 tranh chấp liên quan đến Philippines. Đối với các nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, ITLOS đã xử lý 5 tranh chấp về việc giải thích và thực hiện Công ước liên quan đến Nga, 3 tranh chấp liên quan đến Pháp, 1 tranh chấp liên quan đến Anh. Các Tòa trọng tài theo Phụ lục VII của UNCLOS cũng đã thụ lý 2 tranh chấp liên quan đến Nga, 2 tranh chấp liên quan đến Anh, 1 tranh chấp liên quan đến Trung Quốc.

Về nguyên tắc, các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước sẽ được giải quyết thông qua cơ chế bắt buộc của UNCLOS. Một số trường hợp ngoại lệ có thể không được giải quyết bằng thủ tục tư pháp bắt buộc, nhưng vẫn thuộc phạm vi giải quyết của thủ tục hòa giải bắt buộc. Điều này được chứng minh trên thực tế qua vụ hòa giải biển Timor Sea giữa Timor-Leste và Australia.

Hiệu quả cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS

Hiệu quả của cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS đối với việc thúc đẩy trật tự trên biển dựa trên luật pháp quốc tế còn được thể hiện thông qua việc thực thi quyết định của các bên tranh chấp có liên quan. Theo đó, quyết định của các cơ quan giải quyết tranh chấp UNCLOS về cơ bản đều được các bên tôn trọng. Pháp đã ba lần tham gia thủ tục bắt buộc tại ITLOS và trong cả ba trường, Pháp đều tuân thủ quyết định của ITLOS. Nhật Bản có hai tranh chấp do Nga đệ trình lên ITLOS, trong cả hai vụ, Nhật Bản đều thả tàu theo phán quyết của Tòa.  Đối với vụ nhà máy MOX, hai tuần sau khi ITLOS ban hành biện pháp tạm thời, Ireland và Anh đều đệ trình lên Tòa báo cáo thực thi.  Đối với vụ lấn biển, trên cơ sở quyết định của ITLOS, Malaysia và Singapore đã thành lập nhóm chuyên gia độc lập để xem xét tác động của hoạt động lấn biển của Singapore; khuyến nghị của nhóm chuyên gia đã được hai bên chấp thuận. 

Kể cả trong các tranh chấp nhạy cảm như tranh chấp về phân định biển, phán quyết của các cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS cũng đều được các bên tuân thủ. Trong vụ phân định biển giữa Barbados với Trinidad và Tobago, sau khi Tòa Trọng tài Phụ lục VII ra Phán quyết phân định biển, hai bên đã ra tuyên bố hoan nghênh và khẳng định sẵn sàng thực hiện Phán quyết. Tương tự, trong vụ phân định biển giữa Guyana và Surinam, sau khi Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII ra Phán quyết, hai bên đều khẳng định chấp nhận Phán quyết của Tòa.  Đối với tranh chấp liên quan đến phân định biên giới biển ở Vịnh Bengal giữa Bangladesh và Myanmar và giữa Bangladesh và Ấn Độ, tất cả các bên đều tuyên bố sẽ thực thi Phán quyết. Trong vụ Ghana v. Côte d’Ivoire, ngay sau khi Viện đặc biệt của ITLOS ra Phán quyết phân định biển, hai nước đã ban hành Thông cáo chung, nhấn mạnh Phán quyết của Tòa đã củng cố quan hệ giữa hai nước, khẳng định hai nước chấp nhận và tuân thủ quyết định.

Ngay cả trong tranh chấp về phân định biển được đưa ra trước Ủy ban Hòa giải vốn không có tính ràng buộc, các bên liên quan cũng cam kết tuân thủ khuyến nghị của Ủy ban. Ngày 26/9/2016, Australia tuyên bố chấp nhận quyết định về thẩm quyền của Ủy ban Hòa giải.  Năm 2018, một hiệp ước về phân định biên giới biển đã được các bên ký kết theo khuyến nghị của Ủy ban Hòa giải.

Ý nghĩa của cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS trong trường hợp một bên không tuân thủ

Thực tế cho thấy cũng có một số ít trường hợp nước lớn đã không tuân thủ phán quyết của các cơ quan giải quyết tranh chấp của UNCLOS, nổi bật là vụ kiện trọng tài Biển Đông, trong đó Trung Quốc nhiều lần tuyên bố Phán quyết là vô hiệu, không có giá trị pháp lý. Tuy nhiên, kể cả trong trường hợp này, quyết định của các cơ quan tài phán của UNCLOS cũng không phải là vô nghĩa.

Về pháp lý, quyết định có giá trị ràng buộc của các cơ quan tài phán UNCLOS đã làm rõ nhiều câu hỏi liên quan đến tranh chấp Biển Đông. Chẳng hạn, Phán quyết đã lần đầu tiên giải thích và áp dụng Điều 121(3) liên quan đến quyền được hưởng vùng biển của đảo đá, kết luận không có cấu trúc nổi nào ở Trường Sa có vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa riêng. Phán quyết đã khẳng định tính bất hợp pháp của yêu sách “quyền lịch sử” trong “đường đứt đoạn”. Phán quyết cũng làm rõ quốc gia lục địa không có quyền yêu sách đường cơ sở thẳng đối với quần đảo ngoài khơi.

Với Phán quyết của Toà Trọng tài Phụ lục VII, bối cảnh pháp lý của tranh chấp Biển Đông đã trở nên rõ ràng hơn. Các kết luận của Tòa đã làm sáng tỏ giới hạn của vùng biển mà Trung Quốc có thể hưởng ở phía Nam Biển Đông, thu hẹp rất đáng kể phạm vi vùng biển tranh chấp tại quần đảo Trường Sa; hệ quả là tất cả các hoạt động hoặc tuyên bố của Trung Quốc ở những khu vực không chồng lấn thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các quốc gia ven biển khác tại Biển Đông đều không có giá trị pháp lý.

Trên thực tế, chính quyền Philippines cho biết Phán quyết đã tạo đòn bẩy, tăng vị thế pháp lý của Philippines, củng cố lập trường pháp lý của Philippines trong tranh chấp Biển Đông. Phán quyết được nhiều nước trong và ngoài khu vực viện dẫn để thể hiện lập trường liên quan đến những diễn biến phức tạp ở Biển Đông. Phán quyết cũng là cơ sở để nhiều nước lưu hành Công hàm tại Liên hợp quốc thể hiện lập trường về vấn đề Biển Đông, bác bỏ các yêu sách biển không phù hợp với UNCLOS, thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Kết luận

Thực tiễn sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS trong 30 năm qua kể từ khi UNCLOS có hiệu lực đã xác nhận tính chất bắt buộc và hiệu quả của cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS. Bằng việc phê chuẩn và trở thành thành viên UNCLOS, các quốc gia đã tự nguyện chấp thuận từ trước các cơ chế giải quyết mang tính bắt buộc của Công ước, do đó, việc một bên đơn phương đưa tranh chấp ra giải quyết tại một cơ quan tài phán đã được Công ước trù định là hoàn toàn phù hợp với “nguyên tắc chấp thuận” trong việc giải quyết tranh chấp quốc tế giữa các nước.

Các thủ tục bắt buộc của UNCLOS là khá toàn diện vì bao gồm hầu như đầy đủ các cơ quan tài phán mà các bên tranh chấp có thể lựa chọn sử dụng để giải quyết tranh chấp. Trong một số ít trường hợp, Phán quyết của cơ chế giải quyết tranh chấp không được các bên tuân thủ đầy đủ, nhưng vẫn mang lại giải pháp có tính công bằng, khách quan, ràng buộc, chung thẩm, góp phần củng cố lập luận, hỗ trợ các biện pháp đấu tranh ngoại giao, chính trị và tuyên truyền, tạo thêm thế và lực cho các quốc gia vừa và nhỏ trong việc tìm kiếm giải pháp lâu dài, bền vững, công bằng trong tranh chấp với các nước lớn có ưu thế vượt trội về chính trị, quân sự, kinh tế và tầm ảnh hưởng. Với chế định giải quyết tranh chấp bắt buộc được quy định tại Phần XV, UNCLOS đã tạo ra một “sân chơi” bình đẳng qua đó tất cả các quốc gia dù lớn hay nhỏ đều bị ràng buộc bởi cùng một khung pháp lý và đều có thể sử dụng cơ chế của UNCLOS để giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước trên cơ sở luật pháp quốc tế nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng của mình theo Công ước. Kể cả  châu Á, khu vực thường được xem là “vùng trũng” về giải quyết tranh chấp bằng biện pháp tư pháp, cũng đã có nhiều tranh chấp được đệ trình lên các thủ tục bắt buộc của UNCLOS. Điều này cho thấy, khi mà việc giải quyết tranh chấp biển được quy định cụ thể thông qua cơ chế bắt buộc của UNCLOS, ngày càng có nhiều quốc gia sử dụng cơ chế giải quyết tranh chấp của UNCLOS để giải quyết tranh chấp, qua đó ngăn ngừa xung đột, duy trì hòa bình, ổn định, phát triển và trật tự trên biển dựa trên luật pháp quốc tế.

Song An

RELATED ARTICLES

Tin mới