Sunday, November 24, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiPhép thử trật tự châu Á cho tân Tổng thống Mỹ

Phép thử trật tự châu Á cho tân Tổng thống Mỹ

Phán quyết của PCA là cơ sở để Mỹ thực hiện trách nhiệm trong việc ngăn chặn các hoạt động hiếu chiến vẫn đang diễn ra của Trung Quốc.

Trung Quốc và Biển Đông sẽ là phép thử cho Tổng thống Mỹ kế nhiệm ông Obama.

Ngay trong ngày khai mạc Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa, Mỹ, Thời báo The Washington với số báo đưa tin về sự kiện đặc biệt trên đã cho đăng bài phân tích trách nhiệm của Trung Quốc trong việc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở La Hay vừa được công bố hôm 12/7 vừa qua, đồng thời nhấn mạnh việc Trung Quốc thách thức luật pháp quốc tế tại châu Á sẽ là phép thử cho Tổng thống Mỹ kế nhiệm ông Obama.

Theo bài báo, phán quyết mang tính bước ngoặt của PCA là cơ sở để Mỹ thực hiện trách nhiệm trong việc ngăn chặn các hoạt động hiếu chiến vẫn đang diễn ra của Trung Quốc. Vì Mỹ biết rằng Trung Quốc đã và đang thách thức trật tự quốc tế được Mỹ thiết lập từ hơn 70 năm qua và việc tái cam kết, tôn trọng quyền tự do đường thủy và đường không tại Biển Đông là điều vô cùng quan trọng.

Cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới sẽ tạo cơ hội cho ứng viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump lấy lại niềm tin của các quốc gia trong khu vực vào Mỹ, nơi Mỹ đã thể hiện sự hiện diện về an ninh từ Thế chiến thứ 2.

Theo truyền thông Mỹ, Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa cùng với ứng viên đại diện không chỉ nên kêu gọi Trung Quốc tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế, mà còn nên đưa ra tuyên bố tăng cường các hoạt động của lực lượng hải quân Mỹ nhằm thực thi các “hoạt động tuần tra tự do” hàng hải và hàng không.

Cũng theo truyền thông Mỹ, điều quan trọng hơn đối với các lãnh đạo Quốc hội Mỹ đó là nên bỏ qua tư tưởng đảng phái chính trị để tập trung vào lợi ích quốc gia. Bước đi đầu tiên sau phán quyết Mỹ nên làm là ký tham gia Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). UNCLOS được thông qua năm 1982 là cơ sở để quản lý các đại dương, 162 quốc gia trong đó có Trung Quốc đã tham gia ký kết. Tuy nhiên Mỹ vẫn chưa tham gia ký kết.

Việc tuyên bố tham gia UNCLOS sẽ giúp Mỹ có được sự tự tin và tín nhiệm trong lời nói. Đảng Cộng hòa cần đảm bảo thực thi các hiệp ước quân sự đã ký với các đối tác ở châu Á.

Nếu ký tham gia UNCLOS, Mỹ sẽ có cơ sở vững chắc hơn trong việc thực thi các hoạt động tuần tra tự do và không trái với các chương trình quan trọng do Mỹ khởi xướng như Sáng kiến an ninh phổ biến.

Việc ký UNCLOS cũng cho phép Mỹ có chỗ dựa pháp lý để kiện bất kỳ bên tuyên bố nào ra các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế, tránh được khả năng đối đầu với các lực lượng hải quân, tàu cá bán quân sự của Trung Quốc xung quanh các đảo tại Trường Sa có tranh chấp.

Hơn thế nữa, UNCLOS cũng tạo kênh hợp tác chính thức giữa Mỹ với các quốc gia khác, bởi hầu hết các quốc gia đồng minh, hàng xóm và bạn bè của Mỹ đều đã tham gia công ước.

Việc lãnh đạo Đảng Cộng hòa tái đặt trọng tâm vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ là thông điệp rõ ràng tới Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực về cam kết đối với nền dân chủ, sự tôn trọng luật pháp đồng thời làm giảm căng thẳng.

Trung Quốc sợ Trump hay Clinton?

Từ khi bắt đầu ra tranh cử tổng thống Mỹ, ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump đã có những tuyên bố rất cứng rắn đối với Trung Quốc.

Theo ông Trump, để có thể dồn ép, buộc Trung Quốc phải trả giá cho những hành động phiêu lưu trên biển, Mỹ phải “tăng cường sức mạnh quân sự và triển khai sức mạnh đó một cách thích hợp đến Biển Đông và Hoa Đông”.

Ông Trump cho rằng những hành động này sẽ “ngăn cản chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc xâm phạm đến lợi ích của Mỹ ở châu Á”, nhấn mạnh rằng “sự hiện diện quân sự mạnh sẽ là dấu hiệu rõ ràng cho Trung Quốc và các nước châu Á cũng như toàn thế giới rằng Mỹ đã trở lại với vai trò lãnh đạo toàn cầu”.

Tuy nhiên, Tim Daiss, chuyên gia phân tích địa chính trị châu Á – Thái Bình Dương, nhận định rằng dù có những tuyên bố đao to búa lớn như vậy, giải pháp mà ông Trump đưa ra – nếu có thể gọi đó là giải pháp – sẽ không hề dễ dàng trong việc răn đe và ngăn chặn các hành động của Trung Quốc trên những vùng biển tranh chấp tại châu Á.

Trong khi đó, rất rành về chính sách đối ngoại, có kinh nghiệm đối phó với Bắc Kinh và lập trường cứng rắn về Biển Đông là những yếu tố khiến bà Hillary Clinton là cái gai trong mắt Trung Quốc.

Tại Diễn đàn ASEAN về vấn đề Biển Đông năm 2010, bà Clinton nhấn mạnh, Washington không tham gia vào vấn đề tranh chấp chủ quyền, nhưng khẳng định Mỹ có lợi ích tại Biển Đông gồm lợi ích quốc gia trong vấn đề tự do hàng hải, cách tiếp cận mở trước các vấn đề chung về hàng hải ở châu Á và tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông.

Ngoại trưởng Mỹ khi đó nhấn mạnh, “đường 9 đoạn” nuốt gần trọn Biển Đông mà Trung Quốc vẽ ra là tuyên bố “bất hợp pháp”.

Khi nghe bà Clinton phát biểu, Ngoại trưởng Trung Quốc Dương Khiết Trì lúc bấy giờ nóng mặt và tỏ thái độ giận dữ tới mức vùng vằng rời diễn đàn. Ông này tỏ thái độ lỗ mãng khi nói rằng: “Trung Quốc là một nước lớn và các nước khác đều nhỏ. Đó là sự thật”.

Theo Diplomat, các nhận định của cựu ngoại trưởng Mỹ về Biển Đông đã tạo tiền đề để vấn đề này liên tục được đề cập tại mỗi cuộc họp ASEAN những năm qua. Trung Quốc từng nhiều lần lớn tiếng nói rằng Diễn đàn ASEAN không phải là nơi thích hợp để bàn về tranh chấp Biển Đông.

Lập trường cứng rắn của bà về Biển Đông khiến nhiều nhà phân tích Trung Quốc kết luận, Clinton chứ không phải ông Obama là “chủ mưu” sau “sự can thiệp” của Mỹ ở Biển Đông.

Trong bài viết về chính sách đối ngoại của Mỹ America’s Pacific Century (Tạm dịch: Thế kỷ Thái Bình Dương của nước Mỹ) năm 2011, bà Clinton vạch rõ phần khung của chiến lược tái cần bằng và thể hiện sự quan tâm đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Bắc Kinh cho rằng đây là một nước cờ khó ưa nhằm “kìm hãm” bước tiến Trung Quốc. Từ đó, Bắc Kinh đặc biệt lưu tâm tới nhân vật được coi là “kiến trúc sư” của chiến lược tái cân bằng.

RELATED ARTICLES

Tin mới