BienDong.Net: Trung Quốc đã thực hiện bước đột phá về cung cấp năng lượng trong vịnh Bengal khi hơi đốt bắt đầu được đưa đến Trung Quốc theo đường ống dẫn mới do Trung Quốc xây dựng chạy qua lãnh thổ Myanmar từ hôm thứ Hai 29.7.
Theo một bài viết trên tờ “Hoàn cầu Thời báo” đường ống này sẽ giúp Trung Quốc giảm bớt lệ thuộc vào nguồn cung cấp hydrocarbon thông qua eo biển Malacca nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.Từ vài năm nay, đường ống dẫn khí đốt dài 793 km này đã gây chú ý trong công luận trong bối cảnh các nước phương Tây, Nhật Bản và Hoa Kỳ cố gắng hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc tại Myanmar.
Nhà phân tích tình hình Trung Quốc – Myanmar U Aung Kyaw Zaw nói dự án đường ống vận chuyển nhiên liệu này là vấn đề sinh tử đối với Bắc Kinh.
Chính phủ sự Myanmar trước đây đã cho phép xây các đường ống dẫn này, bất chấp sự chỉ trích ở trong nước vì nó không giúp giải quyết nhu cầu năng lượng nội địa của Myanmar và vấn đề chiếm đất.
U Hla Swe, Tổng Thư Ký Ủy ban Tài nguyên Thiên Nhiên và Hầm Mỏ của Quốc Hội nói rằng chính phủ mới tại Rangoon cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ vấn đề này.
Mặc dù vậy, Wong Aung, thuộc một tổ chức theo dõi môi trường và khí đốt nói rằng dự án đường ống dẫn khí đốt này vẫn còn cần phải minh bạch hơn nữa.
Trước sức ép của dư luận, ngày 28.7, Trung Quốc lần đầu tiên công bố về việc thu hút đầu tư của Hàn Quốc và Ấn Độ vào đề án. Xét cho cùng, đó là điều kiện của Myanmar bởi lẽ Trung Quốc có thể tự tài trợ việc xây dựng đường ống. Dư luận cho rằng có thể Myanmar không muốn ảnh hưởng gia tăng của Bắc Kinh hiển thị rõ như vậy, đặc biệt trong con mắt của New Delhi, và họ đã yêu cầu quốc tế hóa đề án xây dựng.
Tuy nhiên, như được biết, Trung Quốc đã đạt được toàn quyền kiểm soát việc vận chuyển khí đốt từ vịnh Bengal đến Côn Minh.
Cùng với đường ống dẫn khí, Trung Quốc còn xây dựng đường ống dẫn dầu song hành từ cảng biển của Myanmar đến tỉnh Vân Nam. Nhiên liệu sẽ được vận chuyển bằng tàu chở dầu từ Châu Phi và Trung Đông đến đây và từ mùa thu này, dầu sẽ được bắt đầu bơm vào đường ống, giúp Trung Quốc tránh được việc phải chuyên chở nhiên liệu bằng tàu qua kênh đào Panama và Biển Đông. Theo thiết kế, đường ống khí đốt sẽ đưa 12 tỉ mét khối khí đốt tới Trung Quốc mỗi năm, còn đường ống dẫn dầu sẽ có thể vận chuyển 22 triệu tấn dầu thô mỗi năm theo hợp đồng có thời hạn 30 năm và có thể gia hạn thêm. Hiện tại, 80% lượng nhiên liệu nhập khẩu của Trung Quốc phải chuyên chở qua eo biển Malacca. Khi hệ thống đường ống mới đi vào hoạt động, nó sẽ giúp cung cấp 1/3 lượng nhiên liệu nhập khẩu của Trung Quốc.
Đường ống dẫn dầu có khả năng vận chuyển khoảng 22 triệu tấn/năm
Các đề án dầu khí là trọng tâm trong sự hợp tác Trung Quốc – Myanmar. Chuyên viên Valery Kistanov từ Viện Nghiên cứu Viễn Đông của Nga nói: “Trung Quốc bắt đầu tích cực thâm nhập vào Myanmar kể từ khi chế độ của nước này đã bị cô lập, và không tiếp xúc với phương Tây trong một thời gian dài. Trung Quốc đã cung cấp viện trợ kinh tế, giúp xây dựng cơ sở hạ tầng. Kết quả là, Myanmar đã trở thành một trong những trụ cột trong hoạt động kinh tế của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Bây giờ Bắc Kinh sẽ nhận khí đốt và dầu mỏ bằng đường bộ qua Myanmar chứ không phải thông qua eo biển Malacca do Mỹ kiểm soát. Tại Myanmar, Trung Quốc đang xây dựng cảng nước sâu, một yếu tố rất quan trọng để đảm bảo sự hiện diện của Trung Quốc ở vùng Ấn Độ Dương cũng như bảo đảm sự thành công của chiến lược trở thành một cường quốc lớn về hàng hải”.
Báo chí Ấn Độ nhận xét: Các đường ống dẫn hơi đốt và dầu lửa này là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang thực hiện giấc mơ mở cửa các tỉnh tây nam của họ xuống Ấn Độ dương. Trung Quốc đang tiến gần tới việc thiết lập cái mà một số học giả Trung Quốc mô tả là Chiến lược hai đại dương của Bắc Kinh – tức là việc kiểm soát về hải quân đối với cả Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.
Theo Đài Tiếng nói nước Nga, Phương Tây nhận thức được rằng, họ đã lỡ dịp khi Trung Quốc thực hiện bước nhảy đến Myanmar, và từ đó đến Ấn Độ Dương. Hiện nay, phương Tây đang cố gắng bắt kịp sự thành công của Trung Quốc. Đó là lý do tại sao Mỹ và Nhật Bản rất vui lòng đón tiếp Tổng thống Myanmar. Mới đây các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Myanmar đã thực hiện các chuyến thăm đầu tiên trong mấy những thập kỷ qua tới London và Paris. Rõ ràng, Trung Quốc giờ đây không còn là tay chơi duy nhất ở Myanmar.
Hoa Kỳ muốn sử dụng Myanmar trong cuộc chơi chống Trung Quốc. Đó là ý kiến của chuyên viên Pavel Zolotarev, Phó Giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ và Canada: “Ở Myanmar biểu hiện rõ các lợi ích địa chính trị của Mỹ liên quan đến cuộc đối đầu với Trung Quốc, với mục đích kiềm chế sức mạnh ngày càng tăng của Bắc Kinh. Mỹ cố gắng xây dựng quan hệ với các quốc gia trong khu vực để trong trường hợp cần thiết nhận được sự hỗ trợ của họ, hoặc ít nhất sự trung thành. Vì những lý do đó họ đang củng cố quan hệ với Việt Nam và Ấn Độ, và bây giờ cả với Myanmar”.
Để cạnh tranh với Trung Quốc ở Myanmar, Hoa Kỳ và các nước phương Tây khác dựa vào phong trào nhân quyền địa phương. Trên thực tế, đó là lực lượng đối lập với chính quyền Myanmar. Các nhà lãnh đạo của phong trào này được mời đến Nhà Trắng, đến thủ đô của các nước khác, nghe được những lời khen hào phóng. Đáp lại điều đó, những người này luôn có thể nói lên những luận đề chống Trung Quốc. Không loại trừ khả năng, các cuộc biểu tình của người dân địa phương phản đối đề án xây dựng các đường ống dẫn dầu khí đã bị phương Tây kích động.
Vấn đề là ở chỗ: nông dân yêu cầu bồi thường công bằng cho các khu đất nông nghiệp bị thu hồi để xây dựng các đường ống. Người dân Myanmar cũng phẫn nộ với thực tế rằng, dầu mỏ và khí đốt sẽ được vận chuyển qua lãnh thổ nước họ đến Trung Quốc, trong khi họ sẽ tiếp tục nấu ăn bằng củi. Đáp lại điều đó, Trung Quốc đang xây dựng các trường học và bệnh viện, thực hiện các hoạt động từ thiện khác. Hoạt động này làm dịu đi phần nào làn sóng phản đối, nhưng không giải quyết vấn đề.
TS Yhome, làm việc tại Observer Research Foundation, ở New Delhi nhận xét: Các đường ống dẫn dầu khí ở Myanmar đóng vai trò rất quan trọng đối với Bắc Kinh xét trên bối cảnh Mỹ đang chiếm ưu thế áp đảo trong khu vực. Tuy nhiên, lợi thế chiến lược mà Bắc Kinh giành được với các đường ống dầu khí này về lâu về dài phụ thuộc vào diễn biến tình hình ở Myanmar và vào mối quan hệ của Trung Quốc với Myanmar.
BDN (theo EastAsia Forum, Vor và VOA)