Trong hội nghị thượng đỉnh Trung-Nga bên lề G-20 vào đầu tháng 9 tới, Bắc Kinh và Moscow có thể thành lập một tòa án quốc tế cho khu vực Âu – Á.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin
Thông tin trên được tờ Tin tức Tham khảo, một phụ san của Tân Hoa xã đưa ra hôm 6/8.
Trước đó một ngày, tờ Sputnik của Nga dẫn lời Quế Tòng Nhân, Vụ trưởng Vụ châu Á thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Putin đề xuất ý tưởng xây dựng “quan hệ đối tác đại Âu – Á”.
Theo ông Quế, Trung Quốc và Nga là hai nước lớn ở hai châu lục Á – Âu, hai nước láng giềng và hai nước thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nên có vai trò đặc biệt trong đảm bảo chiến lược an ninh và phát triển cân bằng trong phạm vi toàn cầu.
Đáp lại sự ủng hộ của Bắc Kinh về mặt kinh tế, Moscow đã có những cử chỉ đáp lễ, bao gồm cuộc tập trận chung ở Biển Đông.
Mặc dù Nga không công khai ủng hộ Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nhưng vì Tòa Trọng tài quốc tế hủy bỏ đường lưỡi bò hôm 12/7, Trung Quốc và Nga có thể sẽ đưa ra đề xuất thành lập một “tòa án quốc tế cho khu vực Á – Âu, độc lập với phương Tây”.
Theo Sputnik News, mặc dù hợp tác với Trung Quốc phải hết sức cẩn thận, nhưng nếu không hợp tác với Trung Quốc thì tổn thất của Nga càng lớn. Xây dựng không gian kinh tế lục địa Á – Âu không thể thiếu Trung Quốc mà cũng không thể thiếu Nga.
Thông tin Nga-Trung có thể lập tòa án quốc tế Á-Âu có lẽ chỉ là đòn gió, một con bài chính trị mà Moscow và Bắc Kinh định lợi dụng để mặc cả với Washington mà thôi, không có ý nghĩa nhiều trong thực tế. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, nếu đề xuất trên xuất phát từ Nga thì đó sẽ là một thất sách bởi Moscow sẽ ngày càng phụ thuộc vào Bắc Kinh.
Còn nhớ hồi tháng 3/2016, Trung Quốc thậm chí còn có kế hoạch thành lập trung tâm tòa án hàng hải quốc tế nhằm bảo vệ chủ quyền và quyền trên biển mà nước này tự nhận là của mình.
Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc Zhou Qiang cho biết, có khoảng 16.000 vụ kiện hàng hải mà các tòa án Trung Quốc thụ lý hồi năm ngoái, nhiều nhất thế giới. Ông cũng nói rằng Trung Quốc là nước có số lượng tòa án hàng hải nhiều nhất thế giới.
Trung Quốc có tranh chấp với Nhật Bản quanh chuỗi đảo ở biển Hoa Đông và tuyên bố chủ quyền với hầu hết biển Đông.
Trung Quốc cũng liên tục có hành động gây căng thẳng tại biển Đông, quân sự hóa các đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp trái phép.
HIện chưa rõ trung tâm này sẽ bắt đầu hoạt động khi nào, tại đâu và sẽ tiếp nhận các loại vụ việc nào.