Theo nhà chính trị học của Nga, GS Dmitry Mosyakov, thực chất Nga đã công nhận phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài thường trực (PCA) hôm 12/7.
Trả lời phỏng vấn đài Sputnik, GS Dmitry Mosyakov phản bác lại ý kiến cho rằng, thông qua việc tập trận chung với Trung Quốc, Nga thể hiện sự ủng hộ đối với lập trường của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Ông cho biết: “Khác với Trung Quốc, trên thực tế, Nga đã công nhận phán quyết Biển Đông của Tòa Trọng tài La Haye và đã thay đổi lập trường trước đây.
Tại Diễn đàn Nga-ASEAN ở Sochi hồi tháng 5/2016, có ý kiến nói rằng các bên xung đột nên tự giải quyết vấn đề của mình. Ngày 12/7 xuất hiện phán quyết (về vụ kiện Biển Đông) của Tòa Trọng tài La Haye và sang ngày 13/7, đại diện chính thức của Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố Nga chống lại sự can thiệp từ bên ngoài vào cuộc xung đột, nhưng tán thành giải quyết tranh chấp trên cơ sở pháp lý quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển.
Đó là thay đổi rất quan trọng và rõ ràng trong lập trường của Liên bang Nga”.
Giáo sư Mosyakov nói rằng cuộc tập trận hải quân chung mà Nga và Trung Quốc sẽ tổ chức ở Biển Đông vào tháng 9 không có liên quan gì và không ràng buộc với tình hình tại khu vực này.
Những cuộc thao diễn quân sự tương tự ở khu vực Biển Đông đã từng được tiến hành và cuộc tập trận sắp tới cũng đã được lên kế hoạch từ trước khá lâu và tuyệt nhiên không phải là một tín hiệu hay dấu hiệu nào đó. Dù sao đi chăng nữa, nó cũng gây bức xúc trong khu vực.
Trên đây là quan điểm của học giả Nga về phản ứng của Nga đối với phán quyết của PCA về Biển Đông.
Thực tế, hôm 14/7, hai ngày sau khi PCA ra phán quyết, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga – bà Maria Zakharova cho biết, nước này không có ý định tham gia và đứng về phía nào trong tranh chấp ở Biển Đông.
“Quan điểm nhất quán và không thay đổi của Nga: chúng tôi vui mừng khi thấy các quốc gia liên quan trong vụ tranh chấp lãnh thổ trên biển tuân thủ nghiêm ngặt việc không sử dụng vũ lực và tiếp tục hướng tới giải pháp chính trị – ngoại giao trên cơ sở luật quốc tế, trước hết là Công ước LHQ về Luật biển 1982”, bà Zakharova khẳng định.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga khẳng định Moskva ủng hộ nỗ lực của các quốc gia ASEAN và Trung Quốc về việc lập ra quy tắc ứng xử ở biển Đông.
“Nga không tham gia vào vụ tranh chấp lãnh thổ này và cũng sẽ không bị kéo vào hay đứng về phía nào. Chúng tôi tin rằng các bên liên quan phải tổ chức tham vấn và đàm phán theo cách họ tự xác định”, bà Zarakhova nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, bà Zarakhova cũng đánh giá cao vai trò của Công ước (Liên Hiệp Quốc về luật biển) trong việc đảm bảo quyền tối cao của pháp luật trong vấn đề biển đảo.
“Điều quan trọng là các quy định của điều ước quốc tế này phải được áp dụng nhất quán”, bà Zakharova nói thêm.
Như vậy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga không đề cập gì đến phán quyết của PCA về Biển Đông. Điều đó cho thấy Moscow muốn đứng trung lập trong vấn đề Biển Đông.
Một số chuyên gia cho rằng, tuyên bố trung lập của Nga làm Trung Quốc cảm thấy “thất vọng” khi bị chính “đối tác chiến lược” của mình không lên tiếng ủng hộ.
Lý giải cho quan điểm trung lập của Nga, trước khi PCA ra phán quyết, tờ Philnews dẫn bài viết của phóng viên Mu Chunshan – làm việc cho tạp chí The Diplomat – nêu một số lí do.
Theo đó, khác với mối quan hệ Philippines-Mỹ, Trung Quốc và Nga vốn không phải là quan hệ đồng minh. Không có bản hiệp ước cam kết nào giữa hai nước giống như Mỹ – Philippines, hay Mỹ – Nhật Bản mà buộc một bên phải hỗ trợ quân sự, chính trị cho bên còn lại. Nói tóm lại, giữa Trung Quốc và Nga chỉ là quan hệ đối tác chiến lược và không có bất cứ sự ràng buộc nào.
Thứ hai, Nga muốn giữ mối quan hệ tốt đẹp với những quốc gia tiếp giáp với Biển Đông. Không thể chỉ vì công khai lên tiếng ủng hộ một mình Trung Quốc mà Nga trở thành kẻ thù của những nước Đông Nam Á.
Cuối cùng, chính tham vọng bành trướng của Trung Quốc cũng khiến Nga lo ngại. Người Nga luôn e ngại với tham vọng và tốc độ phát triển của Trung Quốc như hiện nay, sẽ có lúc khu vực Viễn Đông nước Nga cũng bị người Trung Quốc “nhòm ngó”, đem theo phần lãnh thổ cùng tài nguyên thiên nhiên phục vụ cho Trung Quốc.